ADN cá chuồn trong khởi nghiệp

Ông Võ Duy Khương, chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng cho biết, tinh thần và triết lý chung của khởi nghiệp mà Đà Nẵng lựa chọn là tinh thần cá chuồn: biết bơi, biết bay và luôn đi theo bầy. Và do đó, nguyên tắc lớn nhất để lựa chọn các dự án khởi nghiệp ở vùng biển này, không phải là công nghệ hay sản phẩm, mà là đội ngũ.


Đại sứ Israel tại Việt Nam và các chuyên gia cùng với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng.

Ba chàng chatbot

Cách đây hơn một năm, chúng tôi gặp ba chàng trai, là cựu sinh viên khoa công nghệ thông tin, học cùng lớp đại học, đều được xếp vào hạng “cá biệt” vì luôn làm những thứ kỳ lạ trong giảng đường đại học. Họ tạo ra một con chatbot tên là Sumi, chuyên nói chuyện “tào lao” trên trời dưới biển cùng thế hệ tuổi teen. Họ chưa có công ty, chưa có mô hình kinh doanh, chưa biết gì về thị trường. Nhưng họ biết một điều khác: chatbot là thứ mà họ sẽ gắn bó, cùng nhau, trong một khoảng thời gian dài.

Đó là Nguyễn Văn Minh Đức (26 tuổi), Phạm Quốc Huy (26 tuổi) và Dương Văn Phước Thiện (25 tuổi). Họ phân công Đức làm trưởng dự án, lo tất cả các mảng liên quan đến kinh doanh, vận hành, đối ngoại. Hai chàng trai còn lại ôm hết phần kỹ thuật. Các cuộc đàm phán, thảo luận với họ rất ngộ, vì các chàng trai 9X này vừa ngoan, vừa hiền, nhưng lại rất cứng đầu trong việc bảo vệ các suy nghĩ và định hướng của mình. Ở họ, toát ra một niềm tin tuyệt đối về công nghệ, và chút gì đó kiêu hãnh của tuổi trẻ trong khát vọng chinh phục thế giới. Điểm cộng của nhóm, là độ cày cuốc, chăm chỉ và liên tục tìm kiếm cơ hội ở mọi nơi. Họ như “con ma xó”, tham gia tất cả các diễn đàn về chatbot của thế giới, trao đổi với những chuyên gia tốt nhất có thể tìm được để tìm kiếm hướng đi cho mình.

Trong chương trình ươm tạo khóa 3 của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), nhóm đã thuyết phục được Ban giám khảo và trở thành “hạt giống” đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của DNES. Từ một dự án của nhóm, họ lần lượt nghỉ việc ở các công ty công nghệ lớn để tập trung toàn tâm toàn ý cho chatbot. Cho đến nay, công ty Hekate AI mà họ thành lập đã có hơn 1 triệu người dùng (user) và hơn 100.000 người đang tương tác với Sumi và 10 nhân vật hư cấu khác hàng ngày thông qua Messenger. Ngoài việc chat tự động thông thường, công cụ chatbot này còn tích hợp những chức năng khác như: chỉnh sửa ảnh, đọc báo, mai mối, xem tử vi, bí kíp “chém gió”, chơi game, bỏ phiếu, tạo avatar 8 bit,…

Không “ngủ quên” trên những thành công, doanh nghiệp trẻ này lại tiếp tục phát triển tạo ra một nền tảng hỗ trợ mọi người tự tạo chatbot riêng với tên gọi là Hekate. “Trong quá trình tạo ra nền tảng này, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được trí thông minh nhân tạo và tạo được những chatbot riêng cho mình để ứng dụng vào nhu cầu thực tiễn mà không cần có nhiều kiến thức lập trình. Bên cạnh đó, trên nền tảng Hekate, người dùng có thể tạo ra những chatbot riêng phục vụ cho lĩnh vực hay sự kiện mình cần, sau đó huấn luyện và nhúng vào Messenger để sử dụng. Đặc biệt, càng giao tiếp với nhiều người chatbot sẽ càng thông minh hơn”, Đức chia sẻ thêm.

Những đồng đội trở về

Huy Đinh học ở Úc, làm ở Úc, sau đó lập một nhóm ở Úc để “mưu khởi nghiệp” cùng các bạn của mình. Anh rút trúng lá thăm “về nước đầu tiên” nên kéo vali về Đà Nẵng để sống cùng thị trường, trong môi trường làm việc ở một nơi mà cả hội đã xác nhận là “đất lành”. Huy đi làm thuê cho một công ty tin học hàng đầu khu vực, để thực sự được cọ xát với khách hàng trong nước lẫn quốc tế, làm việc trực tiếp với đội ngũ nhân sự được dự báo là trẻ và đầy tiềm năng. Rồi anh đi tìm thêm những người đồng sáng lập còn lẩn khuất đâu đó, chưa kịp xuất hiện trước đám đông. Giờ thấy đúng thời điểm, xây xong đủ ba trụ cột: kỹ thuật, điều hành kinh doanh và vận hành nội bộ, Botstar chính thức ra đời, dọn về một văn phòng ở cạnh bờ sông. Ở đó, họ vẫn làm việc theo hai múi giờ: giờ Việt Nam và giờ Úc, tức là luôn trong trạng thái làm gấp rưỡi, hoặc gấp đôi, để đuổi kịp tham vọng mà cả đội đã dựng ra…

Giống như nhóm của Huy, là nhóm của Việt Hồ, toàn một hội có bằng tiến sĩ, phó giáo sư ở Bỉ xa xôi. Việt cũng kéo vali về, mang cả gia đình đến Đà Nẵng để xây dựng công ty khởi nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn với giải pháp cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ quyết định tối ưu Daily Opt. Việt ghi vào hồ sơ tham dự buổi tư vấn về pháp lý của mình: Daily Opt là một startup mới, tập hợp các chuyên gia về tối ưu và trí tuệ nhân tạo hàng đầu chuyên cung cấp các công cụ phần mềm hỗ trợ quyết định cho lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và lợi nhuận.

Một câu chuyện tương tự khác, là hai chàng trai Bình và Minh, học tập, trưởng thành và làm việc ở Nhật đủ lâu, họ cũng về thành phố biển này với giấc mơ tạo ra một ứng dụng giải quyết việc sắp xếp lịch hẹn, địa điểm gặp gỡ dành riêng cho người Việt trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu…

Những câu chuyện này giống nhau ở một điểm: một nhóm du học sinh Việt Nam tập hợp lại dưới cùng một tham vọng, và lần lượt từng người trở về, nhưng vẫn để lại một “cái đuôi dài” ở nước ngoài, vừa để có thị trường, vừa đảm bảo nguồn lực quốc tế của mình. Và khác với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, họ không mắc một lỗi cơ bản: khởi nghiệp một mình.

Không ai khởi nghiệp một mình

Lior Krengel – 30 tuổi – từng nằm trong danh sách Forbes under 30 của Israel về những thành tích siêu nhân của mình, đang điều hành một khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD của quỹ đầu tư Mangrove, chuyên cho thị trường Israel. Tuần trước, cô quyết định gửi con gái mới bảy tháng tuổi để dành một tuần đến Đà Nẵng chia sẻ những gì mình biết về khởi nghiệp. Lior dành hết những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, từ kiến thức liên quan đến tâm lý học, quản trị học và quá trình làm ươm tạo, làm đầu tư và đi vòng quanh thế giới để chia sẻ với Đà Nẵng.

Lior bảo, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà Quỹ Mangrove tuân thủ, là trước khi ra quyết định đầu tư cuối cùng vào bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào, họ đều yêu cầu toàn bộ đội ngũ của công ty này đến gặp gỡ trực tiếp tại trụ sở của họ. “Điều này mang tính quyết định đối với sự thành bại của khởi nghiệp. Nếu không có một người thủ lĩnh có tầm nhìn xa, thì doanh nghiệp sẽ không đi đâu về đâu. Nếu không có một người trụ vững về kỹ thuật với đầy đủ đặc tính của giám đốc công nghệ, thì đâu có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có người hiểu biết đầy đủ về tài chính, thì tiền của nhà đầu tư sẽ được dùng như thế nào…”, Lior nói.

Chuyện của Lior làm tôi nhớ tới những ghi nhận trong chuyến làm việc vừa rồi tại thành phố Tel Aviv, Israel, cũng là một thành phố khởi nghiệp ven biển. Rất nhiều nơi ở đó ghi rõ vào “luật khởi nghiệp” của đơn vị mình: Không ai khởi nghiệp một mình. Ở đây có The Junction (Điểm kết nối) là một dạng vườn ươm doanh nghiệp tư nhân. Địa điểm này do một đại gia tài trợ dành cho các nhóm khởi nghiệp trẻ đến làm việc với chi phí gần như là bằng không. Điều kiện? Phải là một nhóm ít nhất ba người, vì ở đây không cho phép khởi nghiệp một mình. “Khởi nghiệp là chuyện của những ý tưởng và thực thi. Không ai có thể tự mình hỏi và tranh luận và trả lời mọi khúc mắc của một ý tưởng. Không ai có thể tự mình giải quyết hết mọi vấn đề phức tạp và đa dạng của một công ty bao gồm cả vận hành, quan hệ, tiếp thị và phát triển kinh doanh. Do đó, điều kiện tiên quyết của một công ty muốn thành công là họ phải có một đội ngũ thực sự. Câu chuyện lãng mạn của một người lặng lẽ ngồi trong bóng tối để nghĩ chuyện một ngày thay đổi cả thế giới không được chấp nhận ở không gian này”, một anh giám đốc trẻ đang phải tự đi bỏ rác vì đến lượt trực nhật của mình cho hay.

The Library hay The Junction, hay những vườn ươm doanh nghiệp Israel khác, có một quy luật được ghi rõ thành văn bản: Phải cam kết dành ít nhất 10% thời gian để tương tác và hỗ trợ các thành viên xung quanh mình. Người này giỏi về lập trình, người khác có chuyên môn về đồ họa, người nọ nắm giữ các công cụ marketing… đều có thời gian bắt buộc để chia sẻ và hỗ trợ nhau. Bởi vậy, trong một không gian có đến 10 doanh nghiệp bé tí teo, nhưng mọi người đều biết dự án của nhau và còn nắm rõ dự án đang đi đến đâu. Chẳng có gì là bí mật cả. Và đã có trường hợp khi đến là ba công ty, ba dự án khác nhau, nhưng khi trưởng thành và rời khỏi không gian chung này, họ đã hợp lại thành một công ty lớn hơn với một dự án chung và giành được suất đầu tư triệu đô từ Mỹ. Đó cũng là bài học quan trọng mà trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển DNES thực hành hiện nay: tính cộng đồng và chia sẻ của các thành viên trong một không gian làm việc chung, ươm tạo chung được khuyến khích phát triển một cách tuyệt đối thông qua các hoạt động cộng đồng, các bữa cơm chung hoặc các cuộc cà phê cuối tuần.

——-
Trần Vũ Nguyên: CEO, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)

 

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)