Nhà đầu tư Angel: bà đỡ cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngày 22/3 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Tọa đàm “Vai trò của đầu tư mạo hiểm đối với chương trình Thương mại hóa công nghệ Việt Nam – Angel Investor Workshop” nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về mô hình hoạt động của các nhà đầu tư angel, một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.  

Các nhà đầu tư angel và các quỹ đầu tư mạo hiểm là những thực thể tồn tại song hành, bổ sung hiệu quả cho nhau trên thị trường đầu tư mạo hiểm. Nhưng khác với các quỹ đầu tư mạo hiểm thường quản lý nguồn vốn tương đối lớn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau để đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp đã trưởng thành, nhà đầu angel là những người tự bỏ tiền túi của mình đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn ban đầu. Có thể coi các nhà đầu tư angel là những bà đỡ đầu tiên, cùng đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp để giúp họ vượt qua những chặng đường khó khăn đầu tiên, nhưng khi các doanh nghiệp này đủ lông đủ cánh thì sẽ cần đến các quỹ đầu tư mạo hiểm để huy động nguồn vốn lớn cần thiết phục vụ mục đích nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh.

Trong cuộc tọa đàm lần này, Bora Kizil một chuyên gia giàu kinh nghiệm về hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp – bản thân ông là người từng mở ra 6 doanh nghiệp khởi nghiệp và trở thành nhà quản lý một quỹ đầu tư vào khoảng 30 doanh nghiệp khác nhau – đã cung cấp những thông tin phong phú, bổ ích về hoạt động của các nhà đầu tư angel. Trong đó có những vấn đề quan trọng cơ bản như quy trình thẩm định của nhà đầu tư angel, cách quản lý danh mục đầu tư, và các loại hình đầu tư đặc thù của nhà đầu tư angel.

Ngoài ra, tọa đàm cũng là nơi các chuyên gia quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam trình bày một số kinh nghiệm và những đánh giá về thực tế hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Lân Trung Anh cũng từ IDG Ventures Vietnam chỉ ra những xu hướng phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam gần đây – như xu hướng các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế tìm chọn những doanh nghiệp công nghệ đủ sức vươn ra thị trường ASEAN  – và một số điểm hạn chế, như cần nhiều thời gian để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công (trung bình ở Việt Nam cần 6,6 năm, trong khi ở Mỹ chỉ cần 3-4 năm) và lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp thường thành công ở độ tuổi muộn (trung bình ở Việt Nam là 28,5 tuổi, trong khi ở Mỹ độ tuổi trung bình là 23). Theo ông Trung Anh, nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường bị cô lập, thiếu các đối thủ cạnh tranh làm chất xúc tác cho phát triển.   

Bên cạnh đó, dưới góc độ nhà quản lý đầu tư, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam chia sẻ những bí quyết về thẩm định và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá tố chất người lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp, yếu tố cốt lõi làm nên thành công cho doanh nghiệp. “Chúng tôi quan tâm tới những người vận hành doanh nghiệp hơn là các ý tưởng khởi nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Cuộc tọa đàm “Vai trò của đầu tư mạo hiểm đối với chương trình Thương mại hóa công nghệ Việt Nam – Angel Investor Workshop” có sự tham dự của Thứ trưởng Trần Văn Tùng – Bộ KH&CN, Thứ trưởng Đặng Huy Đông – Bộ KH&ĐT, cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành có liên quan tới hoạt động quản lý đầu tư và phát triển thị trường KH&CN. Ông Phạm Hồng Quất, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết hiện nay các nhà hoạch định chính sách đang nghiên cứu một khung chính sách phù hợp giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm, trong đó sẽ tìm hiểu, tham khảo những mô hình chính sách thành công quốc tế. Theo chuyên gia Bora Kizil, hiện nay trên thế giới nhiều nước đã có những chính sách khuyến khích hình thức đầu tư angel mà Việt Nam có thể tham khảo, đơn cử như chính sách giảm và miễn thuế cho nhà đầu tư – ví dụ như ở Anh các nhà đầu tư được hoàn thuế tương đương 50% khoản đầu tư angel, và hoàn thuế 100% trong trường hợp khoản đầu tư bị thất bại.

 

Tác giả