Bốn vấn đề khoa học của Bill Gates

Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft Corporation và Quỹ Bill&Melinda Gates, theo đuổi mục tiêu đầu tư cho các nghiên cứu về y tế, giảm đói nghèo trên phạm vi toàn cầu và mở rộng các cơ hội giáo dục, nâng cao khả năng áp dụng công nghệ thông tin trên khắp nước Mỹ. Dưới đây, Tia Sáng giới thiệu trích đoạn bức thư của Bill Gates, trong đó ông chia sẻ những suy nghĩ của mình về bệnh Alzheimer, bại liệt, chỉnh sửa gene và vấn đề năng lượng.

Sơ đồ biểu thị não của người mắc bệnh Alzheimer. Nguồn: Cannabis.info

Tôi nghĩ thế giới đang chuyển động một cách chậm chạp trong một giai đoạn chuyển tiếp đến một biên giới của những hiểu biết mới. Trong phần lớn lịch sử phát triển của nhân loại, chúng ta đều tập trung vào việc nâng cao tuổi thọ của con người bằng những giải pháp về y tế và cung cấp đủ lương thực cho mọi người. Và kết quả của nó là chất lượng cuộc sống đã được nâng lên một cách đáng kinh ngạc, trong đó công nghệ đóng vai trò quan trọng để tìm ra các loại vaccine, thuốc men và cải thiện điều kiện vệ sinh cho con người.

Tuy vậy chúng ta vẫn cần nhiều đổi mới sáng tạo để có thể giải quyết rốt ráo các vấn đề như bệnh sốt rét hay béo phì. Đây sẽ là động lực thúc đẩy để tạo ra rất nhiều công trình mang tính đột phá trong tương lai, ví dụ, phần mềm sẽ có khả năng phát hiện ra khi nào bạn rơi vào trạng thái suy sụp, tạo khả năng kết nối với bạn bè, đem lại nhiều lời khuyên phù hợp để có giấc ngủ hay khẩu phần dinh dưỡng tốt hơn, giúp con người sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số kết quả cập nhật về những gì đã làm được và những gì chưa làm được thông qua hoạt động của quỹ đầu tư cho khoa học của chúng ta:

Triển vọng và khó khăn trong nghiên cứu Alzheimer

Tôi thấy có hai xu hướng trong nghiên cứu về Alzheimer năm 2018.

Một là các nhà nghiên cứu tập trung vào một bộ ý tưởng mới về cách làm thế nào để chặn đứng được căn bệnh này. Thế hệ đầu tiên của các lý thuyết này là nhấn mạnh vào hai loại protein có tên gọi là amyloid và tau. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn trong bộ não khi gây cản trở và “hạ thủ” các tế bào não. Ý tưởng của các nhà khoa học là ngăn cản sự hình thành nên những rối loạn này. Dù hi vọng cách tiếp cận này hiệu quả nhưng chúng ta vẫn cần có nhiều bằng chứng về tính hiệu quả của nó.

Trong năm qua, các nhà nghiên cứu đã chú ý vào nhóm giả thuyết thứ hai: theo một lý thuyết là não của bệnh nhân bị tổn hại bởi các bào quan – những đơn vị cung cấp năng lượng của chúng, đã bị hao hụt; một lý thuyết khác là các tế bào não bị tổn hại một phần do hệ miễn dịch đã quá “nhanh nhẩu” tấn công chúng.

Việc theo đuổi các hướng tiếp cận khác nhau của bệnh tật góp phần mở rộng những cải thiện hiểu biết của chúng ta về công nghệ sinh học, điều đó sẽ giảm thiểu chi phí thuốc men và giảm thiểu gánh nặng bệnh tật mà con người phải hứng chịu.

Hai là cộng đồng nghiên cứu về Alzheimer đã tập trung vào việc tạo ra ngày càng nhiều dữ liệu bệnh tật và tăng cường khả năng truy cập nó. Chúng tôi đang làm việc với các nhà nghiên cứu để làm cho việc truy cập dữ liệu ngày càng trở nên dễ dàng hơn, để việc chia sẻ thông tin về nghiên cứu của họ ngày một rộng hơn, nhờ vậy chúng ta có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề, ví dụ như bệnh Alzheimer tiến triển như thế nào?

Có một tín hiệu vui là trong vài năm trở lại đây, chính phủ Mỹ đã tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các nghiên cứu về Alzheimer, từ 400 triệu USD/năm đến hơn 2 tỷ USD/năm. Đây là sự thúc đẩy lớn để đem đến khả năng chẩn đoán bệnh tốt hơn.

Vấn đề duy nhất mà tôi chưa thấy một cách rõ ràng là làm thế nào để có thể thu hút được người bệnh cho các ca điều trị lâm sàng. Không có một cách chẩn đoán bệnh tật đơn giản và đáng tin cậy thì thật khó để chúng ta có thể tìm ra được những người bị mắc bệnh ở giai đoạn đầu đủ để nghiên cứu về quá trình tiến triển của bệnh. Có thể phải mất tới nhiều năm để có đủ bệnh nhân cần thiết. Nếu tìm ra được cách để tiền sàng lọc những người tham gia, chúng ta có thể bắt đầu những ca điều trị mới một các nhanh chóng hơn.

Nhưng có rất nhiều xung lượng trong nhiều lĩnh vực liên quan như các công cụ khoa học, những phương thức chẩn đoán bệnh tốt hơn, việc truy cập vào dữ liệu được cải thiện hơn –  những vấn đề chúng ta đã giải quyết tốt, nên tôi tự tin là chúng ta có thể tiến triển một cách bền vững trong cuộc chiến chống lại bệnh Alzheimer vào một, hai thập kỷ tới. 

Loại vaccine bệnh bại liệt mới

Tôi nghĩ là chúng ta có thể tiến lại gần hơn khả năng diệt trừ bệnh bại liệt. Thật không may là trong năm 2018 chúng ta có nhiều trường hợp mắc bệnh bại liệt hơn năm 2017 (29 so với 22).

Trên thực tế có những khó khăn trong việc đưa vaccine tới những nơi bất ổn về chính trị hoặc có chiến sự. Các gia đình phải di chuyển để sống sót, do đó thật khó để có thể theo dõi bọn trẻ và đảm bảo bọn chúng đều được uống vaccine hoặc điều kiện vệ sinh nơi ở không được đảm bảo khiến virus có thể lan rộng. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao Afghanistan và Pakistan chưa từng diệt trừ được bệnh bại liệt – trên thực tế đây là hai quốc gia duy nhất trên thế giới thuộc diện này.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho căn bệnh này, trò chuyện với những nhà đầu tư khác để họ tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư cho các nghiên cứu về bệnh bại liệt, ngay cả khi sẽ phải mất thêm nhiều thời gian mới có thể diệt trừ vĩnh viễn bệnh tật. Nguy cơ rủi ro bệnh tật sẽ quay trở lại nếu chúng ta không làm được điều đó.

Tôi cũng nhắc nhở họ về điều khác biệt mà đổi mới sáng tạo đang làm được. Hiện giờ chúng ta đã có thể xét nghiệm các mẫu nước thải để xác dịnh virus và nguồn gốc gây bệnh trước khi dịch bệnh bùng phát. Và cộng đồng y tế toàn cầu đang thực hiện những cách làm sáng tạo để có thể hoạt động trong khu vực có chiến sự hoặc chặn đứng bệnh dịch ở Somalia và Syrie trong những năm gần đây.

Cuối cùng, tôi hi vọng về một loại vaccine uống đang được kiểm nghiệm ở Bỉ và Panama. Kết quả sẽ có vào năm 2019 và nếu chứng minh được hiệu quả, nó sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề của các loại vaccine uống trước đây. Có thể loại vaccine mới này sẽ sớm có mặt vào năm 2020. Bất chấp còn nhiều thách thức nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm có khả năng kiểm soát được bệnh bại liệt.

Năng lượng tái tạo và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Năng lượng mặt trời và gió là những nguồn cung cấp điện không liên tục. Ảnh: MIT

Ô nhiễm toàn cầu về khí thải nhà kính tăng lên trong năm 2018. Với tôi, điều này càng cho thấy chỉ có một cách duy nhất để ngăn các kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất có thể xảy ra, đó là tạo ra một số đột phá trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Một số người nghĩ rằng chúng ta đã có đủ công cụ mà mình cần và chỉ cần cố “lèo lái” để giảm giá thành của những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió là có thể giải quyết vấn đề. Tôi cũng vui khi thấy năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngày càng rẻ hơn và chúng ta có thể triển khai chúng ở bất cứ nơi nào có thể.

Nhưng năng lượng mặt trời và gió là những nguồn cung cấp điện không liên tục và chúng ta chưa có được những tấm pin siêu rẻ sớm để có thể lưu trữ được điện năng một cách hiệu quả khi mặt trời không chiếu sáng và gió ngừng thổi. Bên cạnh đó, vấn đề điện năng mới chỉ giải quyết được 25% lượng ô nhiễm toàn cầu trong khi chúng ta cần giải quyết cả phần 75% khí thải gây ô nhiễm còn lại.

Năm 2018, Breakthrough Energy Venture – quỹ đầu tư cho năng lượng mà tôi tham gia, đã loan báo về những công ty đầu tiên mà chúng tôi rót tiền vào. Các công ty này đều có những con người rất xuất sắc và chứng tỏ được khả năng đưa những ý tưởng về năng lượng sạch đầy sức sáng tạo từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Tôi cũng muốn nhắc đến điện hạt nhân bởi nó là nguồn năng lượng duy nhất hiện nay không phát thải carbon và có thể được tạo ra suốt 24 giờ/ngày. Những điều khiến người ta lo ngại về lò phản ứng như nguy cơ tai nạn có thể được giải quyết thông qua đổi mới sáng tạo.

Nước Mỹ hết sức phù hợp với việc đem lại những công nghệ tiên tiến này với sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và mức đầu tư hàng đầu thế giới. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ không còn trong vai trò dẫn đầu thế giới về năng lượng hạt nhân như 50 năm trước. Để lấy lại vị trí này, cần có những khoản đầu tư mới, những vấn đề pháp quy mới và chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy, điều đó thật sự quan trọng.

Hiện có một vài ý tưởng nhiều hứa hẹn trong năng lượng hạt nhân tiên tiến có thể se đến nếu chúng ta vượt qua được các chướng ngại này. TerraPower, công ty mà tôi đã xây dựng 10 năm trước đây, đã áp dụng một cách tiếp cận là lò phản ứng làm mát bằng muối clorua an toàn, ít chất thải hạt nhân hơn và không có khả năng tạo ra vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã hi vọng sẽ xây thử nghiệm một lò phản ứng theo công nghệ này ở Trung Quốc nhưng tình hình căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy điều này là không thể. Chúng tôi có thể xây dựng nó ở Mỹ nếu có kinh phí và thay đổi về pháp quy.

Thế giới này cần phải có rất nhiều giải pháp mới có thể chặn đứng được biến đổi khí hậu. Năng lượng hạt nhân tiên tiến là một trong số đó và tôi hi vọng là các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ bước vào cuộc chơi này.

Kiểm soát bệnh dịch

Năm 1918, bệnh cúm Tây Ban Nha đã trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của 50 triệu người trên toàn thế giới. Đến nay, nó vẫn là một điểm mốc chết chóc về một căn bệnh gây ra cho thế giới này.

Tôi hi vọng dịp tưởng niệm 100 năm bệnh dịch này sẽ châm ngòi cho thảo luận là liệu chúng ta có sẵn sàng chuẩn bị “nghênh chiến” một dịch bệnh toàn cầu tiếp theo. Thật không may, điều này là không thể và chúng ta còn vẫn chưa sẵn sàng. Con người vẫn phải lo lắng về những mối hiểm nguy cận kề như khủng bố, biến đổi khí hậu (và thậm chí là một tiểu hành tinh va phải trái đất). Nhưng nếu có điều gì có thể cướp đi mạng sống của hàng chục triệu con người trong thời gian ngắn thì có lẽ chỉ có thể là một dịch bệnh toàn cầu. Và một căn bệnh dưới hình thức một loại cúm, bởi virus cúm thường dễ lan truyền qua không khí. Ngày nay, một loại cúm dễ lây lan và chết chóc như bệnh cúm năm 1918 cũng có thể giết gần 33 triệu người trong vòng 6 tháng.

Tin vui là hiện các nhà nghiên cứu đang trong quá trình tạo ra một loại vaccine có khả năng bảo vệ con người ở mọi chủng/biến thể của bệnh cúm này. Năm nay đến làm việc tại Viện nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ (NIH) ở Maryland và nhận được thông tin mới từ những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này. Thách thức của việc làm ra một vaccine cúm phổ biến tạo ra nhiều sức hút. Tất cả các biến thể của virus này đều có những cấu trúc chung nhất định. Nếu bạn chưa từng bị phơi nhiễm bệnh cúm Tây Ban Nha, thì loại vaccine được tạo ra có thể “dạy” hệ miễn dịch của bạn cảnh giác các loại cấu trúc này khi phát hiện ra và lập tức tấn công chúng. Nhưng một khi bạn từng bị nhiễm cúm, cơ thể bạn sẽ bị ám ảnh chủng cúm này đến mức khiến bạn bị ốm. Điều đó khiến hệ miễn dịch của bạn khó mà nhận biết được những cấu trúc chung của virus. 

Chúng ta có thể tạo ra một vaccine có thể bảo vệ bất cứ ai (cũng như cả những đứa trẻ), những người chưa từng bị phơi nhiễm bệnh cúm Tây Ban Nha trước đó nhưng với những người từng mắc căn bệnh này thì khó khăn hơn nhiều. Cần một quãng đường dài để giải quyết được vấn đề. May mắn là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu đang đến và nhiều nhà khoa học cùng tham gia tìm kiếm giải pháp hơn.

Để  góp phần đem lại những nghiên cứu khoa học này (Quỹ của chúng tôi tài trợ cho một vài nghiên cứu trong số này), thế giới cần phát triển một hệ thống toàn cầu để kiểm soát bệnh dịch. Đây cũng là một vấn đề chính trị vì nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo chính phủ. Tôi tin rằng nghiên cứu này xứng đáng được quan tâm đến nhiều hơn.

Chỉnh sửa gene

Vào tháng 11 vừa qua, khi một nhà khoa học Trung Quốc loan báo là ông đã thay đổi các gene của hai đứa trẻ sơ sinh ngay từ khi chúng là các phôi. Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng nhà khoa học này đã đi quá xa, vượt qua những giới hạn của đạo đức y sinh nhưng có một số điều cho thấy từ công trình này là nó khuyến khích nhiều người tham gia tìm hiểu và thảo luận hơn về chỉnh sửa gene. Điều đó có thể sẽ đem đến những cuộc tranh luận được chú ý nhiều nhất và có tầm quan trọng nhất.

Nhưng những câu hỏi về đạo đức vẫn còn. Chỉnh sửa gene có thể tạo ra rất nhiều cơ hội điều trị bệnh tật nhưng công nghệ có thể dẫn đến sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt nếu nó chỉ dành cho một số người giàu.

Nhìn về phía trước

Hai lĩnh vực quan trọng mà công nghệ có khả năng tạo ra tác động lớn vào chất lượng cuộc sống của chúng ta nhưng cũng có khả năng đem lại những cân nhắc về xã hội và đạo đức phức tạp.

Một là sự cân bằng giữa tính riêng tư và đổi mới sáng tạo. Chúng ta sử dụng dữ liệu như thế nào để đưa được những hiểu biết sâu sắc mới vào giáo dục (giống như những ngôi trường có thể làm những gì tốt nhất có thể để dạy những học trò nghèo) hay y tế (giống như những bác sỹ có thể đem đến cho bệnh nhân những cách điều trị tốt nhất với giá có thể chấp nhận được) trong khi vẫn bảo vệ được tính riêng tư của mỗi người?  

Hai là việc sử dụng công nghệ trong giáo dục. Phần mềm có thể cải thiện việc học tập của học sinh như thế nào? Nhiều năm qua chúng ta đã từng nghe những lời tuyên bố bốc đồng về tác động lớn lao mà công nghệ có thể đem lại cho giáo dục. Con người có quyền hoài nghi nhưng tôi nghĩ những điều đó cuối cùng sẽ đến.

Anh Vũ lược dịch

Nguồn: https://www.gatesnotes.com/About-Bill-Gates/Year-in-Review-2018

 

Tác giả