Trung Quốc thách thức các sáng kiến nghiên cứu về não bộ của Mỹ và châu Âu

Hai trung tâm nghiên cứu khoa học não bộ ở Bắc Kinh và Thượng Hải mới được thành lập vào tháng 3 và tháng 5 là một phần của một dự án quốc gia nghiên cứu về não người của Trung Quốc nhằm đưa quốc gia này lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Nhưng các chi tiết của dự án dự kiến kéo dài 15 năm này vẫn còn đang được thảo luận.

Trung Quốc mong muốn thúc đẩy các dự án nghiên cứu về não bộ và ứng dụng nó vào công việc điều trị các bệnh liên quan về não. Ảnh: Các nhà khoa học thần kinh của Viện nghiên cứu Khoa học thần kinh thuộc Viện Hàn lâm Trung Quốc. Nguồn: Tân Hoa Xã

Việc chuẩn bị cho dự án quốc gia này “đã được thảo luận trong một thời gian dài”, Zhang Xu – nhà khoa học thần kinh và giám đốc điều hành Trung tâm tại Thượng Hải, cho biết. Vì Thượng Hải và Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Sự lớn mạnh trong nghiên cứu và mối quan tâm của xã hội Trung Quốc với khoa học thần kinh một phần được “châm ngòi” bởi sự già hóa dân số cũng như những cơ hội thương mại và sự ủng hộ của chính phủ khiến “đây là cơ hội vàng để khởi động các nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu trong khoa học về não bộ Trung Quốc”, Zhang nhận xét.

Các nhà hoạch định chương trình của chính phủ đã coi nghiên cứu về não bộ là dự án KH&CN trọng yếu trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 của đất nước – kế hoạch này được thông qua vào năm 2016. Nỗ lực này có 3 trụ cột chính, tập trung vào nghiên cứu cơ bản về các cơ chế thần kinh trong nhận thức cơ bản, nghiên cứu các bệnh thần kinh nhằm phát hiện sớm bệnh và điều trị, và mô phỏng não bộ để phát triển trí tuệ nhân tạo và robotic.

Những người xây dựng dự án đã thấy cơ hội dành cho khoa học cơ bản trong “khoảng trống lớn trong hiểu biết của chúng ta về bộ não tại cấp độ từ vi mô đến vĩ mô”, nơi các mạch thần kinh kết nối theo những kiểu đặc biệt của tế bào não.

Các tác giả cũng dự kiến Trung Quốc có thể đem lại đóng góp quan trọng bằng việc lập bản đồ những mạch thần kinh và các mẫu hình hoạt động trên mô hình não động vật, một kế hoạch mang tên Dự án Kết nối thần kinh quốc tế. Trung Quốc đã tăng cường tri thức về não bộ thông qua việc nghiên cứu về não khỉ Macaca do thuận lợi về việc nghiên cứu động vật ở Trung Quốc gặp ít trở ngại hơn ở phương Tây. Hiện dự án này vẫn đang chờ phê duyệt. Các nhà khoa học cho rằng sự phức tạp của dự án và việc tái cấu trúc Bộ KH&CN Trung Quốc khiến việc thông qua dự án bị tạm hoãn. “Chúng tôi hi vọng có thể thấy dự án này được phê duyệt sớm”, Yang Xiong-Li – nhà khoa học thần kinh tại trường đại học Fudan University, cho biết. Viện nghiên cứu về não Trung Quốc mới được khai trương ở Bắc Kinh vào ngày 22/3 với kinh phí đầu tư rất lớn của thành phố Bắc Kinh. Cùng với Trung tâm ở Thượng Hải, nó được đặt mục tiêu “trở thành các viện nghiên cứu tầm cỡ thế giới về nghiên cứu não bộ”, Luo Minmin – nhà khoah ọc thần kinh ở Viện nghiên cứu các khoa học sinh học quốc gia ở Bắc Kinh và đồng giám đốc của Viện nghiên cứu về não Trung Quốc.

Trung tâm ở Thượng Hải sẽ “liên kết và mở rộng” các nỗ lực nghiên cứu này, Zhang nhận xét. Bệnh viện Huashan của thành phố – một trung tâm về phẫu thuật thần kinh, đang sẵn sàng xây một cơ sở mới để dành riêng cho khoa học thần kinh lâm sàng; Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và Thượng Hải rót tiền vào dự án bản đồ não người năm 2012 và kế hoạch hợp tác với các nhà nghiên cứu não bộ năm 2014. Thượng Hải cũng sẽ thúc đẩy các cơ hội thương mại hóa để phát triển các công nghệ được xuất phát từ nghiên cứu bộ não. Zhang ước tính khoảng 1 tỷ NDT (157 triệu USD) thu được hàng năm từ những nghiên cứu liên quan đến bộ não Thượng Hải trong những năm gần đây.

Dẫu cho trung tâm mới sẽ bắt đầu tuyển đội ngũ nghiên cứu của nó vào cuối năm nay nhưng một số vị trí chủ chốt sẽ do những nhà nghiên cứu xuất sắc của các viện, trường đồng đảm trách, Zhang nói. Trung tâm này sẽ có một cơ chế để chia sẻ thiết bị đắt tiền và sẽ thành lập một cơ sở dữ liệu để có được những nghiên cứu và thông tin lâm sàng hiện vẫn chưa được sẵn sàng chia sẻ. Hợp tác quốc tế sẽ được ưu tiên.

Chỉ khi nỗ lực của quốc gia được thực hiện thì hai trung tâm mới này của quốc gia mới có thể trở thành tâm điểm nghiên cứu về não bộ ở phía bắc và nam. Các nhà nghiên cứu chờ đợi một ủy ban cấp cao của chính phủ thiết lập những ưu tiên cho trung tâm, và điều quan trọng là cả hai trung tâm sẽ được giữ lại một mức độ nhất định quyền tự chủ. Ví dụ, tại Bắc Kinh, “chúng tôi được Hội đồng quản trị Bắc Kinh cho phép làm những gì mà chúng tôi thấy quan trọng”, Luo nói.

Về tổng thể dự án, Yang mong muốn sự tiếp cận từng bước một. “Với một dự án nhiều tham vọng và nhiều nguồn đầu tư còn tương đối giới hạn ở Trung Quốc, tôi không nghĩ là có thể khởi động tất cả các hạng mục của dự án này cùng một lúc”.

Anh Vũ dịch

Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2018/05/heres-how-china-challenging-us-and-european-brain-initiatives

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)