Cuộc đời Rachel Carson: Tiếng nói từ tự nhiên
Rachel Carson, tác giả của quyển sách Mùa xuân im lặng (Silent Spring) – được coi như quyển sách gối đầu giường của nhiều nhà hóa học, là người đầu tiên nhắc đến ảnh hưởng của thuốc trừ sâu DDT, là khởi nguồn của nhiều phong trào bảo vệ môi trường sau này.
Rachel Carson được phỏng vấn tại nhà cho chương trình CBS Report, tháng 4/1963.
Năm 1963, trong chương trình “CBS Report” dài 60 phút, một người phụ nữ trung niên nói năng lưu loát, bình tĩnh nêu ra rằng việc hằng năm phun 900 triệu pounds (408 triệu kg) thuốc diệt côn trùng DDT trên khắp đồng ruộng, bãi cỏ, đường phố ở Mỹ có lẽ không hẳn là tốt, bởi chúng ta không thể lường trước những hậu quả lâu dài của nó, với con người và động vật hoang dã. Người phụ nữ đó là nhà sinh vật biển và bảo tồn tự nhiên Rachel Carson.
Phát ngôn viên Robert White-Stephens của công ty hóa chất American Cyanamid phản đối quan điểm của bà. Trong chiếc áo thí nghiệm trắng và đeo cặp kính dày gọng đen, ông cho rằng Carson sai lầm khi nghĩ rằng phải cẩn trọng khi làm đảo lộn tự nhiên. Các nhà khoa học khôn ngoan hơn nhiều, ông nói. Thực tế, họ biết chắc “con người” đang rất ổn trên con đường “làm chủ” thiên nhiên.
Carson bình tĩnh đưa ra những luận điểm và chứng minh của mình. Lúc đó, bà đã đội tóc giả để che đi mái đầu không còn tóc do trị xạ ung thư vú, căn bệnh sẽ khiến bà lìa trần gian chưa đầy 1 năm sau đó. Tuy vậy, cuối cùng Carson đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận, và phần nào đó, chiến thắng trong một cuộc chiến dai dẳng hơn bảo vệ môi trường. Hơn một nửa thế kỷ sau, nhiều người vẫn nhớ đến bà và những câu chuyện về cuộc đời bà.
Một nhà văn bẩm sinh
Rachel Carson là một cô gái nông thôn, sinh năm 1907, lớn lên trong một trang trại rộng 60 mẫu Anh ở quận Springdale, bang Pennsylvania. Tại đó cô bé Rachel đã dành nhiều giờ lang thang trên những cánh đồng gọi tên từng loài cây hoa và con vật như mẹ cô đã dạy. Cuộc sống đó không khác mấy cảnh thôn quê miêu tả trong cuốn sách yêu thích của cô Gió qua rặng liễu hay các tác phẩm của Beatrix Potter. Nhưng cha cô không phải là một người nông dân thành công. Để đủ tiền trang trải, ông phải bán dần từng tấc đất cho những nhà xây dựng. Thế là đô thị bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của cô bé Rachel, đường phố và cửa hàng ngày càng trở nên gần nhau hơn. Sự thay đổi sinh thái này sẽ mở ra cuộc tàn phá nghiêm trọng do thuốc trừ sâu mà về sau Carson kể tường tận trong cuốn sách Mùa xuân im lặng.
Từ năm 10 tuổi, cô bé Rachel đã là cây bút có tác phẩm được xuất bản trên tạp chí St. Nicholas, một ấn phẩm truyện kèm tranh minh họa dành cho trẻ em từng in các tác phẩm thời thơ ấu của các nhà văn nổi tiếng như F. Scott Fitzgerald, William Faulkner hay E.E. Cummings. Cô thường viết về những người lính dũng cảm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và nhiều câu chuyện trong đó đoạt huy hiệu bạc, vàng của tạp chí St. Nicholas.
Thời trẻ, Carson đọc sách và viết lách thường xuyên. Cô sáng tác nhiều đoạn văn thơ ngắn và tiểu luận. Sau này Carson kể lại rằng cô luôn mặc định mình sẽ trở thành nhà văn. Mặc dù không thể giải thích tại sao nhưng Carson cho rằng đó là một thôi thúc bản năng không tránh khỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cô theo học chuyên ngành ngôn ngữ Anh ở Cao đẳng nữ Pennsylvania (nay là Đại học Chatham).
Rachel Carson (phải) cùng Dorothy và Stanley Freeman tại đảo Southport
Tuy vậy, trong thời gian ở trường, Carson đã tham gia một lớp sinh học và trở nên say mê bởi giáo sư Mary Scott Skinker. Ảnh hưởng của Skinker mạnh đến nỗi Carson quyết định chuyển hẳn sang ngành sinh học biển và tham gia một khóa thực tập hè để cùng làm việc với bà tại Phòng thí nghiệm Hàng hải Mỹ tại Woods Hole, Bang Massachusetts. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên và vô cùng quan trọng của cô với đại dương. Sau này, mặc dù Carson nổi tiếng nhất với tác phẩm Mùa xuân im lặng về thảm họa thuốc trừ sâu, nhưng đại dương mới chính là chủ đề xuyên suốt và đam mê suốt đời của cô.
Cuối cùng thì không phải Carson đã rời bỏ tiếng Anh cho sinh học, mà đã hợp nhất cả hai niềm đam mê tuổi trẻ đó lại thành một nhà văn khoa học. Cô cũng là một trong những cây bút hiếm hoi viết về khoa học cho những người bình thường nhất cũng có thể hiểu và gắn kết được.
Phá vỡ “trần thủy tinh”
Sau khi nhận bằng cử nhân, cô đăng ký học tại Đại học Johns Hopkins vào năm 1929 để hoàn thành bằng thạc sĩ về động vật học. Năm 1932, cô đã bắt đầu chương trình tiến sĩ về nghiên cứu sinh học biển, nhưng cuộc Đại khủng hoảng đã thay đổi mọi thứ. Khi đang học tiến sĩ, gia đình Carson chuyển đến sống cùng cô. Vừa làm trợ lý phòng thí nghiệm vừa làm giáo viên, Carson trở thành trụ cột trong nhà và có trách nhiệm trợ cấp không chỉ cho cha mẹ mà còn cả một chị gái và hai người cháu gái.
Dưới áp lực tài chính nặng nề, Carson đã từ bỏ việc học tiến sĩ để kiếm một công việc hỗ trợ gia đình. Năm 1935, cha cô qua đời và hai năm sau, chị gái cô cũng mất, khiến trách nhiệm chu cấp tài chính cho mẹ và các cháu gái rơi thẳng xuống vai Carson. Từ đó, con đường học thuật của cô trở nên bất khả thi.
Đến cuối đời, Carson cũng nhận nuôi đứa cháu trai 5 tuổi Roger Christie và dành nhiều thời gian dạy dỗ cậu bé. Những cuộc dạo chơi trong rừng, ngoài bờ biển, khám phá thế giới tự nhiên bình dị mà tươi đẹp cùng đứa cháu trai đã được Carson thuật lại trong cuốn sách Kỳ thú (The Sense of Wonder, 1965).
Mặc dù bị buộc phải từ bỏ việc học sau đại học để hỗ trợ gia đình, Carson vẫn quyết định thử việc trong khối công lập. Đó là năm 1935 và Tổng thống Franklin Roosevelt đã ra quyết định tăng số lượng việc làm trong chính phủ để giúp đất nước thoát khỏi cuộc Đại khủng hoảng. Carson ghi điểm xuất sắc trong kỳ thi công chức. Do có nền tảng sinh học biển, cô sớm được nhận vào làm tại Ngư cục Mỹ (sau này là Cơ quan Ngư sản và Động vật Hoang dã Mỹ) với vị trí viết kịch bản radio cho các chủ đề khoa học. Carson đã trở thành người phụ nữ thứ hai từng làm việc ở đây. Song song với đó, cô cũng viết các bài tiêu điểm về lịch sử tự nhiên cho tờ báo Baltimore Sun.
Một bức ảnh chụp vào thập niên 1950 cho thấy DDT được sử dụng rất đại trà bằng cách phun để diệt muỗi và những côn trùng có hại. Những chất như DDT, PCBs và Dioxin (Chất độc màu da cam) đều có nhiều tính chất hóa học giống nhau.
Năm 1936, cô được giao làm nhà sinh vật học thủy sinh cấp dưới và năm 1943, thăng chức thành nhà sinh vật học thủy sinh. Trong suốt 15 năm làm việc tại Ngư cục, Carson hoạt động như một nhà nghiên cứu, biên tập viên và trở thành Tổng biên tập cho tất cả các ấn phẩm của cơ quan. Trong Thế chiến thứ II, Carson cũng là một thành viên trong nhóm nghiên cứu về bản chất âm thanh và địa hình dưới nước giúp Hải quân Mỹ phát triển chương trình tàu ngầm. Cô đồng thời là tác giả của nhiều tờ hướng dẫn dành cho các bà nội trợ về cách nấu cá tốt nhất cho bữa ăn trong điều kiện khẩu phần thịt ít ỏi thời chiến. Sự nghiệp của Carson là minh chứng cho việc phá vỡ những rào cản thăng tiến vô hình mà phụ nữ thường phải đối mặt thời kỳ đó.
Những quyển hướng dẫn nhỏ của chính phủ không đủ sức chứa được những bài viết xuất sắc của Carson. Khi cô gửi bài luận Thế giới nước (The World of Waters) dài 11 trang về sinh vật biển cho cấp trên, ông cho rằng nó quá xuất sắc để chỉ in trên những ấn phẩm của chính quyền do đó thuyết phục cô thử tìm một tạp chí để đăng. Carson liên hệ với biên tập viên của tờ Atlantic Monthly và họ sẵn lòng xuất bản. Bài viết xuất hiện trên tạp chí được chuyển sang tựa đề Dưới biển (Undersea, 1937) và đây là tác phẩm khởi đầu cho sự nghiệp hoạt động của một nhà tự nhiên học. Được khích lệ bởi thành công, Carson bắt tay vào viết một cuốn sách khác, Dưới làn gió biển (Under the Sea-Wind, 1941). Thời điểm xuất bản sách thật không thể tệ hơn, chỉ vài tuần sau đó xảy ra vụ đánh bom Trân Châu Cảng và đột nhiên không một ai có thời gian cho những cuộc khám phá thơ mộng về sinh vật biển.
Có lẽ đó là lý do tại sao tờ The Atlantic không quan tâm đến tác phẩm thứ hai của cô, Biển quanh ta (The Sea Around Us), do vậy Carson đã gửi tác phẩm của mình cho tờ The New Yorker. Wallace Shawn, biên tập viên huyền thoại của tạp chí này rất thích tác phẩm của Carson và ngay lập tức đồng ý đăng dưới dạng nhiều kỳ trên báo. Lúc đó là năm 1951. Khi tác phẩm phát hành dưới dạng sách, Biển quanh ta đã tại vị 86 tuần trong Danh sách bán chạy nhất của báo New York Times, giành được Giải hưởng Sách Quốc gia năm 1952 và đã được dịch ra 28 thứ tiếng. Cuốn sách thứ hai này, với giọng văn đầy hình ảnh nhưng không kém phần chính xác về mặt khoa học, là một cuộc khám phá kỳ quan thú vị về những gì con người đã biết về các vùng biển trên Trái đất, cách mà núi, đảo, đại dương, gió, mưa, thủy triều hình thành; các loài động thực vật đã sinh sống trên đó và bị thay đổi ra sao.
Sống và viết bên biển
Năm 1951, sau thành công của cuốn sách Biển quanh ta, Carson từ chức ở Ngư cục để theo đuổi việc viết lách toàn thời gian. Cùng với tiền thưởng giải Guggenheim Fellowship dành cho ‘những người chứng minh khả năng sáng tạo đặc biệt trong nghệ thuật’ và tiền bản quyền sách, Carson đã mua một miếng đất nhỏ trên bờ biển Maine. Ở đó, cô dành hết thời gian và tâm huyết để viết sách. Cuốn tiếp theo, Bờ biển (The Edge of the Sea, 1955) về việc nhận diện những cư dân biển “trong tất cả những biểu hiện khác nhau từ khi xuất hiện, tiến hóa và mất đi” cũng trở thành một tác phẩm bán chạy khác.
Đến lúc này, các cháu gái của Carson đã trưởng thành và mẹ cô, bà Maria, tiếp tục sống cùng cô. Mặc dù không có nhiều học vấn chính quy, bà Maria vẫn là người có đầu óc nhạy bén, tò mò và có niềm đam mê trọn đời với các loài chim.Bà đã dạy cô con gái cách phân biệt vô số âm thanh khác nhau của chim chóc ở Maine. Carson từ lâu tập chỉ trung vào cuộc sống bên dưới những con sóng và rìa đại dương giờ đây hướng sự quan tâm của mình tới những sinh vật bầu trời.
Rachel Carson không kết hôn và cũng chưa từng thể hiện sự quan tâm lãng mạn nào đối với người khác giới. Sau khi chuyển đến Maine, cô gặp một người phụ nữ tên là Dorothy Freeman. Đó là sự khởi đầu của một mối tình say đắm nhưng gần như hoàn toàn bí mật.
Với thế giới bên ngoài, hai người là bạn thân của nhau. Freeman hơn Carson gần 9 tuổi, kết hôn và có con với người chồng Stanley Freeman. Phần lớn trao đổi của Carson và Freeman tiến hành qua thư từ. Để bảo vệ bí mật, họ thường gửi hai lá thư trong một phong bì, một lá dùng khi ở đám đông để người kia có thể đọc to cho gia đình và bạn bè, lá thư còn lại riêng tư và thân mật hơn nhiều, chứa đầy cảm xúc cùng suy nghĩ, mà thế hệ đọc sau này mới hiểu được phần nào mối quan hệ thực sự của cả hai. Những lá thư riêng tư được thỏa thuận sẽ gửi vào “Hộp kín” – mật danh riêng của họ cho việc đốt bỏ sau khi đọc. Nhưng hai người phụ nữ ấy rốt cuộc không nỡ hủy tất cả những lá thư. Vào năm 1995, cháu gái của Freeman xuất bản cuốn sách Mãi mãi, Rachel (Always, Rachel) với những tờ giấy còn sót lại.
Cảnh báo về sự nguy hiểm của DDT
DDT (Dichloro Diphenyl Trichlorothane) được phát triển vào những năm 1940, lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh để giúp kiểm soát sự lây lan của bệnh sốt rét , sốt phát ban và các bệnh khác do côn trùng gây ra. Nhưng khi thế chiến II kết thúc, những nhà sản xuất tìm cách sử dụng thương mại chúng với hy vọng thâm nhập vào những thị trường mới nổi. Lúc đầu, DDT là loại thuốc trừ sâu cho cây trồng rất thành công, nhưng người ta không rõ ảnh hưởng của nó với sinh vật khác, bao gồm cả con người. Một số nhà khoa học đã liên tiếng báo động nhưng những rủi ro liên quan đến việc sử dụng DDT không được biết đến rộng rãi.
Từ đầu những năm 1940, Carson đã lo ngại về việc thải khối lượng lớn chất độc như thế vào môi trường. Khi ở Ngư cục, cô đọc nhiều báo cáo của chính phủ về DDT và thấy rằng nó chưa được thử nghiệm cho mục đích dân sinh, cũng như hóa chất đó giết chết động vật và côn trùng như thế nào. Carson đề xuất một bài viết về chủ đề này cho tờ tạp chí nổi tiếng Reader’s Digest, nhưng họ từ chối. Mặc dù quan tâm chính về biển, Carson vẫn lưu tâm đến những bằng chứng tích tụ ngày càng nhiều chỉ ra rằng DDT có thể không kỳ diệu như người ta vọng tưởng.
Vào năm 1958, một nhóm công dân thành lập Ủy ban chống ngộ độc hàng loạt đệ đơn kiện tại bang New York để ngừng việc phun thuốc trừ sâu trên không trung. Olga Owens Huckins, một thành viên của Ủy ban, liên lạc với Carson nhằm thúc giục cô viết về vụ kiện này. Carson tỏ ra miễn cưỡng vì điều đó đồng nghĩa với việc bà phải rời Maine đến New York. Bà có lý do hoàn toàn chính đáng cho sự lưỡng lự này. Một mặt, Carson còn trách nhiệm nuôi nấng một đứa cháu nuôi Roger sau khi một cháu gái bà qua đời. Mặt khác, Carson bắt đầu đối mặt với căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, bà vẫn rất quan tâm đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là DDT. Càng tìm hiểu sâu, Carson càng tin rằng mình phải viết một cái gì đó về nó. Bà nhờ các đồng nghiệp theo dõi phiên tòa ở New York trong khi ở nhà bắt đầu nghiên cứu. Đó là những bước đi đầu tiên hình thành một tác phẩm sẽ đi vào lịch sử.
Vài phần trong bài tiểu luận Mùa xuân im lặng (Silent Spring, 1962) của Carson được đăng dưới dạng nhiều kỳ trên tờ The New Yorker và tạo ra một làn sóng dư luận ngay lập tức. Nhiều người, bao gồm cả nhà văn đáng kính E.B White, tuyên bố đây là một trong những tác phẩm hay nhất và quan trọng nhất từng được công bố trên tạp chí. Không lâu sau, tác phẩm được xuất bản thành sách.
Các ông trùm hóa chất gào lên, “Đây là cuốn sách sẽ đẩy chúng ta đến chân tường”. Những công ty có quyền lợi liên quan chuyển sang công kích Carson và cố sức làm mất uy tín của bà bằng cách gọi Carson là kẻ nghiệp dư hoặc cộng sản. Các bài báo liên tiếp ra đời “nện” cho cuốn sách tới tấp, có nhà báo gọi Carson là kẻ gàn dở tự nhiên (Nature Nut). Trong khi đó, người dân khẩn thiết kêu gọi những nhà khoa học như bà phải làm gì để ngăn chặn thảm họa gây ra bởi DDT.
Không giống như các cuốn sách trước đó chỉ nhận được lời khen ngợi, Mùa xuân im lặng nhận được tất cả phản ứng trái chiều ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy vậy, tác phẩm vẫn thống trị danh sách bán chạy nhất và thúc đẩy một loạt tranh luận mang tầm cỡ quốc gia về nguy hiểm của thuốc trừ sâu. Tổng thống John F. Kennedy đã coi cuốn sách của Carson như một nhân tố quan trọng. dưới áp lực của dư luận, Ủy ban cố vấn khoa học của Kennedy đã thực hiện điều tra, nghiên cứu và báo cáo của Ủy ban đã ủng hộ quan điểm của Carson. Việc sử dụng DDT cũng như các thuốc trừ sâu khác được quy định lại ngặt nghèo. Đến năm 1972, DDT đã bị cấm sử dụng ở Mỹ và đến 2001 thì bị cấm trên toàn thế giới. Mùa xuân im lặng được ghi nhận rộng rãi vì đã châm ngòi cho phong trào môi trường cũng như đặt nền móng cho việc hình thành Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Không có gì ngạc nhiên khi Carson bị tấn công bởi ngành công nghiệp hóa chất. Bà đã lường trước được điều đó và mãnh mẽ lên tiếng chống lại những gì được coi là đe dọa với tự nhiên. Nhưng không mấy ai biết rằng lúc đó Carson cũng chiến đấu một cuộc chiến khốc liệt khác với căn bệnh ung thư vú. Bà không muốn công chúng biết điều đó. Khi làm chứng trước Quốc hội năm 1963, Carson đã đội tóc giả để che mái đầu hói do trị xạ. Các khớp xương của bà đau đớn và khó mà di chuyển được. Chỉ một năm sau, bà đã qua đời do căn bệnh di căn. Khi đó Rachel Carson mới chỉ 57 tuổi.
Carson đã trải qua đau đớn và bệnh tật đáng kinh ngạc để hoàn thành cuốn sách cuối cùng của mình. Người bạn đời Dorothy Freeman luôn cho rằng Mùa xuân im lặng đã giết chết bà. Nhưng trước khi chết, Carson viết rằng bà đang suy nghĩ về cuốn sách tiếp theo nói đến việc mực nước biển dâng lên bí ẩn. Giá như Carson còn sống, rất có thể bà sẽ là người công khai những nguy cơ của biến đổi khí hậu nhiều thập kỷ trước khi chúng trở thành mối quan tâm toàn cầu như hiện nay.
Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter vinh danh Rachel Carson với Huân chương Tự do của Tổng thống, giải thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, vì những cống hiến không mệt mỏi của bà về các vấn đề môi trường và nhấn mạnh “bà đã cảnh báo người Mỹ về những nguy hiểm mà con người tự đặt ra cho môi trường riêng của họ.”□
Ngô Hà tổng hợp
Nguồn: EPA, CBS, U.S. Fish & Wildlife Service, New Yorker, New York Times
Bài khung: https://science.howstuffworks.com/dictionary/famous-scientists/biologists/10-things-should-know-about-rachel-carson.htm