Tự chủ đại học: Kinh nghiệm Đài Loan

Tại Việt Nam hiện đang có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh vấn đề trao quyền “tự chủ” cho các trường đại học. Nằm rất gần Việt Nam, lại có nhiều mối liên hệ về văn hóa lịch sử, những cải cách giáo dục đại học ở Đài Loan trong thập niên 1980 – 1990 (*) là một ví dụ cho thấy hiệu quả của những thay đổi, từ việc “giới hạn” sang tăng thêm quyền “tự do” cho các trường.


Đại học Quốc gia Đài Loan. Ảnh: ntu.edu.tw.

Đầu thập niên 1980, Quốc dân Đảng vẫn kiểm soát rất chặt hệ thống các trường đại học ở Đài Loan: tất cả những quyết định từ thành lập, nhân sự, tài chính đến nội dung giảng dạy, … đều phải được nhà nước phê duyệt; các hiệu trưởng và trưởng khoa có thể dễ dàng bị bãi miễn mà không rõ lý do; bên cạnh đó, nhà nước kiểm duyệt những sinh hoạt học thuật và sinh viên bắt buộc phải học những môn chính trị (như chủ thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn). Từ thập niên 1990, sau khi cải cách, xã hội Đài Loan đã trở nên cởi mở và tự do hơn rất nhiều, các trường đại học vì thế cũng giành được quy chế tự trị nhiều hơn. Luật Giáo dục Đại học sửa đổi quy định: thiết chế “đại học tự trị” (autonomous university) và “tự do học thuật” (academic freedom) cần phải được bảo vệ.  

Phát triển đa dạng

Sau khi tình trạng thiết quân luật được dỡ bỏ năm 1987, giáo dục đại học tại Đài Loan đã chứng kiến sự lớn mạnh chưa từng có. Chỉ trong 10 năm, từ 1987 – 1997, số lượng các trường (đại học và cao đẳng) tăng hơn gấp đôi từ 28 lên 67; số sinh viên cũng nhảy vọt từ 200.000 lên hơn 380.000 … Trước đây, quy trình tuyển sinh thường dựa trên những tiêu chí truyền thống như: thành tích học tập ở bậc phổ thông và kết quả thi đầu vào đại học; sau này được mở rộng thêm các kênh: 1) nhà trường tiến cử và lựa chọn; 2) chính sách riêng cho các tài năng; 3) các trường tuyển sinh độc lập; 4) sinh viên trực tiếp nộp hồ sơ ứng tuyển; ngoài ra còn có thêm một số tiêu chí mới như: tiềm năng lãnh đạo và thành tích hoạt động ngoại khóa.

Khung pháp lý mới

Đáp ứng đòi hỏi cải cách trên khắp đảo quốc, chính quyền Đài Loan đã thể chế hóa (institutionalize) nguyên tắc pháp trị (rule of law) đối với vấn đề trao quyền tự trị cho các đại học. Ba đạo luật chính: luật Giáo dục Đại học, luật Giáo chức và luật Giáo dục Tư thục đã được bổ sung, sửa đổi và phổ biến trong thập niên 1990, hướng tới điều chỉnh mối quan hệ giữa Bộ Giáo dục với các hội đồng nhà trường và những phân khoa. Luật Giáo dục Đại học mới cho các trường được tự quyết trong vấn đề tài chính, nhân sự, giáo trình giảng dạy,… Hai đạo luật còn lại nhằm tăng quyền cho giáo chức lẫn các cá nhân người học, giúp họ chủ động hơn trong mọi vấn đề.  

Tăng tính phân quyền

Cơ chế ra đời để biến hoạt động quản lý tại các trường đại học trở nên đa dạng hơn, khi các phân khoa trực thuộc được trao nhiều quyền tự quyết. Chẳng hạn, ở cấp độ thể chế, tại cả trường công lẫn trường tư, các thành viên trong khoa được bầu công khai 2 – 3 ứng viên cho chức vụ trưởng khoa hay hiệu trưởng. Mặc dù quyết định phê duyệt cuối cùng vẫn nằm trong tay bộ giáo dục chủ quản (ở cấp trường là hiệu trưởng), tuy nhiên kết quả bầu chọn từ các khoa rất được coi trọng, có ý nghĩa tham khảo lớn. Bầu cử minh bạch đã mang tới hiệu quả tích cực, làm tăng tính chính danh (legitimacy) của vai trò lãnh đạo đại học. Trước đó, mọi quyết định từ bầu chọn, bổ nhiệm đến bãi miễn chức vụ (hiệu trưởng hay khoa trưởng), ở cả trường công lẫn trường tư, đều do Bộ Giáo dục và các tổ chức sáng lập chi phối.

Để được bầu làm trưởng khoa hay hiệu trưởng, ứng viên phải có một chương trình tranh cử cụ thể, dựa trên năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn; đồng thời phải trả lời những chất vấn của những thành viên trong khoa, các khoa và cả sinh viên, … Bên cạnh đó, nhà nước cũng cho các giáo sư vàviên chức được quyền thương lượng với trường về mức lương và điều kiện làm việc khi ký hợp đồng lao động. Cũng theo luật Giáo dục Đại học, các khoa có quyền tuyển dụng, bổ nhiệm và sa thải giáo chức.  

Tự kiểm định chất lượng

Đây là cơ chế thứ hai, được xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng của các trường khi được tự trị. Trước đây, Bộ Giáo dục nắm toàn quyền kiểm định, đánh giá chất lượng học thuật và bằng cấp của các trường, cũng như những quyết định bổ nhiệm, thăng chức, … Đây thực chất là một công cụ của chính quyền để kiểm duyệt và loại bỏ những hoạt động học thuật không có lợi cho vai trò lãnh đạo của Quốc dân Đảng. Từ năm 1991, Bộ Giáo dục bắt đầu trao dần quyền được tự kiểm định chất lượng cho các trường; tới niên khóa 1996 – 1997, đã có 15 trường đạt được quy chế này.

Những điểm chính về nền giáo dục đại học Đài Loan: Đầu thập niên 1980, trước khi cải cách, đặc biệt là hệ thống tính lương cho giáo chức, nạn tham nhũng và hối lộ tràn lan trong hệ thống giáo dục đại học Đài Loan. Thời đó, các giáo sư thích được làm công tác quản lý hơn là coi trọng hoạt động học thuật. Hiện nay lương cơ bản hàng tháng của giáo sư Đài Loan lần lượt là: 80.000 Đài tệ (khoảng hơn 2700 USD) với giáo sư trợ lý (assistant professor), 100.000 Đài tệ (3300 USD) với phó giáo sư (associate professor); và 120.000 Đài tệ (4000 USD) với giáo sư thực thụ (full professor). Những giáo sư giữ chức khoa trưởng, hiệu trưởng hay giáo sư xuất sắc (distinguished professor) sẽ nhận lương cao hơn (khoảng 200.00 Đài tệ, gần 7000 USD), thậm chí có thể tự đòi hỏi mức đãi ngộ riêng. Năm 1994, GS Lý Nguyên Triết – Nobel Hóa học 1986 được mời về lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Trung ương (Academia Sinica), phải từ bỏ quốc tịch Mỹ và nhận lương cao hơn Tổng thống. Năm 2005, Quốc hội Đài Loan chấp thuận ngân sách 50 tỷ Đài tệ (tương đương 1,7 tỷ USD) trợ cấp thêm cho Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Quốc gia Thành Công trong 5 năm. Hiện nay, mỗi năm Đại học Quốc gia Đài Loan vẫn nhận được hàng trăm triệu USD tiền trợ cấp từ Quốc hội. Mỗi năm Đài Loan chi tối thiểu 15% ngân sách cho giáo dục, chưa kể các chương trình tài trợ cho nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, … được đảm bảo bởi hiến pháp.

Muốn được quyền tự kiểm định, các trường phải trải qua ba vòng xét duyệt. Trước tiên, trường phải đáp ứng được chuẩn mực tối thiểu do bộ giáo dục quy định về tỷ lệ công bố học thuật ở các phân khoa thành viên trong vòng 4 năm gần nhất (70% với các khoa quy mô trên 50 thành viên có công bố, và 90% với những khoa ít hơn 20 thành viên). Tại vòng hai, Bộ sẽ thành lập một Ủy ban độc lập để đánh giá xem quy trình tự kiểm định tại các trường có đáp ứng những tiêu chuẩn đó hay không. Đặc biệt, Ủy ban này sẽ tiến hành điều tra liệu hội đồng khoa học ở các phân khoa và các trường có được thành lập và hoạt động đúng với chức năng. Nếu vượt qua hai vòng sát hạch, hồ sơ sẽ lọt vào vòng ba – các trường được cấp phép tự kiểm định tạm thời (thường phải sau 3 năm). Vào cuối giai đoạn ba, họ phải trải qua một lần xét duyệt cuối và nếu vượt qua thì sẽ được trao toàn quyền tự kiểm định. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được tư cách này, kết quả tự kiểm định vẫn phải thường xuyên được gửi tới Bộ để lưu giữ, và những ấn phẩm học thuật được công bố cũng phải gửi tới Bộ để đánh giá lại.

Tự quyết chương trình giảng dạy

Đây là cơ chế thứ ba, được thông qua để đảm bảo các đại học thật sự là tự trị. Nhà nước gỡ bỏ những điều cấm kỵ trước đây với các môn học liên quan tới tôn giáo, nghệ thuật hay thể thao – mà Quốc dân Đảng nhìn nhận có thể ảnh hưởng tới vị thế lãnh đạo của họ và giao độc quyền cho các trường quốc lập thực hiện. Trong quá khứ, một số trường tư thục do tôn giáo tài trợ như ĐH Công giáo Phụ Nhân (Fujen Catholic University) hay ĐH Tin lành Chung Nguyên (Chungyuan Christian University) không được mở phân khoa thần học hay tôn giáo. Mãi tới năm1997, luật Giáo dục Tư thục sửa đổi mới cho phép các cá nhân, tổ chức tư lập và hội đoàn dân sự, … được mở trường không giới hạn loại hình, ngoại trừ quân đội và cảnh sát.

Theo đạo luật này, hoạt động đào tạo chuyên ngành sư phạm cũng được nới rộng. Trước đây, sứ mệnh đào tạo giáo viên (tiểu học và trung học cơ sở) chỉ do các trường công thực hiện (3 đại học và 9 cao đẳng). Thế độc quyền này bị phá vỡ khi luật Đào tạo Giáo viên sư phạm ra đời vào năm 1994. Theo đó, những trường trước đây không chuyên và không có phân khoa sư phạm sẽ được mở thêm ngành này. Trong niên khóa 1995 – 1996, có tổng cộng 2190 cơ sở giáo dục tham gia thí điểm chương trình, gồm 22 đại học và cao đẳng (có cả Đại học Quốc gia Thanh Hoa – National Tsinghua University và Viện Công nghệ Đài Loan – Taiwan Institute of Technology). Sau khi kiểm định và xét duyệt lại, Bộ giáo dục mới cấp phép cho 7 đại học công lập và 3 trường tư thục được mở thêm chuyên ngành sư phạm, bắt đầu từ niên khóa 1997 – 1998.  

Thay lời kết

Trước khi cải cách, giáo dục Đài Loan không có nhiều kinh nghiệm với tự chủ đại học. Tuy nhiên, bằng nỗ lực từ nhiều phía cùng với các cơ chế phù hợp được ban hành để giúp các trường giành được nhiều quyền tự quyết hơn. Chỉ sau 20 năm, giáo dục đại học của Đài Loan đã thu được thành tựu lớn, giúp hòn đảo này đứng vào hàng ngũ phát triển nhất châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong một xã hội cởi mở, cả nhà nước, khoa học gia, chính trị gia và cộng đồng xã hội ở Đài Loan đều đang không ngừng học hỏi để bảo vệ và phát huy tinh thần “tự trị đại học”.

* Hiện nay Đài Loan có gần 170 trường đại học, cao đẳng và các học viện (tính đến năm 2015), trong đó 2/3 là các trường tư thục. Các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Tin lành và Công giáo đóng góp tới 15 đại học và học viện. Phần lớn các đại học tư thục đều do những tập đoàn kinh tế sáng lập. Ngay cả tại huyện cũng có trường đại học, vấn đề này đang gây ra nhiều hệ lụy – gọi là “lạm phát đại học”, trong khi số sinh viên thì không tăng do tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp. * Theo thống kê, gần 70% số thanh niên tốt nghiệp trung học của Đài Loan tiếp tục theo học đại học và cao đẳng. Hiện nay, tỷ lệ chấp nhận sinh viên nhập học của các trường lên tới 90% (thuộc loại cao nhất châu Á). Khoảng hơn 1/4 số sinh viên tốt nghiệp đại học lựa chọn học lên thạc sỹ và tiến sỹ. * Học phí của sinh viên Đài Loan hiện nay dao động trong khoảng 3500 – 5000 USD, tùy theo trường. Học phí trường tư thường cao hơn trường công, tuy nhiên sự chênh lệch cũng không đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan là gần 24.000 USD/năm (tính theo sức mua là hơn 49.000 USD/năm, ngang với Đức) * Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University) là trường nổi tiếng nhất của hòn đảo này, nhiều lần lọt vào bảng xếp hạng Top 100 thế giới do QS hay Times Higher Education bình chọn. Đây là cái nôi của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, khoa học và văn hóa của Đài Loan. Toàn bộ các Tổng thống do dân bầu: Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển, Mã Anh Cửu và Thái Anh Văn đều là cựu sinh viên của trường. * Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsinghua University) và Đại học Quốc gia Giao thông (National Chiao-Tung University) – nằm cạnh Khu Công viên khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park) có rất nhiều đóng góp cho nền kinh tế kỹ thuật cao của Đài Loan. Theo ước tính, có hơn 500 chủ tịch và CEO của các tập đoàn công nghệ như Acer, Asus, Mediatek, … là cựu sinh viên của hai trường này. * Gần 70% số sinh viên của Đài Loan tốt nghiệp từ các trường đại học tư thục. Phần đông những sinh viên này sẽ ở lại Đài Loan làm việc. Ngược lại, rất nhiều sinh viên ưu tú từ các đại học công lập sẽ đi du học (chủ yếu là Mỹ) rồi ở lại nước ngoài làm việc.

————-
(*) Tham khảo:
1. Wing-Wah Law (1999), Higher Education in Taiwan: The Rule of Law and Democracy, International Higher Education, No. 11 (Springer), pp. 4-6. Link: http://www.fe.hku.hk/wwlaw/p06.html
2. William Yat-Wai Lo (2010), Decentralization of higher education and its implications for educational autonomy in Taiwan, Asia Pacific Journal of Education, 30:2, pp. 127-139. Doi: 10.1080/02188791003721572
3. William Yat-Wai Lo (2014), University Rankings: Implications for Higher Education in Taiwan, Springer.

Tác giả