Anh bổ nhiệm Tân Bộ trưởng khoa học

Nghị sĩ Sam Gyimah đã trở thành Bộ trưởng Bộ Khoa học thay cho Jo Johnson trong cuộc cải tổ nội các mới nhất.

Vương quốc Anh đã bầu Bộ trưởng khoa học mới, một phần trong những thay đổi lớn trong các chức vụ chính phủ quốc gia này. Sam Gyimah, đã chuyển từ Bộ Tư pháp sang giữ chức Bộ trưởng Đại học và Khoa học vào ngày 9/1/2018, thay cho Jo Johnson.

Johnson, người giữ cương vị này từ tháng 5/2015, đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng khi đương chức, sẽ chuyển sang làm Bộ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải.

Gyimah, năm nay 41 tuổi, gia nhập Nghị viện từ năm 2010 và được đánh giá là ngôi sao đang lên trong Đảng Bảo thủ. Ông đã vận động để Anh tiếp tục ở lại Liên minh Châu Âu thông qua cuộc trưng cầu dân ý 2016, nhắm đến nhóm cử tri trẻ. Ông cũng kêu gọi những cải cách trong chính sách di dân nhằm tạo thuận lợi cho những chuyên gia như các nhà khoa học máy tính có thể nhận được thị thực.

Theo bà Sarah Main – Giám đốc nhóm vận động hành lang cho Chiến dịch Khoa học và Kỹ thuật, Gyimah được ghi nhận là ít tham gia vào các vấn đề khoa học. Bà cho biết: “Nhưng sự quan tâm trong quá khứ không phải là yêu cầu đối với Bộ trưởng mới mà quan trọng là cần nắm được các yếu tố chính và sẵn lòng lao vào công việc.”

Do Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu nên ưu tiên hàng đầu của Gyimah là đảm bảo duy trì vị trí ưu tiên của khoa học trong suy nghĩ của các nhà đàm phán Brexit. Theo Main, “đây là thách thức lớn trong năm nay khi các cuộc đàm phán ngày càng đi xa hơn và trở nên căng thẳng hơn.”

Đặc biệt, Main hy vọng Gyimah sẽ tiếp tục duy trì tổ chức diễn đàn hàng tháng do Johnson khởi xướng từ cuối năm 2016 dành cho chính phủ, đại diện các trường đại học, cộng đồng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học cùng thảo luận những chủ đề chung, nhằm thông báo các vị trí hiện tại của Vương quốc Anh trong đàm phán Brexit. Tại diễn đàn, các đại diện của cộng đồng khoa học và giáo dục đại học sẽ tham gia cuộc gặp gỡ cùng với Bộ trưởng Bộ Xuất cảnh Liên minh châu Âu (Anh). Theo Main, thông qua diễn đàn, việc kết nối với Văn phòng Chính phủ sẽ giúp ưu tiên lợi ích của cộng đồng khoa học được nêu trong dự luật xuất nhập cảnh mới.

Trọng tâm giáo dục

Mặc dù ít được biết đến trong cộng đồng nghiên cứu nhưng Gyimah cũng từng bày tỏ sự quan tâm đến giáo dục. Trên website vận đồng bầu cử của mình, ông đề cập đến yếu tố khiến ông gia nhập chính trường do do “thôi thúc từ vai trò tích cực của giáo dục trong cuộc đời tôi và những gì giáo dục có thể làm cho tất cả mọi người.”

Sinh ra ở Vương quốc Anh trong một gia đình có bố mẹ đều là người Ghana, Gyimah đã học tại các trường ở cả Ghana và Anh, và đã có bằng triết học, chính trị và kinh tế của ĐH Oxford (Anh). Ông cũng dành 5 năm làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, sau đó chuyển sang giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng và Internet.

Trước khi phụ trách Tù nhân và Quản chế tại Bộ Tư pháp, Gyimah đã làm một năm tại vị trí Bộ trưởng phụ trách chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Giáo dục, nơi công việc chính của ông bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tranh đấu cho tài trợ

Từ thời Johnson, nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Đại học và Khoa học vẫn liên quan với cả Bộ Giáo dục và Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp.

Nick Hillman, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách giáo dục đại học – một think tank ở Oxford, và giữ chức cố vấn dưới thời Bộ trưởng Bộ Khoa học tiền nhiệm, nói rằng trong vai trò mới của mình, Gyimah sẽ phải làm quen và học hỏi cật lực, đồng thời thắt chặt “mối quan hệ với Bộ trưởng Bộ Tài chính để có điều kiện trao đổi kỹ hơn về ngân sách dành cho khoa học và giáo dục, đặc biệt là ngân sách dành cho R&D”.

Trong thời gian Johnson làm Bộ trưởng, Chính phủ đã cam kết thúc đẩy cả chi tiêu công và tư quốc gia dành cho nghiên cứu và phát triển, từ 1,7% GDP vào năm 2015 lên mức 2,4% GDP vào năm 2017. Việc  hỗ trợ cho khoa học từ các cơ quan cấp cao của chính phủ đồng nghĩa với việc ông phải tập trung vào khoa học, mặc dù phần lớn thời gian của Bộ trưởng mới cũng phải dành cho giáo dục đại học

Trong hơn hai năm đương nhiệm, Johnson đã thực hiện nhiều thay đổi gây tranh cãi trong hệ thống giáo dục đại học và tài trợ nghiên cứu của Anh, được Nghị viện thông qua từ tháng 4/2017. Những thay đổi lớn bao gồm việc thành lập Quỹ Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Anh (UK Research and Innovation), một cơ quan tài trợ cho khoa học với trách nhiệm phân bổ ngân sách nghiên cứu trị giá 6 tỷ bảng Anh (tương đương 7,8 tỷ USD). Johnson cũng chỉ đạo việc ra mắt “Khung xuất sắc trong giảng dạy và kết quả đào tạo sinh viên”, một hệ thống đánh giá chất lượng giảng dạy tại các trường đại học Anh. Main nói: “Chắc chắn Johnson đã làm xáo trộn nhiều thứ nhưng ông ấy cũng làm được rất nhiều việc trong hai năm rưỡi [đương nhiệm]”.

 Minh Thuận dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-00396-9

Tác giả