Đông Nam Á học ở Việt Nam: Chưa là khoa học về khu vực

Nghiên cứu Đông Nam Á học ở Việt Nam thực chất mới chỉ dừng lại ở đất nước học, tức là đào tạo tập trung vào việc phổ biến ngôn ngữ và văn hoá theo từng quốc gia trong khu vực thay vì nghiên cứu với tư cách là một khoa học về khu vực.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Hà.

Nhận định này của PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội (ĐHQGHN) đã trở thành chủ đề thảo luận tại hội thảo “Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và Thách thức” do trường ĐH KHXH&NV tổ chức ngày 14/11/2018.

Ra đời đầu tiên ở Bắc Mỹ từ sau Thế chiến II, nghiên cứu Đông Nam Á học vẫn tiếp tục phát triển ở các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Tại Việt Nam, nghiên cứu Đông Nam Á bắt đầu hình thành từ rất sớm so với nhiều nước trong khu vực, với sự ra đời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) từ năm 1973. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, do điều kiện tiềm lực kinh tế có hạn, hầu hết các nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á ở Việt Nam chỉ mới được thực hiện qua các nguồn tài liệu thứ cấp trong khi các nhà nghiên cứu lại ít có điều kiện thực hiện các cuộc nghiên cứu thực địa tại các nước trong khu vực. Còn đào tạo Đông Nam Á học ở bậc đại học mới chỉ thực sự được quan tâm từ năm 1995, sau khi Khoa Đông phương học được thành lập ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Và đáng lưu ý là “nghiên cứu thực chất mới chỉ dừng lại ở đất nước học, tức là tập trung vào việc phổ biến ngôn ngữ và văn hoá theo từng quốc gia trong khu vực thay vì nghiên cứu khu vực và mối liên hệ khu vực với tư cách là một khoa học về khu vực”. Đây cũng là hiện trạng của đào tạo Đông Nam Á học tại các trường đại học. 

Hiện nay cả nước có 4 trung tâm đào tạo chuyên ngành Đông Nam Á – bao gồm ĐHQG TP HCM, Đại học Hồng Bàng, Bà Rịa – Vũng Tàu và từ năm nay là Khoa Đông Phương của ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) và giảng dạy ngôn ngữ chiếm vị trí chủ đạo trong các chương trình học. Ví dụ,  60/132 tín chỉ trong ngành Đông Nam Á học ở ĐHQG TP HCM dành cho giảng dạy ngôn ngữ; ở ngành Thái Lan học tại ĐHQGHN thì tỷ lệ này là 34/139 (không tính đến ngoại ngữ Anh bắt buộc).

Mặt khác, rào cản ngôn ngữ cũng được coi là khó khăn chính với các nhà nghiên cứu Việt Nam khi nghiên cứu về các nước khu vực,  theo TS. Nguyễn Thị Thùy Châu (Khoa Đông Phương học, ĐH KHXH&NV). Cụ thể, trong khi nghiên cứu Thái Lan rất cần cập nhật nhiều tài liệu nghiên cứu tiếng Thái thì nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mới chỉ tham khảo được thông qua các nguồn tiếng Anh. Từ sau năm 1990 đến nay, không còn các công trình nghiên cứu về tiếng Thái ở Việt  Nam. 
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đang giảng dạy tại Khoa Đông Phương học như GS. Mai Ngọc Chừ và TS. Hồ Thị Thành lại cho rằng, chương trình Đông Nam Á học phải tập trung vào giảng dạy ngôn ngữ nhằm giúp cho sinh viên có được việc làm, “bởi hiện nay sinh viên ra trường chỉ có một người làm nghiên cứu, trong khi 80 người còn lại phải dùng ngôn ngữ để kiếm tiền.” Đó là “thực tế mà các trường phải đối mặt trong kinh tế thị trường hiện nay”, GS Mai Ngọc Chừ nhấn mạnh.  

Do vậy, một giải pháp “dung hòa” được đưa ra là, nên linh hoạt trong đào tạo Đông Nam Á học, theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, phó hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV. Nghĩa là, các đơn vị vẫn tiếp tục đào tạo như hiện nay, còn với những sinh viên có định hướng nghiên cứu sẽ được khoa và nhà trường đầu tư đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu một cách “cá nhân hóa”.

Tác giả