Khi nào có tạp chí Việt Nam học quốc tế ?
Xây dựng một tạp chí Việt Nam học quốc tế ở Việt Nam cần một sự chuyển đổi lớn về mặt nhận thức của cộng đồng khoa học và các nhà quản lý.
Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, 2016.
Ba năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm về việc xây dựng một tạp chí khoa học xã hội đạt “chuẩn quốc tế” và định hướng tạp chí Vietnam Social Sciences của Viện sẽ lọt vào danh mục tạp chí quốc tế (ít nhất là ACI) vào năm 2025. Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bộc lộ nỗ lực và quyết tâm tương tự với tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities của mình. Nhưng liệu hai cơ quan nghiên cứu uy tín hàng đầu về khoa học xã hội của Việt Nam và kể cả các cơ sở nghiên cứu khác có làm được điều đó, và họ có nên làm?
Nhu cầu bức thiết có một tạp chí Việt Nam học
“Mong muốn của chính phủ và của cả cộng đồng khoa học Việt Nam là thông qua việc xuất bản một tạp chí uy tín quốc tế để thế giới hiểu thêm về Việt Nam, để ngành Việt Nam học có vị thế và đóng góp nhiều hơn cho khoa học thế giới” – GS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities cho biết. Hiện nay, trên thế giới chỉ có duy nhất một tạp chí trong lĩnh vực Việt Nam học, là Journal of Vietnamese Studies (JVS) của nhà xuất bản University of California, Berkeley Press ra đời cách đây 12 năm. Đây cũng là tạp chí thứ hai trong lịch sử chuyên về lĩnh vực này, sau khi tạp chí Diễn đàn Việt Nam của dịch giả và nhà sử học Việt kiều Huỳnh Sanh Thông đóng cửa vào những năm 1990. JVS tập trung vào các nghiên cứu về lịch sử, chính trị, văn hóa – xã hội của Việt Nam và những chủ đề bị bỏ quên bởi dòng nghiên cứu chính thống như người Việt Nam ở hải ngoại và Chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Tia Sáng, Lưu Trinh, thư ký tòa soạn của JVS tự hào nói rằng tạp chí của họ là “ngọn cờ đầu” về Việt Nam học trên thế giới và “không có đối thủ”. Tiếng tăm của họ thông qua con đường “truyền miệng” và từ khi xuất bản đến nay, họ đã nhanh chóng tăng tần suất xuất bản từ một năm hai số thành ba số và hiện nay là bốn số với người viết đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Ví dụ của JVS dường như mở ra một con đường rất tiềm năng trong việc xây dựng một tạp chí quốc tế về Việt Nam học.
Mà chính Peter Zinoman, tổng biên tập đồng thời là người sáng lập JVS, hiện nay là giáo sư duy nhất ngành Việt Nam học tại University of California, Berkeley không chỉ cho rằng sự ra đời của tạp chí quốc tế chuyên về Việt Nam học là cấp thiết mà còn khẳng định tạp chí của ông, với những giới hạn về ban biên tập, ngôn ngữ và địa lý chưa đủ để bao trùm sự đa dạng và sôi động trong lĩnh vực Việt Nam học trên thế giới ngày nay. Trong công bố tại hội nghị Việt Nam học lần thứ ba năm 2009, Zinoman đã kể lại quá trình xây dựng JVS để minh chứng cho lập luận trên của mình. Trong đó, thế giới ngày càng quan tâm đến ngành Việt Nam học, thể hiện ở việc ngày càng nhiều học giả Việt Nam học tại các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới với quá trình thi tuyển không kém phần cạnh tranh so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, ngoài JVS, các tạp chí nghiên cứu châu Á và Đông Nam Á khác lại có xu hướng ưu tiên “diện tích đất” cho những bài nghiên cứu về những nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật và Indonesia. Hơn nữa, các nghiên cứu về Việt Nam các trên tạp chí này cũng không thể quá chuyên sâu và phải đưa ra được những kết luận đầy đủ cho bối cảnh lý thuyết và khu vực rộng hơn. Ông kết luận rằng, việc không có tạp chí chuyên ngành Việt Nam học không chỉ “gây khó khăn” cho các học giả trong lĩnh vực này mà còn là “thiếu sót về mặt thể chế” khi mỗi nước trong khu vực đều có một tạp chí chuyên ngành đất nước học về họ (kể cả Lào và Campuchia). Nhưng, dẫu cho JVS giải tỏa được phần nào nhu cầu của cộng đồng Việt Nam học trên thế giới, Zinoman cũng tự nhận rằng, do ban biên tập chủ yếu ở Bắc Mỹ nên các nghiên cứu đăng trên tạp chí có thiên hướng đến từ khu vực này và chưa vươn ra được nhiều tác giả tiềm năng ở Úc, Anh và Singapore. Hơn nữa, cũng do đặc điểm các chủ biên tạp chí đến từ hai ngành lịch sử và văn học so sánh nên nội dung của JVS thiên về các lĩnh vực tương tự.
Bìa tạp chí Journal of Vietnamese Studies, tạp chí quốc tế duy nhất về Việt Nam học trên thế giới hiện nay.
Còn có những lập luận khác về tính cấp thiết của việc xây dựng tạp chí quốc tế về Việt Nam học, chẳng hạn như GS. Lương Văn Hy ở Đại học Toronto cho rằng “có được tạp chí như thế cũng là một chỉ báo tốt về sự trưởng thành của KHXH&NV ở Việt Nam”. Lưu Trinh cho rằng “[một tạp chí như thế] sẽ đóng vai trò lớn trong việc thay đổi thực hành khoa học ở Việt Nam”. Cô thấy rằng phần lớn các nghiên cứu từ Việt Nam gửi đến JVS đều chưa tuân thủ nguyên tắc liên quan đến trích dẫn trong một bài báo khoa học khiến cho công trình thiếu thuyết phục, thiếu chuyên nghiệp.
Không thể vừa mang tính quốc gia, vừa mang tính quốc tế
Nhưng mặc dù có những lí do chính đáng và bối cảnh thuận lợi, thì việc một viện nghiên cứu, trường đại học trong nước xây dựng một tạp chí quốc tế về Việt Nam học trong chưa đầy 10 năm nữa, đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn nếu nhìn vào xuất phát điểm của Việt Nam. Số lượng công bố quốc tế ISI/Scopus của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Đại học KHXH&NV Hà Nội mỗi năm của mỗi đơn vị chưa vượt quá 10 bài, thể hiện số nhà khoa học thông thạo thông lệ quốc tế về xuất bản trên các tạp chí chưa nhiều, chưa nói đến việc điều hành và xây dựng một tạp chí quốc tế. Tạp chí tiếng Anh của hai đơn vị trên vẫn còn đậm nét “nội địa” thể hiện ở số bài trong nước và số thành viên người Việt Nam trong ban điều hành còn vượt trội. Cả hai tạp chí Vietnam Social Sciences của Viện Hàn lâm KHXHVN và tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities của Trường ĐHKHXHNV, Đại học Quốc gia mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đổi mới, vẫn còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được các chuẩn mực quốc tế. Cả hai tạp chí đều được Lưu Trinh và GS Oscar Salemink đang làm việc tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch đánh giá là “rất khó tìm đọc”.
Việc hóa giải những bế tắc trên đặt cộng đồng khoa học và cả những nhà quản lý ở Việt Nam vào một cuộc chuyển đổi nhận thức mạnh mẽ: Xây dựng tạp chí quốc tế, ngay cả khi tạp chí đó là về ngành Việt Nam học, ngay cả khi tạp chí sử dụng nguồn lực của quốc gia, vẫn phải gạt bỏ mọi mục tiêu “chỉ” phục vụ riêng cho lợi ích đất nước, cho riêng cộng đồng khoa học Việt Nam. Nói cách khác, tạo ra một ấn phẩm như vậy phải xuất phát từ một tinh thần vô tư, phụng sự “khoa học không biên giới”. GS. Phạm Quang Minh chia sẻ: “Cho Việt Nam ở đây phải hiểu là để thế giới biết về Việt Nam, để những nghiên cứu Việt Nam được thế giới biết đến, cho dù người đó đến từ nước nào và viết về lĩnh vực gì, không tổn hại đến lợi ích của Việt Nam.”Điều này không giống như quan điểm của một số người cho rằng tạp chí quốc tế của Việt Nam là một “hướng giải quyết”, “tạo điều kiện” cho các nhà khoa học Việt Nam công bố quốc tế. Nếu không có được tinh thần này, thì theo GS.Oscar Salemink, người đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Việt Nam học, đặt ra việc xây dựng một tạp chí quốc tế “mâu thuẫn đến vô nghĩa” (oxymoron) bởi vì không bao giờ có được một tạp chí vừa mang tính quốc gia và quốc tế. Một tạp chí quốc tế, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó ít quan tâm đến các quy tắc của quốc gia. Ngược lại, nếu muốn giữ kiểm soát tạp chí trong nước, giới nghiên cứu nước ngoài sẽ không coi trọng nó.
Là người có mặt trong hội đồng biên tập của nhiều tạp chí quốc tế về Đông Á và Đông Nam Á uy tín, Oscar Salemink đưa ra bốn yếu tố xây dựng một tạp chí quốc tế (ngoài việc phải xuất bản bằng một ngôn ngữ thông dụng): Một hội đồng biên tập quốc tế; Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phản biện kín hai chiều, Hoàn toàn không có kiểm duyệt; Được xuất bản quốc tế, trên thực tế nghĩa là xuất bản online hoặc bởi một nhà xuất bản khoa học nước ngoài (vì Việt Nam chưa có khả năng này). Ông cho rằng ba yếu tố đầu là bắt buộc, “nếu không thì việc có một tạp chí quốc tế không có nghĩa lý gì. Và như thế thì tốt hơn là khuyến khích các học giả Việt Nam cố gắng công bố và công bố nhiều hơn trên các tạp chí quốc tế khác”.
Việc xây dựng tạp chí quốc tế không phải là vấn đề đầu tư tiền bạc (mặc dù cũng cần một khoản để thuê người biên tập thành thạo tiếng Anh và nắm rõ những vấn đề liên quan đến Việt Nam, tiền xuất bản hoặc tổ chức các hội thảo và tọa đàm chuyên đề định kỳ để quảng bá tạp chí) mà là những yêu cầu do Oscar Salemink đưa ra gắn liền với tự do học thuật ở Việt Nam. Đó chính là cục nam châm thu hút hoặc đẩy xa những nhà khoa học nước ngoài uy tín trong việc tham gia xây dựng ngành Việt Nam học, kể cả khía cạnh hỗ trợ việc phát triển một tạp chí khoa học quốc tế. Khi GS. Phạm Quang Minh mời David Marr, một học giả người Mỹ nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử Việt Nam vào hội đồng biên tập của tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities, mặc dù ông đồng ý nhưng đã thẳng thắn chia sẻ: “Đừng nghĩ đưa tên của tôi sẽ làm uy tín của tạp chí tăng lên”. Để việc họ đứng trong hội đồng biên tập của các tạp chí không chỉ dừng lại ở cái tên mà thực sự tham gia vào chiến lược, sứ mệnh, mục tiêu và bản sắc của tạp chí, từ đó họ mới nhiệt thành trong việc quảng bá tạp chí và kêu gọi bài vở từ khắp nơi trên thế giới thì mức độ kiểm soát của ban biên tập tạp chí trong nước chỉ còn một phần nhỏ. Oscar Salemink chia sẻ rằng ngoài thi thoảng nhận được yêu cầu bình duyệt, chưa bao giờ ông nhận được lời đề nghị nào về tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tạp chí của Việt Nam, có lẽ là do ban biên tập muốn “giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát”. Hơn nữa, để có một tạp chí tốt, cần trao quyền cho ban biên tập là những nhà khoa học có công bố quốc tế và trẻ tuổi (vì làm tạp chí là một công việc đòi hỏi cao mà phần lớn là “không công”, những học giả uy tín ở giai đoạn sau của nghề nghiệp thường không đủ thời gian và năng lượng để làm) có khả năng trao đổi và tìm kiếm lời khuyên từ các nhà khoa học thế giới uy tín.
Nếu vì một mục tiêu khoa học, Việt Nam với điểm xuất phát hiện nay vẫn có hi vọng xây dựng được tạp chí quốc tế để thúc đẩy ngành Việt Nam học. Theo lời GS. Phan Huy Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm KH&XH nên đứng ra chủ trì một tạp chí. Ông tin rằng thế giới sẽ quan tâm bởi mỗi năm Hội thảo Việt Nam học đều thu hút được 200 học giả trên khắp thế giới với 100 công bố giá trị. Hơn nữa, trao đổi với Tia Sáng, GS. Phạm Quang Minh cũng cho biết hoàn toàn có nhà khoa học Việt Nam đủ uy tín và khả năng kết nối để nằm trong ban biên tập. Sắp tới vào tháng 7, ông sẽ gặp gỡ với Đại học Quốc gia Đài Loan, theo lời đề nghị của GS triết học Trần Văn Đoàn để trao đổi về việc cùng hợp tác với Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm thành lập một tạp chí quốc tế về Việt Nam học.