GS Đặng Văn Ngữ – Con chim đầu đàn ngành động vật học

Ít người có ngày mất trùng hợp với ngày sinh. Giáo sư Đặng Văn Ngữ (trường Đại học Y khoa Hà Nội) là một trong số người như vậy. Ông sinh ngày 1 tháng 4 năm 1910 và mất ngày 1 tháng 4 năm 1967. Phải chăng đây là một biểu hiện của tính nhất quán và trọn vẹn hiếm thấy ở một nhà khoa học chân chính.

GS Đặng Văn Ngữ giới thiệu với Bác Hồ về công việc của Bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y- Dược).

Anh Đặng hơn tôi khoảng 10 tuổi. Người anh dong dỏng gầy. Nổi bật nhất ở anh là cái trán thông minh, mái tóc chải lật bóng gọn, cặp mắt hơi xếch, gò má cao, với cái miệng luôn tươi cười. Y phục của anh luôn chỉnh tề, bất kể mùa hè hay mùa đông anh luôn đeo cái ca-vát màu sẫm và đi giày giôn. Gần như anh giữ tập quán này từ thời còn là sinh viên.

Khi tôi bước chân vào trường đại học, anh đã là cán bộ nghiên cứu của phòng thí nghiệm ký sinh trùng, trường Đại học Y khoa, trợ giảng của giáo sư Galliard1, một chuyên gia nổi tiếng về côn trùng y học. Hồi đó, tôi đã ngầm cảm phục vì nhân sinh quan của anh. Trong khi nhiều bác sĩ ra trường đều lo lắng mở phòng khám hay bệnh viện để kiếm sống một cách dễ chịu, thì anh nhận một công việc thầm lặng của nhà khoa học, an phận với cuộc sống đời thường như nhiều công chức khác.

Mãi tới khi tiếp xúc gần gũi với anh trong đề tài nghiên cứu về “ổ dịch thiên nhiên” do TS Grokhovskaia2 tổ chức, tôi mới thấy anh có nhiều điều thực sự đáng học tập. Trước hết, toàn bộ hoạt động của anh đều dành cho nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ. Sau khi thống nhất kế hoạch nghiên cứu, anh cử anh Tùng trực tiếp làm việc với chuyên gia và theo dõi việc thực hiện. Sau ba tháng chúng tôi lại hội ý một lần về việc thực hiện. Anh đã đặt ra một quy tắc trong bộ môn: cứ chiều thứ năm là có seminar của bộ môn, các nhóm nghiên cứu có thành tích gì hay khó khăn gì đều phát biểu để toàn bộ môn nếu cần thì thảo luận và giúp đỡ. Chính nhờ sinh hoạt khoa học này mà các đề tài nghiên cứu trong bộ môn đã được triển khai đều đặn cùng với sự tiến bộ của trình độ khoa học về cán bộ. Tôi đã dự được vài buổi sinh hoạt ở đây. Anh ưa đặt phản đề cho anh chị em thảo luận “tại sao hiện tượng là thế này mà không phải thế kia?” và thường tạo nên một không khí thảo luận sôi nổi. Chính tôi cũng đã học được ở anh cách chỉ đạo học thuật này để ứng dụng ở tổ của mình.

Là viện trưởng Viện Sốt rét, Kí sinh trùng và Côn trùng, anh luôn được toàn bộ cán bộ khoa học của Viện tâm phục, không những về trình độ học thuật mà còn về đức độ của anh. Trong một dịp đi công tác ở Tây Bắc, anh Sĩ, cán bộ khoa học của Viện, kể cho tôi mẩu chuyện sau.

Có một dạo, anh phó viện trưởng của Viện, vì lí do nào đó không rõ, ra một thông tư hạn chế việc sử dụng ô tô nhỏ của Viện đi công tác. Từ trước tới giờ, vì xe ca của Viện có nhiều nên các nhóm đi nghiên cứu trên thực địa đều được dùng xe. Theo thông tư mới này, đi công tác trong vòng 20km trở lại phải dùng xe đạp, trừ ban lãnh đạo Viện. Hôm ấy nhóm của anh Sĩ phải đi công tác ở một huyện ngoại thành để lấy số liệu. Bấy giờ phải đi xe đạp lỉnh kỉnh dụng cụ và tài liệu rất là bất tiện, anh Sĩ đã phản ảnh với anh Đặng. Anh không nói gì, nói với văn phòng đăng ký xe cho anh đi công tác. Khi có xe ở cửa, anh đã lên cùng với nhóm anh Sĩ và anh xuống xe đi bộ về Viện sau khi xe đã ra khỏi cổng. Nghe xong câu chuyện, tôi đã suy nghĩ nhiều. Phó viện trưởng khi ký thông tư về sử dụng xe có hỏi ý kiến anh không? Tại sao là viện trưởng mà anh phải dùng tiểu xảo để chống lại thông tư của viện phó mà anh không tán thành? Từ hôm ấy, tôi thấy anh Đặng cũng không thoải mái lắm trong công tác quản lí của anh. Anh là một viện trưởng kiêm đảng ủy viên, mà lại gặp khó khăn trong việc điều động xe công cho cán bộ của mình. Cơ chế tổ chức thế nào đây? Nghĩ thế thôi nhưng tôi cũng không nói gì với anh.

Anh Đặng nổi bật lên trong các đồng nghiệp của tôi với tính khiêm tốn của anh. Mặc dù anh thực sự là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực động vật học nói chung và kí sinh trùng nói riêng, đã công bố nhiều bài báo khoa học trong lĩnh vực này ở các tạp chí chuyên ngành ở Đông Dương và ở Pháp, nhưng khi làm việc với tôi, tuyệt nhiên tôi không thấy một chút nào tự cao tự đại ở anh. Anh từng nói với tôi: “Trong cái lĩnh vực động vật mình còn biết ít lắm, hi vọng trong công tác với ông, anh hay thân mật gọi tôi như thế, mình sẽ học thêm được nhiều”. Đấy là lời tâm sự của một nhà khoa học đi trước tôi mười năm cả về tuổi đời và tuổi nghề.

Và có một ngày, biết tôi cùng một nhóm anh em đi khảo sát ở Lạng Sơn, anh đã đăng ký đi theo, theo lời anh, để làm quen với phương pháp nghiên cứu của tôi trên thực địa. Buổi sáng anh dậy sớm cùng với tôi và nai nịt đi rừng. Trên đường đi, chúng tôi trao đổi ý kiến và tôi lựa lời trình bày với anh về những nguyên tắc tôi thường sử dụng để nghiên cứu sinh cảnh nơi làm việc, kế hoạch sắp đặt bẫy động vật, cách thẩm vấn thợ săn… Anh chăm chú nghe, đôi lúc ghi vào cuốn sổ tay nhỏ. Trên đường về nhà, anh phàn nàn: “Mình thèm địa vị của ông, mình phải họp quá nhiều và đa số buổi họp là vô bổ, rất ít thì giờ thực địa”.

Tính khiêm tốn và nhiệt tình đào tạo cán bộ khoa học của anh còn thể hiện rõ nét khi anh làm việc trong ban vận động thành lập Hội Sinh học Việt Nam. Tuy rất bận nhưng không buổi họp nào anh vắng mặt. Do nhiệt tình đóng góp cho bản dự thảo điều lệ Hội và nhiệt tình động viên các cán bộ khoa học trong Viện tham gia Hội. Tôi nhớ mãi một câu anh đã nói ở một buổi họp: “Chính hội học thuật mới giúp thanh niên trưởng thành nhanh về học thuật. Ở nước ngoài, danh hiệu hội viên của một hội khoa học nổi tiếng có giá trị hơn là học hàm, học vị ở trường đại học”.

Tới khi thảo luận về thành phần ban chấp hành Hội Sinh học, anh đã nhất định không nhận một chức vụ phụ trách nào mà, theo lời anh, để dành chỗ cho cán bộ khoa học trẻ. Anh cười vui với tôi: “Chỉ nguyên làm việc ở Bộ môn Kí sinh trùng và Viện Sốt rét, tôi đã mất nhiều thì giờ đáng lẽ phải dành cho nghiên cứu rồi, nếu làm thêm công tác hội nữa thì tôi sẽ biến thành cái máy đi họp mất. Mà làm người sung sướng hơn làm máy, phải không ông?”

Ngày 1 tháng 4 năm 1967, anh Đặng đã hy sinh trong đợt rải thảm bom B52 của Mỹ trên một địa bàn trong dãy Trường Sơn, nơi anh đang thực hiện nghiên cứu vắc xin chống sốt rét cho bộ đội Việt Nam. Cuộc đời khoa học của giáo sư Đặng Văn Ngữ không dài, nhưng với 29 công trình nghiên cứu, bài báo trong lĩnh vực kí sinh trùng đăng trên tạp chí khoa học trong và ngoài nước trong suốt giai đoạn 26 năm, từ 1936 đến 1962, anh đã xây dựng được một vốn tri thức khoa học quan trọng cho ngành ký sinh trùng và côn trùng y học của nước ta. Vắng anh, đội ngũ các nhà sinh học Việt Nam cho tới bây giờ vẫn cảm thấy mất một con chim đầu đàn của ngành, chưa được ai thay thế. Trong hoàn cảnh hiện nay, không dễ gì gặp được một nhà khoa học tài năng, nhân hậu, trong sáng và thanh bạch như thầy Đặng Văn Ngữ.

Hà Nội, một ngày cuối tháng 3 năm 1993

*Kỷ niệm về Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967) trích từ hồi ký của GS NGND Đào Văn Tiến (1920-1995).
——–
1. GS bác sĩ người Pháp Henry Galliard, chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y khoa Hà Nội).
2. TSKH Inna Grokhovskaia, một trong những chuyên gia đầu ngành của Liên Xô trong lĩnh vực kí sinh trùng học đã sang thăm và giúp đỡ xây dựng ngành này ở Việt Nam từ năm 1957.

GS. Đặng Văn Ngữ Sinh ngày 1.4.1910 tại An Cựu, thành phố Huế, trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1930, ông đỗ cả tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, giành học bổng Trường Y – Dược thuộc Đại học Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa (năm 1937), ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Galliard – Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng. Trong thời gian là trưởng phòng thí nghiệm Ký sinh trùng của trường, ông đã thực hiện 19 công trình nghiên cứu. Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, ông được chọn đi du học ở Nhật Bản từ năm 1943 đến năm 1949, nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, vi trùng đường ruột, về bệnh lao và hủi. Sau khi Alexander Fleming tìm ra penicillin, ông cũng tìm ra giống nấm sản xuất ra penicillin. Về nước, ông trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất thuốc Penicillin, qua đó góp phần điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh, nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Việt Nam, và là Viện trưởng đầu tiên của Viện. Trong quãng thời gian này, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về lĩnh vực Y học.

 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)