Nhạc cổ điển và cuộc cách mạng số hóa

Cách đây hơn 100 năm, sự xuất hiện của kỹ thuật thu âm đã làm thay đổi diện mạo âm nhạc cổ điển tại châu Âu và Bắc Mỹ và đem đến sự ra đời của một ngành công nghiệp. Ngày nay, chậm chạp nhưng chắc chắn, công nghệ số hóa đang hứa hẹn mở ra một chương mới cho âm nhạc cổ điển trên toàn thế giới.

Dàn nhạc Berlin Philharmonic là một trong những dàn nhạc nắm bắt cơ hội số hóa đem lại nhanh nhất

Nếu cho rằng các nghệ sỹ cổ điển lỗi thời và xa lạ với công nghệ thì bạn đã nhầm, ví dụ với trường hợp của Kirill Gerstein. Dù mới làm quen với iPad được vài tháng nhưng nghệ sỹ piano Mỹ gốc Nga từng giành giải ECHO Klassik 2015 cho hạng mục “Bản thu âm concerto của năm” này đã cảm thấy tiện ích của nó. Anh đã dùng chiếc iPad mới sắm để lưu giữ các bản nhạc tải từ trên mạng xuống. Các tổng phổ số hóa này làm anh cảm thấy thoải mái hơn khi tập luyện và biểu diễn, đặc biệt với bản piano concerto của Schoenberg “không phải lật giở từng trang, để hiểu giá trị của nó, bạn hãy tưởng tượng việc lật 140 trang tổng phổ trong vòng 19 phút”.

Một đồng nghiệp của anh, nghệ sỹ piano Wu Han – một trong số các giám đốc nghệ thuật của Hội âm nhạc thính phòng (Trung tâm Lincoln, Mỹ), trả lời phỏng vấn của New York Times từ Seoul qua skype, cho rằng cô là một trong những người sớm nhận ra lợi ích từ chiếc iPad. Ví dụ mùa hè năm 2016, cô có 42 tác phẩm cần nghiên cứu. Trước đây, các bản tổng phổ của 42 tác phẩm cũng có thể chiếm tới 3/4 va li của cô nhưng giờ cô có toàn bộ cả thư viện âm nhạc trong một máy tính bảng. Việc lật trang cũng trở nên duyên dáng hơn và không phát ra tiếng động. Cô cũng không cần lo về việc mất tổng phổ hay thấy nó bất chợt nhăn nhúm sau một chuyến đi dài. Trong các lớp nâng cao (master class), cô có thể miêu tả các nốt nhạc cho học viên trên máy tính bảng, gửi file cho từng người.

Một điều kỳ diệu khác là công nghệ hỗ trợ tạo nên một nền tảng âm nhạc thông qua việc kết hợp những bản nhạc đã qua chỉnh sửa, biên tập và bản thảo viết tay của các nhà soạn nhạc. “Ngày trước, tôi phải tới tận thư viện để tìm kiếm chúng”, Wu Han kể. Hiện tại thì các tổ chức âm nhạc như Beethoven-Haus ở Bonn, Đức đang số hóa các bản thảo của nhà soạn nhạc một cách tỉ mỉ và thận trọng rồi đưa lên mạng internet. Với việc cho tải miễn phí thay thế các bản in photo đắt đỏ, các nghệ sỹ ngày càng có điều kiện đọc thẳng các bản tổng phổ viết tay của các nhà soạn nhạc.

Số hóa các kho dữ liệu nhạc cổ điển

Theo thống kê của Wikipedia, hiện tại trên thế giới có 63 kho dữ liệu âm nhạc, phần lớn là âm nhạc cổ điển, đang được số hóa và truy cập mở di sản của các nhà soạn nhạc, phần lớn do các trường đại học, viện nghiên cứu và thư viện thực hiện. Một trong những dự án số hóa đình đám nhất là Bach Digital với sự tham gia của Bach Archiv Leipzig, Thư viện liên bang Berlin, Quỹ Di sản văn hóa Phổ, SLUB Dresden và trường đại học Leipzig. Triển khai từ năm 2011, Bach Digital tập trung vào di sản âm nhạc của Johann Sebastian Bach và các thành viên trong dòng họ Bach, số hóa các bút tích, các bản nhạc viết tay của Bach để tạo ra các dữ liệu được quét với độ phân giải cao, lập các thư mục gồm thông tin về các tác phẩm của Bach và những lần xuất bản chúng, qua đó cho phép người truy cập có thể thực hiện tìm kiếm thông tin theo nhiều cách khác nhau. Tính đến tháng 11/2014, kho dữ liệu này có 7.700 đơn vị dữ liệu và mới số hóa được 1/7.

Hiện tại, dự án Bach Digital đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ khi số lượng các văn bản được số hóa đang không ngừng được mở rộng và việc xử lý, chuẩn hóa chúng để phục vụ cho các tìm kiếm cơ bản và nâng cao trên MyCoRe – một phần mềm mã nguồn mở được các trường đại học và các trung tâm máy tính của Đức phát triển dành cho các kho lưu trữ, các thư viện số hóa. Các văn bản từ Bach Digital đều được tải xuống trong định dạng PDF.

Tương tự, dự án truy cập mở Chopin do Viện nghiên cứu Chopin bắt đầu thực hiện đầu năm 2018 với mục tiêu “số hóa toàn bộ bản thảo và tạo điều kiện cho mọi người truy cập miễn phí” như giới thiệu của ông Maciej Janicki – phó giám đốc Viện nghiên cứu Chopin. Điều đó có nghĩa là gần 40.000 tài liệu về Chopin có trong bộ sưu tập di sản thế giới của UNESCO, bao gồm các bức ảnh, bức vẽ nhà soạn nhạc, các tài liệu nghiên cứu của các học giả về Chopin ở các viện nghiên cứu, xuất bản trên tạp chí chuyên ngành cũng như các bản nhạc viết tay của ông sẽ được đưa lên internet. Theo giải thích của ông Maciej Janicki, phần lớn nét đổi mới sáng tạo trong dự án này chính để người truy cập không chỉ tìm kiếm và tải xuống những trang tổng phổ của từng tác phẩm riêng biệt hoặc trích đoạn nổi tiếng mà còn có thể thực hiện nhiều cách phân tích về giai điệu, hòa âm, nhịp điệu và tìm hiểu những khía cạnh khác trong âm nhạc Chopin.

Không đơn giản để làm được điều này. TS. Marcin Konik, người phụ trách thư viện Viện nghiên cứu Chopin, cũng nhận xét, “nó không đơn thuần chỉ là sao chụp các bản nhạc hoặc đưa các tệp thông tin dưới dạng PDF”. Đó là phần việc của những nhà khoa học dữ liệu khi xử lý, chuẩn hóa dữ liệu được số hóa thành những đơn vị thông tin, đưa vào một nền tảng công nghệ được xây dựng với các thuật toán thu thập (crawl), đánh chỉ số (index) và xếp hạng (ranking) nhằm phục vụ việc tìm kiếm, lựa chọn thông tin phù hợp và xếp hạng dữ liệu khi có truy vấn, trong đó việc bóc tách, chuẩn hóa dữ liệu vẫn là khó khăn nhất vì phải xử lý nhiều loại dữ liệu có định dạng khác nhau, ví dụ như dữ liệu văn bản, dữ liệu âm thanh, dữ liệu hình ảnh…

Thách thức với các phòng hòa nhạc số

Vào năm 2008, ngay khi khái niệm số hóa vẫn còn ở mức mơ hồ và ít người quan tâm thì Berlin Philharmonic đã bắt tay thực hiện một dự án tiên phong: lập Digital Concert Hall, một trang web cho phép truyền trực tiếp các buổi hòa nhạc của Berlin Philharmonic cho những khán giả đã đăng ký. Trong lịch sử của mình, Berlin Philharmonic luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, ví dụ dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng Herbert von Karajan huyền thoại, họ đã có bản thu âm đĩa CD vào năm 1980 – thời kỳ sơ khai của ngành công nghiệp thu âm.

Ngay trong năm đầu tiên, họ đã có 800.000 người đăng ký xem miễn phí các nội dung – các cuộc phỏng vấn, các buổi hòa nhạc – mua vé và 30.000 người trả tiền để xem toàn bộ các buổi hòa nhạc số. Không ngạc nhiên là mọi người háo hức đăng ký bởi Digital Concert Hall có nhiều “gói” hòa nhạc, được lựa chọn tùy thuộc vào chất lượng hình ảnh. Mỗi năm, người ta có thể xem 40 buổi hòa nhạc truyền trực tiếp hoặc có sẵn trong “kho lưu trữ” qua tivi, máy tính bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh. Để phục vụ khán giả, Berlin Philhamonic cung cấp một bản giới thiệu chương trình riêng cho mỗi buổi hòa nhạc như đối với khán giả trực tiếp đến phòng hòa nhạc, trong đó có nêu bối cảnh ra đời và những đánh giá hiện tại về tác phẩm của các nhà phê bình, các nhạc trưởng hiện thời. Đi kèm với nó là các clip cuộc phỏng vấn bên lề các nghệ sỹ, qua đó đem đến cho khán giả cái nhìn xuyên suốt về công việc của các nhạc trưởng, nhạc công và suy nghĩ của họ về tác phẩm của các nhà soạn nhạc trong quá khứ.

Thành công của Berlin Philharmonic khuyến khích nhiều dàn nhạc như  Vienna State Opera, Bavarian State Opera, London Symphony Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Detroit Symphony Orchestra… bắt đầu lựa chọn phát trực tuyến một số buổi hòa nhạc chọn lọc trên các nền tảng công nghệ Medici, Spotify, Deezer hay Google Play… Dù còn nhiều bỡ ngỡ thì họ nhận thấy rằng, đây là một kênh kết nối với công chúng và quan trọng là tạo điều kiện cho những khán giả trẻ đến với âm nhạc cổ điển, đem lại cho họ cảm giác tươi mới ở chính loại hình âm nhạc đã tồn tại nhiều thế kỷ này. Ngay cả với một dàn nhạc nhỏ như Detroit Symphony Orchestra cũng cho rằng, mục tiêu này của họ còn lớn hơn cả việc tìm thêm khoản thu.  Anne Parsons – CEO của Detroit Symphony Orchestra trả lời Time: “Nhà bảo trợ tương lai là số hóa và nhà trải nghiệm biểu diễn âm nhạc trực tiếp.”

Giữa dòng chảy của các loại hình âm nhạc khác, việc các dàn nhạc cũng “lên sóng” trực tuyến có vẻ gì đó lạ lẫm và lạc lõng. Tờ Teleghraph từng nhận xét, “trong thế giới nhạc trực tuyến, âm nhạc cổ điển giống như ông chú già được mời đến bữa tiệc của những người thời thượng tuổi 30”. Thực tế cho thấy rõ điều này, âm nhạc cổ điển chỉ chiếm 3,2 % trên thị trường âm nhạc trực  tuyến, vốn là nơi ngự trị của các bản nhạc pop kéo dài vẻn vẹn 3 phút.

Việc thiếu sức hút trên thị trường âm nhạc trực tuyến của nhạc cổ điển cũng nằm ở chính công nghệ. Không giống nhạc pop hay các thể loại âm nhạc phổ biến khác, nhạc cổ điển không thể được “đóng gói” trong những tiêu chuẩn của các phần mềm số hóa thông thường, ví dụ như iTunes. Nhà phát triển phần mềm Stan Brown từng giải thích: iTunes và iPod được thiết kế để tải và nghe nhạc pop chứ không phải nhạc cổ điển, do đó nó dẫn đến một số vướng mắc: iTunes và iPod mới chỉ biết đến thể loại “bài hát” (song) chứ không hiểu được các chương (movement) trong một bản giao hưởng hoặc hồi, màn (act), cảnh (scene) trong một vở opera – những thứ cần được kết nối thứ tự với nhau thành một chỉnh thể; mới nêu tên nghệ sỹ biểu diễn (artist) chứ không phải nhà soạn nhạc (composer); thanh lựa chọn (menu) không có các thể loại tác phẩm như tứ tấu đàn dây (string quartet), tam tấu piano (trio piano), sonata,…; các thẻ gắn (tag) để người sử dụng tiện tìm kiếm thông tin, tác phẩm thì cẩu thả và thiếu nhất quán…

Mặt khác, không giống như nhạc pop, một tác phẩm cổ điển có thể được thu âm nhiều lần qua sự trình tấu của nhiều nghệ sỹ, nhiều dàn nhạc, dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng, đôi khi một nghệ sỹ có thể thu âm nó nhiều lần.

Các nền tảng công nghệ đôi khi không hiểu hết sự phức tạp này. Trên Spotify, nhiều nhà soạn nhạc như Beethoven thường được đưa vào danh sách “nghệ sỹ” (artist) và khi người truy cập tìm kiếm một tác phẩm giao hưởng cụ thể thường rối bời giữa các bản thu âm khác nhau, không thể phân biệt nổi giữa các kết quả tìm kiếm. Do đó, mọi người cảm thấy là không có sự hỗ trợ thông minh nào đằng sau những lựa chọn đó, chỉ có những thuật toán máy tính được lập trình và cài đặt sẵn, nó không thể phân biệt nghệ sỹ Ý hiện đại Bruno Mantovani và nhạc trưởng Annunzio Paolo Mantovani, đơn giản vì cả hai cùng họ.

Về bản chất, dữ liệu về nhạc cổ điển là siêu dữ liệu (metadata) – thông tin đồng thời tồn tại trong từng tệp âm thanh số. Thông tin liên quan và quan trọng của nhạc cổ điển bao gồm tên tác phẩm, tên nhà soạn nhạc, tên album có chúng, tên người trình diễn, tên hãng thu âm và năm thực hiện thu âm. Theo cách này, việc tìm kiếm thông tin trong siêu dữ liệu được ví như “mò kim đáy bể”. Do đó, các phiên bản của iTunes không thể xử lý được các lệnh tìm kiếm, không thấy được các tác phẩm cần tìm dù có sẵn trong kho lưu trữ. “Ví dụ trường hợp tác phẩm Te Deum của Benjamin Britten, khi gõ ‘Britten’ và ‘Te Deum’ thì không kết quả nào hiển thị,” nhà soạn nhạc Nico Muhly nói. Trên thực tế, có hơn 2.000 tệp, tương đương 11.9 gigabytes, âm nhạc của Benjamin Britten, 7 tệp trong đó liên quan đến Britten Te Deum, và 97 tác phẩm do các nhà soạn nhạc phổ nhạc trên phần thơ Te Deum.
***
Thế giới đã thay đổi nhiều kể từ khi Beethoven ứng tác bên cây đàn piano hay Stravinsky đưa ra những cách tân ở thế kỷ 20, do đó âm nhạc cổ điển cần có những cách tiếp cận mới để có thể đáp ứng những mong đợi của người yêu nhạc với sự hỗ trợ của công nghệ. Tại Digital Concert Hall năm 2009, nhạc trưởng Simon  Rattle đã cảm thấy sự chuyển hướng của nhạc cổ điển theo sự phát triển của thời đại số hóa, “rõ ràng đây sẽ là tương lai của nhạc cổ điển… Mọi người đang chờ đợi điều đó diễn ra ngay từ phòng hòa nhạc này”.

Thanh Phương tổng hợp
Nguồn: mercurynews.com; theatlantic.com; telegraph.co.uk; nytimes.com

 

Tác giả