Elon Musk: Con người tuyệt vời nhất thế giới (Kỳ 2)

Musk không phải gã ngốc, và anh chưa từng kiến tạo công ty nào tồi tệ cả. Thực ra những công ty anh tạo dựng nên đều là những công ty cự phách.

Thói quen của Musk là ngay sau khi kết thúc ở một công ty, anh liền bắt tay vào xây dựng một công ty khác, với độ khó khăn và phức tạp gấp nhiều lần công ty cũ. Thông lệ của các triệu phú giai đoạn này là sau khi thành công trong bong bóng internet thập kỷ 1990, họ hoặc là rút lui vào hậu trường để tận hưởng cuộc đời nhàn nhã và tham gia hoạt động đầu tư thiên thần, hoặc, nếu vẫn còn tham vọng, thành lập một công ty mới bằng tiền của người khác. Nhưng Musk không có ý định đi theo thông lệ, và anh đã dành 3/4 số tiền có trong tay để thực hiện một ý tưởng mới – một kế hoạch táo bạo nhằm xây dựng một ngân hàng trực tuyến có tên X.com chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, gửi tiết kiệm, và các tài khoản môi giới. Điều này là bây giờ là bình thường, nhưng vào năm 1999, chưa từng ai nghe đến chuyện một công ty internet mới thành lập lại có ý định cạnh tranh với các đại gia ngân hàng bao giờ.

Trong cùng tòa nhà nơi đặt trụ sở của X.com còn có một công ty tài chính internet nữa tên là Confinity do Peter Thiel và Max Levchin thành lập. Một trong nhiều tính năng của X.com là dịch vụ chuyển tiền dễ dàng, và về sau Confinity cũng phát triển một dịch vụ tương tự. Cả hai công ty đều bắt đầu nhận thấy nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ này nên đã lao vào cuộc cạnh tranh gay gắt với nhau. Nhưng cuối cùng, cả hai quyết định sát nhập lại thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là PayPal.

Sự sáp nhập này cũng đồng thời là hành động quy tụ nhiều ngôi sao dưới một vòm trời nên không tránh khỏi bất đồng; vậy nên tuy công ty phát triển nhanh chóng song trong nội bộ lại thiếu hòa khí. Những xung đột này trở nên gay gắt vào giai đoạn cuối năm 2000, và khi Musk đang trong chuyến công tác tìm nhà tài trợ kết hợp với việc hưởng tuần trăng mật với người vợ đầu Justine thì những người chống lại anh đã thực hiện “đảo chính”, đưa Thiel lên làm CEO thế chỗ anh. Musk đã có cách hành xử rất hợp lý; tuy bây giờ anh cho biết anh không đồng tình với quyết định đó của mình nhưng anh hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Anh vẫn ở lại công ty và giữ một vai trò lãnh đạo cao cấp, anh thậm chí còn đóng vai trò chủ chốt trong việc bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỉ USD năm 2002. Khi đó, Musk, cổ đông lớn nhất của công ty, ra đi với 180 triệu USD bỏ túi.

Những gì anh làm trong 13 năm tiếp theo cho tới ngày hôm nay sẽ là chủ đề mà chúng ta khai thác trong các loạt bài sau, còn trong bài viết này, tôi xin tóm gọn câu chuyện như sau:

Năm 2002, trước khi thương vụ bán PayPal hoàn tất, Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa, và tới cuối năm đó, với 100 triệu USD trong tay, anh khởi sự thực hiện một trong những chuyến phiêu lưu chưa từng ai nghĩ tới: xây dựng một công ty tên lửa có tên SpaceX. SpaceX nêu mục tiêu là cách mạng hóa chi phí du hành vũ trụ nhằm biến loài người thành một loài sống được ở nhiều hành tinh thông qua việc đưa ít nhất một triệu người lên Sao Hỏa trong thế kỷ sau.

Thế rồi, vào năm 2004, khi “dự án” này vừa mới khởi động thì Musk quyết định ôm đồm thêm một chuyến phiêu lưu kì quặc nữa: xây dựng công ty sản xuất ô tô chạy bằng điện Tesla. Mục tiêu của Tesla là cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự ra đời của thế giới trong đó ô tô điện chiếm đa số, từ đó đưa loài người thực hiện một bước nhảy vọt tới tương lai của năng lượng bền vững. Musk cũng bỏ tiền túi ra để thực hiện ý tưởng này; anh đã rót vào đó 70 triệu USD, bất chấp cái thực tế rằng lần thành công gần nhất của một hãng sản xuất ô tô mới thành lập ở Mỹ là trường hợp hãng Chrysler năm 1925, và chưa từng có tiền lệ về một hãng sản xuất ô tô điện thành công nào.

Và, vài năm sau đó, vào năm 2006, anh lại bỏ ra 10 triệu USD để thành lập một công ty khác với các anh em họ của mình. Công ty này có tên là SolarCity, có mục tiêu cách mạng hóa việc sản xuất năng lượng bằng cách tạo ra một hạ tầng kỹ thuật rộng lớn để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời vào nhà của hàng triệu người, từ đó giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện năng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, và cuối cùng “đẩy nhanh quá trình sử dụng đại trà năng lượng bền vững.

Nếu quan sát tất cả những sự kiện này trong bốn năm sau thương vụ bán PayPal, hẳn bạn sẽ nghĩ rằng đây là câu chuyện buồn về một triệu phú internet mắc bệnh hoang tưởng, ôm đồm hàng loạt những dự án bất khả thi chỉ để phung phí số tiền mà gã đã kiếm được.

Tới năm 2008, điều không tưởng dường như đã thực hiện được. SpaceX đã tìm ra cách sản xuất tên lửa, nhưng không phải là tên lửa hoạt động thực tế. Tính đến thời điểm này họ đã phóng thử tên lửa ba lần, và cả ba lần tên lửa đều nổ tung trước khi tiếp cận được quỹ đạo. Để nhận được nguồn đầu tư bên ngoài hay các hợp đồng chuyên chở hàng hóa lên vũ trụ thì SpaceX phải chứng tỏ được rằng họ có thể phóng được tên lửa. Lúc này, Musk nói anh chỉ còn đủ tiền để thực hiện thêm một lần phóng tên lửa nữa mà thôi. Nếu lần thứ tư vẫn thất bại thì SpaceX coi như bị xóa sổ.

Trong khi đó, ở Bay Area, Tesla cũng đang khốn đốn. Họ vẫn chưa thể đưa ra thị trường chiếc xe đầu tiên Tesla Roadster, và thị trường lúc này cũng đang bất ổn. Blog Valleywag, một blog chuyên buôn chuyện ở Thung lũng Silicon, đã xếp Tesla Roadster là thất bại công nghệ số 1 trong năm 2007. Mọi chuyện lẽ ra cũng chưa thực sự tồi tệ, nhưng nền kinh tế toàn cầu đột nhiên đi xuống, khiến dòng chảy đầu tư vào ngành ô tô bị ngưng lại hoàn toàn, đặc biệt là đầu tư vào những công ty sản xuất ô tô mới thành lập. Và thế là Tesla nhanh chóng cạn ngân sách.

Trong lúc sự nghiệp gặp hai cuộc lao đao kép này thì cuộc hôn nhân kéo dài tám năm của Musk cũng kết thúc trong một cuộc li dị phức tạp và đau đớn.

Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ, Musk không phải gã ngốc, và anh chưa từng kiến tạo công ty nào tồi tệ cả. Thực ra những công ty anh tạo dựng nên đều là những công ty cự phách. Vấn đề ở đây là tạo ra một tên lửa có khả năng bay được là chuyện khó như lên giời, cũng giống như việc xây dựng một công ty sản xuất ô tô vậy; và bởi vì không ai muốn đầu tư vào những chuyến phiêu lưu mang đầy màu sắc hoang tưởng, tham vọng, và chắc chắn thất bại đó, nên Musk đành phải dựa vào chính nguồn lực của mình. PayPal đã giúp anh giàu có, nhưng chưa đủ giàu để có thể duy trì các công ty mới này trong thời gian dài. Vậy là, thiếu nguồn tiền bên ngoài, mạng sống của cả SpaceX và Tesla đều chỉ còn tính từng ngày. SpaceX và Tesla không phải là những ý tưởng tồi, chỉ là họ cần nhiều thời gian hơn, trong khi thời gian lại không còn nữa.

Thế rồi, vào thời khắc tối tăm nhất, mọi chuyện lại xoay vần (Còn tiếp).

Bùi Thu Trang dịch

Nguồn: http://waitbutwhy.com/2015/05/elon-musk-the-worlds-raddest-man.html

Kỳ 1: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8893

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)