Elon Musk: Con người tuyệt vời nhất thế giới (Kỳ cuối)

Elon Musk không tin vào việc so sánh giữa con kiến với con người, và con người với loài nào thông minh hơn họ, bởi anh tin rằng con người giống như những chiếc máy tính yếu, và rằng nếu có cái gì đó thông minh hơn con người, thì nó cũng giống như chuyện có một chiếc máy tính mạnh hơn mà thôi.

Bữa trưa của tôi với Elon

Sau khi ngồi xuống bàn ăn được vài phút, tôi mới có dịp đặt ra câu hỏi đầu tiên, một câu hỏi bắt chuyện về vụ phóng tên lửa thất bại gần đây. Tôi nghe tiếng được tiếng mất câu trả lời của anh, vì tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng về những gì đã xảy ra. Khi tôi choàng tỉnh thì lại không dám yêu cầu anh nhắc lại những gì anh đã nói.

Cuối cùng tôi cũng thu hết can đảm để có cuộc trao đổi nghiêm túc với anh, và đó là một trao đổi hết sức thú vị kéo dài hai tiếng. Musk quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng trong bữa trưa này thôi, chúng tôi đã nói về rất nhiều đề tài khác nhau: xe điện, thay đổi khí hậu, trí thông minh nhân tạo, ý thức, nghịch lý Fermi, tên lửa tái sử dụng, đưa người tới Sao Hỏa, tạo bầu khí quyển trên Sao Hỏa, lập trình gene, con cái của anh, sự suy giảm dân số, vật lý so với kĩ thuật, đánh thuế về lượng thải khí carbon, định nghĩa về một công ty, Galileo, Shakespeare, Henry Ford, Isaac Newton, vệ tinh, và kỉ nguyên băng hà.

Tôi sẽ chia sẻ chi tiết những gì mà chúng tôi đã nói về những chủ đề này trong các bài viết sau, nhưng tạm thời tôi có hai điều chú ý ở đây:

– Musk là một anh chàng cao to, vạm vỡ.

– Anh gọi một chiếc bánh mỳ kẹp thịt và trong vòng 15 giây đã “xử gọn” chiếc bánh bằng hai-ba miếng. Tôi chưa từng gặp ai như vậy.

Anh rất, rất quan tâm tới trí thông minh nhân tạo. Anh từng nói, anh sợ rằng khi tạo ra trí thông minh nhân tạo, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta “chiêu hồn quỷ dữ”. Anh cho biết, sự an toàn khi sử dụng trí thông minh nhân tạo là một trong ba điều khiến anh quan tâm nhất (hai điều còn lại là năng lượng bền vững và việc đưa loài người vào vũ trụ). Anh biết rất nhiều về trí thông minh nhân tạo, và mối quan tâm thành thực của anh về vấn đề này khiến tôi cảm thấy sợ.

Nghịch lý Fermi cũng khiến anh lo lắng. Tôi từng có bài viết chia những người nghiên cứu nghịch lý Fermi thành hai nhóm – một là nhóm nghĩ rằng không có cuộc sống thông minh nào tồn tại ngoài vũ trụ vì còn có Bộ Lọc Lớn (the Great Filter), và một là nhóm tin vào sự tồn tại của cuộc sống văn minh ngoài trái đất, chúng ta không nhận ra dấu hiệu của chúng là vì lý do nào đó mà thôi. Musk không chắc nhóm nào đúng hơn, nhưng anh cho rằng có lẽ chuyện Bộ Lọc Lớn đang xảy ra. Anh nghĩ rằng nghịch lý này “thật khó hiểu”, và rằng nó “càng lúc càng đáng lo hơn”. Cái ý nghĩa rằng có thể chúng ta là nền văn minh hiếm hoi vượt qua được cái bộ lọc đó càng khiến anh vững tin vào sứ mệnh của SpaceX: “Nếu nền văn minh của chúng ta là hiếm hoi, thì tốt nhất là chúng ta phải nhanh chóng có mặt ở các hành tinh khác nữa, bởi vì nền văn minh này không vững bền, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể để cải thiện khả năng sinh tồn ít ỏi của mình.” Một lần nữa, mối lo ngại của anh lại khiến tôi dè chừng.

Một chủ đề tôi không nhất trí với anh là chủ đề về bản chất của ý thức. Tôi nghĩ ý thức là một trạng thái giống như trí thông minh của con người. Chúng ta thông minh hơn, và “có ý thức hơn” so với loài vượn, và loài vượn thì có ý thức hơn loài gà… Và một người ngoài hành tinh thông minh hơn chúng ta thì chúng tương tự như chúng ta thông minh hơn so với một con vượn, hay một con kiến. Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này, và Musk dường như cũng bị tôi thuyết phục rằng ý thức con người là một điều gì đó rõ ràng như trắng với đen vậy, rằng nó giống như cái nút bấm tại một thời điểm nào đó trong quá trình tiến hóa mà không loài vật nào khác có được. Nhưng anh không tin vào việc so sánh giữa con kiến với con người, và con người với loài nào thông minh hơn họ, bởi anh tin rằng con người giống như những chiếc máy tính yếu, và rằng nếu có cái gì đó thông minh hơn con người, thì nó cũng giống như chuyện có một chiếc máy tính mạnh hơn mà thôi, chứ đó không phải là thứ gì đó vượt qua tầm hiểu biết của chúng ta, khiến chúng ta không thể hiểu nổi sự tồn tại của nó.

Tôi trao đổi với anh một chút về chuyện lập trình gene. Anh không tin rằng các nỗ lực của công nghệ chống lão hóa hiện nay là hiệu quả, bởi anh cho rằng con người có ngày “quá đát” đã được định sẵn rồi và không thể thay đổi được. Anh nói: “Toàn bộ cơ thể con người sẽ tới giai đoạn lão hóa. Không có chuyện một người 90 tuổi vẫn chạy rất nhanh dù mắt đã kèm nhèm. Toàn bộ cơ thể con người đều thoái hóa. Để thay đổi điều đó một cách thực sự, anh phải lập trình lại bộ gene người, hoặc thay thế từng tế bào trong cơ thể người kia.” Tôi chỉ còn biết nhún vai đồng ý, bởi anh đã nói đúng. Nhưng đây là Elon Musk kia mà, và Musk thì vẫn cải thiện đời sống cho loài người đấy thôi. Tôi phải làm gì đây?

Tôi: Nhưng chẳng phải đây cũng là một lĩnh vực quan trọng hay sao? Anh chưa từng quan tâm tới điều này sao?

Elon: Vấn đề là tất cả các nhà gene học đều nhất trí rằng sẽ không tái lập trình DNA của loài người. Như vậy, đây không phải là trận chiến về kỹ thuật, mà là trận chiến về đạo đức.

Tôi: Thì anh chẳng từng chinh chiến nhiều mặt trận rồi đấy thôi? Anh có thể tự tạo ra mọi thứ anh muốn. Anh có thể đưa những nhà gene học tới đây, xây cho họ một phòng thí nghiệm, và rồi anh có thể thay đổi tất cả.

Elon: Anh biết không, tôi gọi vấn đề này là Vấn đề Hitler. Hitler một mực muốn tạo ra một chủng tộc thuần khiết. Làm thế nào để tránh được Vấn đề Hitler này? Tôi không biết.

Tôi: Tôi nghĩ có một cách đấy. Trước đây anh từng nói rằng Henry Ford luôn nghĩ ra cách đi vòng để giải quyết bất kỳ trở ngại nào. Và anh cũng vậy, anh luôn có cách. Tôi cho rằng vấn đề này cũng quan trọng và đầy hoài bão, đủ để đưa nó lên thành một sứ mệnh như những sứ mệnh anh đang thực hiện, nên nó cũng đáng để đấu tranh đấy chứ.

Elon: Ý tôi là tôi thực lòng tin rằng… để giải quyết được triệt để những vấn đề này, chúng ta cần phải tái lập trình DNA của loài người. Đó là cách giải quyết duy nhất.

Tôi: Mà suy cho cùng thì DNA cũng chỉ là một loại vật chất mà thôi.

Elon: [Gật đầu, rồi ngừng lại trầm tư] Đó là phần mềm.

Bình luận của tôi:

1) Thật thú vị khi tạo áp lực để khiến Elon Musk đảm nhận thêm một nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi nữa, và tỏ ra thất vọng vì anh ấy chưa lãnh nhận trách nhiệm ấy, dù rằng chưa ai có thể làm hơn những gì anh đang làm cho loài người.

2) Cũng thật vui khi gạt đi các vấn đề đạo đức xung quanh chuyện lập trình gene người bằng cách nói rằng DNA thực ra chỉ là một dạng vật chất nhỏ bé mà phức tạp – nhất là khi tôi hoàn toàn không hiểu mình đang nói cái gì. Bởi lẽ, đây sẽ là những điều mà Musk phải tìm hiểu chứ không phải tôi.

3) Tôi nghĩ tôi đã gieo được thành công một hạt giống. Nếu Musk bước vào lĩnh vực nghiên cứu gene người thì chắc 15 năm tới, tất cả chúng ta sẽ có thể hưởng tuổi thọ tới 250 tuổi. Khi đó thì các bạn nợ tôi một chầu rượu đấy nhé.

Tim Urban, tác giả bài viết, là người đồng sáng lập ra blog “Wait but Why” (một blog bàn đủ mọi thứ trên đời với một phong cách viết thú vị). Anh được đích thân Elon Musk mời tới nói chuyện và đi thăm xưởng chế tạo Testla và Space X.

Nói về Elon Musk, anh Đỗ Hoài Nam (CEO của SeeSpace ở Silicon Valley) – người từng tiếp xúc với ông, trả lời phóng viên Tia Sáng: “Những gì ông ta (Elon Musk) làm được là quá vĩ đại. Nhưng đó là con người rất lạnh lùng. Dường như ông ta bị mắc một thứ bệnh tự kỷ không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Đó là lí do mà nhiều nhân viên xuất sắc làm việc cùng ông ấy đều ra đi”.

Bùi Thu Trang dịch

Nguồn: http://waitbutwhy.com/2015/05/elon-musk-the-worlds-raddest-man.html

Đọc thêm:

Kỳ 1:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8893

Kỳ 2: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8896

Kỳ 3: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&News=8904&CategoryID=43

Kỳ 4: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8907

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)