Cần một giải pháp khác (kỳ 1)

Theo dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm trước mắt” ngày 02/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai nội dung lớn là việc miễn thi tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh, và việc tổ chức 4-5 môn thi tốt nghiệp với 2 môn tự chọn. Khi áp dụng hai nội dung trên vào thực tế những hệ luỵ nào có thể xảy ra ? Và liệu có giải pháp nào khác phù hợp hơn cả với thực tế hiện tại và xu thế phát triển trong tương lai hay không?

Về việc miễn thi tốt nghiệp THPT

Ngoài những quy định có lẽ giống như trước đây dành cho đối tượng đạt giải các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, điểm “đổi mới” quan trọng nhất của dự thảo là quy định miễn thi tốt nghiệp THPT cho tối đa 20 % học sinh ở mỗi Sở GD&ĐT, dựa trên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT. Tỉ lệ này dự kiến được áp dụng cho năm đầu tiên thi theo phương án mới, và mỗi Sở GD&ĐT được giao quyền xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình.

Mặc dù bản dự thảo có dự liệu các điều kiện tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của nhiều thành phần ban bệ,… ý tưởng miễn thi này vẫn tỏ ra thiếu tính thuyết phục.

Tỉ lệ miễn thi “tối đa là 20 %” không rõ từ đâu mà có.
Chúng ta chỉ có vài lời giải thích sơ sài của một vị có trách nhiệm, nhưng thiếu hẳn những dữ liệu khoa học chứng minh tính đúng đắn và hợp lí về mặt giáo dục của con số kia.

Khi nói “tối đa là 20 %” và giao quyền quyết định về cho mỗi Sở GD&ĐT, có nghĩa là sẽ có thể có nhiều tỉ lệ miễn thi khác nhau, tuỳ mỗi tỉnh thành, vùng miền, miễn là không lớn hơn 20 %. Vấn đề là, chất lượng giáo dục phổ thông ở mỗi tỉnh thành không hề đồng đều nhau, thậm chí có thể có sự cách biệt khá lớn. Và ngay cả trong cùng một tỉnh thành, chất lượng giữa quận huyện này với quận huyện khác, hay giữa trường này với trường khác trong cùng quận huyện, vẫn luôn có sự khác biệt. Thực tế cho thấy dù cùng thuộc sự quản lí của một Sở GD&ĐT, cùng mẫu học bạ và sổ điểm, nhưng hiện nay một trường phổ thông dân lập không thể có chất lượng giống như một trường công lập, và một trường công lập bình thường không thể so sánh được với một trường chuyên hay phổ thông năng khiếu. Mỗi Sở GD&ĐT sẽ chia đều hay phân phối theo tỉ lệ cho các trường? Chia đều thì có công bằng chưa? Phân phối thì dựa vào tỉ lệ nào và tỉ lệ ấy có cơ sở xác tín hay không? Những câu hỏi ấy không dễ tìm được câu trả lời thoả đáng, nhưng đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những lời bàn ra tán vào, những sự so sánh thiệt hơn, và không loại trừ cả những câu chuyện chạy chọt để có phần trong “miếng bánh 20 %”.

Nhìn ở cấp độ quốc gia, sẽ nảy sinh tiếp câu hỏi về tính công bằng trong giáo dục: vì sao tỉnh này miễn nhiều, thành phố kia miễn ít (hoặc ngược lại), nơi này xét dễ, nơi kia xét gắt?… 20 % học sinh giỏi của một tỉnh miền núi như Hoà Bình không giống với 20 % học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội. Những em thứ 21 % của những nơi của truyền thống hiếu học hay có mức độ cạnh tranh học tập cao sẽ nói gì khi phải “bị thi” trong khi những bạn có thực lực kém hơn mình lại được miễn thi vì nằm trong tốp 10 hay 20 % của một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó? Bằng tốt nghiệp THPT là văn bằng đầu tiên công nhận trình độ học vấn ở cấp độ quốc gia của mỗi công dân, là điều kiện tối thiểu để bước vào cuộc đời nghề nghiệp hoặc tiếp bước ở các bậc học cao hơn. Mặt bằng chất lượng kì thi này càng ngày càng thấp, đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng buông cho mỗi địa phương tự quyết định điều kiện và tỉ lệ miễn thi như trong dự thảo cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự mất công bằng giữa các địa phương cũng như giữa các cơ sở giáo dục trong cùng một địa phương. Và điều đó cũng sẽ là một nguy cơ lớn làm phá hỏng mọi cơ may đổi mới thực sự để đưa kì thi tốt nghiệp THPT về đúng với vị trí vốn có của nó.

Về việc tổ chức 2 môn thi tự chọn


Trong cả hai phương án tổ chức môn thi tốt nghiệp THPT nêu ra trong dự thảo, có 2 môn thi chắc chắn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn thi do học sinh tự chọn từ danh sách chắc chắn gồm 5 môn là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử. Riêng môn Ngoại ngữ, trong phương án 2 là bắt buộc, còn phương án 1 là tự do, chỉ dùng để cộng điểm khuyến khích. Tất nhiên, với triển vọng bớt được 1 hoặc 2 môn thi tốt nghiệp so với cách thi 6 môn bắt buộc từ nhiều năm nay, không có gì ngạc nhiên khi đa số học sinh hồ hởi, phần lớn phụ huynh phấn khởi, một bộ phận xã hội với sự tiếp sức của giới truyền thông nhiệt tình ủng hộ. Nhưng sau khi mọi sự hưng phấn nhất thời qua đi, suy nghĩ thật kĩ về vấn đề này sẽ thấy có nhiều điểm cần cân nhắc thận trọng:

Bản dự thảo này cho ta cảm giác là giảm số môn thi, nhưng thực chất là số môn thi sẽ tăng lên. Vì sao? Khi cho học sinh tự chọn 2 môn thi, số môn thi chỉ giảm đối với từng học sinh, nhưng theo nguyên tắc phân phối ngẫu nhiên thì tổng số môn có khả năng được học sinh chọn thi sẽ tăng lên, tức là sẽ có tất cả 8 môn thi: 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 5 môn tuỳ chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử), 1 môn tự do hoặc bắt buộc (Ngoại ngữ). Chỉ có một trường hợp duy nhất để có ít hơn 8 môn thi, đó là khi tất cả các Sở GD&ĐT cùng thoả thuận với nhau theo một cách nào đó để hướng toàn bộ học sinh của địa phương mình lựa chọn các môn thi giống nhau. Nhưng khi đó, bản chất ý định cho học sinh tự chọn môn thi sẽ phá sản.

Về nguyên tắc tổ chức thi cử, khi đã có học sinh chọn thi thì dù ít hay nhiều vẫn phải có đề thi và ngày thi riêng. Như vậy từ 3 ngày như hiện nay (6 buổi cho 6 môn thi), tổng thời gian tổ chức thi sẽ phải kéo dài lên ít nhất 4 ngày (8 buổi cho 8 môn thi). Các hội đồng thi sẽ phải làm việc cật lực hơn, với hiệu suất chắc chắn thấp hơn. Đơn giản là vì khi thi tất cả các môn bắt buộc, việc bố trí phòng thi và giám thị sẽ tương đối thuận tiện và dễ có được phương án tối ưu về con người và cơ sở vật chất. Khi có các môn thi tuỳ chọn và tự do, sẽ có môn được chọn nhiều, tức cần nhiều phòng thi hơn thông thường, và có môn được chọn ít nhưng vẫn cần phải có phòng thi riêng. Như thế, mỗi hội đồng thi sẽ cần có thêm một số lượng đáng kể phòng thi và giám thị. Diễn biến thực tế kì thi tốt nghiệp THPT từ nhiều năm nay cho thấy nếu tổ chức thi theo cách nói trên sẽ còn làm nảy sinh nhiều điều phức tạp khó lường trước hết được.

Ý kiến nói rằng cho học sinh tự chọn môn thi là tốt để các em tự lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho mình. Đó là quan niệm chưa chính xác, nếu không muốn nói là sai. Công tác định hướng nghề nghiệp hay phân luồng học sinh nếu muốn làm phải làm ngay từ đầu vào, và cần phải có một hệ thống đồng bộ từ mục đích giáo dục, chương trình và nội dung dạy-học, phương pháp và công cụ dạy-học cũng như phương thức kiểm tra đánh giá và thi cử trong toàn bộ cấp học (ít nhất 3 năm THPT). Riêng một kì thi tốt nghiệp và một động tác lựa chọn 2 trong 5 môn thi không thể nào đảm bảo được mục đích hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp THPT, với tỉ lệ 50 % cho tổng điểm các bài thi tốt nghiệp, và 50 % cho điểm trung bình cả năm học lớp 12 (ở đây tạm bỏ qua phần điểm khuyến khích) có ba nhược điểm cơ bản: vừa không đảm bảo tính công bằng về chất lượng giáo dục ở cấp độ quốc gia, vừa giảm nhẹ vai trò đánh giá của một kì thi bị làm phức tạp lên (như đã nói ở trên), vừa tạo thêm cơ hội cho “căn bệnh nan y” dạy thêm-học thêm hoành hành. Thực tế là từ nhiều năm nay, mặc cho bao nhiêu văn bản hành chính được ban ra, tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan vẫn mãi không giải quyết được tận gốc. Đối với việc thầy cô dạy thêm, trò đi học thêm, tự thân hành động ấy không có lỗi. Lỗi nằm ở chỗ hành động ấy bị lạm dụng vô lối, biến từ nhu cầu học hỏi và tinh thần cầu tiến của người học thành phương tiện cải thiện thu nhập của người dạy. Trong thực tế trường lớp, có không ít thầy cô giáo dạy hay, được học trò yêu mến, mong muốn, mời mọc thậm chí cả năn nỉ dạy thêm để các em có cơ hội rèn luyện thêm để học tốt hơn hoặc chuẩn bị đi thi đại học. Nhưng bên cạnh đó, ở những nơi mà dạy thêm-học thêm trở thành vấn nạn hay nỗi bức xúc của cộng đồng, rất dễ dàng thấy có nhiều thầy cô giáo đã lạm dụng quyền đánh giá, cho điểm học sinh để ép các em đi học thêm môn của mình, mà không có bất cứ công cụ kiểm soát hữu hiệu nào để giới hạn tình trạng lạm quyền này, từ gia đình học sinh cho đến đồng nghiệp, từ tổ chuyên môn cho đến ban giám hiệu rồi thanh tra giáo dục các cấp… Đó là chỉ mới nói đến điểm số của từng bài kiểm tra qua từng học kì. Nếu quyền “sinh sát” ấy còn góp phần vào đến 50 % cơ may tốt nghiệp của học sinh, tình trạng lạm quyền vô kiểm soát ấy sẽ còn đi đến đâu? Rồi nhân lên với sự dị biệt vùng miền giữa các tỉnh thành trong cả nước, cả về mức độ phát triển kinh tế xã hội, trình độ nhận thức chung của cộng đồng và mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông của từng địa phương trong cả nước, ta sẽ thấy rằng cái hố sâu mất công bằng sẽ ngày càng được đào sâu và nới rộng.

Giải pháp thi 2 môn tự chọn không cho thấy sự đồng bộ trong xu hướng cải cách thi cử, cụ thể là hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đầy căng thẳng và tốn kém liền kề nhau trong vòng hai tháng. Bằng chứng là dù các trường đại học đã được “bật đèn xanh” trong việc tự chủ phương án tuyển sinh, nhưng hầu hết đều rất dè dặt và thận trọng, đặc biệt là trong việc xét tuyển hàng loạt dựa trên học bạ. Nguyên nhân chính, một mặt có thể nói là vì thiếu chuẩn mực quốc gia về mục tiêu giáo dục cũng như về kiến thức, kĩ năng của học sinh, mặt khác là do sự cách biệt nhiều khi quá lớn giữa các địa phương trong việc quản lí chất lượng giáo dục phổ thông. Hơn thế nữa, học bạ là do trực tiếp từng giáo viên bộ môn ghi điểm, giáo viên chủ nhiệm nhận xét, hiệu trưởng các trường THPT kí tên đóng dấu xác nhận. Bất cứ ai đã từng đứng lớp ở trường phổ thông đều biết rằng sửa học bạ của học sinh là việc khá dễ dàng và đây đó vẫn có những trường hợp học sinh được làm lại học bạ cho “đẹp” hơn với những lí do không nói ai cũng biết. Nay, nếu thi tự chọn 2 môn và dùng điểm trung bình năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp, nhu cầu sửa học bạ tăng lên là điều tất yếu, và đây sẽ lại là một cái “ổ” lí tưởng cho tình trạng nhũng nhiễu nhân lên tràn lan ở khắp hơn 2.700 trường THPT trong cả nước. Điều đó sẽ càng làm cho kì thi tốt nghiệp THPT đánh mất vai trò kiểm soát mức sàn chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông, và càng là lí do để phải duy trì kì thi tuyển sinh đại học hàng năm. Không chỉ vậy, thi tốt nghiệp tự chọn 2 môn còn có nguy cơ “làm khó” học sinh và các trường đại học có chủ trương tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp: mỗi ngành đào tạo có thể phải tuyển theo kết quả của những môn thi khác nhau, học sinh đã chọn thi môn này sẽ không còn cơ hội thi lại môn khác nếu muốn thay đổi nguyện vọng về ngành học. Kết quả sẽ là, một kì thi vốn đã yếu thì ngày càng yếu, và một kì thi cần thay đổi lại càng có nhiều lí do để tiếp tục tồn tại.

Mọi sự thay đổi phương thức thi cử cuối khoá phải được áp dụng theo hình thức “cuốn chiếu”, ứng với tinh thần chung (quy định chính thức hay “thoả thuận ngầm”) ở đầu vào. Học sinh lớp 12 năm nay đã vào cấp III từ ba năm trước, cũng như bắt đầu năm học này với tinh thần thi tốt nghiệp 6 môn. Áp dụng một sự thay đổi lớn một cách đột ngột “giữa dòng”, không có kế hoạch không phải là cách tốt trong giáo dục. Xét ở góc độ nào đó, thay đổi như vậy là không công bằng với chính các em học sinh lớp 12 năm nay, và không công bằng giữa niên khoá này với các niên khoá khác, trước đây hay cả về sau. Cho dù áp lực của xã hội về chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT nói riêng và chất lượng giáo dục phổ thông nói chung là rất lớn, mọi sự thay đổi phải được tiến hành một cách cẩn trọng, có cơ sở khoa học chặt chẽ, có lộ trình chuyển tiếp hợp lí, vì liên quan đến từng cá nhân học sinh, “nguyên liệu” cho toàn bộ nền giáo dục đại học và thị trường lao động trong tương lai, đến và từng gia đình, “tế bào” cơ bản cấu thành nên toàn bộ xã hội.

Xem tiếp Một giải pháp khác cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
———-
*Nghiên cứu sinh, ngành Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)