Đừng lo tạo thêm việc làm, hãy phát triển những doanh nhân chân chính

Nếu như tỉ lệ thất nghiệp cao là triệu chứng của một nền kinh tế yếu kém thì tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới chỉ là một giải pháp tình thế; phương thuốc thực sự nằm ở sự hồi sinh của các hoạt động khởi tạo kinh doanh.

Ai cũng canh cánh trong mình nỗi lo về công việc, hay đúng hơn là về tình trạng thiếu việc làm.

Khắp nơi trên thế giới, thất nghiệp là một vấn đề tuy lúc trầm trọng lúc không nhưng chưa bao giờ biến mất hẳn. Số lượng công ăn việc làm là một vấn đề (không đủ); chất lượng công ăn việc làm là một vấn đề khác (quá nhiều công việc ở trình độ thấp, thu nhập thấp); và ngoài ra còn tồn tại một thực trạng đáng buồn là thiếu cơ hội cho những người có đủ năng lực làm việc và muốn đóng góp sức lao động của mình nhưng đã bị đẩy ra khỏi thị trường lao động (các cựu chiến binh, những người trên 55 tuổi, những người không có bằng cắp, những người khuyết tật,…).

Trên chặng đường tìm kiếm “thủ phạm” cho vấn nạn thất nghiệp, nhiều người trong số những chuyên gia nghiên cứu về tình trạng việc làm và nền kinh tế đã cho rằng lỗi nằm ở các chính phủ. Đúng là nhiều chính sách của các chính phủ đã và đang bóp nghẹt sức phát triển kinh tế bằng cách lấy đi những “enzyme phát triển” ra khỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ; song đó vẫn không phải là “thủ phạm” chính ở đây.

Những người khác thì đưa ra những nguyên nhân khác, chẳng hạn như hệ thống giáo dục yếu kém, chu kỳ đói nghèo, áp lực cạnh tranh toàn cầu, hay sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Hiển nhiên tất cả những điều đó đều có tác động, song vẫn chưa phải là mấu chốt của vấn đề.

Càng suy ngẫm về chuyện này, chúng ta sẽ càng nhận thấy mỗi lúc một rõ hơn rằng vấn đề không nằm ở việc làm mà nằm ở hoạt động khởi tạo kinh doanh.

Sở dĩ thiếu những công việc có ý nghĩa là do thiếu doanh nhân – những doanh nhân chân chính, những người gây dựng lên các doanh nghiệp đồng thời là những người kiến tạo việc làm.

Một doanh nhân thực thụ khởi đầu bằng một cảm hứng, một ý tưởng sáng tạo, và động lực của anh ta là triển vọng về sự phát triển và sáng tạo. Chúng ta hãy đừng nhầm lẫn vị doanh nhân chân chính này với những kẻ vốn cũng được xã hội nhầm tưởng gọi là doanh nhân chỉ vì thấy họ cũng xây dựng doanh nghiệp, dù rằng cái doanh nghiệp đó chỉ cung cấp những sản phẩm, dịch vụ na ná như trăm ngàn sản phẩm, dịch vụ khác sẵn có trên thị trường và vì thế mà nó chẳng có gì nổi bật cả.

Khi đã nhận ra sự khác biệt giữa hai loại người trên, bạn sẽ hiểu được tại sao xã hội chúng ta lại thiếu công ăn việc làm, thiếu những công việc có ý nghĩa. Và từ đó chúng ta mới có thể nhìn thấy cơ hội thực sự – cơ hội xây dựng tinh thần doanh nhân chân chính.

Thế giới này cần có thêm nhiều và ngày càng nhiều hơn nữa những doanh nhân chân chính – những người mà chúng ta hãy gọi họ là những Doanh nhân Mới. Họ sẽ là nguồn cảm hứng sáng tạo, nguồn cảm hứng đổi mới, nguồn cảm hứng để chúng ta cùng chung tay xây dựng nên một thế giới hoàn toàn mới, một thế giới mà trong đó nguồn cảm hứng tạo đà cho đổi mới, và sự đổi mới này lại làm nảy sinh ra những sự đổi mới khác để chúng ta kiến tạo nên những điều mới mẻ, theo những cách thức mới mẻ, vì những lý do mới mẻ.

Vậy, bạn có nằm trong số những Doanh nhân Mới này không?

Gần đây bạn đang theo đuổi những công cuộc đổi mới nào?

Bạn làm gì để thay đổi cách thức làm việc hàng ngày của mình tại nơi làm việc?

Bạn đã có những đóng góp gì để làm biến chuyển nền kinh tế và gia tăng những công việc có ý nghĩa, mang lại nguồn thu nhập cao?

Bởi lẽ, giải pháp cho tình trạng thất nghiệp không phải là kiến tạo thêm công ăn việc làm mà là có thêm những doanh nhân chân chính.

Thu Trang dịch

Nguồn: inc.com

Tác giả