Một cách nhìn về cuộc đời và sự nghiệp GS Đặng Nghiêm Vạn

Bài viết này giới thiệu về hành trình đến với dân tộc học cũng như những đóng góp của GS. Đặng Nghiêm Vạn - một nhà dân tộc học có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển dân tộc học Việt Nam.


GS. Đặng Nghiêm Vạn

Đóng góp của giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đối với nghiên cứu tộc người và tôn giáo ở Việt Nam

Đặng Nghiêm Vạn được tôn vinh như là một trong những nhà dân tộc học đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo theo truyền thống Xô viết thời kỳ sau Giải phóng (1956)[1]. Những nghiên cứu ban đầu của ông tập trung vào nhóm ngôn ngữ Tày-Thái ở Việt Nam và được coi là nghiên cứu điển hình cho các nhà Thái học. Ông không chỉ là thế hệ khoa học đầu tiên nghiên cứu và trình bày những tri thức về người Thái một cách hệ thống mà còn đặt nền móng cho bộ môn Thái học ở Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp, một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội quan trọng nhất của Việt Nam đầu những năm 60.

Mặc dù định hướng ban đầu là nghiên cứu về nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, song địa bàn nghiên cứu thực địa của giáo sư Vạn không giới hạn trong vùng ngôn ngữ Tày-Thái. Từ sau năm 1975 ông mở rộng địa bàn nghiên cứu sang Trường Sơn-Tây Nguyên. Có thể xem các nghiên cứu về vùng Trường Sơn-Tây Nguyên của ông là cẩm nang cho những người làm công tác dân tộc nói chung, bao gồm cả các nhà nghiên cứu, cán bộ công tác ở miền núi, bộ đội biên phòng, qua những tựa đề hết sức giản dị, chẳng hạn như “Những vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên” và “Tây Nguyên trên đường phát triển” (1986 và 1987) hay “Những ai lên Tây Nguyên cần biết (1988)…

Đáng chú ý là, những nghiên cứu làm nên tên tuổi của ông phần lớn lại liên quan đến vấn đề tôn giáo, trong thời kỳ ông công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo (ban đầu là Ban Khoa học về Tôn giáo), từ năm 1991. Nếu chúng ta biết rằng, ông là chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng ngành Tôn giáo học, “một ngành khoa học nhạy cảm, ở một thời điểm nhạy cảm, trong một đất nước nhạy cảm”[2], thì mới có thể hiểu hết tầm quan trọng của những đóng góp của ông đối với nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Không những thế, ông còn là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu tích cực tìm tòi một cách tiếp cận mang tính lý thuyết đối với nghiên cứu tôn giáo bản địa ở Việt Nam. Ông đã công bố nhiều bài báo, công trình trong đó chứng minh một cách thuyết phục tính phổ quát của Đạo thờ cúng tổ tiên trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Việt Nam từ các cấp độ khác nhau: gia đình-dòng họ-đất nước, tiêu biểu là các công trình “Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo Việt Nam” (năm 1998) và “Dân tộc-Tôn giáo-Văn hóa” (năm 2001)…


Những công trình đã ghi dấu ấn tên tuổi của GS. Đặng Nghiêm Vạn.

Vậy những yếu tố nào đã làm nên một nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn với những tác phẩm tiêu biểu đó? Một cái nhìn khái quát về những thăng trầm trong cuộc đời và những dấu ấn lớn trong sự nghiệp của giáo sư Vạn dưới đây, hy vọng sẽ đem đến lời giải đáp cho câu hỏi trên.

Gia đình – cái nôi của truyền thống cách mạng

Một ngày tháng 9/2009, trong căn phòng chất đầy sách, báo, tư liệu và công trình nghiên cứu về dân tộc học[3], tôi được tiếp chuyện với giáo sư Đặng Nghiêm Vạn lần đầu tiên kể từ khi ông chuyển vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những ký ức về gia đình, về những ảnh hưởng từ người cha tới việc định hình con đường học vấn của mình ngay từ khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông kể,  “Cha tôi làm công chức ở bưu điện Quảng Ninh, vì vậy khi có sách mới xuất bản từ Pháp gửi sang, ông đều giữ một bản trong nhà, dần dần xây dựng thành một tủ sách gia đình. Cha tôi luôn khuyến khích các con đọc thêm sách vở và tài liệu bằng tiếng Pháp trong tủ sách đó”[4]. Đặc biệt, cha ông khuyên ông và các anh chị em, khi đọc sách thì “phải đọc Tổng tập, không nên đọc Tuyển tập”. Có lẽ, chính sự khích lệ của người cha cộng thêm nỗ lực rèn luyện của bản thân đã giúp cho giáo sư Vạn tích lũy được vốn tiếng Pháp khá dày dặn. Vì vậy, khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sau này, ông có nhiều thuận lợi trong việc khai thác và sử dụng các tài liệu tham khảo của các học giả Pháp về dân tộc học Việt Nam.

Ông cũng sớm được tiếp xúc với lý tưởng cách mạng, qua hai kênh chính là các cán bộ cách mạng được cha mẹ ông bí mật nuôi giấu trước khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946) và sau này, qua hai người anh em tham gia cách mạng là hai cán bộ Ngoại giao cao cấp của Việt Nam. Ông trở thành Đảng viên khi chưa tròn 20 tuổi. Tinh thần cách mạng của một Đảng viên và ý thức chính trị cao là hai tác động của bối cảnh lịch sử khi đó và chi phối nhiều đến tính cách cá nhân và phong cách nghiên cứu của ông sau này.

Cuộc gặp gỡ với nền học thuật Xô Viết

Định hướng nghề nghiệp của giáo sư Vạn đã bắt đầu khi ông học ngành Đông phương học – ngành đã đem lại cho ông những kiến thức khá bài bản về chữ Hán cổ ở trường Bưởi, Hà Nội[5]. Sau này, khi chuyển về dạy học ở trường Sư phạm miền núi trung ương (1951 – 1957), ông càng có điều kiện để phát triển khuynh hướng nghề nghiệp tương lai. Những trải nghiệm với các dân tộc thiểu số trong thời gian đó, đã trang bị cho ông không chỉ những “kỹ năng” làm việc đơn thuần, như là ngôn ngữ và kiến thức về tộc người, mà quan trọng hơn là sự thấu hiểu, sự cảm thông đối với cộng đồng nghiên cứu và một sự nhạy cảm nghề nghiệp đặc biệt, những đức tính cần thiết của một nhà dân tộc học tương lai.

Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó, nên khi được đặc cách tuyển đi học tại Liên Xô vào năm 1957, ông được công nhận là Thực tập sinh cao cấp, và được giáo sư X.A. Tocarev (tác giả của Những hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng[6], một trong những cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người làm dân tộc học và tôn giáo học ở Việt Nam) hướng dẫn. Những nguyên tắc làm việc của giáo sư Tocarev đã ảnh hưởng rất lớn đến ông. Sau này, khi ông đã trở thành Giáo sư hàng đầu về dân tộc Việt Nam, ông vẫn ghi nhớ và truyền đạt lại cho các sinh viên của mình.

Yêu cầu đầu tiên đối với thực tập sinh của giáo sư Tocarev là phải nắm vững những khái niệm cơ bản trong dân tộc học, đồng thời khi đọc sách là phải hiểu, và biết phê phán các luận điểm của các tác giả lớn. Giáo sư Tocarev đã giúp ông xác định hướng nghiên cứu ngay từ những buổi làm việc đầu tiên, để ông có được những chuẩn bị cần thiết, đặc biệt là việc hệ thống tư liệu. Khi ông bày tỏ nguyện vọng muốn theo đuổi nghiên cứu về tôn giáo, giáo sư đã nhắc ông luôn ghi nhớ sưu tầm tất cả các tài liệu có liên quan đến tôn giáo, và nhờ vậy, dù ông viết nhiều, viết rộng về các vấn đề dân tộc học Việt Nam, nhưng nghi lễ và tôn giáo vẫn là chủ đề mà ông cảm thấy chắc chắn nhất.

Khi phải lựa chọn một dân tộc để nghiên cứu, ông đề đạt với giáo sư Tocarev rằng ông muốn nghiên cứu về văn hóa người Việt vì đó là dân tộc của ông. Nhưng giáo sư Tocarev đã nhận xét rằng, “với trình độ hiện nay, anh chưa thể nói về sai lầm của người Việt, nếu nghiên cứu người Việt thì sẽ chỉ khen thôi” [7]. Vì vậy, giáo sư khuyên ông nên nghiên cứu một dân tộc nào gần với người Việt[8]. Cuối cùng, ông chọn nghiên cứu về nhóm Tày Nùng Thái, vì ba dân tộc này cùng một nhóm ngôn ngữ, trong đó ông đặc biệt chú ý đến người Thái vì “dân tộc này có nhiều cái hay hơn, vì từ trang phục đến con người” [9].

Ngoài ra, giáo sư Tocarev cũng lưu ý ông phải đi nghiên cứu cái chung nhất của nhóm ngôn ngữ-dân tộc này, và do đó, ông đã trở về Việt Nam để nghiên cứu ở Tây Bắc và Việt Bắc trong 6 tháng. Trong thời gian này, ông đã dành phần lớn thời gian thực địa ở vùng người Thái, người Nùng và người Phén (một nhóm địa phương của người Tày, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái) ở phía Bắc Việt Nam và một thời gian ngắn ở miền Trung để tìm hiểu một nhóm địa phương của người Thái ở đây. Thời gian trên thực địa đã mang đến cho ông những hiểu biết toàn diện về ba nhóm dân tộc này, đồng thời giúp ông lại có điều kiện so sánh, đối chiếu ba nhóm dân tộc vốn gần gũi về văn hóa, địa bàn cư trú và quá trình thiên di. Do đó, các nghiên cứu của ông sau này về dân tộc Thái đã giúp chúng ta nhìn nhận tộc người Thái, không phải với tư cách một dân tộc riêng biệt, cô lập, mà luôn luôn nằm trong mối liên hệ, giao lưu với các dân tộc khác trong quá trình phát triển tộc người.                                                                                 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Chu Thái Sơn, Người viết tiểu phẩm về Huyền thoại nạn hồng thủy, trong Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn-nhà giáo, nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, H2000
  2. Đỗ Lai Thúy, Đặng Nghiêm Vạn, nhà dân tộc học đầu ngành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12/2006
  3. GS. Condominas: Dân tộc học là một lối sống, Theo Nhân dân, 12/2007, trích dẫn từ http://dantoc.com.vn (25/9/2009)
  4. Phan Ngọc, Người bạn trong 50 năm trời, trong Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn-nhà giáo, nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, H2000
  5. Tạ Đức, Nghĩ về anh Vạn với anh Từ, trong Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn-nhà giáo, nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, H2000
  6. Tương Lai, Đặng Nghiêm Vạn và hành trình tộc người, Theo Tia sáng, tháng 6/2008, trích dẫn từ http://dantoc.com.vn (13/8/2009)

[1] Phan Ngọc, Người bạn trong 50 năm trời, trong Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn-nhà giáo, nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội, 2000, trang 169.

[2] Đỗ Lai Thúy, Đặng Nghiêm Vạn-nhà dân tộc học đầu ngành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12/2006.

[3] Kể cả sau khi giáo sư Vạn đã hiến tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam một số lượng tư liệu tương đối lớn, tủ sách về Dân tộc học trong phòng làm việc của ông vẫn còn rất đồ sộ.

[4] Phỏng vấn giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, ngày 22/9/2009.

[5] Nay đã đổi tên thành trường chuyên Chu Văn An, Hà Nội.

[6] In năm 1994, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

[7] Phỏng vấn giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, ngày 22/9/2009.

[8] Đỗ Lai Thúy, Đặng Nghiêm Vạn, nhà dân tộc học đầu ngành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12/2006.

[9] Phỏng vấn giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, ngày 22/9/2009.

Tác giả