Xây dựng đạo đức và văn hóa của người làm khoa học

Trong tham luận tại cuộc hội thảo "Định hướng và giải pháp phát triển KH&CN Việt Nam 2010 - 2020" do Tạp chí Tia Sáng tổ chức vừa qua, PGS.TSKH. Phùng Hồ Hải đã nhận định: Đặc điểm nổi bật của quan hệ giữa các nhà QLKH và các nhà KH Việt Nam là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, các nhà KH không tin các nhà QLKH còn các nhà QLKH không tin các nhà KH nghiêm túc. Phóng viên Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH. Phùng Hồ Hải về nhận định như vậy.

PGS Phùng Hồ Hải. 

P.V: Nhận định về thực trạng đó của ông có phải là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng khoa học?

PGS.TSKH Phùng Hồ Hải: Vâng, thậm chí tôi còn cho rằng việc thiếu tin tưởng lẫn nhau đã trở thành nguyên tắc ứng xử trong hoạt động khoa học ở nước ta. Như một nguyên tắc được phát biểu nôm na trong xã hội phong kiến trước đây là “quan thì tham mà dân thì gian”. Đây là một điều rất đáng buồn vì khác với các tầng lớp hay bộ phận khác trong một xã hội, chẳng hạn các nhà chính trị, các luật sư hay các thương nhân, ở các nước tiên tiến trên thế giới, các nhà khoa học luôn nhận được sự kính trọng và khâm phục rất cao từ xã hội. Họ tiêu biểu cho những người dám dấn thân.

Ông có thể nêu một vài dẫn chứng điển hình?

Đối với các nhà khoa học, chưa có một vị quản lý khoa học nào phát biểu rằng không tin tưởng vào họ. Những lời phàn nàn đối với các nhà khoa học lại đến từ chính các nhà khoa học. Chúng ta đã nghe nhiều phát biểu của các nhà khoa học nghiêm túc, điển hình là GS Hoàng Tụy về thực trạng của các nhà khoa học Việt Nam và có lẽ cũng không cần nhắc lại ở đây.

Mặt khác, chính những chính sách quản lý khoa học là minh chứng cho sự không tin tưởng vào các nhà khoa học của các nhà quản lý khoa học. Tôi xin lấy một ví dụ. Quy chế đào tạo NCS của ta không cho phép giáo viên hướng dẫn tham gia hội đồng chấm luận án của NCS. Có lý do nào khác ngoài lý do rằng nếu được tham gia giáo viên hướng dẫn sẽ tìm cách nâng đỡ NCS của mình? Hay một ví dụ khác. Các ứng viên cho chức danh GS hoặc PGS khi làm hồ sơ phải nộp quyển toàn tập các công trình của mình, thậm chí mỗi công trình phải photo cả trang bìa của tạp chí đăng công trình đó. Tôi có thể khẳng định rằng 100 trên 100 trường hợp các quyển tổng tập công trình đó sẽ không được một ai đọc kể cả các phản biện. Lý do duy nhất ở đây là để đảm bảo các ứng viên không khai man. GS và PGS là những chức danh khoa học cao nhất, thậm chí người ta còn đòi hỏi GS ở Việt Nam phải là nhà khoa học đầu ngành của một ngành khoa học. Vậy mà người ta vẫn sợ các ứng viên khai man…

Ngược lại, những người làm khoa học cũng không có cơ sở nào để tin vào sự công minh của những người quản lý với vai trò của người cấp kinh phí nghiên cứu khoa học. Ở bất kỳ một đơn vị khoa học nào cũng có những đề tài được cấp kinh phí rất lớn nhưng khi nghiệm thu thì chỉ có vài ba tập giấy mỏng, in vội. Điển hình là chương trình Tin học 115.

Trong tham luận, ông đã nêu 3 nguyên nhân của thực trạng đó là: Sự xuống cấp chung của đạo đức xã hội (tham nhũng tràn lan, chạy quyền chạy chức, quá coi trọng bằng cấp, hư danh…); Các hệ lụy của cơ chế bao cấp (bình quân chủ nghĩa, lâu năm lên lão làng, dẫn đến thiếu động cơ trong sáng trong nghiên cứu, ăn thật làm giả…); Thiếu tính “pháp trị” trong công tác quản lý khoa học, đặc biệt thiếu chế tài xử phạt và không thực hiện được tốt các chế tài hiện hành. Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân thứ 3?

Tôi cho rằng việc không thực thi được một cách công khai và minh bạch các chế tài xử phạt là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự xuống cấp về chất lượng khoa học cũng như đạo đức khoa học ở nước ta hiện nay. Đồng thời đó cũng chính là khâu quan trọng để có thể tạo ra đột phá nhằm đưa việc nghiên cứu và quản lý nghiên cứu khoa học đi vào đúng quỹ đạo.

Trước hết xin nói về thực trạng của việc xử phạt trong quản lý khoa học. Có thể nói, trong nhiều năm nay chúng ta gần như chẳng phạt được ai ăn gian trong khoa học, mặc dù chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng đã có rất nhiều gian dối. Có nhiều lý do nhưng theo tôi lý do cơ bản nhất là thiếu thông tin. Chẳng hạn một đề tài A, kinh phí được cấp 1 tỷ, sau 5 năm khi nghiệm thu, thành quả là những gì chỉ có một hội đồng nghiệm thu được biết. Các thành viên hội đồng nghiệm thu trong trường hợp chất lượng đề tài thấp thường cũng rất ngại đấu tranh… vì ai rồi cũng sẽ có đề tài. Lâu dần những người không nghiêm túc thường có xu hướng xích lại gần nhau, anh ngồi hội đồng cho tôi, tôi ngồi hội đồng cho anh… Những người nghiêm túc tuy bức xúc nhưng hầu như không có đấu tranh, một phần vì tâm lý nể nang vẫn đang rất phổ biến trong giới khoa học nước ta, lâu dần thành quen.

Ta hãy tưởng tượng tại các ngã tư trên đường phố rất nhiều người vượt đèn đỏ (điều đã từng xảy ra ở Hà Nội một hai thập kỷ trước). Nếu bạn cũng đang tham gia giao thông bạn sẽ làm gì. Rất nhiều khả năng bạn cũng sẽ vượt đèn đỏ, đôi khi nếu bạn không vượt thì chính bạn mới là người cản trở giao thông. Tuy nhiên gần đây, trật tự giao thông ở Hà Nội đã có những tiến bộ vượt bậc, tại rất nhiều ngã tư Hà Nội tôi quan sát không thấy có cảnh sát nhưng hầu hết mọi người đã nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông. Lý do theo tôi rất đơn giản, bạn có thể vượt và khả năng sẽ không có chuyện gì xảy ra, tuy nhiên nếu nhiều lần vượt thì thể nào cũng sẽ bị bắt và với mức phạt mà bạn phải chịu thì có lẽ tốt hơn là nên tự tạo thói quen không vượt đèn đỏ. Cũng vẫn những con người Hà Nội của mấy năm trước, và còn nhiều người mới tới Hà Nội nữa, nhưng chỉ với một cơ chế phạt khả thi và công khai, trật tự giao thông đã có tiến bộ vượt bậc.

Những nhà khoa học đang cố gắng giữ chuẩn mực cho khoa học nước ta giống như những người tham gia giao thông, kiên quyết dừng xe khi đèn đỏ. Nếu xung quanh họ đa số đều vượt đèn đỏ thì bản thân họ lại bị coi là lập dị, “cản trở giao thông”.

Phải chăng thực trạng này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả thấp trong nhiều lĩnh vực hoạt động KH&CN của nước ta?

Đúng vậy. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới mọi hoạt động KH&CN. Nó làm chết đi động lực sáng tạo của các nhà khoa học. Khi các nhà khoa học mất niềm tin vào các nhà quản lý khoa học, nghĩa là họ cho rằng việc đánh giá các công trình của họ không còn theo các tiêu chí, chuẩn mực khoa học, mà còn các tiêu chí khác, phi khoa học. Khi một đề tài xuất sắc về mặt khoa học không được đánh giá đúng với giá trị của nó hoặc tuy được đánh giá tốt nhưng không được cấp kinh phí tương xứng, so với một đề tài khác tuy kém hơn về khoa học nhưng lại lobby (vận động hành lang) tốt hơn…, thì các nhà khoa học sẽ không muốn làm khoa học nghiêm túc nữa. Mặt khác khi các nhà quản lý khoa học (đa số bản thân đều đã từng làm khoa học) nhận thấy rằng có một số lượng lớn các công trình khoa học tính khoa học thấp mà họ, những nhà quản lý có thể biết nhưng không làm gì được, thì phản ứng của họ là tự vệ. Tự vệ nghĩa là làm thế nào để không bị dư luận chỉ trích. Cách giải quyết của họ hiện nay, mà theo tôi là rất phi khoa học, là nâng cao các chuẩn và tiêu chuẩn. Chúng ta càng nâng chuẩn thì người ta lại càng cố làm dối để đạt chuẩn đó.

Để minh họa điều này tôi lại xin ví dụ với bài toán giao thông. Chúng ta thử tưởng tượng, tại mỗi ngã tư đường phố, thay vì dùng đèn xanh đèn đỏ, người ta dùng barrier tương tự như tại những chỗ chắn tàu để đảm bảo không ai phạm luật giao thông. Dường như kỷ cương sẽ được lập lại vì không ai vượt được barrier. Tuy nhiên thực tế sẽ khác, trước hết giao thông sẽ đình trệ vì chính những barrier đó, và sau đó người dân cũng sẽ không phụ thuộc vào barrier đâu, họ sẽ phóng xe lên vỉa hè để lách barrier… Rất tiếc quy trình quản lý khoa học của ta hiện nay giống như việc dùng barrier vào giao thông đô thị.

Dù vậy, theo tôi, những tác hại trực tiếp của việc thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý khoa học tới môi trường khoa học nước ta chưa phải là nguy cơ lớn nhất. Nguy cơ lớn nhất là chúng ta đang làm hỏng các thế hệ tiếp theo trong khoa học.

Vì sao thực trạng này lại có thể làm hỏng các thế hệ tiếp theo trong khoa học? 

Phẩm chất quan trọng nhất của một nhà khoa học, trên cả tài năng, là sự trung thực. Đó chính là phẩm chất khiến họ nhận được sự tôn trọng của xã hội. Dù ở trong bất kỳ một hình mẫu xã hội nào đi nữa, phẩm chất của người thầy cũng là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới phẩm chất của người trò. Tất nhiên ngoại lệ thì ở đâu và lúc nào cũng có. Sau phẩm chất thì tác phong và phương pháp làm việc cũng là những chìa khóa để một nhà khoa học đi tới thành công. Đánh giá chung có thể nói, những người thầy Việt Nam hiện nay phẩm chất thấp, tác phong kém, phương pháp lạc hậu. Những yếu kém đó sẽ ảnh hưởng lên học trò. Nếu một sinh viên đại học, một học viên cao học hay một thạc sỹ coi việc quay bài, việc “đi thầy”, việc chạy điểm là bình thường thì họ sẽ không thể trở thành một nhà khoa học chân chính được. Tai hại hơn nữa khi những người đó vẫn sẽ trở thành những nhà khoa học hay thậm chí những nhà quản lý khoa học. Những nguy hại của nó ai cũng có thể suy xét được.

Trong tham luận, ông đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục thực trạng này như: Thực hiện quản lý hoạt động khoa học theo nguyên tắc: Pháp trị, Dân chủ, Công khai, đặc biệt phải đảm bảo được việc thực hiện các chế tài xử phạt; các nhà QLKH cần tin tưởng các nhà KH (đa số các nhà KH muốn làm KH nghiêm túc nhưng không có môi trường, điều kiện) và xử phạt công khai, minh bạch những người không nghiêm túc trong khoa học; tạo điều kiện cho các SV, NCS, nhà KH trẻ ra nước ngoài để không những học tập được kiến thức mà còn cả tác phong làm việc, phương pháp làm việc… 

Theo ông, có thể nói một cách khái quát về các giải pháp đó là chúng ta cần xây dựng và hình thành được “đạo đức và văn hóa của người làm khoa học” trong cộng đồng khoa học?

Theo tôi, hiện nay chúng ta cần song song thực hiện hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất là làm trong sạch môi trường trong nước. Trong giải pháp này, điểm mấu chốt là tạo lại “đạo đức và văn hóa của người làm khoa học”. Tương tự như trong bài toán giao thông đô thị, đa số những người làm khoa học đều là những người muốn làm nghiêm túc. Trong suốt quá trình xây dựng đất nước, đội ngũ các nhà khoa học đã được chọn ra và luôn được bồi đắp từ những học sinh, sinh viên ưu tú nhất. Tuy vậy, trải qua những thăng trầm của kinh tế, xã hội, đang có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”. Để khoa học Việt Nam có thể tự mình làm sạch mình, theo tôi không có cách nào khác là phải tạo ra một cơ chế quản lý dân chủ, minh bạch, đặc biệt cần có quy chế xử phạt nghiêm ngặt và việc xử phạt cần phải được thực hiên công khai, minh bạch. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) của bộ KH&CN là cơ quan đầu tiên đang cố gắng thực hiện cách quản lý theo những nguyên tắc đó. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho khoa học Việt Nam.

Giải pháp “tự làm sạch mình” tuy vậy không đơn giản và cần nhiều thời gian. Ngoài ra thực trạng khoa học hiện nay là có nhiều nhà khoa học không còn bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Việc bổ sung những nhà khoa học trẻ không những nắm bắt được những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới, mà còn tiếp thu được những phong cách và phương pháp làm việc tiên tiến là hết sức cấp thiết. Vì thế giải pháp thứ hai là tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, nhất là những người chưa có điều kiện ra nước ngoài, được tiếp xúc và làm việc với những môi trường làm việc trong sạch và chuyên nghiệp.

Vậy chúng ta cần có những điều kiện gì để thực hiện hai giải pháp đó?

Tất nhiên hai giải pháp phải được tiến hành đồng bộ. Cụ thể trong giải pháp làm sạch môi trường trong nước cần tính đến chuyện tạo môi trường để những người đã được cử đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc. Khoa học, hiện nay cũng như trong lịch sử, luôn chịu ảnh hưởng của kinh tế. Không có nhà khoa học nào có thể tiến hành nghiên cứu trong nghèo đói. Vì thế các phương pháp hành chính nhằm giữ chân các nhà khoa học trẻ là bất khả thi. Ngay cả ở những nước rất phát triển như Anh, Pháp, Đức, vẫn có hiện tượng chảy máu chất xám sang Mỹ. Việt Nam ta với các biện pháp hành chính có thể nói không thể “cầm máu” được. Ngược lại, ở Trung Quốc, nơi cách đây 30 năm đã có chính sách gửi hàng loạt sinh viên và NCS sang Mỹ và Tây Âu học tập, đang dần thu hút được nhiều nhà khoa học trong số này trở về nước làm việc. Các nước châu Âu cũng đang có nhiều dự án lôi kéo các nhà khoa học từ nước ngoài về làm việc. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của họ.

Tác giả