Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi thế giới

Số hóa, xu hướng sử dụng robot và các thiết bị thông minh ngày càng tác động mạnh mẽ đến sản xuất công nghiệp, thị trường lao động và quá trình toàn cầu hóa. Do đó, các chuyên gia công nghệ đã gọi giai đoạn hiện nay là cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đưa ra dự báo về tương lai của nền công nghiệp như sau:

Robot của hãng Franka Emika.

Máy in 3D

Hiện nay, robot, máy in 3D và công nghệ thông tin đang tạo ra một cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp. Trong đó, máy in 3D đang chinh phục thị trường bình dân. Dự kiến, đến năm 2020, doanh thu của công nghệ này trên toàn thế giới sẽ đạt 35 tỷ USD.

Cho đến nay máy in 3D có thể sản xuất ra rất nhiều sản phẩm từ nhiều nguồn nguyên vật liệu khác nhau như sành sứ, chất dẻo tổng hợp, thậm chí cả gỗ theo yêu cầu. Nhiều hãng sản xuất ô tô, ví dụ như Daimler rất quan tâm đến công nghệ này vì nhờ đó, họ có thể thay đổi hẳn phương thức sản xuất phụ tùng thay thế. Cụ thể, thay vì tích trữ các phụ tùng đắt tiền của mỗi loại mẫu mã xe này trong kho hàng năm trời, các hãng có thể sản xuất ngay khi có nhu cầu.

Các cỗ máy in 3D này cũng có thể làm ra sản phẩm theo đơn đặt hàng đúng với yêu cầu, như may quần áo vậy. Ví dụ như hãng Shapeways có thể in đồ trang sức và nhiều sản phẩm khác theo đơn đặt hàng cho từng cá nhân. Ai cũng có thể tự thiết kế mẫu sản phẩm 3D của mình rồi gửi đến đơn vị vận hành máy in 3D để chế tạo. Tới đây bệnh viện Isala ở Hà Lan dự định sẽ in từng khẩu phần ăn với chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho từng bệnh nhân đang được điều trị tại đây.

Ngoài ra, máy in 3D rất gọn nhẹ và có tính di động cao, phù hợp với nhiều địa bàn khác nhau. Thay vì phải xây dựng những nhà máy to lớn với các cỗ máy đồ sộ, nay người ta chỉ cần một cỗ máy có kích cỡ bằng chiếc tủ lạnh cỡ lớn, vì vậy các công ty có thể đặt máy để sản xuất ở bất cứ đâu. Hiện nay riêng ở  New York đã có trên  500 cơ sở in 3D.

Robot làm thay đổi cơ cấu lao động

Các robot cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các nhà máy và đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau như vận chuyển, giao hàng, đóng gói sản phẩm…. Đặc biệt, chúng có thể đảm nhận các công việc nặng nhọc, nhàm chán hoặc độc hại, nguy hiểm mà con người không thể trực tiếp làm.

Theo dự báo của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), đến năm 2025 máy móc, thiết bị thông minh sẽ đảm đương 25% khối lượng sản xuất công nghiệp và giúp tăng năng xuất lao động, giảm phần lớn chi phí sản xuất. Ví dụ, chi phí sản xuất công nghiệp ở Đức sẽ giảm khoảng 21%.

Theo các nhà nghiên cứu của ngân hàng DZ ở Đức thì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thiết bị máy móc thông minh được nối mạng sẽ tạo ra sức bật về năng xuất lao động. Dự kiến, đến năm 2025, nền công nghiệp Đức sẽ được hưởng lợi rất lớn từ các thiết bị thông minh, robot và máy in 3D. Cụ thể, năng suất lao động ở các nhà máy sẽ tăng bình quân 11,5% nhờ vào các yếu tố đó.

Trong các ngành công nghiệp, hai ngành công nghiệp hóa chất và cơ khí chế tạo máy sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Theo dự báo của các nhà khoa học, năng suất lao động ở hai ngành này tăng tới 30%. Năng suất sản xuất của ngành ô tô cũng tăng 20%, ngành công nghệ thông tin tăng 15%. Điều này không chỉ có lợi cho các nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi vì giá thành sản phẩm sẽ giảm.

Tuy nhiên, những điều này có tác động như thế nào đối với việc làm? Ngày càng có nhiều lời cảnh báo của các chuyên gia về một làn sóng thất nghiệp mới do trí tuệ nhân tạo và robot gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa làm con người mất việc nhanh như vậy, theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu thị trường lao động và nghề nghiệp ở Nürnberg, Đức.

Các chuyên gia này dự báo: cho đến năm 2030, lĩnh vực công nghiệp sẽ có khoảng 490.000 lao động phải “nhường” việc làm lại cho robot, máy móc và các thiết bị thông minh khác. Tuy nhiên sẽ có khoảng 430.000 việc làm mới – những việc cần con người phối hợp với robot hoặc điều khiển các máy móc thiết bị. Ví dụ người lái xe nâng hạ phải nhường chỗ cho các chuyên gia IT, những người lập trình cho hoạt động của xe nâng hạ làm việc trong nhà kho.

Như vậy con số mất việc trên thực tế chỉ là 60.000. Tuy nhiên những những lao động phổ thông, không có trình độ cao sẽ bị đe dọa mất việc. Những việc làm mới chỉ dành cho những  người có chuyên môn. Vì vậy đào tạo và bồi dưỡng nghề là điều hết sức cấp thiết.

Các nhà máy, xí nghiệp “hồi hương”

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này sẽ giúp làm tăng năng suất sản xuất của ngành công nghiệp nội địa ở các nước phát triển, do vậy, rất nhiều doanh nghiệp sẽ “hồi hương” các nhà máy đang đặt ở nước ngoài. Ví dụ ở nước Mỹ, câu khẩu hiệu “made in USA” đang lay động trái tim nhiều người dân Mỹ là một minh chứng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ đang tính tới việc sẽ đưa các nhà máy sản xuất ở nước ngoài trở về nội địa. Hiện nay, chuỗi siêu thị Walmart đang nỗ lực đến năm  2023 có sản lượng hàng hóa nội địa trị giá khoảng 250 tỷ USD. Các doanh nghiệp hi vọng, nhờ vào tự động hóa, sản xuất nội địa ở Mỹ sẽ lại có khả năng cạnh tranh cao và các nhà máy từng di chuyển sang châu Á nay sẽ hồi hương.

Trong một cuộc thăm dò do hãng tư vấn Boston Consulting Group tiến hành đối với các tập đoàn của Mỹ có doanh thu ít nhất 1 tỷ USD trở lên thì 17% lãnh đạo tập đoàn cho biết đã bắt đầu “hồi hương” các nhà máy đang đặt ở nước ngoài. 53% cho hay đang cân nhắc tới vấn đề này.

Tác giả