Vì một phương án thi cử hữu hiệu hơn

Để đạt được mục tiêu chủ yếu đề ra đối với thi tốt nghiệp THPT là đánh giá đúng thực chất, năng lực của học sinh, tôi xin nêu ra một phương án trung gian giữa hai phương án 1 và 2 của Bộ GD&ĐT, tạm gọi là phương án 4. Với phương án mới này, chúng ta sẽ lần lượt trả lời 9 câu hỏi.

1. Số môn thi

Ngay trong đề xuất phương án 1, cho phép thi tự chọn, Bộ GD&ĐT đã nêu nguy cơ dẫn đến học lệch ở trường phổ thông. Tỉ lệ chọn thi các môn Địa lí, Lịch sử, Sinh học và Ngoại ngữ (ở khu vực nông thôn, miền núi) thấp đến thê thảm trong năm 2014 về lâu dài sẽ gây tác động tiêu cực đến vai trò của các môn học này trong nhà trường. Số môn thí sinh phải học để thi theo giải pháp mới sẽ là 8, tất cả đều bắt buộc, giống như phương án 2 được các trường đại học ủng hộ. 

Về mặt giáo dục, thi tốt nghiệp 8 môn văn hoá cơ bản đảm bảo duy trì nguyên tắc đánh giá toàn diện ở bậc giáo dục phổ thông. Chương trình hiện hành chắc chắn là có nhiều khiếm khuyết, nhưng không phải hoàn toàn là “đồ vứt đi”. Để sửa chữa thì phải tìm những giải pháp tích cực nhằm bổ khuyết cho nó trong khi chuẩn bị một chương trình khác hoàn thiện hơn, chứ không thể theo kiểu “buông xuôi”, “xoá hết làm lại” (bởi nếu thế, một cách biện chứng thì sẽ phải truy cứu lại trách nhiệm của tất cả những người liên quan trong việc xây dựng chương trình hiện hành).

Trong khi hệ thống phân luồng, phân ban, định hướng nghề nghiệp chưa tốt, cần phải xem kiến thức và kĩ năng của cả 8 môn văn hoá cơ bản này như là nền tảng căn bản cho thế hệ trẻ về sau, kể cả khi đi làm hay đi học ở các bậc học cao hơn, bởi đào tạo nghề hay đào tạo đại học không thể thay thế hoàn toàn chức năng giáo dục tổng quát của giáo dục phổ thông. Đây là tiền đề tối quan trọng để đưa tất cả các môn học ở nhà trường phổ thông về vị trí ngang bằng nhau, khắc phục tình trạng học lệch, đặt nặng “môn chính”, xem nhẹ “môn phụ”,… Riêng với môn Ngoại ngữ, cũng giống như từ trước 2014, những cơ sở giáo dục nào có đủ điều kiện dạy môn này suốt 3 năm THPT thì sẽ bắt buộc thi, còn cơ sở nào không đủ điều kiện thì chỉ cần tạm bỏ qua (trước 2014 là thi một môn khác thay thế).

2. Thời lượng thi

Theo phương án 4, tổng thời gian thí sinh phải làm các bài thi sẽ là 600 phút (hoặc 540 phút ở các cơ sở giáo dục được bỏ qua môn ngoại ngữ), tương đương với thời lượng trung bình của phương án 1 được đa số các Sở GD&ĐT ủng hộ, và tăng 18 % so với thời lượng thi từ trước 2014. Thời lượng để đánh giá một nhóm kiến thức, kĩ năng của một môn học nào đó không thể quá ít, nếu muốn đảm bảo hiệu quả tác động ngược trở lại tiến trình dạy học trong nhà trường. Đây là một điểm vướng mắc chính của phương án 2, bởi thi tích/tổng hợp nhiều môn thì thời lượng dành cho mỗi môn là bao nhiêu, và tổng thời gian của mỗi bài thi là bao nhiêu, tất cả chưa được hình dung rõ ràng.

Trong phương án 4, sẽ có 5 buổi thi, mỗi buổi có tổng cộng 120 phút làm bài, tất cả đều bắt buộc (Toán; Ngữ văn; Lịch sử + Địa lí; Vật lí + Hoá học; Sinh học + Ngoại ngữ). Số buổi thi như vậy sẽ thấp hơn so với trước 2014, và bằng với phương án 2. So với phương án 1, số buổi thi sẽ giảm bớt 3, nhưng cả hai có cùng bản chất vì vẫn là kì thi 8 môn với 8 bài thi. Lợi ích nằm ở chỗ, khi thi bắt buộc 8 môn, số phòng thi, số thí sinh và lực lượng giám thị hoàn toàn ổn định, không có gì phức tạp trong việc tổ chức so với trước 2014. Giữa mỗi buổi thi ghép môn, chỉ cần 15-30 phút giải lao tại chỗ, thu bài thi môn trước và phát đề thi môn sau mà không cần phải cho thí sinh di chuyển để thay đổi phòng thi như khi thi tự chọn. Do đó, hiệu suất tổ chức kì thi sẽ cao hơn rất nhiều.

Về mặt giáo dục, cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi mỗi môn một buổi, dù môn ấy thời lượng ít hay nhiều, vì thí sinh còn có một khoảng thời gian tối thiểu để ôn bài. Nhưng giả sử chấp nhận việc ghép môn thi nhằm trước tiên là giảm số buổi thi (như kì thi 2014) và tiết kiệm phần nào chi phí, thứ đến là hướng đến các bài thi tích hợp trong tương lai, thì phương án 4 là một bước đệm khả dĩ. Thi các môn độc lập với thời lượng vừa đủ vừa bớt gây băn khoăn đối với học sinh và giáo viên, vừa kế thừa những thay đổi theo hướng tích cực của kì thi 2014 trong cách ra đề thi.

3. Chú trọng kết quả học tập trong năm

Phương án 4 này có lợi ích rất rõ ràng trong việc sử dụng kì thi tốt nghiệp để tác động ngược trở lại phương pháp dạy học ở trường phổ thông, thông qua cách thức ra đề. Một thực tế cần phải nhìn nhận, đó là sự cách biệt về điều kiện hoạt động và về trình độ tổ chức giáo dục giữa các vùng miền ở nước ta còn quá lớn. Trước mắt, giao hẳn cho các cơ sở giáo dục hay các địa phương tự chịu trách nhiệm xác nhận kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh mà không thông qua một kì thi quốc gia là một việc hàm chứa nhiều nguy cơ, vì khó đảm bảo được điều kiện thực hiện đồng nhất.

Để điều hoà được nhu cầu địa phương với chuẩn mực quốc gia, đề thi cần được thiết kế sao cho có tính phân loại cao, để xác định ít nhất 3 nhóm trình độ:

•    nhóm chuẩn: cần đạt được một ngưỡng tối thiểu ở mỗi môn học, tương đương với học lực trung bình trong năm, nhưng không thể thấp hơn;

•    nhóm khá: yêu cầu cao hơn so với nhóm chuẩn, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh đại học của các trường có chất lượng khá;

•    nhóm giỏi: yêu cầu cao nhất, dành cho học sinh giỏi và xuất sắc của chương trình chuẩn và học sinh chương trình phân ban, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học tốp đầu.

Kinh nghiệm cho thấy, việc ra đề có tính phân loại như thế hoàn toàn nằm trong tầm tay, và lại tương thích cao độ với toàn bộ chương trình hiện hành, cả chuẩn và phân ban. Chỉ khi đề thi bám sát chương trình và có tính phân loại cao, cùng với mục tiêu đánh giá chú trọng các kĩ năng tư duy bậc cao, tác động ngược trở lại từ kì thi đối với tiến trình dạy học trong năm mới có thể thấy được rõ ràng. Khi tiến trình dạy học được điều tiết đồng bộ với kì thi tốt nghiệp, độ tin cậy của cả hai hoạt động kiểm tra đánh giá này sẽ dần dần được nâng cao, là cơ sở để tiến thêm một bước nữa đến việc sử dụng kết quả thường kì trong xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

4. Không gây xáo trộn cho học sinh và giáo viên

Tác động tích cực trước tiên của phương án 4 là đối với vai trò của các môn học, tức tác động đến công việc của giáo viên trong nhà trường phổ thông. Ở đây cần xem xét vấn đề trong toàn bộ diễn biến thay đổi từ thi tốt nghiệp 4 môn những năm 1980-1990, và 6 môn từ khoảng đầu những năm 2000 cho đến 2013. Nhược điểm lớn nhất của các kì thi 4 môn hay 6 môn, đó là tình trạng đối phó và cắt xén chương trình học hàng năm mỗi khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi vào cuối tháng 3. Với thi tự chọn một số môn như trong năm 2014 hay trong phương án 1, cũng không thể đảm bảo được vai trò của môn học (và giáo viên) ở những môn có quá ít học sinh chọn thi; tương quan thầy-trò trong thực tế lớp học sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong phương án 4, cả 8 môn văn hoá cơ bản đều thi bắt buộc, chấm dứt sự phân biệt môn chính môn phụ, giáo viên môn nào cũng như nhau, tất cả phải đầu tư dạy dỗ nghiêm túc không chỉ ngay từ đầu năm lớp 12 mà cả trong toàn bộ 3 năm THPT. Đó cũng là cách để đưa việc dạy-học trở về trạng thái bình thường, tránh “no dồn đói góp” chỉ tập trung “tăng tốc” và đối phó ở giai đoạn thi cử, rải đều quá trình trang bị kiến thức và kĩ năng cho học sinh trong suốt nhiều năm học. Đây là điều kiện không thể thiếu nếu muốn dạy học thực chất, tăng cường sử dụng kết quả đánh giá thường kì trong việc xác nhận tốt nghiệp THPT.

Tác động đến học sinh của phương án này là điểm đáng kể nhất. Về mặt tâm lí, học sinh đương nhiên muốn thi ít môn. Thực tế là ai cũng thừa nhận tình trạng học lệch ở trường phổ thông, học sinh chỉ chú trọng các môn thuộc khối thi đại học mà lơ là các môn khác, nhất là khi môn ấy thuộc diện “không thi” (trong các kì thi 4/6 môn, hay khi thi tự chọn). Trong khi đó, tạm gác qua những điểm bất cập trong các môn học hiện hành, thì những kiến thức và kĩ năng tổng quát cần thiết cho mọi công dân đều ít nhiều hiện diện trong từng môn học. Lơ là, bỏ qua một môn học không phục vụ mục đích thi đại học của mình, học sinh cũng đã bỏ qua luôn cơ hội trang bị những năng lực hành động cho mình trong tương lai. Thi 8 môn dĩ nhiên ít học sinh nào muốn, nhưng làm giáo dục là hướng đến cái tốt dài hạn trong tương lai, chứ không chỉ để thoả mãn cái mong muốn nhất thời của đối tượng giáo dục. Cũng như thầy cô giáo trên lớp, không ai hỏi xem học trò muốn thi phần nào để mình giới hạn nội dung thi vào những phần ấy. Các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử chỉ cần đảm bảo được sự đồng bộ nội tại, đồng thời chú trọng các biện pháp đi kèm (thời lượng thi hợp lí, đề mở, chú trọng năng lực tư duy,…) để giảm bớt áp lực tâm lí và sự căng thẳng cho thí sinh.

Vì vậy, việc lựa chọn một giải pháp đổi mới thi cử có tính ổn định lâu dài, có lộ trình chuyển tiếp hợp lí là hết sức cần thiết. Đáng tiếc là, Bộ GD&ĐT trong vòng nửa năm qua đã có quá nhiều động thái thay đổi vội vã, thiếu cơ sở khoa học chặt chẽ, dẫn đến nhiều xáo trộn không đáng có. Phương án 4 rất dễ dàng thực hiện trong điều kiện hiện nay để có được một kì thi tốt nghiệp THPT với chất lượng xác thực hơn, đồng thời đảm bảo được tính ổn định và khắc phục dần những khuyết điểm của chương trình giáo dục hiện hành cho đến khi xây dựng và triển khai được một chương trình mới hoàn chỉnh.

5. Tạo cơ sở cho các trường đại học tuyển sinh

Phương án 4 là một bước chuyển tiếp có tính khả thi cao đối với việc bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học, đồng thời tăng cường tính tự chủ của các trường đại học trong việc tuyển sinh. Trước tiên là về phạm vi kiến thức, kĩ năng, kì thi bắt buộc 8 môn sẽ cho phép các trường có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về bất cứ thí sinh nào, cũng như tiên đoán được tốt hơn năng lực chuyên môn của các em (thông qua đối chiếu kết quả thi tốt nghiệp 8 môn với điểm trung bình của cả 8 môn ấy trong suốt 3 năm THPT). Sau đó là với những trường hay ngành muốn duy trì cách tuyển sinh theo khối thi truyền thống, việc sử dụng kết quả của riêng từng môn là rất dễ dàng, kể cả trong việc xác định trọng số cho môn chính hay tính hệ số cho đối tượng ưu tiên. Hơn nữa là, với những trường/ngành không muốn tuyển theo khối truyền thống, mà là theo kết quả tổng thể hay theo những nhóm môn học khác nhau, thì tất cả cũng đã có sẵn đầy đủ mà không cần phải tốn kém thêm cho nhiều lần thi.

Đối với yêu cầu phân tầng đại học, mà một trong những yếu tố xác định là chất lượng tuyển đầu vào, giải pháp này cũng có lợi, bởi khi đề thi có tính phân loại cao, các thí sinh đạt chuẩn có thể nộp đơn ứng tuyển vào bất cứ trường đại học, cao đẳng, trung cấp nào trong nước. Các trường có chất lượng khá, muốn tuyển nguồn sinh viên tốt hơn chỉ cần nâng cao mức yêu cầu (qua điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình ở THPT của một số hay tất cả các môn). Các trường tốp đầu hay các trường năng khiếu thì hoàn toàn có đủ lí do và nguồn lực để có thể tự tổ chức một kì thi tuyển riêng cho mình, với mức độ cạnh tranh và tính chọn lọc cao hơn nhiều.

Đối với thí sinh, cái lợi đầu tiên là phá vỡ được “định kiến” rằng lựa chọn ngành nghề chỉ có phụ thuộc vào 3 môn học của riêng một khối thi nào đó. Ví dụ, nhiều ngành kinh tế có thể tuyển cả các thí sinh khối A hay C, thế thì những môn nào trong số các môn Toán, Vật lí, Hoá học và Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí sẽ có vai trò cần thiết cho các ngành này? Điểm thứ hai, đó là chỉ với một kì thi tốt nghiệp 8 môn, và chỉ một lần duy nhất nếu thi đậu, thí sinh sẽ có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào bất cứ trường nào, ngành nào, tuyển theo kết quả của bất cứ môn học/thi nào. Thay vì chỉ được 1-2  nguyện vọng cho mỗi lượt thi như những năm qua, mỗi thí sinh sẽ có thể có đến hàng chục nguyện vọng chọn ngành đào tạo khác nhau, thuộc tất cả các khối (trừ các ngành năng khiếu) xét theo cách tuyển sinh truyền thống. Nếu năm trước thi đậu tốt nghiệp mà chưa trúng tuyển vào trường/ngành mong muốn, hoặc khi đã vào học giữa chừng mà muốn thay đổi ngành học, chỉ cần năm sau mang hồ sơ đi nộp vào trường/ngành khác. Thời gian và công sức thay vì dành cho luyện thi hàng năm, có thể ưu tiên để học bổ sung những kiến thức, kĩ năng cần thiết khác, thậm chí đi làm để tích luỹ kinh nghiệm trước khi học tiếp bậc đại học. Thí sinh thi tốt nghiệp chưa đạt tức là chưa đủ chuẩn “ra ràng”, thời gian chỉ cần dành cho việc về lại trường cũ dự thính hoặc tự ôn luyện những môn chưa đạt để cho đến khi đủ chuẩn.

Chỉ khi nào đảm bảo cho “sản phẩm đầu ra” của giáo dục phổ thông được đồng bộ về chất lượng, đáp ứng những yêu cầu tối thiểu để học tốt ở các bậc học tiếp theo, thì các trường đại học mới có được nguồn “nguyên liệu” tốt để tiếp tục hoàn thiện “sản phẩm” đào tạo của mình. Nếu muốn nói đến “lòng tin” cần trao cho nhau giữa hai bậc giáo dục này, thì phương án 4 có thể là một “chất xúc tác” hiệu quả. Chỉ khi nào các thế hệ học sinh tốt nghiệp phổ thông với hành trang kiến thức và kĩ năng tổng quát đẩy đủ, xã hội mới có được những thế hệ người lao động đủ năng lực hành động để đáp ứng yêu cầu thực nghiệp mà đỡ phải tốn kém chi phí đào tạo lại, sửa sai cho các “dây chuyền” không đạt hiệu quả trước đó.

6. Đánh giá cả kiến thức và năng lực tư duy học sinh

Một trong những điều kiện thực hiện phương án 4, đó là tiếp tục đẩy mạnh xu hướng ra đề mở, chú trọng kết hợp kiểm tra kiến thức với đánh giá năng lực và cảm nhận của học sinh như đã áp dụng ở một số môn trong kì thi 2014 và trước đó. Gần đây Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai tập huấn hàng loạt cho giáo viên phổ thông cả nước về phương pháp ra đề kiểm tra mới theo chương trình PISA. Kết hợp với sự đổi mới triệt để trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT, đây sẽ là một thời cơ để tạo ra chuyển biến đáng kể trong phương pháp dạy học ở trường phổ thông.

Làm được như vậy, áp lực học hành và thi cử đối phó sẽ được giảm đi, những khiếm khuyết của chương trình sách giáo khoa hiện hành sẽ được khắc phục bớt, hứng thú học tập của học sinh sẽ gia tăng. Dạy học và thi cử thực chất sẽ có thêm một cơ hội. Ngành giáo dục sẽ có thêm điều kiện thuận lợi và thời gian để tập trung nghiên cứu, xây dựng những chính sách, giải pháp căn cơ và lâu dài.

7. Giảm áp lực thi cử

Áp lực thi cử nếu có trong phương án 4, đó chỉ là việc học sinh phải thi 8 môn bắt buộc. Áp lực đó sẽ được giảm bớt với thời lượng thi vừa phải (120 phút làm bài trong mỗi buổi thi), cấu trúc đề thi thoáng hơn, có yêu cầu vừa sức ở mức chuẩn và có tính phân loại cao ở mức “trên sàng”, và giúp gia tăng số cơ hội lựa chọn nghề nghiệp lên nhiều lần. Đối với hội đồng thi, việc tổ chức 5 buổi thi với 8 bài thi tất cả đều bắt buộc, số phòng thi và số thí sinh ổn định, sẽ cho phép chuẩn bị được phương án tối ưu để giảm áp lực cho lực lượng giám thị, đảm bảo chất lượng kì thi.

Đối với xã hội, áp lực thi cử theo phương án này sẽ được nhìn nhận ở một góc độ khác. Chúng ta cần tránh nhầm lẫn việc giảm áp lực kì thi bằng cách làm sao cho dễ nhất đối với thí sinh. Ở Việt Nam hiện nay, nếu xét đến việc bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học “3 chung”, cả đời người đi học chỉ có duy nhất một kì thi quốc gia, đó là thi tốt nghiệp THPT. Đây là một bước chuyển quan trọng, xác nhận giai đoạn giáo dục tổng quát để bước ra cuộc đời nghề nghiệp hoặc lên bậc học cao hơn, với những kiến thức và kĩ năng khó có thể trang bị dễ dàng trong các giai đoạn về sau. Đó là chìa khoá của sự thành công hay thất bại trong cả cuộc đời nghề nghiệp sau này. Áp lực đương nhiên phải có, tìm cách giảm bớt được thì tốt, nhưng dễ dãi thì không nên.

Điều quan trọng là áp lực này phải đặt trọng tâm vào việc học sinh có được trang bị đầy đủ hành trang cơ bản để phát triển tương lai nghề nghiệp của họ hay chưa, và kì thi có đánh giá đúng các năng lực họ được trang bị hay không. Hiện nay môi trường giáo dục nước ta chưa hoàn toàn thuận lợi để lấy kết quả đánh giá thường kì làm điều kiện công nhận tốt nghiệp, nhưng khi kì thi tốt nghiệp có tác động điều tiết tốt đến tiến trình dạy học, áp lực thi cử sẽ giảm đi vì chỉ cần học hành nghiêm túc trong năm là có thể thi đậu. Áp lực lên một kì thi duy nhất sẽ được triệt giảm vì đã được rải đều trong suốt tiến trình học.

8. Giảm chi phí xã hội

Như ở trên đã nói, chi phí xã hội trong câu chuyện thi cử không chỉ nằm ở chỗ tốn bao nhiêu kinh phí cho một kì thi, mà còn ở chỗ hiệu quả và hiệu suất tổ chức kì thi ấy như thế nào, tác động lâu dài đến cả tiến trình giáo dục phổ thông bên dưới và đào tạo đại học bên trên ra sao. Cả trong kì thi 2014 và phương án 1, việc tổ chức thi 8 môn với 5-6 môn tự chọn vừa làm giảm hiệu suất tổ chức của bản thân kì thi, vừa không có đủ yếu tố đảm bảo đồng bộ với nhiều mặt khác trong quá trình chuyển tiếp học sinh từ phổ thông lên đại học. Hậu quả của lối học lệch, thi cử đối phó đã, đang và còn nặng nề trong nhiều lĩnh vực xã hội, nhưng nguyên nhân cốt lõi lại ít khi được nhận diện đúng để xác định giải pháp phù hợp. Những biện pháp thay đổi lòng vòng, mới hôm trước làm thế này bảo rằng đúng, ngay hôm sau bỏ đi làm khác hoặc thậm chí hoàn toàn ngược lại, cũng bảo rằng đúng, thì vừa không thể đảm bảo được tính ổn định cần thiết trong giáo dục, vừa gây tốn kém vì cứ vừa làm vừa sửa sai, mà chưa biết đến lúc nào mới thấy được cái đúng.

Chương trình giáo dục hiện hành quả là có nhiều khiếm khuyết, nhưng không thể bị vứt bỏ ngay sang một bên. Ở từng cơ sở giáo dục vẫn có những thầy cô giáo ngày đêm âm thầm tìm những cách tốt nhất có thể để bù đắp cho những khiếm khuyết ấy, làm cho môn học khô khan của mình trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Phương án 4 là cách để cho phép những nỗ lực ấy được nhìn nhận đúng, có nhiều cơ hội nhân rộng, nảy nở, để đặt lại người thầy vào đúng vai trò của mình trong nhà trường. Khi trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, thì giáo dục mới có thể làm được tốt nhất chức năng của mình, và khi đó xã hội mới bớt được tốn kém chi phí, thời gian, công sức và tâm trí để sửa sai cho những “sản phẩm” không đạt chuẩn mà nhà trường đưa vào.

Những ý tưởng về các môn học tích hợp vừa vẽ ra trong dự định của Bộ GD&ĐT là một ước mơ đẹp, nhưng đường đi tới đó còn lắm chông gai, và hơn hết vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi chính về việc xử lí thế nào đối với gần nửa triệu giáo viên các môn học riêng rẽ hiện có ở các trường trung học trong cả nước, cũng như câu chuyện tổ chức lại hệ thống đào tạo giáo viên theo các môn học riêng rẽ hiện hành tại các trường sư phạm. Điều đó lại còn cho thấy chính những người lập ra các đề án đổi mới thi cử hiện nay đầy mâu thuẫn, khi nhất quyết cho rằng thi tự chọn các môn theo khối tuyển sinh là tốt cho định hướng nghề nghiệp, rồi lại vẽ ra trong tương lai là học/thi tích hợp kiến thức của tất cả các môn/lĩnh vực cũng tốt cho định hướng nghề nghiệp của các em. Một lần nữa, phương án 4 là một bước đệm hợp lí nhất hiện nay và hoàn toàn phù hợp với định hướng lâu dài, rằng kiến thức và kĩ năng tổng quát thuộc nhiều lĩnh vực là cần thiết cho các thế hệ trẻ, và chỉ có thể được giáo dục, rèn luyện tốt nhất trong giai đoạn phổ thông, để làm nền tảng cho giáo dục đại học hay đào tạo nghề làm tốt hơn công việc đào tạo chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp của mình (dĩ nhiên, với những thay đổi cần thiết khác về mặt hệ thống). Mỗi khâu của quá trình giáo dục làm tốt được công việc của mình chính là điều kiện để tối ưu hoá tổng chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục.

9. Vì một kì thi chung

Qua tất cả các mặt phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy câu chuyện kì thi chung hay riêng không còn là vấn đề nữa. Xác quyết điều kiện thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản theo phương án 4 cũng có nghĩa là đặt “sợi chỉ đỏ” về nguyên tắc giáo dục làm trọng tâm để dẫn dắt mọi ý định đổi mới thi cử. Khi ấy, thời gian và công sức thay vì để bàn ra bàn vào thi cử như thế nào, thì sẽ dành cho việc xác định các biện pháp kĩ thuật cần thiết, để huy động mọi thành phần xã hội tham gia góp phần đảm bảo tính chất nghiêm túc và trung thực của kì thi.

Điểm qua mô hình  Mỹ mà nhiều người viện dẫn, phương án 4 tưởng là nặng nề, áp lực, nhưng bản chất lại cho phép đi cùng hướng về cái đích mà người ta mong muốn. Nhiều người bảo học hành, thi cử ở Mỹ nhẹ nhàng, điều đó đúng, nhưng không hề dễ dàng! Học sinh Mỹ phải chuẩn bị con đường nghề nghiệp của mình ngay từ năm đầu của bậc THPT, với một hệ thống chuyên gia tư vấn hướng nghiệp chuyên trách ở khắp các trường trung học cũng như ở các dịch vụ tư vấn độc lập. Họ học theo mô hình tín chỉ để đáp ứng nhu cầu và định hướng cá nhân, nhưng đừng nhầm tưởng rằng họ “học lệch”, bởi danh mục lựa chọn của họ có trên 3.000 môn học thuộc 6 lĩnh vực kiến thức văn hoá cơ bản, 4 lĩnh vực kĩ năng xã hội, 2 lĩnh vực định hướng nghề nghiệp tổng quát và trên 10 lĩnh vực định hướng nghề nghiệp chuyên sâu. Tính chặt chẽ và có định hướng rõ ràng của lộ trình học tập, cân bằng giữa các nhóm kiến thức, kĩ năng tổng quát và chuyên sâu là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ xét tuyển đại học của học sinh Mỹ. Kết quả học tập thường kì cũng là một yếu tố quan trọng trong xét tuyển đại học, nhưng nước Mỹ đảm bảo được sự tin cậy đó bởi điều kiện kinh tế và trình độ tổ chức xã hội của họ đã ở một mức cao, rất chú trọng thái độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc của mình, cho phép đánh giá đúng thực chất năng lực của người học ngay tại cơ sở giáo dục. Họ đã vậy, nhưng phân nửa số tiểu bang lại còn đang chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp chung để giảm bớt sự cách biệt về tiêu chuẩn đánh giá thường kì giữa các cơ sở giáo dục trong cùng tiểu bang, cũng như giữa các tiểu bang khác nhau. Những tưởng như vậy sẽ cho phép tỉ lệ tốt nghiệp THPT của họ cao ngất, nhưng thực tế lại chỉ dao động trên dưới 85 %. Thế vẫn chưa đủ, kết quả thường kì ấy còn phải được xem xét bổ sung kèm với kết quả các kì thi chuẩn hoá độc lập (ACT, SAT), cũng đo lường các kiến thức và kĩ năng tổng quát của thí sinh… Vậy mà, 20 trường đại học tinh tuyển hàng đầu nước Mỹ có tỉ lệ tuyển chỉ vào khoảng 10 % trên tổng số hồ sơ nộp, tỉ lệ này ở 80 trường hàng đầu là khoảng 30 %, trong khi tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học trên toàn nước Mỹ là dưới 60 %, trong đó 1/3 là vào các trường đại học cộng đồng (đào tạo 2 năm), với khả năng được chuyển tiếp lên các trường đào tạo 4 năm danh giá hơn (khoảng 60 %). Và cuối cùng, chỉ vừa hơn phân nửa số sinh viên ghi danh vào đại học trên toàn nước Mỹ đạt tốt nghiệp có bằng cấp trong suốt cuộc đời mình.

Nếu cần còn có thể dẫn thêm nhiều số liệu khác nữa, tất cả chỉ để nói lên rằng nước Mỹ chưa bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của kiến thức và kĩ năng tổng quát cần trang bị cho các thế hệ trẻ của mình ngay từ bậc THPT. Nhưng điều kiện kinh tế xã hội của họ cho phép thực hiện được việc đánh giá tối đa thực chất người học trong suốt tiến trình giáo dục, nên việc học hành nghiêm túc thường xuyên đối với họ là bình thường, tạo ra cảm giác học hành, thi cử nhẹ nhàng. Còn chúng ta, nhiều người khi ngưỡng vọng thực tại của họ lại vô tình hay hữu ý bỏ quên sự khác biệt quá lớn về hệ thống và điều kiện thực hiện, để đưa ra những biện pháp thay đổi rất hình thức, tạo ra sự dễ dàng một cách dễ dãi mà không đảm bảo được các nguyên tắc giáo dục cốt lõi và đồng bộ cả trong ngắn hạn và dài hạn. Giáo dục Việt Nam, xét từ thực tế hiện nay, nếu đặt “giấc mơ Mỹ” làm mục tiêu phấn đấu thì không có gì trở ngại, nhưng hãy hết sức tỉnh táo và thực tế để bước đi từng bước nhỏ, chắc chắn và ổn định trên con đường đó. Phương án 4, thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản, là một giải pháp thích hợp cho những bước đi đầu tiên ấy.

10. Câu hỏi cuối cùng: Điều kiện cần và đủ?

Để kì thi tốt nghiệp THPT thành công, những yêu cầu về nguyên tắc giáo dục để cho phép đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh như đã nêu trên chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khâu tổ chức thi, gác thi và chấm thi phải đảm bảo nghiêm túc, trung thực. Thực tế thì ai cũng biết cả ba khâu này phụ thuộc vào một yếu tố: lòng quyết tâm và sự sẵn sàng chấp nhận một kết quả thi tốt nghiệp đúng thực chất của lãnh đạo từng địa phương. Khi không có sự đồng lòng ấy, mọi giải pháp thi cử đều sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.

Để giải quyết vấn đề này, điều cần thiết là cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải thôi xem tỉ lệ tốt nghiệp (số thí sinh đạt trên tổng số thí sinh dự thi) tiệm cận tuyệt đối là thành tích cần phấn đấu đạt được. Để đánh giá thành tích giáo dục của một địa phương hay một trường phổ thông, không thể chỉ dựa vào duy nhất một con số đó, mà phải xét rộng ra nhiều yếu tố khác, như tỉ suất tốt nghiệp (số học sinh tốt nghiệp THPT trên tổng số học sinh đầu vào lớp 10), hệ số tốt nghiệp (số học sinh tốt nghiệp THPT trên tổng số học sinh rời khỏi trường theo mọi lí do), tỉ lệ đậu vào đại học-cao đẳng-trung cấp chuyên nghiệp, tỉ lệ có việc làm, v.v. Vì mục đích tối thượng của giáo dục không phải là cấp cho người học một mẩu giấy xác nhận tốt nghiệp bằng mọi giá, mà là trang bị cho họ những năng lực cần thiết nhất trước khi gia nhập vào đời sống xã hội. Và không có môi trường nào để “ấp ủ” quá trình đó tốt hơn là nhà trường phổ thông. Cởi bỏ “định kiến” về ý nghĩa của con số tỉ lệ tốt nghiệp, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để tạo được sự đồng thuận xã hội, biến trường học thành nơi thực sự thân thiện, biến môi trường giáo dục thành một không gian hạnh phúc, vì hướng đến sự thành công lâu dài trong cuộc đời của người học./.
————

* Nghiên cứu sinh, ngành Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)