Doanh nhân Dung Tấn Trung: Tôi không khuyến khích các bạn khởi nghiệp khi còn quá trẻ

Đó là một trong những lời khuyên dành cho giới trẻ của Doanh nhân Dung Tấn Trung, tổng giám đốc iCare Benefits, một Việt kiều đã được coi như huyền thoại trong giới công nghệ cao ở Mỹ.


Ông Dung Tấn Trung (ngồi giữa) trao đổi cùng các diễn giả tại buổi tọa đàm. 

Nội dung chia sẻ trong buổi tọa đàm “Câu chuyện khởi nghiệp của một người xa xứ” diễn ra tại không gian Cà phê Thứ Bảy tại TP. HCM cuối tuần vừa qua trong khuôn khổ Hành trình Lập Chí Vĩ Đại Khởi Nghiệp Kiến Quốc Cho Thanh Niên Việt do Tập đoàn Trung Nguyên kết hợp cùng các tổ chức uy tín và các nhân vật truyền cảm hứng trong và ngoài nước tổ chức.

Ba bài học khởi nghiệp

Trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi, câu chuyện của Doanh nhân Dung Tấn Trung – một người Việt xa xứ đã được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao ở Mỹ, và trở thành đề tài cho nhiều bài viết trền nhiều tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle… Ông cũng đã được chọn là 1 trong 17 tấm gương thành công của người nhập cư tại nước Mỹ trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ” của Dan Rather. Trở về Việt Nam, ông sáng lập iCare Benefits – công ty cung cấp “chương trình phúc lợi nhân viên” cho các khách hàng doanh nghiệp, với gần 900 công ty Việt Nam tham gia. Bằng những kinh nghiệm mà mình có được, ông cũng đã đưa ra  một số quan điểm mấu chốt và đáng suy nghĩ về hoạt động khởi nghiệp. Theo đó, ông cho rằng:

Cốt lõi của Khởi nghiệp là tạo ra giá trị mới

Ông lấy câu chuyện về sự ra đời của dự án khởi nghiệp của ông tại Việt Nam – iCare Benefits làm ví dụ cho việc xác định mục tiêu của dự án chính là tạo ra giá trị mới phục vụ đối tượng công nhân có thu nhập thấp có cơ hội được nâng cao chất lượng cuộc sống một cách thiết thực và bền vững. Đây cũng là một trong những mô hình đang phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây với tên gọi Doanh Nghiệp Xã Hội (Social Enterprise).

Khởi nghiệp ở bất cứ đâu đều không dễ dàng

Doanh nhân Dung Tấn Trung nhận định, dù khởi nghiệp ở Mỹ hay ở Việt Nam hoặc bất cứ đâu đều không đơn giản bởi vì để có thể tạo ra giá trị mới thì bạn phải thực sự hiểu và tìm ra được ý tưởng, cách thức tối ưu để thực hiện ý tưởng đó. Có một số câu hỏi nền tảng mà mỗi người khi bắt đầu khởi nghiệp cần trả lời đó là: “Tôi là ai? Đối tượng khách hàng mà tôi phục vụ là ai? Tôi đang giải quyết bài toán gì? Nó mang lại giá trị gì mới?”

Thất bại chỉ là một bài học đắt tiền

Nhà sáng lập iCare Benefits chia sẻ câu chuyện thất bại khi phá sản một công ty mà ông đã mất 5 năm tâm huyết xây dựng cùng với số vốn đầu tư hơn 21 triệu đô la. Ông cho rằng mỗi thất bại là một bài học đắt tiền, ông không xem thất bại là dấu chấm hết cho hành trình khởi nghiệp mà chính là tấm bằng để bạn chứng minh được với mọi người là bạn đã học được bài học có giá trị.

Quan điểm về khởi nghiệp cần được nhìn nhận đúng đắn và cởi mở hơn

Ông cũng cho rằng quan điểm về khởi nghiệp đang bị nhìn nhận rất hạn chế tại Việt Nam, mọi người thường cho rằng khởi nghiệp là phải ra ngoài mở công ty và làm chủ, điều này tác động không tốt tới tâm lý chung của cộng đồng và thiếu tính bền vững. Bạn trẻ có thể khởi nghiệp ngay trong doanh nghiệp mình đang làm và phải quay lại câu hỏi cốt lõi là mình sẽ đóng góp được giá trị gì cho doanh nghiệp mà bạn đang làm việc. Những thành quả mà bạn mang lại cũng sẽ có tác động tích cực đối với cộng đồng xã hội. “Tôi không khuyến khích các bạn khởi nghiệp khi còn quá trẻ, vì khởi nghiệp là tạo ra giá trị mới. Để tạo ra giá trị mới thì mình phải hiểu nhu cầu của thị trường, của bối cảnh xã hội hiện tại và cần có cái hiểu rất sâu về những nhu cầu ấy. Do vậy các bạn nên học chuyên sâu về lĩnh vực nào đó bởi vì môi trường Đại Học chỉ cho các bạn những kiến thức cơ bản tổng quan.”ông Trung khuyên các bạn trẻ.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)