Nhìn lại Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

GS. Goran Roos, một trong 13 nhà tư tưởng ảnh hưởng nhất thế kỉ 21 do tạp chí kinh doanh Direction y Progreso của Tây Ban Nha bình chọn tại Việt Nam, trong một phát biểu tại Bộ KH&CN vào tháng 8 năm ngoái, có đặt câu hỏi: Tại sao một đất nước có năng lực nghiên cứu xuất sắc với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới như Australia, lại không phải là một quốc gia đổi mới sáng tạo? Đó là vấn đề thuộc về cả hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System – NIS) của nước này.


Nokia đã khiến cho lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử trở thành thế mạnh của Phần Lan.

Biên giới của NIS

Hiện nay, vẫn còn có sự tranh cãi về định nghĩa của NIS. Tuy nhiên, khác với quan điểm của nhiều người, hệ thống này không chỉ bó hẹp trong những gì thuộc về hoạt động khoa học và công nghệ. Biên giới của một hệ thống đổi mới sáng tạo phải rộng hơn hệ thống nghiên cứu phát triển và hệ thống lan tỏa công nghệ (quá trình đưa những sản phẩm mới, quy trình mới,..đến với cộng đồng), nhưng đồng thời cũng nhỏ hơn hệ thống kinh tế của một quốc gia. Theo quan điểm của Christopher Freeman và Bengt-Åke Lundvall, hai nhà kinh tế học hàng đầu thế giới nghiên cứu về đổi mới sáng tạo, họ lựa chọn một cách tiếp cận rộng nhất đối với NIS, cho rằng hệ thống đổi mới sáng tạo bao gồm tất cả các thành phần và khía cạnh của một cấu trúc kinh tế và các định chế trong đó, có tác động đến quá trình học hỏi thông qua hoạt động sản xuất (bao gồm học qua hành, học qua sử dụng thiết bị mới, học bằng cách tương tác lẫn nhau) và quá trình học hỏi thông qua những hoạt động mang tính chất đào tạo, nghiên cứu. 

Với biên giới này của NIS, thay vì xem xét hệ thống này như sự cộng gộp của các thành phần riêng lẻ (viện, trường doanh nghiệp…), họ nhấn mạnh tính tương tác giữa bên cung (các phòng thí nghiệm R&D, viện, trường) và bên cầu (những người sử dụng công nghệ, những tổ chức quảng bá công nghệ) trong quá trình biến đổi và phát triển công nghệ. Theo đó, mỗi thành phần trong NIS cũng là một hệ thống nhỏ thực hiện một mắt xích trong chuỗi sản xuất: 1) Hệ thống sản xuất (mối liên kết giữa các ngành công nghiệp); 2) Hệ thống marketing (bao gồm bộ phận quảng bá trong doanh nghiệp và các tổ chức marketing chuyên nghiệp); 3) Những người thụ hưởng các đổi mới sáng tạo (công ty, người dân, chính phủ); 4) Hệ thống tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, thị trường chứng khoán); 5) Thị trường lao động; 6) Những tổ chức ban hành và triển khai các chính sách thương mại và chống độc quyền; 7) Những tổ chức luật hóa việc sử dụng các đổi mới sáng tạo (chẳng hạn như các quy định về dược phẩm) và ảnh hưởng của của chúng tới môi trường và tài nguyên thiên nhiên; 8) Những thiết chế không chính thức (như văn hóa, quy tắc xã hội); 9) Những tổ chức quốc tế khác. 

Chính vì vậy, để có một cách tiếp cận hệ thống về đổi mới sáng tạo, nếu chỉ liệt kê các tổ chức đơn lẻ cấu thành NIS là một sự thiếu sót mà luôn phải tính đến mối liên kết giữa các thành tố. Vì vậy, nhà kinh tế Lundvall cho rằng yếu tố lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa tạo nên bản sắc của một quốc gia có ảnh hưởng đến tính liên kết trong hệ thống R&D, đến vai trò của khu vực công, mối quan hệ giữa các công ty với nhau, hệ thống tài chính, hệ thống giáo dục và đào tạo. Quay trở lại câu chuyện của nước Úc, vấn đề của quốc gia này được GS. Goran Roos chỉ ra, là sự thiếu tương thích giữa khối viện trường và doanh nghiệp (sáng chế của khu vực công không liên quan đến lĩnh vực của khối tư nhân). Khả năng R&D của các doanh nghiệp nội địa nước này cũng hạn chế trong khi các tập đoàn nước ngoài cũng không đặt cơ quan R&D tại đây. Hơn nữa, các sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật và công nghệ phần mềm của Úc ít hơn nhiều so với các nước đổi mới sáng tạo khác (sinh viên khoa học của họ chủ yếu ở ngành sinh học). 

Vị trí của nhà nước

Một trong những đặc điểm quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là vai trò của nhà nước trong việc tương tác với xu hướng thay đổi công nghệ. Khu vực công được biết đến rõ ràng với vai trò của nhà sản xuất các nghiên cứu và phát triển (thông qua khối viện trường), đào tạo nhân lực, ban hành các quy định và cũng là người sử dụng đổi mới sáng tạo. Cũng nên nói thêm rằng, vai trò của nhà nước không dừng lại ở những chính sách liên quan trực tiếp đến khoa học công nghệ thông qua tài trợ nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và đưa ra các “đề bài” cho đổi mới sáng tạo; mà còn được thể hiện rộng hơn, trong tất cả các chính sách của quốc gia đều liên quan đến những hệ thống thành phần của NIS, từ hệ thống tài chính, giáo dục đến thị trường lao động. 

Phần Lan là một trong các quốc gia thấu hiểu và tiếp cận đổi mới sáng tạo một cách hệ thống. Sự ra đời của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (SPTC), nơi quyết định chiến lược, chính sách và điều phối nguồn tài trợ, đầu tư cho tất cả các hoạt động KH&CN là một ví dụ. Đứng đầu bởi thủ tướng, thành viên của tổ chức này gồm bộ trưởng của các bộ, CEO của Nokia, các quan chức cao cấp khác. Thực ra từ trước khi ra đời SPTC, Chính phủ Phần Lan cũng luôn có cách tiếp cận đa ngành, hợp tác chặt chẽ giữa khối tư nhân và doanh nghiệp khi đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhờ vậy, mà đất nước này đã hồi phục sau khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1980 một cách nhanh chóng do lựa chọn tập trung đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là điện tử viễn thông và IT, vượt ra ngoài ngành truyền thống là sản xuất giấy và kim loại vốn là thế mạnh của họ trên thế giới. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của tập đoàn Nokia, khiến ngành điện tử của quốc gia này đóng góp hẳn 1% tăng trưởng GDP của Phần Lan và 5% việc làm của quốc gia này. Quan điểm của Chính phủ Phần Lan là không hỗ trợ những cá nhân, công ty riêng lẻ mà hướng đến tài trợ cho những dự án mang tính chất kết nối. Khi quỹ Tekes của Phần Lan ra đời, quỹ này tập trung cho các chương trình công nghệ kết hợp giữa các trường, các viện, giữa các công ty, giữa viện trường và các công ty với nhau và với các tổ chức và chuyên gia nước ngoài. Điều đó cũng giải thích phần nào, khi nhìn vào tổ hợp công nghệ thông tin của Phần Lan, có thể thấy mặc dù đứng ở vị trí trung tâm, với doanh thu và nguồn nhân lực khổng lồ, Nokia có mối liên kết chặt chẽ với các công ty công nghệ nhỏ hơn và các tổ chức nghiên cứu khác thông qua đồng nghiên cứu hoặc chia sẻ hợp đồng.

Như ở trên đã đề cập, mọi chính sách của nhà nước đều ít nhiều ảnh hưởng đến hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, có một vai trò của nhà nước mà ở Việt Nam còn bị bỏ ngỏ, mãi gần đây mới đề cập một cách thoáng qua trên các diễn đàn. Đó là “người sử dụng đổi mới sáng tạo” thông qua việc mua sắm công. Khác với khu vực tư nhân khi mua các giải pháp công nghệ, khu vực công ưu tiên các mục tiêu xã hội, chính trị, quân sự hơn là chi phí. Chính vì vậy, với những công nghệ mới mẻ, chưa từng có trên thị trường, nếu nhà nước chấp nhận làm “khách hàng thử nghiệm” thì đó sẽ là tác nhân khuyến khích khu vực tư nhân mạo hiểm. Một ví dụ điển hình là chương trình mua sắm công của Mỹ (SBIR) khi tạo ra số lượng công ty công nghệ nhiều hơn tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước này cộng lại. Quan điểm của SBIR là “tài trợ cho những ý tưởng tốt nhất ở giai đoạn đầu – những ý tưởng mà, mặc dù hứa hẹn nhưng vẫn quá rủi ro cho những nhà đầu tư tư nhân, kể cả các quỹ đầu tư mạo hiểm”. Tạo ra một thành công như SBIR của Mỹ đòi hỏi chương trình phải được đặt dưới các bộ ngành thực sự có nhu cầu đổi mới sáng tạo (đặc biệt là Y tế, quân sự) và cho phép các cơ quan nhà nước này mạo hiểm ở mức độ nhất định. 

***
Thực tế, một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là kết quả của nhiều năm phát triển trong lịch sử và văn hóa của một nước một cách tự nhiên mà không thể thiết kế hay điều khiển một cách nhân tạo. Tuy nhiên, những nhận định nói trên, được trích từ báo cáo “Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: So sánh kinh nghiệm từ Phần Lan, Thụy Điển và Úc” của GS. Goran Roos và O.Gupta có thể gợi ý cho Việt Nam cách thức thúc đẩy NIS hiệu quả hơn thông qua việc nhìn nhận đây là vấn đề liên ngành, cần sự tham gia của nhiều bộ ngành, kết hợp cả khối tư nhân và nhà nước, từ đó mới có thể đầu tư vào những kết nối và dám mạo hiểm qua chương trình mua sắm công. ¨

Hảo Linh tổng hợp

Tác giả