Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt: Một số điều đáng lưu ý
Trong Lời giới thiệu bài ‘Tổ tiên người Trung Quốc (TQ) là ai’ của Hà Văn Thùy trên website ‘Nghiên cứu quốc tế’ có viết: Những khảo cứu sai lầm và xuyên tạc sự thật của học giới TQ, cho rằng người từ châu Phi tới Hoa lục làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm, còn Việt Nam (VN) là đám ly khai khỏi đất mẹ.
Lương Đình Vọng trình bày kết quả nghiên cứu văn hóa Lạc Việt: – Lĩnh Nam thời Tiên Tần là lãnh thổ của các vương triều Trung ương nhà Thương-Chu, chứ không phải là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Lĩnh Nam thì vùng này mới gia nhập bản đồ TQ ; – Lĩnh Nam thời Tiên Tần tồn tại Phương quốc Tây Âu và Phương quốc Lạc Việt, được thành lập vào khoảng năm 1300 TCN ; – Phương quốc Lạc Việt do người Lạc Việt, tức tổ tiên chung của các dân tộc Tráng, Bố Y, Đồng, Mục Lão, Lê, Thái, Thủy, Mao Nam, xây dựng.
Từ ý tưởng này, báo chí TQ có lần kêu gọi người VN “lãng tử hồi đầu” (đứa con đi hoang trở về nhà). Ông Thùy cho rằng đáng buồn là người VN không hiểu chiều sâu của ý tứ này.1
Luận điệu ‘TQ kêu gọi đứa con đi hoang VN trở về nhà’ xuất hiện trong bài ‘TQ hết lòng khuyên Việt Nam Lãng tử hồi đầu’ đăng trên ‘Nhân dân Nhật báo’ TQ ngày 19/6/2014.2 Phải chăng TQ muốn nhắc nhở người VN nhớ rằng tổ tiên các người vốn ở trong đại gia đình các dân tộc TQ, sống trên đất TQ, về sau lợi dụng cơ hội TQ loạn lạc mà tách ra thành một quốc gia độc lập; nay đã đến lúc VN nên trở về với đại gia đình xưa kia, chớ nên chống lại chính sách Biển Đông của TQ? Luận điệu này đang được giới sử học TQ chứng minh bằng các nghiên cứu của họ.
Qua đây có thể thấy một số học giả TQ đang lợi dụng những tư liệu, giả thiết sử học còn chưa rõ ràng về cộng đồng Bách Việt và Lạc Việt xa xưa, nhất là sự nhập nhèm giữa khái niệm người ‘Việt’ trong Bách Việt với người VN, và sự phụ thuộc của giới sử học VN vào các thư tịch cổ Trung Hoa để dẫn dắt dư luận TQ, VN và thế giới hiểu sai về mối quan hệ TQ-VN thời cổ đại, cho rằng VN thời xưa vốn là một bộ phận của TQ, có quan hệ khăng khít phụ thuộc vào chủng tộc và văn hóa TQ, qua đó đạt mục đích phục vụ chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.
Dưới đây giới thiệu sơ qua một công trình nghiên cứu sử học TQ đi theo hướng trên.
Năm 2016, truyền thông TQ đưa tin về một đề tài nghiên cứu khoa học có tên ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’3 do sử gia Lương Đình Vọng đứng đầu:
‘‘Cuộc tranh chấp Nam Hải [VN gọi là Biển Đông] không vì Phán quyết của Tòa án Quốc tế La Haye [tức phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài PCA năm 2016] mà thay đổi hiện trạng; phía TQ vẫn không ngừng dùng các sự thực lịch sử để trình bày chủ quyền không thể tranh cãi của TQ đối với vùng lãnh thổ này. Lương Đình Vọng tiến hành nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt trong điều kiện khó khăn và dưới sức ép lớn, ví dụ sách ‘Sử cổ đại Việt Nam’ do VN xuất bản tuyên bố thủy tổ người VN là Hùng Vương từng khai phá phần lớn vùng Quảng Tây, và lên án Tần Thủy Hoàng là kẻ xâm lược. Để phản bác luận điệu của phía VN, Lương Đình Vọng dựa vào niềm tin ‘Phải giữ gìn lãnh thổ quý giá tổ tiên ta để lại cho chúng ta’ đã tiến hành dự án kể trên với phương châm ‘dốc hết sức mình bảo vệ sự nguyên vẹn lãnh thổ của TQ’. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tài liệu điều tra điền dã và các ghi chép trong thư tịch cổ cũng như các tư liệu khảo cổ, kết hợp nghiên cứu các sách ‘Hán thư’, ‘Sử ký’, ‘Dật chu thư’…’’.
Lương Đình Vọng (Liang Tingwang) sinh 1937, dân tộc Tráng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc trung ương, giáo sư, sử gia nổi tiếng chuyên về văn hóa lịch sử các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng4, tức ngữ tộc của tộc Lạc Việt.
Tuy đã lập Nhà Bảo tàng Lạc Việt ở Liễu Châu, trưng bày hàng nghìn hiện vật khảo cổ cùng các thành tựu nghiên cứu văn hóa Lạc Việt nhưng người Tráng vẫn triển khai các nghiên cứu quy mô lớn về tổ tiên họ. Lương Đình Vọng dẫn đầu công việc này.
Sau 8 năm tiến hành, năm 2016 đề tài ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ đã hoàn thành. Kết quả nghiên cứu in thành sách cùng tên “骆越方国研究” (xuất bản 4/2018).
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh vùng Đại Minh Sơn ở gần Nam Ninh là địa điểm sở tại của Phương quốc Lạc Việt. Vùng đất này rất rộng, gồm các phần đất phía Nam sông Tây Giang, Tây Nam Quảng Đông, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (VN gọi là Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Macclesfield), một thời từng quản lý đến các quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức toàn bộ lãnh thổ VN thời đó.
Nhóm nghiên cứu còn chứng minh người Lạc Việt từng giương buồm đi đến tận châu Mỹ và là chủ lực khai phá ‘con đường tơ lụa trên biển’ đi qua Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Malacca, Sri Lanka tới Tanzania ở châu Phi.
Kết luận quan trọng nhất mà công trình nghiên cứu này đưa ra là:
Ngay từ thời Thương-Chu (khoảng năm 1300 TCN), tổ tiên chung của các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng là người Lạc Việt đã xây dựng một chính quyền địa phương gọi là ‘Phương quốc Lạc Việt’ ở vùng Lĩnh Nam5, và tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.
Trống đồng khai quật trong quá trình nghiên cứu.
Ở đây vương triều trung ương là vương triều của người Hoa Hạ (về sau gọi là người Hán) ở vùng Trung nguyên (vùng hạ lưu Hoàng Hà, nghĩa hẹp là tỉnh Hà Nam hiện nay). Quản lý có thể hiểu là cai trị.
Theo kết luận trên, 8 dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng – Đồng (Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam) là hậu duệ của người Lạc Việt và từ 3300 năm trước họ đã tổ chức một nhà nước (Phương quốc); nhà nước này tuân theo lệnh của các vương triều Hoa Hạ đã khai phá và cai trị vùng Lĩnh Nam cũng như Biển Đông.
Thiết nghĩ nhận định này ít nhất có ba điểm cần lưu ý:
1- Từ năm 1300 TCN vùng Lĩnh Nam, trong đó có VN, chịu sự cai trị của Phương quốc Lạc Việt và các vương triều Hoa Hạ. Như vậy nghĩa là thời kỳ Bắc thuộc của VN bắt đầu sớm 1100 năm và kéo dài 2300 năm. Điều này trái với quan điểm của sử học TQ và VN cho rằng chỉ sau khi bị Triệu Đà chiếm [203 TCN], nước ta mới bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.
2- Dân tộc VN không thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (vì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, khác ngữ hệ Hán-Tạng), do đó không phải là hậu duệ của người Lạc Việt. Trước hết, điều này mâu thuẫn với quan điểm của chính Lương Đình Vọng khi ông cho rằng cuối thời Chiến Quốc (khoảng 220 TCN) một bộ phận người Lạc Việt di cư về phía Nam đến VN, lập ra nước Âu Lạc, là tổ tiên của người Kinh VN và làm nên nền văn hóa Đông Sơn – tức ông cho rằng người VN là hậu duệ của người Lạc Việt. Nhưng thực tế là tiếng VN hoàn toàn khác với các thứ tiếng thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng, điều đó chứng tỏ người VN là người bản xứ có từ nhiều nghìn năm trước, không phải là người Lạc Việt di cư; bởi lẽ người Lạc Việt không thể sáng tạo được tiếng VN trong thời gian hơn 2200 năm.
Hai tập bộ sách ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’.
3- Từ 3300 năm trước, người TQ cổ đại đã khai thác và quản lý Biển Đông. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của sử học TQ cho rằng người TQ chậm chinh phục biển, đến thế kỷ XV mới có chuyến thám hiểm hàng hải đầu tiên của Trịnh Hòa (1405-1433).
Dư luận TQ cho rằng kết luận của dự án ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ có ý nghĩa tượng trưng cho sự giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của TQ. Chính Lương Đình Vọng đã nói TQ muốn giải quyết vấn đề Nam Hải (tức độc chiếm Biển Đông) thì phải coi trọng nghiên cứu văn hóa Lạc Việt, điều đó có liên quan tới an ninh văn hóa quốc gia, an ninh vùng biển và lãnh thổ TQ. Để bảo vệ chủ quyền của TQ ở Nam Hải, ngoài việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại còn phải tăng tốc nghiên cứu văn hóa lịch sử, đặc biệt văn hóa Lạc Việt. Ý kiến này hoàn toàn ăn nhập với chủ trương TQ có chủ quyền bên trong ‘Đường 9 đoạn’ trên Biển Đông.
Theo chúng tôi, kết luận nghiên cứu nói trên chỉ là sự hưởng ứng chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán thời nay, mâu thuẫn với quan điểm trước đây của sử học TQ.
***
Trong tình hình giới học giả TQ ráo riết tiến hành các nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích chính trị bành trướng, thiển nghĩ giới sử học nước ta nên triển khai công tác nghiên cứu tương ứng nhằm bác bỏ các kết luận vô lý của họ. □
—–
Ghi chú:
[1] nghiencuuquocte.org/forums/topic/to-tien-nguoi-trung-quoc-la-ai/
[2] http://news.ifeng.com/a/20140619/40798790_0.shtml
[3] Các thực thể chính trị độc lập ở TQ thời xưa chia 3 loại. Cổ quốc là quốc gia nguyên thủy kiểu Thành-bang thời kỳ đầu, cao cấp hơn bộ lạc. Sau đó tiến sang thời kỳ Bang quốc rồi đến thời kỳ Phương quốc, tương đương đời Thương-Chu, khi TQ có chữ Giáp cốt. Phương quốc đầu tiên xuất hiện trước đời nhà Hạ. Lạc Việt cổ quốc (chữ Tráng Latin là Luegvet) do người Lạc Việt xây dựng tại vùng Lĩnh Nam; phạm vi lãnh thổ: phía bắc từ lưu vực sông Hồng Thủy (Quảng Tây), phía tây từ đông nam cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, phía đông đến Lôi Châu ở đông nam Quảng Đông, phía nam đến đảo Hải Nam và lưu vực sông Hồng VN. Nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Lạc Việt là ở TQ, kinh đô ban đầu ở Vũ Minh (Đại Minh sơn, Nam Lộc) Quảng Tây.
[4] Ngữ tộc là nhóm các dân tộc có ngôn ngữ giống nhau. Ngữ tộc Tráng-Đồng (壮侗语族Zhuang-Dong group) gồm các dân tộc Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam (壮, 侗, 布依, 黎, 傣, 水, 仫佬, 毛南). Ngôn ngữ của ngữ tộc này thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Thời xưa một bộ phận người Tráng di cư sang VN, làm nên dân tộc Tày-Nùng (岱侬), hiện có 2,7 triệu người, là dân tộc thiểu số đông nhất ở VN.
[5] Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh, thời nhà Đường là khu vực hành chính có tên Lĩnh Nam Đạo, do vương triều TQ cai trị, trong đó có cả đồng bằng Bắc Bộ VN, đến thời Ngũ Đại (khoảng năm 900) thì VN độc lập tách ra.
[6] Dòng chữ Trung Quốc Nhân dân Ngân hàng (Zhongguo Renmin Yinhang) và 100 Yuan (Yi bai Yuan), chữ Tráng Latin viết là Cunghgoz Yinzminz Yinzhangz và it bak maenz.
Trước kia họ có tên chữ Hán là 僮, chữ này có hai âm đọc là [zhuàng] và [tóng], khi đọc [tóng] thì có nghĩa ‘đầy tớ trẻ con’, dễ gây hiểu lầm. Vì thế năm 1965 Thủ tướng TQ Chu Ân Lai đề nghị đổi 僮 thành 壯 [zhuàng] với nghĩa ‘cường tráng’. Năm 221 TCN quân nhà Tần chia 5 lộ xâm chiếm vùng Lĩnh Nam, riêng lộ quân phía Tây gặp sự chống trả của tổ tiên người Tráng, mãi đến năm 214 TCN nhà Tần mới chiếm được toàn bộ Lĩnh Nam. Trước đây giới sử học TQ cho rằng người Tráng tới đời Đường-Tống mới có một loại chữ vuông dựa trên cơ sở chữ Hán.
Nhưng loại chữ này mỗi vùng một khác nên khó sử dụng; trên thực tế người Tráng chủ yếu vẫn dùng chữ Hán. Năm 1955, Nhà nước TQ làm ra một loại chữ Tráng trên cơ sở chữ cái Latin; hiện đã được dùng rộng rãi. Qua mấy chữ Tráng in trên đồng bạc TQ6, có thể thấy tiếng Tráng khác tiếng VN. Trong 55 dân tộc thiểu số của TQ cũng có dân tộc VN, mà TQ gọi là dân tộc Kinh, hiện có khoảng 22.000 người, sống ở 3 đảo nhỏ ngoài biển Quảng Tây. Họ nói tiếng VN, viết chữ Quốc ngữ, tuy cũng phổ biến dùng Hán ngữ.
Dân tộc Tày-Nùng ở VN chính là con cháu của người Lạc Việt thời xưa di cư sang. Họ nói một thứ tiếng khác tiếng Việt và có phong tục tập quán khác người Việt.