Chuyện ông Mỹ khởi nghiệp
Không ai chọn tuổi để khởi nghiệp. Điều này hoàn toàn đúng với ông Nguyễn Thanh Mỹ - một doanh nhân Việt kiều ở Trà Vinh - dù đã về hưu vẫn tái khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ (phải) trao đổi với các cán bộ tỉnh Bến Tre bên lề hội nghị “Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp” tháng 11/2016.
Người không có tuổi hưu
Ông Mỹ định cư ở Montreal, Canada từ năm 1979. Năm 2004, ông quay về Trà Vinh bắt tay xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan với số vốn vỏn vẹn chỉ gần 250,000 USD.
Sau 12 năm hoạt động, Tập đoàn Mỹ Lan nổi tiếng ở Việt Nam và quốc tế với bản in offset CTP, mực và máy in phun công nghiệp xuất khẩu và có bản quyền sáng chế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện công ty được định giá gần 100 triệu USD và thường được ví von như một Google ở Trà Vinh.
Năm 2015, sau hai nhiệm kỳ 5 năm làm tổng giám đốc, ông Mỹ chủ động quyết định rời vị trí lãnh đạo, trước là để nghỉ ngơi, sau – cái chính – là tạo điều kiện cho người trẻ lên thay để họ có thêm đất diễn và mang lại nét mới cho công ty. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, một con người công việc như ông cảm thấy mình còn quá trẻ để không làm gì. Vậy là ông quay lại và chọn nông nghiệp – một lĩnh vực hoàn toàn mới để dấn thân.
Trong bài tham luận trình bày tại ngày hội Việt kiều ở TPHCM vừa qua, ông chia sẻ, “mặc dù được sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa bao giờ tôi để ý và biết gì về nông nghiệp”. Nhưng rồi ông quyết định trở thành một “nông dân”, như cách ông gọi vui, khi thường xuyên nghe nói về “thực phẩm bẩn” trên báo đài, truyền hình; ô nhiễm môi trường từ nông nghiệp; hạn mặn rồi thì biến đổi khí hậu …
“Những vấn đề nông nghiệp nó thách thức đầu óc mình dữ quá.” Ông từng chia sẻ như vậy, và rồi để giải quyết những thách thức ấy, Rynan AgriFoods – một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ra đời.
Một trong số những sản phẩm đầu tay của Rynan AgriFoods là phân bón thông minh, được nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm từ đầu năm 2016 tại Tam Nông (Đồng Tháp).
Về cơ bản, phân bón thông minh có thành phần cơ bản từ phân bón thông dụng được bán trên thị trường nhưng điểm khác là chúng được bao ngoài bởi nhiều lớp polymer. Chính những lớp polymer này sẽ giúp phân giải phân từ từ theo tiến trình phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng. Điều này giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân sử dụng, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm khí thải nhà kính…
Sau thời gian thử nghiệm đạt kết quả ghi nhận tích cực, Rynan Agrifoods quyết định đầu tư 7 triệu USD xây một nhà máy sản xuất phân bón thông minh với công suất 20.000 tấn/năm ngay tại khu công nghiệp Long Đức – Trà Vinh, ngay trong mảnh đất nơi tập đoàn Mỹ Lan tại vị.
Theo ông Mỹ, 20.000 tấn là một con số rất khiêm tốn và còn rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường bởi chỉ riêng vài hợp tác xã ở Đồng Tháp, mỗi năm họ đã ký hợp đồng ghi nhớ đặt mua 100.000 tấn với ông.
20.000 tấn chỉ là con số để bắt đầu. Và với người đàn ông này, tuổi hưu là một khái niệm không có trong từ điển.
Triết lý khởi nghiệp
Bên cạnh phân bón thông minh, Rynan Agrifoods còn có nhiều sản phẩm khác, ví như ứng dụng Internet kết nối vạn vật vào nông nghiệp, phao quan trắc nước, đồng hồ nước thông minh, chế biến bao bì khí cải tiến, thương mai điện tử …
Thoạt nhìn, cứ tưởng mọi thứ ngẫu nhiên, thấy cơ hội đâu thì làm đó. Thế nhưng, hoàn toàn không phải vậy. Với ông già đầy nhiệt huyết này, khởi nghiệp có những triết lý hẳn hoi. Trong định nghĩa của ông, khởi nghiệp là một hành trình chủ động tạo ra sản phẩm hay cách phục vụ hoặc mới, hoặc tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu đời sống xã hội.
Như vậy, khởi nghiệp là để thỏa mãn nhu cầu đời sống xã hội. Bạn sẽ hỏi định nghĩa gì chung chung quá vậy? Dĩ nhiên, câu hỏi của bạn hoàn toàn hợp lý và để làm rõ hơn cái chung chung này, ông Mỹ đưa ra bốn chữ làm cần nhớ trong khởi nghiệp. Đây chính là cái nôi để những ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu.
Bốn làm ở đây cụ thể gồm có: làm đúng lại cái đang bị làm sai; làm tốt hơn cái đang tốt; làm có cái chưa có; và xa hơn là làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống. Trong một hội thảo ở Bến Tre ngày 18-11 vừa qua, ông nói rõ hơn bốn chữ làm này qua những ví dụ rất gần gũi.
Trong góc nhìn của ông, vài chục năm qua, nền nông nghiệp chúng ta chạy theo năng suất, lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu quá nhiều và bây giờ thực phẩm bẩn là một phần hệ quả, chưa kể ảnh hướng đến đất, nước, không khí cũng bị ô nhiễm theo. Điều này sai và nên được sửa lại.
Tiếp tục câu chuyện, ông chia sẻ, khoa học đã phát minh ra phân đạm. Điều này tốt cho cây trồng và bây giờ chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn. Phân đạm sau khi được bón cho cây sẽ bị thủy phân, một phần được rễ cây hấp thụ, một phần lại bị chuyển đổi theo cách bốc hơi hoặc bị rửa trôi. Hệ quả là vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây lãng phí. Phân bón thông minh là lời giải cho bài toán trên và là ví dụ minh họa rõ nét cho chữ làm thứ hai, tức làm tốt hơn cái đang tốt.
Bây giờ, kể tiếp sang một câu chuyện khác. Trong đợt hạn mặn vừa qua, mặc dù cùng một dòng sông nhưng không phải lúc nào độ mặn cũng như nhau mà tùy thuộc vào thủy triều lên xuống trong ngày, vẫn có thời điểm xuất hiện nước ngọt trong ngày. Việc đặt phao quan trắc có cảm biến đo độ mặn có thể giúp nông dân xác định thời điểm thích hợp để chủ động bơm nước trữ dùng một cách tự động khi độ mặn thấp hơn ngưỡng thông số cài đặt.
Rõ ràng, sự xuất hiện phao quan trắc có cảm biến đo độ mặn và cài đặt chế độ bơm nước tự động qua ứng dụng dùng trên smartphone là điều mới mẻ trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đây chính là minh họa cho chữ làm thứ ba mà ông Mỹ đề cập, tức làm cho có cái chưa có. Dĩ nhiên, như điều cơ bản trong định nghĩa, cái có này phải đáp ứng nhu cầu từ xã hội.
Vậy, nếu bạn nắm vững ba chữ làm vừa nêu, hẳn bạn sẽ nhận thấy không quá khó để tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp.
Làm một dấu ấn tốt để lại
Thế nhưng, dù làm gì, với ông Mỹ, mọi việc cần phải xuất phát từ tâm, và hướng đến làm một dấu ấn tốt đẹp để lại cho thế hệ tương lai.
Cái tâm và dấu ấn ông Mỹ để lại không quá khó. Nếu bạn chưa nghe đến ông ấy bao giờ, hãy thử Google. Đó là câu chuyện về một cậu bé bán cà rem để nuôi sống bản thân, rồi qua Canada từ năm 1979 theo diện “bơi lội”, phấn đấu không mệt mỏi từ một người phụ bếp trở thành tiến sĩ hóa học làm việc tại nhiều công ty lớn trong ngành trên thế giới.
Thế nhưng, đó là câu chuyện quá khứ. Nếu được, tốt nhất bạn nên một lần ghé thăm tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh, nơi ông Mỹ là người sáng lập và giữ chức vụ Tổng giám đốc cho đến khi về hưu vào cuối năm 2015.
Vào một ngày nửa cuối tháng 11-2016, chúng tôi may mắn đến thăm nơi đây. Cảm giác đầu tiên là một màu xanh vô cùng dễ chịu. Nói không quá, nơi đây giống công viên hơn là một nhà máy ở khu công nghiệp. Với tổng diện tích 20 héc ta, phần dành cho cây xanh đã chiếm đến gần 10 héc ta.
Để viết về công ty này to, đẹp, hiện đại ra sao thì sẽ rất dài và cũng khó mà đầy đủ. Chỉ biết rằng, sau khi đi tham quan một vòng, về lại phòng ăn cũng là phòng để công ty tiếp khách, nghe một bản nhạc bolero, cô bạn đi chung đoàn thốt lên “nếu không có bài hát này, mình chẳng nghĩ đây là một công ty ở Việt Nam”.
Ở đây, xin được kể thêm một chi tiết nhỏ liên quan đến cái toilet. Ngay tại bàn lavabo rửa tay là những chiếc khăn sạch sẽ được gấp lại để thành chồng gọn gàng. Chi vậy? Để sau khi vệ sinh xong, rửa tay, nhân viên sẽ dùng những chiếc khăn này để lau khô những giọt nước còn vương lại từ lavabo và kệ đá. Làm như vậy, vừa giữ vệ sinh, vừa tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng sau. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng không thật sự quan tâm đến nhân viên, ai sẽ làm như vậy?
Những giá trị ông Mỹ gầy dựng với Mỹ Lan là điều vô cùng đáng quý và trân trọng. Đáng trân trọng hơn là tấm lòng của ông dành cho quê hương. Nếu không yêu quê hương, năm 2004, ông sẽ không quay về Trà Vinh – một tỉnh nghèo của đất nước, thiếu thốn mọi thứ để dựng lên một Google của Việt Nam. Nếu không yêu đất nước, ở cái tuổi ngoài 60, với dư thừa điều kiện trong tay, ông đã an dưỡng tuổi già chứ không hơi đâu tái khởi nghiệp và bôn ba từ Bắc chí Nam để nói chuyện về khởi nghiệp.
Nhiều người nhìn về quê hương, thấy toàn một bức tranh màu tối, với nào là nợ công, nợ xấu, là môi trường kinh doanh khó khăn, thiếu minh bạch … Còn ông, nhìn đâu cũng thấy quê hương thật đẹp. Ông thấy thời gian đi từ TPHCM về Trà Vinh chỉ còn 3 – 3,5 giờ, thay vì 7 – 8 giờ như trước; ông thấy người Việt cao to hơn, đẹp hơn, giỏi hơn và cởi mở hơn.
Người ta nhìn vào điểm chưa được để mặc cả, chùn bước. Ông nhìn vào điểm chưa được để dấn thân và đóng góp, xây dựng đất nước.
Với những điều ông ấy đã làm, có thể hiểu ông ấy có một tình yêu đặc biệt dành cho quê hương. Thế nhưng tình yêu ấy từ đâu ra và được xây dựng như thế nào?
Xin mượn lời trong bài phát biểu của ông ấy ở ngày hội Việt kiều vào đầu tháng 11-2016 để chia sẻ cùng bạn đọc: “Tôi may mắn là được đi nhiều nơi trên thế giới, và cảm nhận rằng không nơi nào mà tôi cảm thấy thoải mái và bình yên cho bằng ở quê nhà. Nơi đây, tôi được nói và nghe cùng tiếng nói mà mẹ tôi khuyên nhủ khi tôi còn bé. Ăn được những món ăn giống mẹ tôi nấu sau buổi tan trường về. Với câu chuyện về lại Việt Nam để sống và đầu tư của tôi, hy vọng anh chị và các bạn sẽ thấy rằng nơi đây tràn đầy những cơ hội tốt, đang chờ đón chúng ta, những người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư và khởi nghiệp. Nơi đây cũng là nơi rất lý tưởng để có cuộc sống bình yên và cống hiến”.