Einstein và Bergson – Cuộc tranh luận làm thay đổi nhận thức về thời gian

LTS: Bản dịch dưới đây được trích từ ba chương đầu của quyển sách “Nhà vật lý và triết gia: Einstein, Bergson và cuộc tranh luận đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thời gian” (2015) của Jimena Canales, giáo sư Lịch sử Khoa học tại Đại học Ilinois Ubarna Champaign. Việc Tia Sáng sử dụng nội dung quyển sách đã được sự cho phép của NXB Princeton University Press và tác giả.


Lý do Einstein được trao giải Nobel vì “những khám phá của ông về hiệu ứng quang điện” thay vì thuyết tương đối chính là vì sự phản ứng của Bergson. Ảnh: Einstein nhận giải Nobel năm 1921. Nguồn: Albert Einstein Archives / Princeton University Press.

Ngày mùng 6 tháng 4 năm 1922, Einstein đã gặp một người mà ông sẽ không bao giờ quên. Đó là một trong những triết gia nổi tiếng bậc nhất của thế kỷ, được biết đến rộng rãi vì đã ủng hộ một lý thuyết về thời gian có thể giải thích được những chuyện mà đồng hồ không thể: ký ức, linh cảm, kỳ vọng và dự đoán. Cuộc gặp gỡ đã được sắp xếp dưới hình thức một sự kiện học thuật thân mật. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như mong đợi. Nhà vật lý và triết gia đã xung đột, mỗi người bảo vệ một ý kiến trái chiều, thậm chí là xung khắc nhau, trong cách nhận thức về thời gian. Tại Hội triết học Pháp – một trong những tổ chức đáng kính nhất ở Pháp – họ đã đối đầu với nhau trước sự chứng kiến của một nhóm trí thức chọn lọc. “Cuộc đối thoại giữa triết gia vĩ đại nhất và nhà vật lý lỗi lạc nhất của thế kỷ 20” đã được chép lại một cách đầy đủ. Nó hoàn toàn thích hợp cho kịch bản một vở kịch. Cuộc gặp gỡ và những câu từ mà họ phát biểu sẽ còn được nhắc đến trong suốt phần còn lại của thế kỷ.

Triết gia ấy tên là Henri Bergson. Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, tên tuổi, uy tín và sự ảnh hưởng của ông hoàn toàn vượt trội nhà vật lý, người mà trái lại, ngày nay lại quá nổi tiếng [so với nhà triết học]. Bergson được so sánh với Socrates, Copernicus, Kant, Simon Bolívar, và thậm chí là cả với Don Juan. Nhà triết học John Dewey, được biết đến như người đại diện chính cho chủ nghĩa thực dụng Mỹ, đã khẳng định đầy mạnh mẽ rằng “không có vấn đề triết học nào thể hiện được cùng bộ mặt và khía cạnh như nó đã thể hiện trước Giáo sư Bergson.” William James, giáo sư tại Đại học Harvard và là một nhà tâm lý học nổi tiếng, đã mô tả cuốn Creative Evolution (1907) (Sự tiến hóa sáng tạo) của Bergson là “một phép màu thực sự”, đánh dấu “sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới”.  Với James, Matter and Memory (1896) (Vật chất và Ký ức) [một quyển sách khác của Bergson] đã tạo ra “một dạng lý thuyết mang tính cách mạng kiểu Copernic, tương đương với ‘Principles’ (Các nguyên lý) của Berkeley hay ‘Critique’ (Phê phán) của Kant.” Nhà triết học Jean Wahl có lần đã nói rằng “nếu  được yêu  cầu  nêu  tên bốn  triết gia vĩ đại nhất, thì bạn có thể trả lời rằng: Socrates, Plato – gộp hai người họ làm một – Descartes, Kant và Bergson.”

Danh tiếng của Bergson đã bị nguy hại sau khi ông đối đầu với chàng trai trẻ. Nhưng Einstein cũng vậy. Những chỉ trích hướng về phía nhà vật lý ngay lập tức gây bất lợi cho ông. Vài tháng sau, giải thưởng Nobel được trao cho Einstein không phải nhờ lý thuyết tương đối – lý thuyết đã mang lại danh tiếng cho ông. Thay vào đó, nó được trao cho ông “bởi khám phá của Einstein về hiệu ứng quang điện” – một lĩnh vực khoa học không mang lại sự ngạc nhiên cho trí tưởng tượng của công chúng ở mức mà lý thuyết tương đối đã làm được. Nguyên nhân đằng sau quyết định tập trung vào các công trình khác thuyết tương đối trực tiếp bắt nguồn từ nhận xét của Bergson ở Paris ngày hôm đó.

Chủ tịch Hội đồng xét giải Nobel giải thích rằng mặc dù “hầu hết các thảo luận tập trung vào lý thuyết tương đối của ông ấy,” nhưng nó không xứng đáng với giải thưởng. Tại sao không? Có nhiều lý do phức tạp khác nhau, nhưng nguyên nhân chính được đưa ra buổi tối hôm đó là rất rõ ràng: “Không có gì bí mật là nhà triết học Bergson đã thách thức lý thuyết này ở Paris.” Bergson đã chỉ ra rằng lý thuyết tương đối “đi đôi với tri thức luận” hơn là với vật lý – và do vậy nó “vốn dĩ là chủ đề của các cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nhóm triết học.”

Lời giải thích hôm đó của vị chủ tịch hội đồng chắc hẳn đã nhắc nhở Einstein về những sự kiện mùa xuân năm trước ở Paris. Rõ ràng ông đã khơi lên một cuộc tranh cãi và đây chính là hậu quả. Ông đã không thể thuyết phục nhiều nhà tư tưởng về giá trị định nghĩa của mình về thời gian, đặc biệt là khi lý thuyết của ông bị so sánh với lý thuyết của triết gia nổi tiếng. Trong bài diễn văn nhận giải của mình, Einstein vẫn rất bướng bỉnh. Ông đọc một bài giảng có nội dung không phải về hiệu ứng quang điện, lý thuyết đã chính thức mang lại cho ông giải thưởng, mà về lý thuyết tương đối – công trình đã đưa ông lên vị thế một ngôi sao nổi tiếng khắp thế giới nhưng khi ấy vẫn đang bị đặt nghi vấn.

Việc nhắc đến tên tuổi của Bergson của người trao giải thưởng Nobel là một chiến thắng ngoạn mục cho triết gia, người đã dành trọn một đời và có một sự nghiệp huy hoàng nhờ chỉ ra rằng không nên hiểu thời gian chỉ qua lăng kính khoa học. Ông nhấn mạnh một cách bền bỉ và kiên định rằng phải hiểu thời gian theo kiểu triết học. Nhưng chính xác thì ý ông ta là gì? Hóa ra, triết học của Bergson cũng gây tranh cãi như vật lý của Einstein vậy.

Vào cái ngày “thực sự lịch sử” khi hai người gặp nhau, Bergson đã vô tình bị cuốn vào một cuộc thảo luận mà ông rõ ràng đã có ý tránh. Cho tới thời điểm ấy, nhà triết học có uy tín hơn Einstein rất nhiều. Ông nói trong khoảng nửa giờ. Ông đã bị một người đồng nghiệp xấc xược kích động, để rồi bị người tổ chức sự kiện ép phát biểu. “Chúng tôi còn Einstein hơn cả ngài, Ngài Einstein ạ,” ông nói. Những tiếng nói phản đối ông vang lên khắp phòng. “Tất cả chúng tôi cứ nghĩ rằng Bergson đã chết rồi,”-  nhà văn, họa sĩ Wyndham Lewis giải thích – “nhưng thuyết tương đối, kỳ lạ thay vừa mới nêu ra đã làm ông ấy sống lại.”

Nhà vật lý đáp lại sau không đầy một phút – trong phần trả lời ấy có một câu nói phê phán mà sau này vẫn thường xuyên được người ta trích dẫn: “Chẳng có thời* nào của các nhà triết học cả”1. Một câu trả lời thật khiêu khích.

Những gì Einstein nói sau đó ở buổi tối hôm ấy còn gây tranh cãi hơn nữa: “Chỉ có một loại thời gian khác với thời gian của các nhà vật lý đó là thời gian tâm lý.” Ngay tại thời điểm đó Einstein đã mở màn cho cuộc tranh luận qua việc khẳng định chỉ có hai cách hiểu đúng về thời gian: hiểu theo kiểu vật lý và hiểu theo kiểu tâm lý. Mặc dù gây tranh cãi trong những bối cảnh đặc biệt mà Einstein đề cập, hai cách chiêm nghiệm về thời gian này đã có một lịch sử rất dài. Với Einstein, chúng thậm chí còn có thể có lịch sử dài hơn – trở thành hai lăng kính chính phản chiếu hầu hết những nghiên cứu về bản chất của thời gian trong suốt thế kỷ hai mươi. Viễn cảnh đơn giản, nhị nguyên về thời gian do Einstein chủ trương đã làm Bergson phẫn nộ. Nhà triết học phản ứng lại bằng cách viết hẳn một cuốn sách để đối đầu với Einstein. Lý thuyết của ông ta [Einstein] là “một mớ triết học siêu hình cấy ghép vào khoa học, nó không phải là khoa học,” Bergson viết.

Einstein đã phản công lại với tất cả năng lượng, sức mạnh và nguồn lực của mình. Trong những năm sau đó, hầu hết mọi người đã nhận ra rằng Bergson đã thua trong cuộc tranh luận với nhà vật lý trẻ. Những cách nhìn của nhà khoa học về thời gian chiếm ưu thế trong hầu hết những cuộc thảo luận của các học giả về đề tài này, không chỉ kiềm chế quan điểm của Bergson mà cả những cách tiếp cận nghệ thuật và văn chương khác, bằng cách loại chúng xuống mức quan trọng thứ yếu và phụ trợ. Với nhiều người, thất bại của Bergson đại diện cho một chiến thắng của “tính duy lý” trước “trực giác”. Nó đánh dấu một thời điểm khi các trí thức không còn theo kịp các cuộc cách mạng trong khoa học bởi chúng ngày càng phức tạp. Vì lý do này, có lẽ họ nên đứng ngoài cuộc. Khoa học và các hệ quả của nó chỉ nên để dành cho các nhà khoa học, những người tạm coi là biết đôi chút về chúng. Do vậy bắt đầu “sự thoái trào sau một thời kỳ thành công chưa từng có của triết học Bergson về thời gian tuyệt đối – mà không nghi ngờ gì chính là vì sự ảnh hưởng của thuyết tương đối”.  Quan trọng nhất là, sau đó bắt đầu thời kỳ tầm ảnh hưởng của triết học suy tàn dưới sự đe dọa bởi ảnh hưởng đang lên của khoa học.

Hai người đàn ông này chi phối hầu hết những thảo luận về thời gian trong suốt nửa đầu của thế kỷ hai mươi. Nhờ Einstein, chủ đề thời gian cuối cùng đã “bị phế truất khỏi vị trí cao ngất của nó”, rơi từ đỉnh cao của triết học xuống địa hạt thực tế của vật lý. Ông đã chỉ ra rằng “niềm tin của chúng ta về ý nghĩa khách quan của tính đồng thời” cũng như của thời gian tuyệt đối phải bị “loại bỏ” vĩnh viễn sau khi ông đã “xua tan giáo điều này khỏi tâm trí chúng ta”. Nhà vật lý đã chỉ ra rằng, “tự thân không gian, và tự thân thời gian” là hai khái niệm “bị buộc phải tan khuất hoàn toàn vào bóng tối.”

Bergson, ngược lại, lại khẳng định rằng Thời gian có nhiều ý nghĩa hơn những gì mà các nhà khoa học đã từng đánh cược – và ý của ông là tất cả các nhà khoa học, từ những nhà tiến hóa kiểu Darwin tới các nhà thiên văn hay vật lý. Để giải thích những khía cạnh quan trọng nhất của Thời gian mà các nhà khoa học thường không mấy khi đếm xỉa tới, Bergson thường viết hoa thuật ngữ thời gian. Ông gắn nó với élan vital, một khái niệm được dịch rộng rãi thành “vital impulse” (đà sống). Đà sống này, ông lập luận, xen lẫn nhau xuyên suốt vũ trụ mang tới cho sự sống một lực đẩy và không ngừng dâng lên, nảy sinh ra những sáng tạo hoàn toàn bất ngờ, và khoa học không thể nào hiểu thấu hết được. Mặc dù khoa học không thể hoàn toàn giải quyết nó nhưng nó chính là xương sống của các công trình nghệ thuật và sáng tạo. Ảnh hưởng của Bergson lên văn chương được thấy ở Gertrude Stein, T. S. Elliot, Virginia Woolf, William Faulkner, và nhiều nhà văn khác, những người đã đưa vào những đứt gẫy, xoắn vặn, xoay vòng trong giọng trần thuật nơi tương lai xuất hiện trước quá khứ và quá khứ xuất hiện trước tương lai.

“Vậy, thời gian là gì”, thánh Augustine đã tự hỏi trong Confessions (Tự thú) của ông, chỉ ra một nghịch lý trong nhận thức của chúng ta về thời gian. Chưa có thứ gì lại trực quan hơn nhưng cũng phức tạp hơn như chính thời gian cả: “Nếu không ai hỏi tôi, thì tôi biết; nhưng nếu tôi muốn giải thích cho người đặt câu hỏi, tôi lại chẳng biết gì cả.” Những câu chữ này, viết ở Bắc Phi đâu đó khoảng những năm 397-398, có vẻ như mang tính tiên tri cực kỳ chính xác ở Châu Âu 1500 năm sau. Satosi Watanabe, một trong những người tiếp bước Bergson trung thành nhất, đã khẳng định một cách đơn giản: “Quan điểm này [của Augustine], sau mười lăm thế kỷ trong tiến trình của khoa học của nhân loại, vẫn thể hiện quan điểm hiện nay của các nhà triết học.” Có lẽ không có gì phóng đại khi mô tả thời hiện đại là sự bất lực trong việc xử lý thời gian cũng như với tiền bạc; nó là một chuỗi những nỗ lực bất thành để làm chủ cả hai.

Trong cuốn sách quan trọng đầu tiên của mình, được xuất bản trước khi ông bước vào tuổi ba mươi, Bergson đã phát triển một lý thuyết triết học về thời gian trong đó ông giải quyết các vấn đề về thời gian một cách cụ thể, khác biệt hoàn toàn với những gì người ta nhìn nhận về nó trước đó. “Cái thời gian mà các nhà thiên văn học sử dụng trong công thức của họ,” ông giải thích, “cái thời gian mà đồng hồ chia thành các khoảng bằng nhau, có thể nói rằng nó là một thứ gì đó khác.”

Bergson thấy rằng định nghĩa về thời gian của Einstein qua đồng hồ hoàn toàn sai lạc. Nhà triết học không thể hiểu nổi tại sao ai đó lại chọn để mô tả thời gian của một sự kiện đáng chú ý, như là thời điểm đoàn tàu đến, theo kiểu sự kiện ấy trùng khớp với giờ chỉ trên một cái đồng hồ.

Ông không hiểu được tại sao Einstein lại cố gắng thiết lập cách thức cụ thể này như một cách thức đặc quyền để xác định tính đồng thời. Bergson tìm kiếm một định nghĩa căn bản hơn cho tính đồng thời, một định nghĩa không chỉ kết thúc ở cái đồng hồ mà còn lý giải vì sao cái đồng hồ được người ta dùng đến ngay từ đầu. Nếu khái niệm căn bản hơn rất nhiều về tính đồng thời này là không tồn tại thì “đồng hồ chẳng phục vụ cho bất kỳ mục đích nào cả.” ông lập luận. Phải, người ta mua đồng hồ “để biết bây giờ là mấy giờ,” Bergson thừa nhận.

Nhưng “biết bây giờ là mấy giờ” đã tiền giả định rằng sự tương ứng giữa số giờ chỉ trên đồng hồ và một “sự kiện đang xảy ra” có ý nghĩa với người trong cuộc nên khiến họ lưu tâm tới nó. Một vài sự tương ứng nhất định nào đó giữa các sự kiện có ý nghĩa đáng kể với chúng ta –  trong khi phần lớn những sự tương ứng khác thì không – đã lý giải cảm nhận căn bản của chúng ta về tính đồng thời và việc tại sao đồng hồ được sử dụng rộng rãi.Tự thân đồng hồ không thể giải thích được cả tính đồng thời lẫn thời gian, ông lập luận.

Nếu không tồn tại một cảm nhận về tính đồng thời căn bản hơn những gì thể hiện qua việc khớp một sự kiện với một giờ chỉ trên đồng hồ, thì đồng hồ sẽ chẳng phục vụ cho một mục đích có ý nghĩa nào cả:

Chúng sẽ chỉ là các linh kiện máy móc để chúng ta tự mua vui bằng cách so sánh chúng với nhau; chúng sẽ không được sử dụng để phân loại các sự kiện; nói ngắn gọn, chúng sẽ tồn tại vì chính bản thân chúng  chứ  chẳng vì phục vụ chúng ta. Chúng sẽ mất lý do tồn tại vì nhà lý luận thuyết tương đối cũng như vì mọi người, vì anh ta chỉ dùng chúng để xác định thời điểm diễn ra một sự kiện.

Bergson lập luận rằng, toàn bộ ảnh hưởng của công trình của Einstein có được là nhờ vào việc nó đã vận hành như một “dấu hiệu” đưa ra một hình dung tự nhiên và trực quan về tính đồng thời. “Chẳng qua là vì” khái niệm của Einstein “giúp chúng ta nhận biết tính đồng thời có trong tự nhiên này, bởi vì đây là dấu hiệu của nó, và bởi vì nó có thể được biến đổi thành tính đồng thời mang tính trực quan của chúng ta” ông giải thích. Công trình của Einstein khiến ta cảm thấy đầy tính cách mạng và bất ngờ, bởi niềm tin về tnh đồng thời mang tính trực quan của chúng ta còn mạnh mẽ. Nếu không còn niềm tin trực quan này, công trình của Einstein chỉ đơn thuần là một thứ dấu hiệu đại diện cho đối tượng của nó.  

Bergson đã chiêm nghiệm về đồng hồ trong nhiều năm. Ông đồng ý rằng đồng hồ giúp lưu ý về tính đồng nhất nhưng không nghĩ rằng hiểu biết về thời gian của chúng ta lại có thể dựa trên một mình nó. Quay lại năm 1889, ông cũng đã từng nghĩ về giả thiết này và nhanh chóng coi nhẹ nó: “Khi mắt chúng ta dõi theo bề mặt một chiếc đồng hồ, chuyển động của cây kim tương ứng với những dao động của quả lắc, tôi không đo khoảng thời gian, như mọi người có thể nghĩ; tôi chỉ đơn giản đếm những điểm đồng nhất, điều đó rất khác.” Có gì đó khác biệt, có gì đó kì lạ, có gì đó quan trọng và điều gì đó vượt ra ngoài bản thân chiếc đồng hồ cần phải được thêm vào trong hiểu biết của chúng ta về thời gian. Chỉ có điều đó mới giải thích được tại sao chúng ta lại gắn cho đồng hồ một sức mạnh như vậy: tại sao chúng ta mua nó, tại sao chúng ta sử dụng nó, và ban đầu, tại sao chúng ta lại sáng chế ra nó.

Nhà triết học đã mô tả sự thay đổi luôn diễn ra quanh chúng ta, nhưng – thật nghịch lý – hầu hết các nhà khoa học hạ thấp vai trò khía cạnh này của thế giới. Ngay cả trong thuyết tiến hóa (theo cách giải thích của Herbert Spencer) cũng giả định sự sản sinh các dạng tiến hóa mới qua sự tái tổng hợp của các vật liệu cũ. Làm như vậy, nó đã lờ đi sự hình thành những đột biến trong cuộc sống. Bằng việc chỉ tập trung nhìn vào thế giới thực như một thứ gì đó cố định vĩnh viễn, người ta có thể không nhận ra những khả năng mới: “Ta có thể nói rằng trong thời gian trực cảm, được coi như một tiến trình của tạo hóa, có sự hình thành không ngừng những khả năng chứ không chỉ hình thành những thực tại.” Điều gì xảy ra nếu những nhà tư tưởng khắp thế giới tán đồng với thay đổi cấp tiến mà Bergson mô tả? Bergson đã nhận thức rất rõ về các hệ quả ấy. Một ví dụ là các học giả sẽ phải giảm bớt những nỗ lực của họ trong việc hiểu thế giới chỉ qua những gì cấu tạo nên nó. Chủ nghĩa duy vật, một cách nhìn triết học gắn kết chặt chẽ với triết lý của René Descartes, có vẻ như đang gặp phải nguy hiểm. Einstein, nhà triết học lập luận, đã tiếp bước Descartes một cách mù quáng. Bergson đã kết thúc cuốn sách gây tranh cãi của mình với câu nói quả quyết: “Einstein là người tiếp nối Descartes.”

Bergson nghĩ rằng Einstein chưa từng hiểu ông. Một lần ông giãi bày với một người bạn rằng Einstein không thể hiểu ông bởi vì “cậu ta không quen với triết học và đặc biệt là triết học bằng tiếng Pháp nữa.”  Thậm chí có lẽ Einstein còn chưa “đọc cuốn sách của tôi”, [mà anh ta] chỉ dựa vào nguồn khác như “nhà vật lý Pháp này hay kia, những người không hề hiểu tôi, và không có đủ nền tảng triết học để hiểu tôi, thì vẫn chẳng thể tiếp thu được lời giải thích của tôi.”

Trong suốt cuộc tranh luận, Einstein đã khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về mục đích của triết học và tại sao triết học lại không đóng vai trò gì trong việc lý giải về thời gian. Đối mặt với người phản đối mình, ông đã đặt cho triết học một vai trò hết sức hạn chế. Ông tiếp tục tự giải thích, đưa ra hai lối suy nghĩ thường thấy về thời gian, thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Thời gian tâm lý là thời gian mà một người nhận thức, trong khi thời gian vật lý là thời gian mà một dụng cụ khoa học đo được, như đồng hồ chẳng hạn. Thời gian được đo bởi một dụng cụ thường khác biệt với thời gian mà một người nhận thức. Các nhân tố như sự tẻ nhạt, thiếu kiên nhẫn, hay những thay đổi nho nhỏ về mặt sinh lý học đã ảnh hưởng tới việc nhận thức thời gian tâm lý. Với sự phổ biến của các công cụ đo thời gian, sự khác biệt giữa thời gian theo cảm nhận và thời gian theo đo đạc ngày càng được chú ý. Ví dụ như khi đọc nhật ký của Franz Kafka, chúng ta biết rằng trong một tài liệu riêng tư ở thời kỳ ấy, một “đồng hồ nội tại” thì thường không đồng nhất với một “đồng hồ bên ngoài”.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, nhận thức vật lý và tâm lý về thời gian không cần phải khác nhau quá nhiều. Hầu hết mọi người đều có thể ước lượng thời gian theo một cách khá tương thích với cách thức của đồng hồ, xác định rất chuẩn thời gian ăn sáng, trưa và tối. Hầu hết mọi người có thể đánh giá tính đồng thời của hai sự kiện theo một cái cách tương tự như các dụng cụ đo đạc. Nhưng  khi phải làm việc với các sự kiện cực nhanh thì điều đó không đúng nữa. Trong những trường hợp này (ví dụ như trong vòng cuối của cuộc đua ngựa), sai sót trong nhận thức về tính đồng thời bằng tâm lý khi so sánh với tính đồng thời được xác định bởi một dụng cụ là rất rõ ràng; tính đồng thời qua nhận thức tâm lý khác biệt rất rõ với những gì được xác định với dụng cụ hỗ trợ. Trong một vũ trụ được đánh dấu bởi các sự kiện xảy ra gần với tốc độ của ánh sáng, sự khác biệt giữa chúng [nhận thức tâm lý và vật lý về thời gian] là vô cùng lớn.

Theo Einstein, triết học đã được sử dụng để giải thích mối liên quan giữa tâm lý và vật lý. “Tôi tin rằng, thời gian của các nhà triết học, cùng một lúc vừa là thời gian tâm lý vừa là thời gian vật lý,” ông giải thích ở Paris. Nhưng qua việc tập trung vào những hiện tượng ở tốc độ vô cùng lớn, lý thuyết tương đối đã chỉ ra nhận thức thời gian theo tâm lý thực sự không chính xác như thế nào. Einstein nhấn mạnh, nhận thức về thời gian theo tâm lý, không chỉ đơn giản là sai lầm mà nó cũng không liên hệ với điều gì cụ thể cả. “Chúng chẳng qua chỉ là những cấu trúc trong tinh thần và đối tượng của tư duy logic mà thôi”. Vì tốc độ khổng lồ của ánh sáng, nhân loại đã tổng quát hóa nhận thức của họ về tính đồng thời “một cách bản năng” và đã sai lầm áp dụng chúng lên toàn bộ phần còn lại của vũ trụ. Lý thuyết của Einstein đã sửa chữa sự tổng quát hóa sai lầm này. Thay vì tin vào phần chồng lấn giữa nhận thức thời gian theo tâm lý và vật lý (mà cả hai đều quan trọng, mặc dù một trong hai đã được chấp nhận là ít chính xác hơn cái còn lại), ông lập luận rằng chúng là hai khái niệm riêng biệt: một ước lượng về mặt tinh thần (nhận thức theo tâm lý), hoàn toàn bất bình đẳng khi so sánh với khái niệm “khách quan”: thời gian vật lý.

Bergson và Einstein đều đồng thuận rằng tồn tại một sự khác biệt về mặt bản chất giữa nhận thức thời gian theo kiểu tâm lý và theo kiểu vật lý, nhưng từ đó họ đã đưa ra những suy luận khác nhau. Với Einstein, nó đưa ông đến kết luận rằng, “thời gian của các nhà triết học không tồn tại, chỉ có một thời gian theo kiểu tâm lý là khác biệt với thời gian của các nhà vật lý.” Trái lại, với Bergson, bài học này – rằng sự ước định về mặt tâm lý và vật lý của thời gian được hình thành khác nhau – đã khiến nhiệm vụ của nhà triết học trở nên thú vị hơn, đặc biệt bởi không có ai, kể cả các nhà vật lý có thể lờ đi việc liên kết thời gian với những vấn đề của loài người.

Nguyễn Duy Khánh dịch
——-
1 Nguyên văn: Il n’y a donc pas  un temps des philosophes. Có thể sẽ có người hiểu câu văn này theo nghĩa “không có thời gian kiểu triết học”. Nhưng cả tôi và tác giả đều chọn hiểu theo nghĩa đã dịch.
* Sửa lại so với bản in là “Chẳng có thời gian nào của các nhà triết học cả” 

Tác giả

(Visited 63 times, 1 visits today)