Crowd Cow: Kết nối nông trại với người tiêu dùng

Crowd Cow có thể được ví như Uber trong…chăn nuôi bò. Hiểu một cách đơn giản, nếu Uber là nền tảng kết nối những người chạy xe nhàn rỗi với khách hàng, không cần thông qua công ty taxi thì startup của Seattle, Mỹ này kết nối những người chăn nuôi bò thả với người tiêu dùng mà không cần thông qua cửa hàng thịt hay siêu thị.


Seth Mayer chủ một trang trại ở bang Washington với con bò Wagyu của mình. Ông hợp tác với Crowd Cow để bán thịt bò. Nguồn ảnh: New York Times

Crowd Cow mỗi lần chỉ rao bán một con bò, được chia thành 50-60 phần, mỗi phần khoảng từ 4.5 – 5.5 kg, chưa kể những phần như gan, lưỡi và xương ống. Sau khi có người đăng ký mua kín hết các phần, họ mới mua bò từ trang trại, đưa bò đi mổ đúng như yêu cầu của khách hàng, phơi khô hai tuần trong điều kiện có kiểm soát (dry-age), đông lạnh nhanh bằng đá khô và vận chuyển đến tận nhà khách hàng trong túi nhựa hút chân không. Nếu không đủ người đăng ký, họ sẽ không mổ bò nữa, nhưng trên thực tế một con bò sẽ kín người xếp hàng mua ngay sau khi rao bán vài ngày.

Hai người sáng lập Crowd Cow, Joe Heitzeberg và Ethan Lowry, xuất thân từ ngành công nghệ thông tin. Họ liên hệ với các nông trại gia đình truyền thống, quy mô nhỏ gồm vài chục con bò (trong đó có cả bò Wagyu hiếm có của Nhật) nuôi theo phương pháp ăn cỏ và chăn thả. Họ sẽ lo mọi việc liên quan đến quảng bá, quản lý danh sách khách hàng, giết mổ, bảo quản thịt cho đến đóng gói và vận chuyển.

Những hộ nông dân này trước khi đến với Crowd Cow vẫn thường bán bò của mình thông qua các phiên chợ đấu giá công khai tại địa phương cho các nông trường, những cửa hàng thịt nhỏ hoặc các nhà hàng cao cấp. Cách buôn bán này không tạo nhiều điều kiện cho họ giới thiệu về truyền thống chăn nuôi, phương pháp chăn nuôi hay đam mê và sự trân trọng của họ đối với công việc này (có những nông trại có tuổi đời hơn 100 năm và “gìn giữ” qua nhiều thế hệ). Trước khi rao bán một con bò, Crowd Cow đưa lên cả nội dung giới thiệu về xuất xứ của nó. Ngoài ảnh chụp, họ còn có cả video một vài phút để người nông dân kể câu chuyện về nông trại của mình. Trên mỗi bao bì gửi đến tận nhà các khách hàng cũng ghi tên và địa chỉ của nông trại. Nói một cách tóm tắt, Crowd Cow giúp cho những người chăn nuôi đưa thịt bò của họ đến tay người tiêu dùng nhưng không lờ đi danh tính, tên tuổi của họ như trong siêu thị hay các cửa hàng thịt. “Họ bán sản phẩm của chúng tôi như thể chính chúng tôi đi bán” –Một nông dân nói về Crowd Cow trên New York Times. Những người nuôi bò giờ đây cũng giảm bớt gánh nặng về công việc “bàn giấy” phải tìm kiếm khách hàng, thuê người vận chuyển, giết mổ…bên cạnh việc “chuyên môn” là chăn nuôi đã chiếm hết thời gian của họ. Để người nông dân chủ động trong việc lo liệu đầu ra, Crowd Cow gửi lịch bán hàng của mình trong vòng sáu tháng hoặc một năm để họ đăng ký. “Giải pháp nào khiến người nông dân nhận được giá bán cao hơn, giảm chi phí sản xuất hay trong trường hợp này là chi phí marketing, với đầu ra ổn định và an toàn hơn đều rất có giá trị” – GS. Richard VanVranken về nông nghiệp và quản lý tài nguyên tại Đại học Rutgers, Mỹ trả lời phỏng vấn tờ The Guardian. Có những nông trại bán ¾ số bò mỗi năm, tương đương 52 con, thông qua Crowd Cow.

Hiện nay, Crowd Cow có doanh thu khoảng một triệu USD mỗi năm và hằng tháng họ phải xử lý hàng nghìn đơn hàng. Trong năm nay, họ sẽ mở rộng dịch vụ của mình ra khắp nước Mỹ. Phần lớn các khách hàng của Crowd Cow đều quay trở lại mua tiếp sau hai tháng.

Crowd Cow tới đây có thể sẽ phải gặp thách thức cạnh tranh gay gắt khi các siêu thị nhanh nhạy trong việc nhận ra thị hiếu của khách hàng thay đổi sang thịt bò ăn cỏ, những hộ nông dân năng động tự rao bán hàng qua mạng hay các trang web thương mại điện tử bán thực phẩm tươi sống như Amazon. Tuy nhiên, Crowd Cow vẫn có nhiều giá trị vượt trội. Việc khách hàng có thể lựa chọn mua thịt chi tiết đến từng giống bò, loại thịt bò, cách thức sơ chế và trang trại đem lại một cảm giác “sành điệu” cho món ăn của họ. Joe Heitzeberg, giám đốc và người sáng lập Crowd Cow so sánh điều này tinh tế giống như uống rượu vang và bia ủ thủ công (microbrews). Bên cạnh đó, sự minh bạch trong sản phẩm của Crowd Cow khó có một cửa hàng hay siêu thị nào có thể sánh được, đặc biệt là với món thịt bò xay, từ trước đến nay vẫn là món “thịt bí ẩn” trong các siêu thị ở Mỹ. Không ai biết món thịt xay trên bàn mình là từ của bao nhiêu con bò, nguồn gốc đến từ đâu. McDonald’s từng tuyên bố rằng, viên thịt bò trong bánh hamburger của họ có thể chứa thịt của 100 con bò khác nhau!

Hảo Linh tổng hợp

Crowd Cow gợi nhớ nhiều đến ý tưởng “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Theo đó, họ tạo ra một “nền tảng” kết nối trực tiếp nhà vườn thuộc hợp tác xã tới người tiêu dùng. Toàn bộ cây xoài được rao bán đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được lựa chọn và “định giá” bởi một “hội đồng” gồm các nhà vườn chuyên nghiệp và những người trồng xoài lâu năm. Người mua xoài sẽ “mua đứt” cả cây trước khi cây ra hoa và trả tiền theo năm. Mỗi năm, họ sẽ nhận xoài hai lần, tương ứng với hai vụ. Nếu gặp lúc trúng mùa, người mua sẽ nhận toàn bộ sản lượng của cây xoài, nếu không thì họ chia sẻ rủi ro với nhà vườn bằng cách chỉ nhận 70% so với năng suất trung bình của cây. Cách làm này khiến cho những người ở thành phố được mua xoài đặc sản với giá chỉ bằng một nửa so với ở các cửa hàng (ngay cả khi đã trả phí vận chuyển). Còn nhà vườn có tiền xoay sở đầu vụ và như anh Võ Việt Hưng, tác giả của ý tưởng này cho biết: “người ta an tâm cây xoài này có người mua rồi, còn chuyện ‘trúng mùa, rớt giá’ là chuyện của thiên hạ”. Tuy nhiên, những nông dân trồng xoài choáng ngợp khi tự mình vận hành một mô hình thương mại điện tử. Anh Hưng chia sẻ rất thực rằng: “Làm cái này cực lắm!”. Đó là anh mới chỉ đề cập đến việc tổ chức “hội đồng” đánh giá, liên hệ với những người mua hàng và gọi điện cho họ đến lấy hàng tại các chi nhánh của hợp tác xã xoài Mỹ Xương ở một số tỉnh hoặc tại…bến xe. Những việc như xây dựng nền tảng, cập nhật hình ảnh liên tục, marketing…anh đều chưa đủ điều kiện về nguồn lực để tính đến. Mặc dù rất hấp dẫn vì đưa ra giá rẻ nhưng cách thức hoạt động của “Cây xoài nhà tôi” lại bất tiện cho khách hàng. Có nhiều bài toán khác cả về mặt công nghệ và thương mại mà anh Hưng đang phải đối mặt: làm thể nào để nhiều người có thể mua chung một cây xoài (để họ đỡ “hốt hoảng” (theo lời anh Hưng) khi nhận được vài chục kg xoài một lúc), làm thế nào để bảo quản và đóng gói xoài sau thu hoạch để không bị dập/nát sau khi vận chuyển đến tay khách hàng, làm thế nào để có thể áp dụng công nghệ thông tin xử lý các đơn hàng một cách tự động thay vì người đứng đầu hợp tác xã phải trả lời email, gọi điện thoại trực tiếp với khách hàng liên tục? Hiện nay, số cây xoài đã bán mới là 60, tương đương với vài chục khách hàng, nhưng nếu khi khách hàng lên đến vài nghìn, nằm rải rác trên cả nước? Câu chuyện của Crowd Cow cho thấy rằng, người nông dân vẫn cần hợp tác với một đội ngũ thạo kinh doanh và công nghệ để giảm chi phí trung gian thay vì tự làm tất cả một mình.

Tác giả