Lịch sử khai thác tự nhiên ở châu thổ sông Hồng

Hà Nội, trung tâm của vùng châu thổ rộng 15,000 km2, một trong những đồng bằng có mật độ tập trung dân cư cao nhất thế giới (từ năm 1931, dân số của vùng đã là 6,5 triệu với bình quân 430 người/km2). Với quy mô dân cư này, con người đã khai thác tài nguyên và xác lập không gian sinh tồn như thế nào?Tác động của sự mở rộng cấu trúc kinh tế đến thay đổi cấu trúc quyền lực vùng? Quan hệ giữa nhà nước với người dân dưới sự tác động của thiên tai, nạn đói và di cư?

Trận lụt ở Hà Nội năm 1926 (thư viện EFEO; O. Tessier 2011).

Thay đổi cấu trúc cư dân gắn với chuyển dịch quyền lực

Khung cảnh tự nhiên của châu thổ Bắc Bộ được cấu tạo bởi hai hệ thống dòng chảy chính: sông Hồng và sông Thái Bình. Lưu vực mà nó tạo ra được chia làm 3 vùng: đồng bằng trung tâm (trung tâm là Hà Nội), vùng phía đông (trung tâm là Hải Dương), và vùng phía đông nam (trung tâm là Nam Định). Trong vòng 4000 năm qua, dòng chảy dài 1,100 km của sông Hồng từ Vân Nam thường xuyên biến đổi; dẫn đến quy mô của lưu vực đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Diện tích lưu vực đã tăng lên 10 lần trong thời gian này (Maren 2004).

Tại khu vực này, con người đã xây dựng các nền văn hóa đồ đá và kim khí tương đối sớm trên những thềm cao trước khi tiến hành khai phá tự nhiên và xác lập định cư dọc theo dòng sông, vào các vùng đất thấp, và hướng ra biển. Phải mất hàng nghìn năm để vùng châu thổ có diện mạo như ngày nay: từ những biến đổi ở thời đại kim khí, khi cư dân di chuyển từ vùng trung du xuống đất trũng, sử dụng công cụ kim loại và sức kéo động vật để phát triển nông nghiệp lúa nước một cách quy mô; đến cuộc khai hoang của Nguyễn Công Trứ theo vùng duyên hải, cho đến thời kỳ hàng nghìn người chạy khỏi Hải Dương, Thái Bình, Nam Định vì lụt lội và nạn đói để xuống khu vực phía nam châu thổ vào giữa thế kỷ XIX. 

Nếu vấn đề của châu thổ Mekong là xây dựng hệ thống kênh rạch thì với đồng bằng Bắc Bộ, đó là đắp đê. Công việc mà những cư dân trên vùng đất này đã làm trong hơn 2000 năm qua, và vẫn còn tiếp tục. Thăng trầm của châu thổ này gắn liền với quá trình khai thác, quản lí nguồn nước và khai phá đất đai nhằm xây dựng các vùng nông nghiệp lúa nước. Thủy lợi và khai phá đất đai vì thế giúp định hình cấu trúc quyền lực vùng và sự thay thế của các vương triều, cũng như là cơ sở cho mối quan hệ phức tạp giữa nhà nước với nông dân.

Cấu trúc cư dân của vùng cho thấy rõ cuộc di cư trong hai nghìn năm qua. Ở thiên niên kỷ đầu tiên là từ vùng trung du xuống khu vực thấp dọc hai bên bờ sông và sang phía đông: Hải Dương, Quảng Ninh. Trong thiên niên kỷ thứ hai là vào các vùng trũng và duyên hải đông, đông nam: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Bản đồ phân bố các di chỉ khảo cổ và lịch sử từ thế kỷ I-đến thế kỷ X dưới đây cho thấy sự chuyển dịch này. Ở đầu công nguyên, các vùng cư trú dày đặc thuộc về vùng trung tâm như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, trong khi các khu vực ở phía nam như Thái Bình, Nam Định dân cư khá phân tán. Nhiều nhóm cư dân cũng từ Trung Hoa di cư xuống. Tại Hải Dương, tổ tiên của Khúc Thừa Dụ là những người mới di cư xuống, đã chọn Ninh Giang; trong khi một viên quan nhà Đường là Vũ Hồn định cư ở Mộ Trạch vào những năm 840 (Keith Taylor 1983: 5, 217, 260).


Bản đồ di chỉ khảo cổ và dấu tích lịch sử niên đại thế kỷ I-X ở châu thổ sông Hồng (Nishimura, M. 2005).

Quá trình khai thác tự nhiên được đẩy mạnh nhờ sự ra đời của vương quốc độc lập ở thế kỷ X với kinh đô tại Hà Nội. Vùng đất này trở thành bàn đạp cho các cuộc di cư về phía nam của dòng sông và khu vực thấp hơn của châu thổ, nơi sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều quyền lực mới. Sự thay đổi dân số và đa dạng hóa kinh tế sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc chính trị của châu thổ sông Hồng. Quyền lực của các vùng đất cổ: Cổ Loa, Luy Lâu, họ Ngô, họ Phùng ở Đường Lâm, họ Lý ở Bắc Ninh sẽ nhường chỗ cho một thế lực mới vùng duyên hải: họ Trần. Gia tộc này di cư từ phía bắc xuống Nam Định và xác lập dấu ấn tại đây với nghề đánh cá, buôn bán… Sự hưng thịnh của họ ở thế kỷ XIII cho thấy tính năng động kinh tế của châu thổ này đã dần mở rộng xuống phía đông và đông nam, hướng ra biển, nơi một gia tộc khác cũng sẽ đặt dấu ấn lên tiến trình lịch sử Đại Việt: họ Mạc (Whitmore 2006, 2011).

Sự thay đổi nhanh chóng của cấu trúc tự nhiên

Lúa chiêm, đê điều và gốm sứ giúp đặt nền tảng quyền lực

Gắn với những thăng trầm chính trị này là công cuộc chinh phục tự nhiên của cư dân Đại Việt. Dấu ấn quan trọng giúp mở rộng đất đai canh tác là sự du nhập của lúa chiêm có khả năng chống chịu điều kiện đất đai vùng duyên hải và vùng trũng. Chính nhờ đó mà sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai cho rằng từ năm 1200 đến 1340, dân số châu thổ sông Hồng đã tăng gấp đôi, lên 3 triệu người. Đến giữa thế kỷ XIV, mật độ dân số của vùng có thể đến 150-180 người/km2 (Lieberman 2003:368). Biến đổi khí hậu cũng có thể là nhân tố đứng sau sự phát triển nông nghiệp của thời Lý-Trần. Giai đoạn 900 đến 1250-1300 là thời kỳ Đông Nam Á ấm bất thường do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña. Mùa mưa kéo dài đã thúc đẩy sản xuất lúa gạo, mở rộng canh tác và đem đến sự thịnh vượng cho Đại Việt (Lieberman & Buckley 2012).

Tuy nhiên, sau đó, vào cuối thế kỷ XIII, những biến đổi khí hậu, gắn với những trận thiên tai nghiêm trọng đã làm thay đổi cấu trúc của đồng bằng sông Hồng. Nếu thế kỷ XI có 6 trận lụt, thế kỷ XII có 5; thì con số này ở thế kỷ XIII lên tới 16. Đặc biệt, 14 trận lụt trong số này rơi vào khoảng giữa các năm 1236 và 1270. Trong đó, kinh thành bị nhấn chìm vào các năm 1236, 1238, và 1243. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc cư dân phải di chuyển bằng thuyền trên đường phố Thăng Long năm 1270. Cũng chính vì thế, dự án đê lớn đầu tiên, đê Đỉnh Nhĩ được bắt đầu vào năm 1248. Đến cuối thế kỷ XIV, đê điều trên vùng châu thổ sông Hồng về cơ bản được hoàn thành. Các dự án sau chỉ là sự mở rộng của hệ thống này (Momoki Shiro 2011).

Trên nền tảng đó, sự mở rộng của kinh tế điền trang thái ấp và trao đổi thương mại đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp dọc theo miền duyên hải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định (Nguyễn Thị Phương Chi 2002; Momoki Shiro 2011, Nguyễn Văn Kim 2015). Nói một cách “đơn giản” thì các con đê, lúa chiêm và gốm sứ đã giúp thay đổi cán cân quyền lực trên vùng châu thổ. Việc canh tác trên các vùng trũng và duyên hải tạo ra sự “bùng nổ dân số” thế kỷ XIII-XIV. Dòng di cư xuống phía đông nam châu thổ giúp tạo ra trung tâm quyền lực mới ở Nam Định. Thống kê của nhà Minh đầu thế kỷ XIV cho thấy Nam Định và Thái Bình góp 16% sản xuất lúa. Từ thế kỷ XV, nhà nước Đại Việt đẩy mạnh quá trình khai thác tự nhiên ở phía nam sông Hồng và thúc đẩy xác lập thêm các khu vực cư trú mới dọc theo duyên hải, từng bước biến nơi đây thành nơi tụ cư đông đúc nhất châu thổ như chúng ta thấy ngày nay (Nguyễn Hải Kế 1984, Đào Tố Uyên và Trần Văn Kiên 2009).

Khai thác rừng cũng làm thay đổi sâu sắc cấu trúc tự nhiên của khu vực. Xây dựng và sản xuất thủ công nghiệp được coi là hai nguyên nhân chính làm biến mất rừng ở vùng châu thổ. Bùng nổ xây dựng cung điện và chùa chiền thời kỳ Lý – Trần cần khối lượng gỗ khổng lồ.Việc đúc chuông và tượng cũng cần một khối lượng chất đốt đáng kể. Chỉ riêng trong năm 1314, nhà sư Pháp Loa xây 33 khu nhà trong khuôn viên chùa Quỳnh Lâm. Cũng trong vòng một năm (1329), ông tiếp nhận thêm 15,000 sư sãi, những người cần một khối lượng gỗ không nhỏ làm nơi cư trú và duy trì sinh hoạt (Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Pham Ngọc Long 1993: 109).

Thủ công nghiệp cũng là tác nhân ảnh hưởng đến việc đốn rừng. Các lò gốm ở Vạn Yên, Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng… đòi hỏi khối lượng đất và gỗ khổng lồ. Tại làng Vạn Yên (Chí Linh), khảo cổ học khai quật dấu tích của hơn 100 lò trên diện tích 40,000 m2. Không phải ngẫu nhiên, khu vực này cũng chính là thái ấp của Trần Hưng Đạo. Quy mô sản xuất của các lò gốm sứ thế kỷ XIII-XVII là rất lớn. Chỉ riêng con tàu đắm Cù Lao Chàm (khai quật 1997-1999) đã bao gồm 240,000 hiện vật cùng hàng nghìn mảnh vỡ khác. Quy mô sản xuất đó cho thấy khối lượng rừng lớn đã bị đốn hạ để phục vụ các lò gốm sứ này. Sử gia Li Tana gợi ý rằng cứ mỗi 1,000 sản phẩm gốm sứ cần 80-100 khúc gỗ; hoặc 50 kg gỗ cho mỗi 65 kg đồ gốm. Chính vì thế, riêng việc duy trì lò gốm Vạn Yên trong vòng hai thế kỷ, toàn bộ rừng khu vực Chí Linh chắc chắn đã bị xóa sổ (Li Tana 2014).

Ứng phó với sự thay đổi dòng chảy sông Hồng

Trong vòng ba thế kỷ trở lại đây, dòng chảy sông Hồng có tác động cực kỳ lớn đến đời sống cư dân và nền chính trị của người Việt. Nguyên nhân là sự gia tăng bất thường của lũ lụt dọc theo hai bờ. Những biến cố này làm xáo trộn đời sống cư dân dưới thời Lê-Trịnh, làm “đau đầu” nhà Nguyễn, và đặt ra thách thức cho kỹ thuật trị thủy của người Pháp. 

Các sử gia thời hiện đại mô tả chế độ phong kiến dưới thời nhà Nguyễn thối nát không quan tâm đến đê điều, dân chúng để gây ra tai họa. Trái lại, nếu qua châu bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, các bản tấu sớ của Đặng Trần Thường, Lê Đại Cương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đức Oánh, Nguyễn Văn Siêu … thì trị thủy luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với các nhà vua ở Huế. Thống kê của quan Đê chính Lê Đại Cương năm 1829 cho thấy đê dọc sông Hồng là 952 km, trong đó 144,5 km được xây dựng trong 26 năm đầu triều Nguyễn (Tessier 2011).

Một gợi ý khác cho câu trả lời cũng có thể nằm ở phía thượng nguồn: rừng bị tàn phá ở khắp vùng Vân Nam từ thế kỷ XVII. Điều này ngay lập tức giáng họa cho hạ nguồn.Không phải ngẫu nhiên mà từ “Hồng” bắt đầu được gắn với dòng sông này vào giữa thế kỷ XIX (Hồng Hà). Đó là khi rừng ở Vân Nam bị tàn phá làm gia tăng lượng phù sa và đất xói mòn theo dòng chảy. Ngày nay, Vân Nam chỉ còn 19% đất có rừng bao phủ, và những khu vực rừng dưới 1200m hầu như bị xóa sổ hoàn toàn. Thủ phạm chính là việc khai thác đồng, kẽm, thiếc được tiến hành ở quy mô lớn. Vào cuối thế kỷ XIX, Cá Cựu, một thị trấn nằm không xa biên giới Việt Nam trở thành thủ phủ sản xuất thiếc ở Vân Nam và toàn nam Trung Hoa (Li Tana 2016).

Cách các mỏ thiếc này hàng ngàn km về phía đông nam là quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Ông có lẽ không nhận ra sự thay đổi này khi đi tổ chức khai hoang ở Kim Sơn và Tiền Hải. Tuy nhiên gia tăng phù sa đã giúp sức cho công cuộc khai mở đất đai duyên hải của ông. Thống kê cho thấy trong vòng 150 năm từ 1831 đến 1959, châu thổ sông Hồng tiến ra biển 19km, tức là khoảng 161m một năm, trong khi giai đoạn 1471-1830 chỉ là 21m một năm (Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam.1977: 142–143).

Nhưng tai họa đối với hai bên bờ sông là thảm khốc.

Thế kỷ XVIII có 3 lần vỡ đê. Con số này ở thế kỷ XIX là 48.

Riêng từ 1803 đến 1861 đã có 27 trận lụt được sử quán nhà Nguyễn ghi nhận, chưa kể các đợt vỡ đê cục bộ là chuyện xảy ra hằng năm. Lụt và nạn đói là nguyên nhân trực tiếp của 4 cuộc nổi dậy thời Gia Long, 11 cuộc thời Minh Mệnh, 1 cuộc thời Thiệu Trị và 3 cuộc thời Tự Đức, trên tổng số 400 cuộc nổi dậy trong vòng 60 năm. Nhiều vùng đất ở Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định gần như bỏ hoang và tình trạng cư dân phiêu tán, tụ tập trong các nhóm vũ trang địa phương trở nên phổ biến. Nhiều quan chức nhà Nguyễn đã gần như tuyệt vọng với tình hình và đề xuất phá bỏ hệ thống đê điều. May mắn là ý tưởng này đã không trở thành hiện thực.


Bản đồ đê vùng châu thổ Bắc Bộ năm 1905 (Gauthier, 1930:172)

Dù chúng ta không biết rõ quy mô cụ thể sự tàn phá của lụt lội lên sản xuất nông nghiệp thời Nguyễn, ghi chép của người Pháp có thể giúp xác định được quy mô này. Trận lụt năm 1913 làm vỡ 30 đoạn, thiệt hại 100,000 ha, khoảng 150,000 tấn lúa. Trận lụt năm 1915 do 48 đoạn đê bị vỡ, làm ngập khoảng 365,000 ha, tức là ¼ diện tích toàn châu thổ (Tessier 2011). Sự tàn phá này diễn ra ngay cả khi quy mô của hệ thống đê, cả chính và phụ ở đầu thế kỷ XX đạt độ dài 4,000 km (gấp hai lần quãng đường từ Hà Nội vào Cà Mau).

Trận lụt sau đó vào năm 1971 được coi là lớn nhất trong lịch sử, cuốn theo 28 triệu tấn phù sa trong vòng 10 ngày, tương đương với lượng phù sa của 7 mùa khô liên tục (Hoekstra & Van Weering, 2007: 506).

Cuối cùng, từ góc nhìn lịch sử, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chính là cốt lõi của hệ sinh thái, nền tảng kinh tế, môi trường văn hóa lịch sử của cư dân Bắc Bộ trong suốt hàng nghìn năm qua. Các yếu tố tự nhiên này đã trở thành một phần trong di sản văn minh người Việt, cái nôi nuôi dưỡng và cung cấp nguồn lực cho sự hưng thịnh của các vương quốc và đế chế. Bất cứ quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng nào cũng cần phải tính cả yếu tố sinh thái, lịch sử, văn hóa, dân cư, chứ không đơn thuần phản ánh trên lợi ích kinh tế hay thiết kế chính trị của nhà nước.

***

Hà Nội có lịch sử tương tác đặc biệt giữa con người và tự nhiên. Vùng đất này đã từng là nơi sông Hồng đổ ra biển.Khai quật ở Hoàng thành Thăng Long phát hiện dấu tích hóa thạch của ít nhất là 13 loài ốc. Tên cũ của vùng đất này, “Long Đỗ” (rốn rồng) phản ánh rõ cho vị trí “trũng” của nó so với các trung tâm xung quanh như Đường Lâm, Cổ Loa, Luy Lâu… Từ các thế kỷ tiếp giáp công nguyên cho đến nhà Đường, Hà Nội có lẽ được bao quanh bởi hệ thống nhiều ao hồ và rừng rậm. Khi Mã Viện đánh Hai Bà Trưng, từng mô tả về vùng hồ Lãng Bạc (có lẽ là một trong các hồ thuộc khu vực này) rằng “dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy chim diều bay là là rơi xuống nước.” Các địa danh như Gia Lâm, Đông Ngàn, Trường Lâm… có lẽ là dấu tích về sự tồn tại của hệ thống rừng bao quanh Hà Nội. Từ thời Đường, trị sở cai trị bắt đầu được chuyển từ Bắc Ninh ra Hà Nội, và sau đó được xây dựng kiên cố để chống Nam Chiếu, vì thế cũng bắt đầu quá trình khai phá tự nhiên mới, phá rừng, lấp ao hồ…cho tới việc xây dựng đê bao, phủ thành, cung điện, căn cứ thủy quân…của nước Đại Việt. Nói cách khác, Thăng Long được tạo nên từ một vùng trũng thấp nhờ vào việc lấp ao hồ, sông ngòi và khai phá rừng. Vì thế, vùng đất này luôn bị đe dọa bởi dòng sông Hồng. Vào mùa mưa, lưu lượng dòng chảy của sông khoảng 28,000 m3/ giây, đưa mực nước mùa khô khoảng 2,5m trên mực nước biển lên 10m chỉ sau vài ngày. Vùng trung tâm của Hà Nội cao khoảng 5m trên mực nước biển, vì thế, trong suốt lịch sử của vùng đất này, mùa mưa là lúc cả thành phố nằm trong hiểm nguy thường trực.

————-

Tham khảo

Đỗ Đức Hùng. 1979. Về trị thủy – thủy lợi ở nước ta nửa đầu thế kỷ XIX. Nghiên cứu lịch sử 4(187):46–56.

Đào Tố Uyên, Trần Văn Kiên. 2009. Khai hoang ven biển ở Nam Định thời Lê Sơ qua nghiên cứu trường hợp khai hoang ở Quần Anh, huyện Hải Hậu (1485-1511). Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (397): 32-43.

Keith W. Taylor. 1983. The birth of Vietnam. University of California Press.

Li, T. (2014). Towards an environmental history of the eastern Red River Delta, Vietnam, c.900–1400. Journal of Southeast Asian Studies, 45(3), 315–337.

Li, T. (2016). A Historical Sketch of the Landscape of the Red River Delta. TRaNS: Trans -Regional and -National Studies of Southeast Asia, 4(2), 351–363.

Momoki Shiro. 2011. The formation and transformation of the medieval state of Đại Viêt: A Vietnamese history during the Lý-Trần period within regional histories, Osaka: Osaka University Press, 2011.

Nguyễn Hải Kế. 1984. Đê Hồng Đức và công cuộc khẩn hoang vùng ven biển nam sông Hồng thời Lê Sơ, http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/e-hng-c-va-cong-cuc-khn-hoang-vung-ven-bin-nam-song-hng-thi-le-s-pgstskh-nguyn-hi-k/

Nguyễn Thị Phương Chi. 2002. Vài nét về tình hình điền trang thời Trần. Nghiên cứu Lịch sử, số  2 (321): 50-58.

Nishimura, M. 2005. Settlement patterns on the Red River Plain from the late prehistoric period to the 10th century AD. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 25(3): 99–107

Poisson E. 2009. Détruire ou consolider les digues du fleuve Rouge.Aséanie 23:77–96.

Tessier, Olivier. 2011. “Outline of the Process of Red River Hydraulics Development During the Nguyễn Dynasty (Nineteenth Century).” In Environmental Change and Agricultural Sustainability in the Mekong Delta, edited by Mart A. Stewart and Peter A. Coclanis, 45–68. Springer.

 Victor Lieberman and Brendan Buckley. 2012. ‘The impact of climate on Southeast Asia, circa 950–1820: New findings’, Modern Asian Studies 46 (5): 16.

 

Tác giả

(Visited 354 times, 3 visits today)