Homo Sapien rời khỏi châu Phi sớm hơn chúng ta tưởng

Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Israel và ĐH Binghamton, Mỹ đã phát hiện một hóa thạch được coi là cổ xưa nhất của Homo Sapien ở bên ngoài châu Phi. Phát hiện này cho thấy Homo Sapien đã di chuyển khỏi châu Phi sớm hơn ít nhất là 50.000 năm so với các phát hiện trước đây. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science ngày 25 tháng 1.

Mẫu hóa thạch răng ở hang Misliya.

Các nhà nghiên cứu Hershkovitz ở Đại học Tel Aviv và Rolf Quam ở Đại học Binghamton là những người chịu trách nhiệm chính của nghiên cứu này. Nhóm đã phát hiện các hóa thạch gồm xương hàm trên và một số răng ở hang Misliya, một hang cao nhất thuộc quần thể hang động tiền sử nằm trên núi Carmel ở Israel. Nó chỉ cách hang Skhul, di chỉ khảo cổ học có người sống ở niên đại khoảng 80.000 – 120.000 được tìm thấy vào những năm 1920 – 1930 vài kilometres.

“Phát hiện ở Misliya rất thú vị. Nó cung cấp bằng chứng một cách rõ ràng nhất cho thấy rằng tổ tiên của chúng ta đã di cư ra khỏi châu Phi sớm hơn so với những gì mà chúng ta nghĩ trước đây. Có nghĩa là, người hiện đại có khả năng đã gặp và tương tác với các nhóm người cổ đại khác, điều đó mang lại cơ hội cho giao lưu văn hóa và trao đổi về mặt sinh học”, Rolf Quam nói.

Các hóa thạch này có niên đại khoảng từ 175.000 đến 200.000 năm tuổi, đã đẩy niên đại sớm nhất mà con người di cư khỏi châu Phi lên sớm hơn ít nhất 50.000 năm so với các nghiên cứu trước đây. Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật quét microCT và các mô hình 3D để so sánh hóa thạch này với các hóa thạch khác của Hominin (tông người, bao gồm con người và những loài giống người như trong bộ linh trưởng) ở các khu vực khác tại Châu Phi, Châu Âu và Châu Á. “Một trong những thách thức của nghiên cứu này là cần phải xác định những đặc điểm nào ở hóa thạch Mislya mà chỉ xuất hiện ở người hiện đại”, Quam nói.

María Martinón-Torres, nhà nhân học cổ sinh vật tại trung tâm nghiên cứu quốc gia về quá trình tiến hóa của loài người tại Burgos, Tây Ban Nha, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, hình dạng của răng ở đây khớp với các đặc điểm ở cả người hiện đại và cổ đại tuy nhiên không có các đặc điểm điển hình của người Neandertal, những cư dân sống khắp khu vực lục địa Á – Âu ở thời điểm đó.

Bằng chứng khảo cổ học ở đây cũng cho thấy, người sống ở Misliya có khả năng săn bắn những loài thú lớn như các giống gia súc hoang dã, hươu, nai. Họ cũng đã có khả năng tạo ra lửa và các công cụ đá thời sơ kỳ đá cũ, tương tự như những người hiện đại sớm nhất được tìm thấy ở châu Phi.

Phát hiện này cho thấy, đây là một khu vực trung chuyển, nơi các dòng di cư đến và đi, từ lục địa này sang lục địa khác. Israel và phần còn lại của bán đảo Arab là một phần của một khu vực rộng lớn hơn mà ở đó Homo sapien đã tiến hóa. Khi đó, có thể con người đã gặp và phối ngẫu với người Neandertal. Ngoài ra, một nghiên cứu khác về DNA cổ xưa trong năm 2017 cũng cho thấy đã có sự hòa huyết vào thời điểm 200.000 trước ngày nay..

Bảo Như dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-01261-5;

https://www.binghamton.edu/news/story/949/scientists-discover-oldest-known-modern-human-fossil-outside-of-africa

Tác giả