Trung Quốc cải cách tuyển sinh đại học theo phong cách Mỹ *

Năm 2015 sẽ được ghi nhớ như là khởi đầu của kỷ nguyên mới trong nền giáo dục Trung Quốc, theo một vài tờ báo tại đất nước này. Đây là năm đầu tiên những chính sách nhắm đến sự thay đổi hệ thống kỳ thi tuyển sinh đại học, hay còn gọi là “Gaokao” (cao khảo), được áp dụng. Những cải cách này không chỉ đơn thuần thiết kế lại kỳ thi, mà thay đổi hoàn toàn cả một hệ thống tuyển sinh đại học cũng như tạo chuyển biến cho tất cả các bậc học trong nền giáo dục Trung Quốc.

Nhiều tiêu chuẩn đánh giá

“Áp dụng tốt cho những trường đại học nước ngoài”, một học sinh trung học năm nhất nói về quy trình tuyển sinh đại học được phác thảo trong những tài liệu cải cách. Cậu ta đã đúng. Tóm lại, cuộc cải cách này nhắm đến việc thiết lập một hệ thống tuyển sinh đại học theo phong cách Mỹ, nhưng áp dụng theo cách riêng của Trung Quốc.

Các trường đại học của Mỹ thường dựa vào nhiều tiêu chuẩn để đánh giá trình độ của học sinh nộp đơn dự tuyển, tiêu biểu là: điểm của các bài kiểm tra được chuẩn hóa (SAT hoặc ACT), học lực tại trường trung học (điểm trung bình GPA và bảng điểm), các bài tiểu luận, thư giới thiệu, và bất cứ bằng chứng bổ sung nào về tài năng đặc biệt hoặc kinh nghiệm của học sinh. Hệ thống của Trung Quốc từ trước đến giờ phần lớn vẫn luôn chỉ dựa vào điểm của những bài thi Gaokao. Hệ thống cải cách đã đột ngột mở rộng số lượng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, bao gồm:

Điểm kiểm tra chuẩn hóa của các môn Toán, Trung văn, và Anh văn cộng thêm ba môn học do học sinh tự chọn, tương đương với các bài kiểm tra SAT hoặc ACT.

Quá trình học tập trong trường trung học được đánh giá bởi những bài thi chuẩn hóa sau khi hoàn thành từng khóa học. Tất cả các khóa học có trong chương trình học phổ thông đều được tính, trong khi theo cách làm cũ, kỳ thi Gaokao chỉ bao gồm một vài môn học. Cách làm mới sẽ cho thấy bức tranh toàn diện hơn về quá trình học tập, y như điểm trung bình GPA trong hệ thống của Mỹ.

Tuy nhiên, thay vào những bài tiểu luận và thư giới thiệu như trong hệ thống của Mỹ, hệ thống cải cách của Trung Quốc lại tính đến việc “đánh giá năng lực toàn diện” – một bộ hồ sơ quan trọng về các hoạt động thể hiện phẩm chất đạo đức (tình yêu dành cho Đảng, lòng yêu nước, lý tưởng, lòng trung thực và độ tin cậy, lòng tốt và sự thân thiện, tinh thần trách nhiệm, hiểu biết pháp luật và kỷ cương), học vấn, sức khỏe tinh thần và thể chất, năng khiếu/tài năng nghệ thuật, mức độ gắn kết với cộng đồng và xã hội.

Nhiều lựa chọn

Việc cải cách dự định đem lại nhiều lựa chọn hơn cho học sinh và các trường đại học, rất giống với hệ thống của Mỹ.

Lựa chọn môn thi: Cũng giống học sinh xin nhập học vào các trường đại học ở Mỹ có thể chọn các bài kiểm tra SAT II theo môn học hoặc các chương trình học AP khác nhau, hệ thống cải cách của Trung Quốc sẽ cho phép học sinh tùy chọn làm các bài kiểm tra ở ba môn trong tổng số sáu hoặc bảy môn học (tùy theo từng tỉnh), bên cạnh ba môn bắt buộc (Toán, Anh văn và Trung văn) để tính tổng điểm kiểm tra. Trong khi, theo hệ thống cũ, học sinh phải thi các môn giống nhau và theo đề bài chung do cấp tỉnh quyết định.

Hệ thống tuyển sinh cải cách của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn đánh giá, chứ không chỉ duy nhất dựa vào kết quả điểm thi đầu vào như trước, mang đến cho học sinh nhiều lựa chọn – từ lựa chọn môn thi, lựa chọn trường, đến lựa chọn hình thức tuyển sinh, giống như hệ thống tuyển sinh đại học ở Mỹ.

Lựa chọn trường: Trong hệ thống giáo dục Mỹ, học sinh có thể nộp đơn vào nhiều trường đại học thuộc nhiều ngành và thứ hạng khác nhau. Hệ thống cải cách của Trung Quốc sẽ cho phép những lựa chọn tương tự; trong khi ở hệ thống cũ, học sinh cần nộp một danh sách thứ hạng ưu tiên các trường đại học mà họ lựa chọn cho từng hạng điểm (có tất cả ba hạng điểm). Trường đầu tiên trong hạng điểm mà học sinh đạt tiêu chuẩn được độc quyền xem xét hồ sơ. Nếu bị từ chối, hồ sơ sẽ được chuyển sang lựa chọn thứ hai, nhưng đến lúc ấy trường đại học tại nguyện vọng thứ hai có thể đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Theo hệ thống mới, học sinh Trung Quốc có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học và có khả năng được nhận vào nhiều trường khác nhau.

Lựa chọn quy trình tuyển sinh: Các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ có nhiều cách thức tuyển sinh khác nhau: tuyển sinh sớm, tuyển sinh không hạn định thời gian, tuyển sinh định kỳ. Hệ thống cải cách tại Trung Quốc sẽ mở rộng các cách thức tuyển sinh do các trường đại học thiết kế để đem lại cho học sinh thêm nhiều lựa chọn.

Nhiều cơ hội

Khác với hệ thống của Mỹ cho phép học sinh tham gia kì thi SAT và ACT bao nhiêu lần và bất cứ lúc nào học sinh muốn, hệ thống cũ của Trung Quốc chỉ tổ chức kỳ thi tuyển sinh mỗi năm một lần, và kết quả thi chỉ có giá trị cho kỳ tuyển sinh của năm đó. Hệ thống cải cách nhắm đến việc cho phép học sinh thi mỗi môn hai lần (trừ môn Toán và Trung văn sẽ tiếp tục được tổ chức thi chỉ một lần mỗi năm). Kết quả thi cũng sẽ có giá trị trong vòng hai năm ở một số tỉnh.

Mỹ hóa nhưng vẫn giữ nguyên đặc điểm Trung Hoa

Trong khi tinh thần của cuộc cải cách Gaokao dường như đi theo khuôn mẫu của Mỹ, thì rõ ràng việc thực hiện lại phản ánh thực tế Trung Quốc. Ví dụ như, nạn sửa chữa làm sai lệch hồ sơ là một trong những mối lo ngại lớn nhất. Để chống lại các cách làm sai lệch hồ sơ có thể xảy ra, Trung Quốc phải có một hệ thống giảm thiểu khả năng giả mạo và đánh giá chủ quan. Kết quả là, hệ thống cải cách không coi trọng điểm số thời trung học vì chúng có thể bị thổi phồng bằng cách làm giả, hay những lá thư giới thiệu vì chúng đánh giá một cách chủ quan và dễ dàng bị thao túng, hay những bài tiểu luận và phát biểu cá nhân vì chúng có thể được thêu dệt dễ dàng. Vì thế thi cử vẫn là hình thức chính để đánh giá năng lực học sinh.

Ngay cả việc “đánh giá năng lực toàn diện” vốn mang tính chủ quan cũng cần tuân thủ một quy trình tỷ mỉ để đảm bảo tính khách quan và xác thực. Hướng dẫn của Bộ Giáo dục yêu cầu phải thực hiện các bước như sau:

Giấy tờ trung thực: Giáo viên hướng dẫn học sinh ghi lại trung thực những hoạt động mà học sinh đã tham gia và thu thập các giấy tờ xác nhận.

Kiểm thảo và phân tách: Vào cuối mỗi học kỳ, với sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh sẽ lựa chọn những hoạt động quan trọng và tiêu biểu để làm đánh giá. Học sinh bắt buộc phải ký tên lên các giấy tờ nếu sử dụng chúng cho hồ sơ tuyển sinh đại học.

Công khai và được xác nhận: Những hồ sơ được chọn phải được trưng bày ở những nơi công cộng như lớp học hay công bố trên website của trường để xác thực. Giáo viên phải duyệt kỹ lưỡng để xác nhận các giấy tờ trong hồ sơ này và ký tên lên chúng.

Xây dựng hồ sơ năng lực: Bộ Giáo dục yêu cầu mỗi tỉnh phải xây dựng một hình thức chuẩn cho hồ sơ năng lực và yêu cầu các giáo viên cung cấp “những nhận xét khách quan và chính xác về khả năng của từng học sinh”. Bên cạnh đó, các trường cũng phải kiểm tra hồ sơ của từng học sinh.

Vì sao phải cải cách

Vòng cải cách Gaokao này là một phần trong công cuộc cải cách giáo dục toàn diện tại Trung Quốc nhằm nuôi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai và giải quyết một số bức xúc chính đáng. Thông cáo của Quốc Vụ Viện tóm tắt những vấn đề chính của hệ thống Gaokao truyền thống như sau:
+ Tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em;
+ Việc học hành trở thành gánh nặng quá mức;
+ Cơ hội không đồng đều trong giáo dục đại học;
+ Quá nhiều trường để lựa chọn ở bậc trung học cơ sở và tiểu học, gây phân tán. 
+ Gian lận trong việc cho điểm cộng và vi phạm các quy định, chính sách trong khâu tuyển sinh.

Để giải quyết vấn đề cuối cùng, hệ thống Gaokao mới đã tái cấu trúc quyết liệt chương cho điểm cộng, vốn ban đầu được xây dựng nhằm công nhận những tài năng đặc biệt, khuyến khích các hành động mang tính phục vụ xã hội, và bù đắp cho những học sinh chịu thiệt thòi do những bất bình đẳng trong xã hội. Lấy ví dụ, hệ thống cải cách không còn cho điểm cộng cho những học sinh đoạt các giải thưởng ngoại khóa trong thể thao và nghệ thuật.

Phản ứng của người dân

Nhìn chung, hệ thống tuyển sinh mới tạo ra được những phản ứng tích cực khắp Trung Quốc. Nhiều người hi vọng hệ thống này sẽ thật sự làm cho cả nền giáo dục trở nên tốt hơn. Tuy vậy lãnh đạo các trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh vẫn còn nhiều lo ngại, hoang mang và hoài nghi trước quy mô quá lớn của những thay đổi. Giới truyền thông đã ghi nhận một số phản ứng tức thời, bao gồm:

Gánh nặng của việc lựa chọn

Hệ thống Gaokao cải cách mang đến cho học sinh và phụ huynh thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Với những người đã quen với việc có ít hoặc không có lựa chọn nào, việc phải đưa ra quyết định lựa chọn có thể là một trải nghiệm đáng sợ. Thay vì phải lựa chọn, một số phụ huynh ở Thượng Hải đang bắt con họ học thêm tất cả các môn, khiến cho gánh nặng về học hành còn lớn hơn, theo một bài báo của tờ China Youth.

Mối lo về việc không có sự phân cấp

Trong hệ thống mới, những bài thi của ba môn tùy chọn (trong tổng số sáu môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Chính trị) sẽ không tính kết quả bằng điểm mà bằng thang trình độ. Có 11 thang trình độ, mỗi thang chênh nhau 3 điểm. Một vài phụ huynh lo ngại rằng, để phân loại học sinh thuộc tốp đầu và tốp cuối, hệ thống 11 thang trình độ này sẽ không chính xác như hệ thống cho điểm cũ, và vì vậy sẽ không công bằng cho những học sinh được xếp hạng cao ở ba môn tính theo thang trình độ mà lại đạt điểm thấp trong ba môn tính điểm (Toán, Trung văn, và Anh văn), mỗi môn có thể đạt tối đa 150 điểm. Một bà mẹ ở Thượng Hải có con trai học xuất sắc môn Vật lý và Hóa học vô tỏ ra vô cùng lo lắng. Bà giải thích với tờ China Youth rằng, ngay cả khi con trai bà đạt trình độ A+ cho cả ba môn tùy chọn thì cũng chỉ cao hơn học sinh đạt trình độ A có chín điểm, và sẽ vẫn thua những học sinh giỏi các môn Toán, Trung văn hoặc Anh văn, vì những học sinh đó có thể đạt tới 450 điểm. Vì vậy bà đang cân nhắc việc cho con trai mình đi du học nước ngoài.

Xáo trộn trong các trường học

Lãnh đạo các trường và giáo viên đang hết sức lo lắng, làm cách nào tổ chức các lớp học và việc dạy học cho phù hợp với hệ thống mới này. Phần lớn các trường học ở Trung Quốc không có truyền thống cho phép học sinh tự chọn lớp hay chọn môn học. Vì vậy thiết lập một hệ thống hỗ trợ và xử lý lựa chọn của các học sinh ở những khóa học khác nhau sẽ là một thay đổi triệt để.

Những hoài nghi về Đánh giá năng lực toàn diện

Không ngạc nhiên rằng một trong những lo ngại chủ yếu về hệ thống mới liên quan đến tính khách quan, minh bạch và tính khả thi của những yếu tố vừa mới được đưa vào. Tuy những năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều sáng kiến và nhiều trường học đã chấp nhận cách làm mới, các kết quả đạt được vẫn chưa thật lý tưởng. Chúng chưa được sử dụng để ra những quyết định có tầm quan trọng như tuyển sinh đại học. Dưới hệ thống mới này, tầm quan trọng đó được đẩy lên cao hơn, do đó nảy sinh nhiều câu hỏi về việc liệu các trường học của Trung Quốc có thể quản lý một hệ thống đáng tin cậy và đúng đắn cho các quyết định có tính quan trọng như vậy hay không.

Cơ hội mới cho công ty dạy kèm

Hệ thống Gaokao cải cách có khả năng mở ra thị trường mới cho việc kinh doanh giáo dục. Nhiều công ty dạy kèm bắt đầu được thành lập, cung cấp các chương trình học phù hợp cho hệ thống Gaokao cải cách. Các phụ huynh cũng sẽ tìm kiếm những chương trình mới nhằm giúp con cái họ sẵn sàng cho những kỳ thi tuyển sinh cải cách, hoặc tìm đến những chương trình dạy tiếng Anh nếu họ quyết định con họ tốt hơn nên ra khỏi hệ thống mới này để du học nước ngoài.

Ly Nga lược dịch
Trần Lệ Thùy hiệu đính

* Tiêu đề do Tia Sáng đặt
Nguồn:
http://zhaolearning.com/2015/05/09/the-dawn-of-a-new-era china%E2%80% 99s-college-entrance-exam-transformation/

Năm 2014, thành phố Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang bắt đầu thí điểm từng phần hệ thống tuyển sinh mới.
Năm 2017, bắt đầu triển khai hệ thống tuyển sinh mới trên khắp cả nước.
Năm 2020, triển khai tất cả những cải cách được đề xuất, hệ thống mới được thiết lập.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)