Indonesia: Quốc tế hóa tạp chí trong nước

Việc một tạp chí (TC) địa phương vươn tầm quốc tế có thể là nỗ lực của riêng một cơ quan xuất bản. Nhưng để thành công này được nhân rộng thì cần có sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ.


Tạp chí Indonesian Journal of Chemistry – nằm trong danh sách Scopus.
Nguồn: theconversation.com

Là một quốc gia đông dân thứ tư thế giới, với nền kinh tế được đánh giá là tăng trưởng tốt, tuy nhiên Indonesia lại chỉ xếp 64 toàn cầu về xuất bản khoa học (KH) (theo dữ liệu Scimago 1996 – 2010) và là một trong các quốc gia có năng suất KH kém. Riêng về TC khoa học, Indonesia có hơn 7.000 TC, nhưng đến năm 2012 mới chỉ có 9 TC đạt chuẩn quốc tế (Scopus, ISI, Compendex) – thấp hơn so với các quốc gia khác như Thái Lan (21 TC) hay Malaysia (48 TC). Sự chênh lệch này đã thúc đẩy Chính phủ Indonesia thực hiện nhiều cải cách nhằm nâng cao chất lượng và quốc tế hóa các TC trong nước.

Thay đổi tiêu chuẩn cấp phép và tính điểm TC: Khó khăn chung của các TC KH là việc thiếu bản thảo gửi đến, nên không đáp ứng được các yêu cầu quốc tế về số lượng và tần suất xuất bản. Indonesia đã ban hành Regulation No. 29/Dikti/Kep/ 2011 về công nhận TC trong nước, trong đó chấm điểm cao hơn đối với TC do các hiệp hội KH xuất bản – để khuyến khích sự tham gia của các hiệp hội, bởi ưu thế của các hiệp hội KH so với các đơn vị xuất bản truyền thống khác là nguồn kinh phí bền vững và số lượng bản thảo dồi dào được đóng góp bởi các thành viên trong hiệp hội – đặc biệt là thông qua hội thảo khoa học, nhờ vậy đảm bảo tính ổn định của TC. Bên cạnh đó, việc siết chặt các quy định công nhận, cấp phép đã buộc các TC yếu kém phải đóng cửa hoặc tự đổi mới để đáp ứng được các tiêu chuẩn công nhận, từ đó nâng cao chất lượng chung.

Cải thiện chất lượng đội ngũ biên tập viên: Indonesia đã thành lập Hiệp hội các biên tập viên KH Indonesia để cải thiện năng lực của các biên tập viên, thông qua tổ chức các hội thảo tập huấn và hỗ trợ trực tiếp từ các biên tập viên được công nhận. Hiệp hội này cũng là đại diện của các biên tập viên KH Indonesia trong hiệp hội biên tập viên quốc tế và sự tương tác này sẽ đóng góp đáng kể để các TC Indonesia vươn tầm quốc tế.

Truy cập mở và tài trợ: Hầu hết các TC Indonesia đều là truy cập mở, và hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của tổ chức xuất bản, nên không cần tính phí xử lý bài viết (APC) như các TC phương Tây – trung bình khoảng 1.400 – 2.700 USD/bài. Hiện nay khoảng 75% TC truy cập mở ở Indonesia không tính phí APC trong khi 25% còn lại chỉ tính tối đa 150 USD/bài – nhờ vậy khuyến khích các nhà KH gửi bản thảo.

Để cải thiện chất lượng các TC trong nước và vươn tầm quốc tế, Indonesia đã thực hiện tiến trình 2 bước: (1) Cấp phép các TC địa phương và (2) Quốc tế hóa các TC đã được công nhận, trong đó có khoản tài trợ từ ngân sách Chính phủ kéo dài 3 năm để hỗ trợ các TC đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, số lượng TC KH đạt chuẩn quốc tế của Indonesia đã tăng đáng kể – từ 2 TC (năm 2000) lên mức 16 TC vào năm 2013.

Bên cạnh đó, việc Indonesia đặt ra quy định nghiêm ngặt trong xét tốt nghiệp – nghiên cứu sinh phải có công bố trên TC được quốc tế công nhận, đã đưa quốc gia này thành thị trường xuất bản tiềm năng trên thế giới. Sự cam kết và hỗ trợ của Chính phủ cho các TCKH đã đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu. Tuy nhiên, cộng đồng KH ở Indonesia cũng còn phải vượt qua nhiều rào cản, đặc biệt là về tiếng Anh – vốn đang gây nhiều bất lợi cho các nhà KH khi công bố quốc tế và ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá của các TC trong nước khi ghi danh vào ISI hay Scopus.

Thanh Trúc tổng hợp
Nguồn:
Komang G. Wiryawan (2014) The current status of science journals in Indonesia
Jaime A. Teixeira da Silva (2012) Challenges to Science Development and International Publishing in Indonesia

 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)