Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước
Cách mạng Công nghiệp 4 (CMCN4) diễn ra như vũ bão, tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội và từng cá nhân, đã, đang và sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn đối với quản lý nhà nước trong thế kỷ thứ 21.
Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã dự báo 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc do bị thay thế bởi sewbots (robot may vá).
Cơ hội và thách thức đan xen
Hiện nay, chưa thể đánh giá đầy đủ những thay đổi sẽ diễn ra. Ngay cả những nước đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện CMCN 4 như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v. cũng thừa nhận đang phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt. Cơ cấu kinh tế phải thay đổi, từng người sẽ phải học suốt đời, và sẵn sàng làm việc ở những nơi khác, với những đồng nghiệp mới, đến từ những nước khác nhau. Giáo dục, đào tạo đứng trước những thay đổi to lớn nhất v.v
Xã hội phát triển rất nhanh, nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó, với sự xuất hiện liên tục những sản phẩm, dịch vụ mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Cái gì còn đúng ngày hôm qua có thể sẽ trở nên lỗi thời ngay ngày hôm nay. Tuổi thọ của các sản phẩm sẽ giảm ít nhất 25% vì sẽ bị nhanh chóng thay thế bởi những sản phẩm mới, ưu việt hơn như thực tế đã cho thấy qua sự lỗi thời và biến mất của điện thoại để bàn, máy tính để bàn, máy ảnh chụp phim v.v. Người ta đang nỗ lực tạo những bộ phận cơ thể con người như quả tim trên cơ sở vận dụng công nghệ cấy mô trên những mô hình chính xác được tạo ra bởi công nghệ in 3D. Ô tô điện tự lái, tàu thủy, máy bay tự lái sẽ thay thế những công nghệ cũ, dịch vụ taxi sẽ không cần nữa, trường dạy lái xe cũng sẽ không còn ai đến học v.v. Hàng may mặc thời trang sẽ được may đo, sản xuất theo sở thích từng người, gửi đến tận nhà v.v. Doanh nghiệp sẽ phải liên tục đổi mới mặt hàng, dịch vụ, cơ cấu kinh tế cũng sẽ phải điều chỉnh phù hợp với tiến bộ KH&CN và biến đổi của thị trường thế giới.
Nhà nước khuyến khích sáng tạo để phát triển bền vững
KH&CN quyết định sức mạnh kinh tế, quốc phòng của đất nước, chậm là bị tụt hậu một cách lạc lõng trong thế giới ngày nay. Hoàn toàn không phải tình cờ mà ngày 13.9. 2017 vừa qua, Tổng thống Mỹ D.Trump đã quyết định ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại một số công ty công nghệ của Mỹ. Chức năng, phương pháp, hình thức hoạt động của nhà nước đã và sẽ phải thay đổi liên tục nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới nhanh chóng thay vì muốn ổn định, kiểm soát xã hội theo những tiêu chí đã lỗi thời và trở thành bất lực. Thay vì triệu tập hội họp mất thì giờ, tốn kém, họp trực tuyến xuyên quốc gia từ Mỹ và châu Âu kết nối với khắp thế giới đã trở thành phổ biến. Đổi mới luật pháp để tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới là yêu cầu hiển nhiên đối với tất cả các quốc gia vì không thể dùng các luật pháp cũ để giám sát công nghệ mới như trường hợp của Uber và Grab vừa qua. Nhà nước cần linh hoạt đón nhận và ủng hộ đổi mới, sáng tạo, thay đổi luật pháp, chính sách để chủ động thúc đẩy CMCN 4 thay vì giáo điều, bảo thủ, áp đặt những điều xưa cũ không còn phù hợp.
Giáo dục cũng phải thay đổi mạnh mẽ. Thay vì đòi hỏi trẻ em học thuộc lòng, thụ động vâng lời, “gọi dạ, bảo vâng”, triết lý giáo dục phải nhằm khuyến khích trẻ con phát huy trí tò mò, sáng tạo, đặt câu hỏi, tranh luận bình đẳng với bố mẹ và thầy, cô giáo. Trang thiết bị, phương pháp giảng dạy đang thay đổi mạnh mẽ. Nước Đức đang đề xuất đào tạo lại các cô giáo trên 50 tuổi về công nghệ thông tin, đưa Instagram vào giờ học vì trẻ con đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh, các trò chơi điện tử sẽ cảm thấy giờ học xa lạ với cuộc sống hằng ngày của các em.
Thách thức lớn nhất đối với người lao động là người máy, trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế họ trên rất nhiều lĩnh vực, C.Frey (2013) đã dự báo 47% việc làm trong công nghiệp, xây dựng và nông-lâm-ngư nghiệp ở Mỹ sẽ được thay thế bằng người máy.
Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã dự báo 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc. Nhà nước phải thuyết phục, tạo điều kiện, khuyến khích hàng triệu người lao động từ thành thị đến nông thôn học tập suốt đời, sẵn sàng học một nghề mới, hợp tác với những cộng sự đến từ nước khác. Hệ thống giáo dục sẽ phải phát triển để thực hiện nhiệm vụ khổng lồ này. Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ người máy là “thiên thần cứu tinh hay ác quỷ” đối với người lao động, như có nên đánh thuế người máy hay không. Nếu không đạt được đồng thuận xã hội, tạo việc làm mới cho những lao động mất việc vì người máy, xung đột xã hội sẽ khó tránh khỏi như đã diễn ra việc công nhân mất việc tấn công người máy.
Đã xuất hiện những nhà máy sử dụng người máy trên dây chuyền cả nghìn mét không có ánh đèn vì người máy hoạt động không cần ánh sáng. Một số nhà đầu tư đã đầu tư ở Mỹ, thay vì đầu tư ở những nước lao động giá rẻ, để tận dụng lợi thế về người máy, trí thông minh nhân tạo và chi phí vận chuyển thấp. Tuy vậy, chưa xuất hiện làn sóng rút ồ ạt đầu tư nước ngoài về các nước phát triển như một số dự đoán, có thể sẽ có những quyết định riêng lẻ trong tương lai.
Công nghệ thông tin, kết nối sâu rộng có thể cho phép nhà nước xâm phạm vào đời sống riêng tư của công dân, dẫn đến nguy cơ hạn chế quyền tự do cá nhân bằng công nghệ số, điều này cũng đã được các nhà khoa học cảnh báo.
An toàn mạng trở thành yêu cầu cấp thiết để số hóa các doanh nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, không ít tập đoàn vẫn lo ngại về sự an toàn của kho dữ liệu của họ trên điện toán đám mây. Nhà nước phải có nỗ lực quốc gia và quốc tế để bảo đảm an ninh mạng trước những vụ tấn công từ những hacker trong nước và ngoài nước.
Sự kết nối sâu rộng của nền kinh tế số hóa tạo ra sức mạnh và sự tự chủ của những cá nhân về thông tin, cơ hội học tập, kinh doanh xuyên quốc gia. Một người trẻ tuổi có thể kinh doanh qua mạng, có thu nhập đủ sống, không còn phụ thuộc vào giấy phép con hay điều kiện kinh doanh và can thiệp của quan chức hành chính nhà nước. Anh ta có thể lắp điện mặt trời, điện gió và cũng không còn phụ thuộc vào mạng lưới điện của tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Trong tương lai không xa, sử dụng ô tô điện tự lái, anh ta cũng không phải mua xăng mà có thể tự nạp điện sử dụng năng lượng mặt trời. Mức độ tự do, tự chủ của cá nhân được nâng lên rất nhiều như Karl Marx đã từng tiên đoán trong “Hệ tư tưởng Đức” về chủ nghĩa cộng sản là “sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người”. Nhà nước cần và có thể làm gì để duy trì và tăng cường tính cộng đồng, kiểm soát thu nhập, đánh thuế đối với những công dân này? Ngay cả những nhà nước hùng mạnh nhất cũng đứng trước những thách thức không nhỏ như làm sao kiểm soát được tài chính của những tập đoàn xuyên quốc gia thanh toán nội bộ với nhau qua mạng.
Thế hệ sau sẽ thay đổi nhanh và khác nhiều so với thế hệ trước. Nhà nước, các tổ chức xã hội, gia đình phải hiểu, thích nghi với những nhu cầu, tác phong mới. Báo Tiền Phong ngày 10/9 đưa tin hàng trăm thanh niên cầm chảo chạy quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm hưởng ứng lời kêu gọi trên mạng xã hội mô phỏng theo một trò chơi trên mạng là một ví dụ.
Cơ hội và thách thức lớn nhất đối với tất cả các nhà nước xuất hiện trên lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng đến dịch vụ v.v… Ngành sản xuất ô tô hùng mạnh của nước Đức đã quá chậm trước sự xuất hiện ô tô điện tự lái là một ví dụ cho thấy không ai có thể tự ru ngủ mình trên vinh quang của quá khứ. Đã có dự báo ô tô sử dụng động cơ đốt trong sẽ hết thời vào năm 2035, vậy thì đầu tư vào lĩnh vực này bây giờ có quá muộn không?
Năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối như rơm, rạ, củi…) dự kiến sẽ cung ứng 80% nhu cầu năng lượng của loài người trong tương lai không xa, vai trò của nhiên liệu hóa thạch, nhất là than giảm đi nhanh chóng, các trạm xăng sẽ được thay thế bằng trạm nạp điện.
Lợi thế từ tài nguyên khoáng sản và lao động lương thấp đang mất dần, Việt Nam phải tạo ra lợi thế mới từ sáng tạo KH&CN, tăng thêm giá trị gia tăng bằng chế tác sâu hơn, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với công cuộc tái cơ cấu kinh tế ở nước ta.
Nhà nước cần nâng cao chất lượng của công tác dự báo kinh tế-xã hội, kết hợp giữa dự báo tiến bộ KH&CN với những quyết định đầu tư kinh tế-xã hội, khắc phục cách quyết định theo “nhóm lợi ích” hay cách làm tùy hứng, quyết định tại chỗ, không có căn cứ khoa học và kinh tế-kỹ thuật. Nhà nước cần có quy chế nghiêm ngặt về chế độ phản biện độc lập, trách nhiệm cá nhân của người phản biện và giám sát, tránh cách làm hình thức như đã xảy ra.
Hy vọng CMCN 4 sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách nhà nước theo hướng hình thành một nhà nước kiến tạo, liêm khiết, sáng suốt, trọng dụng nhân tài và thúc đẩy KH&CN.