Học viện Khổng Tử trong chiến lược mở rộng biên giới mềm của Trung Quốc
Đi dọc khu vực sông Mê Kông, trong đó dành nhiều thời gian ở Thái Lan, nơi có hàng chục Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử, và Việt Nam, nước cuối cùng trong khu vực có Học viện Khổng Tử, chúng tôi đã chứng kiến nỗ lực nhằm lan tỏa sức mạnh văn hóa và mở rộng “biên giới mềm” của Trung Quốc ở nước ngoài.
Học viện Khổng tử tại ĐH Mae Fah Luang (Tỉnh Chiang Rai, Thailand). Ảnh: Nguyễn Văn Chính.
Thái độ hồ hởi và dè dặt giữa các nước
Vào năm 2005, Trung Quốc (TQ) bắt đầu đàm phán với các nước trong khu vực Mê Kông về việc thành lập chương trình truyền bá Hán ngữ. Năm 2006 Hán Bản (Confucious Institute Headquarters – Văn phòng Quốc gia về dạy tiếng Trung ở nước ngoài) đã ký một hiệp định với Bộ Giáo dục Thái Lan cho phép thành lập Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử (gọi chung là HVKT) tại tất cả các bậc học từ tiểu học, trung học đến đại học của Thái Lan. Hiệp định này cũng mở đường cho các HVKT tại Thái Lan tiếp nhận tài trợ, chương trình giảng dạy và giáo viên tình nguyện từ TQ. Việc thành lập các HVKT ở Thái Lan được cho là kết quả của hợp tác kinh tế đang tăng nhanh giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu về ngôn ngữ, văn hóa TQ và cải thiện quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước và đặc biệt là để tạo dựng nguồn nhân lực mới trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế (Kriengsak 2008). Ba năm sau, một hiệp định tương tự cũng được ký kết giữa Chính phủ TQ và Campuchia. Chỉ từ năm 2006 đến 2009, TQ đã thành lập được 12 HVKT ở các trường đại học và 11 HVKT ở các trường tiểu học và trung học của Thái Lan. Ở Campuchia, HVKT được chào đón nhiệt tình, đặt tại Viện Hàn lâm Hoàng Gia Campuchia tại Phnom-Pênh và có tới 4 chi nhánh mở rộng ở các vùng khác nhau.
Trong khi đó, ở ba nước còn lại, việc thành lập các HVKT không hẳn diễn ra thuận lợi. Ở Myanmar, các cuộc đàm phán giữa Hán Bản và Chính phủ Myanmar không hề dễ dàng, bất chấp thực tế là từ 1990 đến 2000, Chính phủ quân sự Myanmar có xu hướng thân TQ. Chỉ đến 2008, Myanmar cho phép lập một HVKT, nhưng không phải ở một trường đại học danh tiếng như TQ mong đợi, mà là tại một trường dạy nghề và ngôn ngữ ở Yangoon có tên gọi Fuxing Language and Computer School, một chi nhánh khác của viện này đặt tại Trường Ngôn ngữ và Máy tính Fuquing (Fuquing Language and Computer School) thuộc tỉnh Mandalay, miền trung Myanmar. Năm 2013 tôi đã thăm HVKT tại Yangoon và được biết Trường Ngôn ngữ Fuxing ở Yagoon đã hợp tác với Hội Người Hoa Phúc Kiến từ 2002 và đến 2013 đã có khoảng 800 sinh viên theo học Hán ngữ ở cơ sở này, đa số là con em người Hoa sinh ra và lớn lên ở Myanmar.
Tại Lào, tháng 3/2010 ĐHQG Lào đã cho phép HVKT TQ đặt một cơ sở tại trường này. Hán Bản đã phân công Đại học Dân tộc Quảng Tây trực tiếp tổ chức các chương trình hoạt động tại đây. Theo báo cáo, năm đầu tiên đã có 200 học viên tham gia học tại các chương trình Hán ngữ do cơ sở này tổ chức, chủ yếu là các công chức chính phủ và người dân. Đại sứ Trung Quốc, Bà Bu Jianguo nhận định rằng HVKT tại ĐHQG Lào đã góp phần gieo mầm những tài năng trong giáo dục cho Lào và tăng cường quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và hai dân tộc Lào-TQ.
Việt Nam là nước cuối cùng ở khu vực Mê Kông có HVKT. Tháng 4/2008, Đại học Sư phạm Quảng Tây đã thỏa thuận với ĐH Hà Nội (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội trước đây) về việc thành lập một HVKT tại trường này. Thỏa thuận này đã được Việt Nam chấp nhận bằng một thông báo của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 cho phép thành lập thí điểm một HVKT. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 12/ 2011, Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Việt Nam với tư cách là Phó Chủ tịch TQ, vẫn phải “mong mỏi Chính phủ Việt Nam sớm tạo điều kiện để thành lập HVKT tại Việt Nam”. Đáp lại lòng mong mỏi của TQ, mãi đến 2 năm sau, tháng 12/2013, Văn phòng Hán Bản tại Bắc Kinh mới phát đi thông báo chính thức được phép mở HVKT tại Việt Nam và một năm nữa, tháng 12/ 2014, Văn phòng HVKT đặt tại ĐH Hà Nội mới được khai trương, nhân chuyến thăm của ông Yu Zhengsheng, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị TQ (CPPC). ĐH Sư phạm Quảng Tây được Hán Bản giao chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động của HVKT tại Việt Nam. Bà Xu Lin, Tổng Giám đốc Hán Bản nhận định rằng đây là một “cơ hội bằng vàng”, không chỉ là “một biểu tượng của tình hữu nghị mà còn là cột mốc đánh dấu sự thắt chặt tình đoàn kết giữa hai đảng và hai nước…”
PGS.TS Nguyễn Văn Chính cùng Giám đốc HVKT tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok. Ảnh: NVCC.
Hồi đáp của Thái Lan và Việt Nam đối với Học viện Khổng tử
Thái độ hồi đáp của Việt Nam và Thái Lan cho thấy phản ứng trái ngược của chính phủ và người dân hai nước đối với HVKT của TQ. Người ta có thể đặt ra câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt về cách tiếp nhận HVKT ở hai nước này? Để tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi đã khảo sát phần lớn trong số gần 30 HVKT TQ ở Thái Lan, Việt Nam và các nước thuộc khu vực Mê Kông, xem xét mô hình tổ chức, nội dung hoạt động, các yếu tố lịch sử và quan hệ kinh tế-chính trị giữa các nước với TQ và tham khảo ý kiến người dân để có thể phần nào hiểu được sự khác biệt.
Trước hết, HVKT TQ ở Thái Lan, Việt Nam và các nước thuộc khu vực sông Mê Kông đều có chung một mô hình tổ chức và nội dung hoạt động, chịu sự điều hành trực tiếp và nhất quán của Hán Bản- đại bản doanh của HVKT tại Bắc Kinh. Về tổ chức, tất cả các văn phòng của HVKT đều được đặt trong khuôn viên của cơ sở giáo dục địa phương chứ không đặt bên ngoài cơ sở giáo dục như cách thức các viện Goethe (Đức), L’Espace (Pháp), hay viện Cambridge (Anh) đã làm. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt như Đại học Mae Fah Luang (Chiang Rai), hầu hết các văn phòng HVKT đều trả kinh phí thuê văn phòng cho trường sở tại và góp một khoản 100 ngàn USD cho việc duy trì văn phòng. Riêng HVKT tại Đại học Mae Fah Luang, Chính phủ TQ tài trợ 60 triệu baht (tương đương 2 triệu USD) để xây dựng Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Khổng tử tại trường này, và giao cho tỉnh Vân Nam giúp thiết kế và xây dựng. Việc đặt HVKT trong một cơ sở giáo dục sẵn có tại nước sở tại giúp HVKT tiết kiệm kinh phí xây dựng nhưng lại có thể nhanh chóng tạo ra tác động xã hội, làm cho người dân và sinh viên địa phương cảm thấy gần gũi và từ đó lan tỏa ảnh hưởng ra công chúng.
Văn phòng Hán Bản tại Bắc Kinh giữ quyền chỉ định một trường đại học TQ có thứ hạng tương ứng làm đối tác và cử một giám đốc người TQ của đại học này trực tiếp chỉ đạo. Các đồng giám đốc người địa phương do Hán Bản mời tham gia chỉ là đại diện có tính hình thức mà không trực tiếp chỉ đạo các hoạt động thường xuyên. Mỗi năm họ được mời dự họp hai lần để nghe báo cáo về tình hình và giải quyết những sự vụ phát sinh. Về giáo viên, đối tác TQ có nhiệm vụ tìm kiếm giáo viên người bản ngữ là cán bộ của trường để cử sang các nước giảng dạy theo chế độ tình nguyện. Nhiệm kỳ của giáo viên tình nguyện từ 6 tháng đến một năm, và cũng do trường đối tác bên TQ trả lương. Trên thực tế, do những khó khăn về lương bổng và nhân lực nên số giáo viên tình nguyện người TQ không nhiều. HVKT thường khắc phục bằng cách đào tạo những hạt nhân xuất sắc là sinh viên người bản địa, cấp học bổng cho sang TQ nâng cao trình độ rồi sau đó tuyển dụng làm giáo viên. Mặc dù các HVKT không tham gia trực tiếp vào hoạt động đào tạo của các trường địa phương nhưng về hình thức, học sinh và sinh viên thường có cảm giác HVKT chính là một phần của nhà trường.
Về giáo trình, các HVKT sử dụng giáo trình riêng do học viện biên soạn và cung cấp. Tuy nhiên, một số học viện ở Thái Lan cũng được phép biên soạn giáo trình riêng để thích hợp với hoàn cảnh và văn hóa địa phương với điều kiện phải được Hán Bản phê duyệt. Các giáo viên tình nguyện TQ ở Thái Lan cho biết trước khi khởi hành sang Thái Lan, họ được tập huấn về tầm quan trọng của công việc, và được yêu cầu phải nhanh chóng thích ứng với văn hóa và tập tục địa phương, xem công việc dạy Hán ngữ ở nước ngoài như một sứ mạng quốc gia đại diện cho văn hóa Trung Hoa. Họ được khuyên phải thích ứng với các nghi lễ của người Thái như chắp tay trước ngực khi chào hỏi và quỳ gối khi tiếp xúc các nhân vật của hoàng gia trong những nghi lễ trang trọng.
Hoạt động của các HVKT tại Thái lan, Việt Nam và các nước trong khu vực tương đối giống nhau, bao gồm một số mảng chính:
1. Tổ chức các khóa đào tạo Hán ngữ ngắn hạn (từ 3 đến 6 tháng) cho các đối tượng công chức viên chức, giáo viên và người có nhu cầu. Ở Campuchia, một chương trình đào tạo Hán ngữ riêng được biên soạn dành cho sỹ quan quân đội với thời gian đào tạo lâu hơn.
2. Tổ chức các hoạt động văn hóa khoa học như hội thảo, triển lãm, giới thiệu văn hóa đặc sắc Trung Hoa, võ thuật, âm nhạc, hội họa, và các cuộc thi Hán ngữ quy mô quốc gia.
3. Tổ chức các cuộc thi đánh giá năng lực Hán ngữ và cấp bằng (Chinese Language Proficiency tests (HSK)) cho công dân địa phương.
4 Cung cấp thông tin về học bổng, giáo dục, du lịch và văn hóa TQ
5. Quảng bá văn hóa ngôn ngữ Trung Hoa, cung cấp giáo trình, giáo viên tình nguyện và hợp tác với các cơ sở dạy Hán ngữ địa phương trong việc biên soạn chương trình giảng dạy và học liệu.
Các hoạt động của HVKT thường không được cung cấp đầy đủ kinh phí từ Bắc Kinh nên xu hướng chung là họ phải tìm kiếm sự trợ giúp của các hội đoàn TQ hải ngoại. Sự gắn kết với cộng đồng người Hoa địa phương là một nhiệm vụ quan trọng của các HVKT (Xu Lin 2010) và cả hai bên đều có thể tìm thấy lợi ích chung từ sự hợp tác này. Các cộng đồng cư dân gốc Hoa cũng góp phần đắc lực vào các hoạt động của HVKT, đặc biệt ở những khu vực có đông người Hoa. Chẳng hạn, đối với các HVKT ở Trường trung học Traimit (Chinatown, Bankok), ở tỉnh Khon Ken và tỉnh Betong, nơi có cộng đồng cư dân gốc Hoa đông đảo, việc kết nối hoạt động của HVKT với cộng đồng gốc Hoa có tầm quan trọng đặc biệt. Cũng cần lưu ý rằng Thái Lan là một nước Đông Nam Á có cộng đồng cư dân gốc Hoa hơn 7 triệu người, đã bị Thái hóa nhiều thập kỷ, hiện đang chiếm giữ vị trí nổi bật trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước (OCAC 2005). Các nhóm này không chỉ góp phần tạo dựng mạng lưới xã hội giữa các nhóm gốc Hoa ở hải ngoại mà còn tăng cường ràng buộc giữa họ với quê cha đất tổ ở TQ.
Tuy mô hình tổ chức và nội dung hoạt động của HVKT ở Thái Lan, Việt Nam và các nước trong khu vực giống nhau, nhưng phản ứng của người dân với HVKT lại rất khác nhau. Sự có mặt của HVKT ở Việt Nam thường làm dấy lên câu hỏi liệu người Việt Nam có thực sự cần một học viện Khổng Tử không, hay thể chế giáo dục này chỉ vận hành như một công cụ để quảng bá hình ảnh, giá trị và tư tưởng TQ ra xã hội Việt Nam? Giám đốc một HVKT ở Đại học Chiang Mai, người đã nhiều lần tham gia đoàn đàm phán lập HVKT ở Việt Nam chia sẻ với tôi: “Nói thật, sự hiện diện của HVKT sẽ mang lại cho các vị những thuận lợi lớn vì Chính phủ TQ cung cấp miễn phí sách giáo khoa, giáo viên, học bổng, và nhiều chương trình trao đổi văn hóa hữu ích khác. Còn nếu không thì các vị cũng vẫn cứ phải học tiếng Hán và văn hóa TQ nhưng không có được các điều kiện thuận lợi như thế.” (PV Giám đốc HVKT tại ĐH Chiang Mai, ngày 1/12/2011).
Cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ, do HVKT Hà Nội tổ chức. Ảnh: Nguyễn Văn Chính.
Ngược lại với cách nghĩ như trên, có một quan điểm khá phổ biến trong số những người Việt Nam khi trả lời phỏng vấn, cho rằng vấn đề không phải chỉ ở việc học và dạy Hán ngữ bởi ngôn ngữ sẽ góp phần chuyển tải tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa và lối sống TQ vào Việt Nam. Do đó, quảng bá cho việc học tiếng thực ra lại chứa đựng trong đó những ngụ ý chính trị sâu xa nhạy cảm khác, bởi quan hệ giữa hai nước từ hàng ngàn năm qua luôn hàm chứa những tồn tại như vậy. Hơn nữa, Việt Nam luôn xem giáo dục là một phần của tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Đặt một thể chế giáo dục nước ngoài vào trong các trường học, trong khi lại sử dụng sách giáo khoa, giáo viên và chương trình đào tạo của nước ngoài, thì không khác gì một sự can thiệp của bên ngoài vào hệ thống giáo dục quốc dân. Một học giả Việt Nam đã nêu quan điểm như sau: “Việt Nam không cần HVKT thì cũng đã là một xã hội ảnh hưởng Khổng giáo từ hàng ngàn năm rồi. Vấn đề không nằm ở chính sách của nhà nước đối với TQ, mà là ở cách nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Nhà cầm quyền TQ chỉ quan tâm tiếp xúc cấp cao, giữa các quan chức của hai đảng và hai nhà nước mà bỏ qua mọi quan tâm từ phía người dân. Vậy nên trong con mắt họ thì Học viện Khổng tử thực ra chỉ là vỏ bọc của một tổ chức chính trị và tuyên truyền của nhà nước…”.
Trái ngược với Việt Nam, ở Thái Lan, văn hóa Phật giáo đã được gieo mầm và bén rễ ở đất nước này như một quốc giáo. Các nhóm cư dân gốc Hoa di cư mang theo tư tưởng Khổng giáo vào đất này cũng đã dần dần bị đồng hóa vào trong văn hóa Thái, đặc biệt là trong bối cảnh những năm 30 của thế kỷ 20, nỗi ám ảnh về sự bành trướng của cộng sản TQ đã dẫn đến những quy định đồng hóa cưỡng bức các nhóm gốc Hoa, và Hán ngữ không còn được dạy trong các trường học Thái.
Trong hàng trăm cuộc trò chuyện của tôi với sinh viên, học sinh và người dân bình thường của Thái Lan, có thể nhận ra bốn nguyên nhân chính mà người ta hay viện dẫn để trả lời câu hỏi tại sao lại học Hán ngữ thay vì các ngoại ngữ châu Âu khác. Đó là: (1) Nói và viết tiếng Hán làm cho mình khác biệt với đám đông còn lại, khi tiếng Anh đã trở nên quá phổ thông; (2) Đối với những thanh niên gốc Hoa, học và làm chủ Hán ngữ thường được khuyến khích bởi ý nghĩ đấy là ngôn ngữ của tổ tiên; (3) Sự hiện diện ngày càng tăng của TQ trong mọi mặt của đời sống ở Thái Lan và khu vực cho thấy biết tiếng Hán là một cơ hội tốt để tìm kiếm việc làm; (4) Công chúa Maha Chakri Sirindhorn là người nổi tiếng thông minh và được giới trẻ ngưỡng mộ, biết nói nhiều ngoại ngữ, thông thạo Hán ngữ và được đào tạo tại Đại học Bắc Kinh được xem như một tấm gương lớn cho thanh niên Thái noi theo.
Một giáo sư ở ĐH Thammasat đã chia sẻ quan điểm:
“Hãy tưởng tượng mà xem, TQ là một thị trường rộng lớn hơn một tỷ dân. Tiền ở đấy chứ ở đâu. TQ đã trở thành một công xưởng của thế giới, và các nước khu vực Mê Kông chỉ cần cung cấp nguyên liệu thô cho họ thôi, cũng đủ sức làm giàu rồi” (PV Prof. Vice Rector, Thammasat University, 9/2013).
Nhìn từ quan điểm vĩ mô, ta có thể hỏi tại sao TQ lại bỏ ra một khoản đầu tư lớn đổ vào hàng chục HVKT ở Thái Lan, và mỗi năm gửi sang nước này hàng ngàn giáo viên tình nguyện để mở mang văn hóa Hán ngữ? Và tại sao Thái Lan lại có thể từ bỏ chính sách Thái hóa các nhóm gốc Hoa để chào đón trở lại văn hóa và ngôn ngữ Hán? Câu trả lời không hề dễ dàng, nhưng có thể thấy Thái Lan là một nền kinh tế mới nổi, và họ tìm thấy cơ hội gia tăng phát triển nhờ vào hội nhập kinh tế khu vực. Còn đối với TQ, cộng đồng gốc Hoa hơn 7 triệu người ở Thái Lan có một tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại “hướng về cội nguồn” của chính phủ nước này. Thái Lan cũng được xem là một nước có tầm ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN và khu vực Mê Kông. Giả thiết này cần có thêm dẫn chứng để kết luận, tuy nhiên, chính sách bành trướng văn hóa và ảnh hưởng của TQ ra khu vực đã ngày càng được củng cố vì nó được xem như một nền tảng xã hội quan trọng trong chiến lược “Vành đai và Con đường” nhằm chinh phục thế giới của TQ.
Không dễ dàng hiện thực hóa học thuyết biên giới mềm
Sự thiết lập HVKT tại các nước trong khu vực Mê Kông là một nỗ lực rất lớn của TQ nhằm lan tỏa sức mạnh văn hóa và mở rộng “biên giới mềm”. Tuy nhiên, phản hồi từ các nước này cho thấy hiện thực hóa học thuyết biên giới mềm hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí đặt ra những thách thức, như chính Nhân dân Nhật báo đã thừa nhận: “Quảng bá TQ vẫn còn nhạy cảm ở một mức độ nhất định tại các nước láng giềng do những tác động bởi các vấn đề lịch sử.” (People Daily, 31 March 2011).
Việc đặt các HVKT tại các cơ sở giáo dục của các nước láng giềng và cung cấp sách giáo khoa, học liệu, giáo viên của Hán Bản cho các học viện này được xem là những hoạt động có tính nhạy cảm chính trị, thậm chí có thể được xem như một can thiệp vào hệ thống giáo dục vốn thuộc kiểm soát của các quốc gia. Thêm vào đấy, việc HVKT kết nối với các cộng đồng cư dân gốc Hoa ở các nước sở tại dễ tạo ra những nghi ngại về chính trị (Xu Lin 2010). Sự hiện diện của TQ đang tăng lên trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, cũng đặt ra không chỉ cơ hội kinh tế mà cả những thách thức chính trị-xã hội với các nước trong khu vực. Phản ứng của các nước về ảnh hưởng của TQ ở khu vực rất khác nhau, phụ thuộc vào các nhóm xã hội cụ thể và chiến lược ngoại giao của mỗi quốc gia trong khu vực. Điều này cho thấy chiến lược sử dụng HVKT để làm đòn bẩy tăng cường ảnh hưởng kinh tế chính trị của TQ, tạo ra kết nối xã hội và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc như được nêu ra trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như vẫn đang còn ở rất xa. □
—–
Trích dẫn
Cui Huo Shen (1991). Zhengdou “Ruanbijiang” de xin Juezhu Xiandai quofang.
[The Struggle for Soft Power]. Sichuan: Education Publisher. Vietnamese version “Cuoc dau tranh gianh giat bien gioi mem”. Hanoi: Marx-Lenin Publisher
He, Qinglian (2009). “Soft Power” with Chinese Characteristics Is Changing the World”; http://www.hrichina.org/crf/article/3175 Koh, Tommy (2011). “21st Century: China and the World”; in: China in the Next 30 years; Available at www.spp.nus.edu.sg
Kriengsak (2008). Promote Chinese Studies: Develop the Relationship between Thailand and China; at http://blog.nationmultimedia.com/print.php?id=5017
Ministry of Education of the Kingdom of Thailand (MOE of Thailand) (2006). The Framework of Cooperation Between the China National Office for Teaching Chinese as a Foreign Language (Hanban) and the Ministry of Education of the Kingdom of Thailand on the cooperation in Chinese Language Teaching. http://www.bic.moe.go.th/th/images/stories/MOU/framework/th-hanbaneng.pdf
Nye, Joseph S. (2005). “The Rise of China’s Soft Power”, Wall Street Journal Asia, December 29, 2005;
OCAC Overseas Compatriot Affairs Commission (2005). The Ranking of Ethnic Chinese Population around the world; Available at http://www.ocac.gov.tw
People Daily (2011). Confucius Institutes face uphill battle in development. May 31, 2011
Xu Lin (2010). Chinese Language Quickly Going Global is a Great Phenomenon – A Special Interview with Chinese State Council Consultant and Director General of Hanban; http://www.chinese.cn/hanban_en/article/2010-08/16/content_167061.htm
Zhang Xuecheng (2012). “ Accelerating Our Pace in Building a Cultural Strong nation”; People’s Daily; November 26, 2012, 07. http://cmp.hku.hk/2012/11/26/29403/