Dấn thân: Phương thức sống của kẻ sĩ

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần thì Nguyễn Trãi ra thi Thái học sinh với nhà Hồ, Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi và làm quan với nhà Mạc, khi Quang Trung ra Bắc lần thứ hai thì Ngô Thì Nhậm theo Quang Trung rồi làm tới chức Thượng thư của triều đại Tây Sơn, khi quân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ thì Hồ Huân Nghiệp ra làm Tri phủ Tân Bình trong chính quyền kháng chiến của Trương Định: trong hành động rất khác nhau của những người trí thức này đều có một dáng vẻ đồng nhất được quy định bởi phương thức tư duy đã đưa tới cung cách ứng xử “bất chấp lời khen chê, bất kể chuyện lợi hại” của họ. Có thể nói một phương thức sống phổ biến của kẻ sĩ xưa nay là dấn thân.

Cần minh định về khái niệm kẻ sĩ. Không ai phủ nhận kẻ sĩ là trí thức, nhưng nếu nói trí thức là kẻ sĩ thì chắc nhiều người sẽ không đồng tình. Điều này có nguyên nhân lịch sử, vì khái niệm sĩ (học trò) trong thang bậc tứ dân sĩ nông công thương của các quốc gia Nho giáo trước đây mang một nội dung không giống như trí thức hiểu theo nghĩa đơn thuần là người có học thức. Nếu chia các hoạt động xã hội của con người thành năm kiểu (lĩnh vực) cơ bản là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý, giao tiếp và tái sản xuất sinh học – xã hội theo tiêu chí sự phân công lao động xã hội thì kẻ sĩ ở các quốc gia Nho giáo trước đây thuộc hai lĩnh vực sản xuất tinh thần và quản lý xã hội, trong đó quản lý xã hội được coi như thiên chức hàng đầu chi phối tất cả tư tưởng và tình cảm, quy định toàn bộ động cơ học tập và mục tiêu học nghiệp của họ. Và đi theo cái học tế thế kinh bang ấy, kẻ sĩ cũng dần dần nhất hóa hoạt động sống của mình vào với lý tưởng Vì đời.
Mọi hoạt động dấn thân bắt đầu từ đó. Ngay cả ở những người được gọi là ẩn sĩ, cũng dễ dàng tìm thấy các bằng chứng về sự dấn thân. Trang Chu câu cá trên sông, vua Sở sai sứ giả tới mời về làm quan, ông nói “Ta nghe trong Thái miếu nước Sở có cái mai của con thần quy sống ba ngàn năm, khi có việc lấy ra bói thì rất linh nghiệm. Con thần quy ấy thà sống để kéo lê đuôi trong bùn hay chết đi để cái mai được người ta thờ phụng?”. Sứ giả nói “Thà sống mà kéo lê đuôi trong bùn còn hơn”. Trang Chu nói “Ngươi về đi. Ta cũng muốn kéo lê đuôi trong bùn”. Phía sau thái độ minh triết bảo thân ấy là cả một sự khinh bỉ bất hợp tác đối với kẻ cầm quyền, và người ẩn sĩ Trang Chu ở đây đã không hề vô vi khi công nhiên dấn thân cho một lý tưởng. Gia Cát Khổng Minh ẩn cư ở Nam Dương nhưng khi Lưu Bị tam cố thảo lư thì ông trình bày rành rẽ đường lối cát cứ Lưỡng Xuyên, mà còn đem bản đồ Trung Quốc ra để minh họa. Một kẻ ở ẩn không màng tới thế sự thì cần gì phải lưu trữ bản đồ, cần gì phải tính toán việc tam phân thiên hạ? Không lạ gì mà sau khi ra giúp Lưu Bị ông lại “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Có thể nói trong đại bộ phận trường hợp ẩn sĩ xưa nay, ở ẩn chỉ là một cách thức chờ đợi thời cơ hay một phương sách bày tỏ thái độ. “Kẻ đại ẩn ẩn ở chợ búa, kẻ tiểu ẩn ẩn ở sơn lâm, kẻ trung ẩn ẩn ở triều đình”, nhưng ngay một kẻ trung ẩn như Đông Phương Sóc làm quan lang đời Hán Vũ Đế thường uống rượu say, bò ra đất mà hát “Luân lạc cùng bọ thế tục, ở ẩn trong cửa Kim Mã. Trung cung điện có thể trốn đời, bảo toàn thân mình, cần gì phải vào nơi núi sâu mà ngồi dưới lều cỏ”, sinh hoạt bê tha như một gã lãng tử mà lúc sắp chết cũng can nhà vua “Xin bệ hạ đuổi bọn xu ninh, bỏ lời gièm pha” giống hệt các bậc hiền thần trong lịch sử. Rõ ràng kẻ sĩ chân chính đều là người có học vấn hiểu được lẽ hưng suy trị loạn, có tấm lòng giúp nước lo đời. Chính kiến thức và phẩm chất ấy đã làm hình thành trong họ hai nhu cầu có thể coi như tiêu chí phân biệt kẻ sĩ và trí thức: được phát triển tài năng và được thi thố tài năng. Cũng phải nói rằng trong không ít tường hợp sự thỏa mãn một cách không đúng đắn các nhu cầu này đã khiến kẻ sĩ trở thành tội nhân thiên cổ trong những cuộc dấn thân bi thảm, ví dụ Đào Duy Từ không được chính quyền Lê Trịnh cho đi thi vì là “con nhà hát xướng” đã bỏ vào Nam chờ thời đợi giá, rồi khi được Nguyễn Phước Nguyên tin dùng đã đề xướng kế hoạch xây dựng Lũy Thầy gây ra tình trạng chia cắt đất nước hơn một trăm năm.
Xưa này đời nào cũng có những kẻ sĩ không thành đạt. Nhưng thành đạt hay không đối với kẻ sĩ chỉ là một chuyện rất nhỏ, thậm chí sở dĩ họ không được lên xe xuống ngựa, không có quan cao lộc hậu chỉ vì đã dấn thân. Đây chính là trường hợp của những kẻ sĩ Việt Nam thời hiện đại như Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…, những người có thể có nhưng vẫn tình nguyện từ bỏ địa vị cao sang trong chính quyền thuộc địa để dấn thân vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc trước 1975. Kẻ sĩ mỗi thời đều có mục tiêu và cách thức dấn thân riêng, thậm chí cả khi biết rõ mục tiêu ấy là vô vọng và cách thức ấy là vô nghĩa. Đôi liễn tuyệt mệnh của Nguyễn Hữu Huân trước khi bị xử chém năm 1875 “Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết. Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm” đã gói ghém tính chất bi kịch ấy trong sự dấn thân của nhiều kẻ sĩ. Nhưng khi đại cuộc đã hỏng, thì kẻ sĩ còn biết làm gì hơn là dâng hiến cả cuộc sống lẫn cái chết của mình cho nhân dân và đất nước, như một minh chứng sau cùng về việc dấn thân cho lý tưởng Vì đời?
***
“Nước loạn mà kẻ sĩ giàu là kẻ sĩ nhục, nước trị mà kẻ sĩ nghèo là kẻ sĩ nhục”- đất nước loạn lạc mà kẻ sĩ giàu thì đó là kẻ ích kỷ chỉ biết lo thân, đất nước thái bình mà kẻ sĩ nghèo thì đó là kẻ bất tài không nuôi nổi mình. Trong thời buổi kinh tế thị trường mà cái lẽ hưng suy trị loạn như gió mây biến đổi vô thường thì quả cũng khó mà lấy sự thành đạt hay tài năng để phân định chuyện thị phi vinh nhục của kẻ sĩ, nên không lạ gì mà hiện tại dường như ngày lại càng có nhiều hơn những kẻ “trung ẩn” không cần có công, chỉ cần không có tội để “bảo toàn thân mình”, từ bỏ thiên chức kẻ sĩ để làm công chức. Nhưng thế nước chưa yên, lòng người chưa định, liệu trong những kẻ sĩ Việt Nam hiện tại có bao nhiêu kẻ dám nối bước cha ông dấn thân theo con đường khổ nhục, cam chịu thua thiệt, thậm chí ăn đói mặc rách, đọc sách hai mươi năm để nói một câu mà dấy được cơ đồ?

Cao Tự Thanh

Tác giả