Đại học – Doanh nghiệp: Duy trì khoảng cách ngắn

“Giáo dục kĩ thuật và nhu cầu thực tiễn về các kĩ sư trong những năm gần đây cứ ngày càng giãn xa nhau. Từ nhận thức về việc phải xóa bỏ khoảng cách rất rộng ấy, những trường kĩ thuật hàng đầu từ Mỹ, châu Âu, Canada, Vương quốc Anh, châu Phi, châu Á và New Zealand đã cùng lập ra Sáng kiến CDIO: nỗ lực cộng tác toàn cầu để khởi phát các ý tưởng và phát triển một tầm nhìn mới về giáo dục kĩ thuật”.

Đó chính là lời mở đầu súc tích và dứt khoát về sự cần thiết phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ việc đào tạo ra các kĩ sư sẵn sàng làm việc ngay khi rời ghế nhà trường đại học để tham gia hiệu quả vào các công việc kĩ thuật đang có nhu cầu lớn và biến đổi không ngừng trong thế kỉ 21.

Sáng kiến CDIO

Sáng kiến CDIO khởi phát từ Viện Công nghệ Massachussets (MIT)1 vào cuối những năm 1990. Năm 2000, MIT hợp tác với ba đại học ở Thụy Điển để xây dựng chương trình CDIO và sau đó mở rộng ra nhiều trường đại học khác trên thế giới. Giáo trình CDIO gồm bốn phần: Kiến thức và nguyên lí kỹ thuật; Các kỹ năng cá nhân và kỹ năng nghiệp vụ; Kỹ năng giao tiếp; CDIO.

Ý tưởng chính của sáng kiến CDIO rất dễ hiểu: các kĩ sư cần năng lực gì để làm việc, thì nhà trường giúp sinh viên đạt những cái đó trước khi ra trường; cả cái cần phải học tới cách học đều phải tương xứng. Chương trình giáo dục kĩ thuật dựa trên triết lí CDIO sẽ cho phép các kĩ sư tương lai trải nghiệm đầy đủ và sâu sắc các công việc chủ đạo mà họ sắp phải thực hiện, từ việc khởi phát ý tưởng (Conceive), thiết kế sản phẩm (Design), Chế tạo (Implement) và vận hành sản phẩm (Operate). Thông qua cái khung C-D-I-O đó, sinh viên kĩ thuật sẽ lĩnh hội các kiến thức và kĩ năng chuyên ngành, cũng như rèn luyện các kĩ năng giao tiếp, kĩ năng liên cá nhân và các phẩm chất quan trọng mà một người kĩ sư thế kỉ 21 cần phải có.

Để hiện thực hóa triết lí đó, phương pháp luận CDIO nhấn mạnh tới việc đưa doanh nghiệp xích lại gần với trường học thông qua hai giai đoạn chính yếu: cung cấp đầu vào cho quá trình xây dựng các Chuẩn đầu ra (learning outcomes) của chương trình đào tạo, và cung cấp phương tiện và không gian để các kĩ sư trải nghiệm những kĩ năng chuyên môn. Quy trình xây dựng chương trình đào tạo của CDIO yêu cầu sự tham gia của các bên liên quan, trong đó vai trò của doanh nghiệp đặc biệt quan trọng bởi đây là nơi cung cấp các yêu cầu về kĩ năng chuyên môn, kĩ năng mềm chuyên nghiệp mà một kĩ sư phải có – cơ sở cho việc xây dựng các giáo trình đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, việc sát cánh cùng doanh nghiệp sẽ giúp nhà trường khởi tạo được các không gian trải nghiệm kĩ thuật (các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo, studio thiết kế, v.v.).

Ngay sau năm năm triển khai đầu tiên (2000-2005), MIT2 đã nhận ra các thành quả vượt bậc mà CDIO mang lại cho các chương trình đào tạo của mình: các kỹ năng được chú trọng trong chương trình CDIO phù hợp với yêu cầu của các viện nghiên cứu và doanh nghiệp, sinh viên hài lòng với cách “học qua hành” (design-build experience) và hiểu sâu sắc hơn về các nguyên lý kỹ thuật, các giảng viên sử dụng đa dạng phương pháp giảng dạy và đánh giá sinh viên, số lượng người tham gia chương trình CDIO ngày càng tăng và số người thi trượt giảm rõ rệt. 

Nhiều trường khác trên phạm vi toàn cầu đã có những báo cáo thành công tương tự tại các hội thảo thường niên của cộng đồng CDIO trong nhiều năm qua. Chính từ những thành công đó, Sáng kiến CDIO tới nay đã thu hút hơn 120 trường đại học trên khắp thế giới hưởng ứng với tư cách thành viên chính thức, và nhiều trường khác đang âm thầm sử dụng các kiến thức, công cụ do CDIO cung cấp để thực hiện việc cải tiến các chương trình đào tạo kĩ thuật và phi kĩ thuật để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực.

Đại học Việt Nam tiếp cận CDIO

Các trường đại học ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và tham gia vào tiến trình đổi mới đáng chú ý này. Tham gia sớm và bền bỉ nhất là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Theo báo cáo tại Hội nghị CDIO khu vực châu Á cuối tháng 3-2015, sau hơn năm năm triển khai, ĐH Quốc gia TP HCM đã thực hiện cải cách 45 chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Thành tựu lớn nhất, như nhận định của các chuyên gia triển khai CDIO tại đây, chính là đội ngũ giảng viên đã được nâng cao trình độ lên rất nhiều sau hàng loạt chương trình phát triển đội ngũ để thực hiện các mục tiêu CDIO. Lứa sinh viên đầu tiên ra trường trong năm nay đang tràn trề hy vọng vào những “quả ngọt” do triển khai CDIO mang lại.

Ý tưởng chính của sáng kiến CDIO rất dễ hiểu: các kĩ sư cần năng lực gì để làm việc, thì nhà trường giúp sinh viên đạt những cái đó trước khi ra trường; cả cái cần phải học, tới cách học đều phải tương xứng.

Cũng tại Hội nghị CDIO khu vực châu Á tại TP Hồ Chí Minh tháng 3-2015, Đại học FPT mang lại một câu chuyện vừa lạ vừa quen với cộng đồng CDIO. Sinh ra từ một doanh nghiệp, Đại học FPT đã thiết lập khoảng cách Doanh nghiệp-Nhà trường bằng 0 ngay từ đầu. Tận dụng lợi thế của mình, Đại học FPT đã tích hợp chặt chẽ giữa chương trình đào tạo của nhà trường với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp (trước hết là các đơn vị thành viên của tập đoàn FPT với tư cách là nhà tuyển dụng, sau đó là mở rộng ra bên ngoài). Chương trình đào tạo được xây dựng trên căn cứ khảo sát kĩ lưỡng nhu cầu của ngành ICT, mô hình đào tạo hướng kĩ năng thực tiễn, dựa trên các chuẩn mực quốc tế từ giáo trình tới quy trình giảng dạy. Các sinh viên được trải nghiệm các khóa học thực tiễn trong công việc dài ngày(on-job-training), cùng với các chính sách tư vấn hướng nghiệp có hệ thống trong suốt quá trình đào tạo. Tới nay, các chương trình đào tạo CNTT bậc đại học của Đại học FPT, nơi có sự tích hợp chặt chẽ nhất giữa nhà trường-doanh nghiệp, đã cung cấp các đội ngũ kĩ sư đáp ứng tiêu chuẩn cao, với tỉ lệ có việc làm đúng ngành đạt 98% chỉ sau ba tháng tốt nghiệp. Cùng với các công tác hướng nghiệp, quan hệ doanh nghiệp có chất lượng, Đại học FPT được tổ chức kiểm định độc lập QS đánh giá mức độ 4 sao (trên thang điểm 5) cho tiêu chí về khả năng sẵn sàng cho công việc sau khi tốt nghiệp (Employability). Đó là một thành tựu rất khác biệt so với với tình hình chung hiện nay. Cách tiếp cận mới của Đại học FPT là một minh chứng sống động về kết quả tất yếu của việc đào tạo gắn liền với nhu cầu của nền công nghiệp.

Bằng cách này hay cách khác, các cơ sở đào tạo đang nỗ lực hết mình để mang lại chất lượng giáo dục cao nhất cho người học như chúng ta đã thấy trong cộng đồng CDIO toàn cầu, hay những cơ sở giáo dục kiểu mới như Đại học FPT. Trong xu thế không thể đảo ngược, các trường đại học sẽ phải không ngừng duy trì một khoảng cách ngắn với các doanh nghiệp để có thể cung cấp cho họ những kĩ sư sẵn sàng làm việc, sẵn sàng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao nhất cho xã hội.

—————————————————————-

Chú thích:

1 Theo: http://web.mit.edu/edtech/casestudies/cdio.html

2 Theo: http://web.mit.edu/edtech/casestudies/cdio.html

Tác giả