Sứ mệnh khai hóa: Nguồn gốc và những ngụy biện phân biệt chủng tộc

Lời tòa soạn: Giới học thuật trong nước vừa dấy lên cuộc tranh luận xung quanh cuốn sách ‘Tâm lý dân tộc An Nam’, mới được tái bản của Paul Giran, giữa một bên cho rằng cần phải chấp nhận, biết ơn những nhận xét thẳng thắn của tác giả để hiểu thêm về tâm lý dân tộc An Nam, với một bên phản đối những phê phán sự hèn kém của một dân tộc này so với dân tộc khác và cái gọi là trách nhiệm đi khai sáng, dựa trên tiến hóa luận và phân biệt chủng tộc sâu sắc. Để có một điểm tựa cho thảo luận, cần phải nhìn lại tường tận gốc rễ vấn đề này, hiểu rõ quan điểm của Paul Giran xuất phát từ nền tảng nào. Do đó, cùng thảo luận lại luận thuyết ‘sứ mệnh khai hóa’ đã được hình thành, xây đắp, biện hộ và sử dụng cho công cuộc khai thác thuộc địa trong suốt thế kỷ 19 ra sao, là điều cần thiết.


 ‘Văn minh’ đẩy lùi ‘man rợ’. Nguồn: Library of Congress.

Khái niệm ‘sứ mệnh khai hóa’ được thai nghén từ rất nhiều nguồn tư tưởng tôn giáo, chính trị và học thuật trước và sau cuộc Cách mạng Pháp 1789 nhưng thực sự phát triển vào thế kỷ 19 cùng lúc với công cuộc khai thác thuộc địa để biện minh cho chính hành động thực dân. ‘Sứ mệnh khai hóa’ được chắp bút hay tuyên bố bởi một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học, chính trị gia, các thương nhân Pháp. Bằng cái gọi là ‘xác tín chính trị’ hoặc ‘thực chứng’ khoa học, họ đã tự khẳng định và thực thi ‘sứ mệnh cao cả’ này như một bổn phận của những dân tộc văn minh thượng đẳng đưa những tộc người hèn kém hạ đẳng thoát ra khỏi man rợ. ‘Sứ mệnh khai hóa’ là đặc trưng riêng biệt của chủ nghĩa thực dân Pháp mà các nhà lý luận thực dân Pháp đề cao để phân biệt với kiểu thực dân ‘con buôn’ của Anh hay Hà Lan.

 

Thuyết cứu thế Pháp

 

Khái niệm sứ mệnh khai hóa dựa trên thuyết cứu thế của Pháp với niềm xác tín rằng Pháp quốc có sứ mệnh truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và có nghĩa vụ giải thoát các tộc người khỏi những bạo ngược của thiên tai, bệnh tật, dốt nát và sự chuyên chế bằng cách đem lại cho họ kỹ thuật, y tế, giáo dục và một nền quản trị trong sạch. Như vậy, Pháp quốc sẽ biến đổi các tộc người cả về thể chất lẫn tinh thần. Thuyết cứu thế có thể được định nghĩa là một loạt các huyền thuyết và ý tưởng chủ đạo, nó chi phối mạnh mẽ hoạt động văn hóa của Pháp trên thế giới.

Thuyết cứu thế này gắn liền của thuyết cứu thế của Thiên chúa giáo. Từ thế kỷ 17, trở thành ‘con cả của Giáo hội’, Pháp tiến hành một cuộc bành trướng văn hóa và kinh tế. Sự sắp đặt của lịch sử này tạo nên mối giao hòa giữa cái phổ quát của văn minh Pháp và cái phổ độ của Thiên chúa giáo. Nước Pháp trở thành ‘cường quốc cứu thế quan trọng bảo trợ trí tuệ và tinh thần bên ngoài biên giới Pháp và bên trong các đế chế và cường quốc khác’. Lúc đó, Pháp xuất khẩu những mẫu hình văn hóa và ngôn ngữ của mình dưới bức bình phong là thuyết thế giới đại đồng. Những kiểu mẫu này là công cụ hữu hiệu để ‘mua chuộc’ hay ‘lấy lòng’ giới tinh hoa Âu châu. Cuộc chinh phục văn hóa này thể hiện thứ logic của quyền lực, tiến bộ kỹ nghệ, khoa học và khái niệm hơn là mục đích thống trị của đế quốc.

Hai thứ thuyết cứu thế này đồng thuận bên ngoài lãnh thổ Pháp để truyền tải những giá trị quốc gia thông qua việc giảng dạy kiến thức cổ học nhân văn. Mặc cho cuộc bại trận của Pháp năm 1870 trong cuộc chiến Pháp – Phổ, thuyết cứu thế của Pháp tiếp tục phát huy ảnh hưởng và chỉ đạo hoạt động đối ngoại văn hóa của nước Pháp. Thậm chí hoạt động đối ngoại văn hóa này vẫn liên tục phát triển bất kể dưới nhiều thể chế chính trị khác nhau của Pháp về sau này.

Văn minh chống lại man rợ
 

Trong cuốn Sơ thảo phác đồ lịch sử các tiến bộ nhân loại, Condorcet, triết gia và chính trị gia, đại diện tiêu biểu của tư tưởng Khai sáng, đã miêu tả chín nấc thang của quá trình tiến hóa của nhân loại: cấp thấp nhất là bộ tộc và cấp cao nhất là chính thể Cộng hòa Pháp. Những giá trị tinh thần mới của châu Âu được coi là những giá trị phổ quát cho toàn nhân loại. Condorcet hình dung ra một tương lai mà ở đó: Thương điếm của những kẻ bất lương sẽ trở thành thuộc địa của những công dân, họ sẽ truyền bá sang tận châu Phi và châu Á những nguyên tắc và mẫu mực của tự do, tư tưởng ánh sáng và lý trí của châu Âu. Condorcet còn dự kiến tiêu diệt những tộc người quá xa cách hay quá hung bạo bằng hình thức diệt chủng hay đồng hóa. Tiêu trừ tối đa, đến mức chúng bị đẩy lùi bởi những dân tộc văn minh, chúng sẽ biến mất dần dần hoặc chính chúng tự lụi tàn trong cộng đồng của chúng.

Để biện minh cho công cuộc thuộc địa bằng lập luận là những dân tộc khai sáng có nghĩa vụ khai hóa những tộc người bị rớt lại phía sau, Condorcet nêu ra những lý lẽ và luận chứng căn bản và làm nên định nghĩa của ‘sứ mạng khai hóa’.

Đầu thập niên 1830, giáo sư triết học Jean-Philibert Damiron giải thích cho học sinh ở Trung học Louis-Le-Grand và sinh viên Trường Sư phạm Paris (phố Ulm), hai cái nôi đào tạo nên giới tinh hoa trí tuệ Pháp, rằng ‘mọi thứ luôn được phân ra thành thượng đẳng và hạ đẳng’ hay ‘những tộc người đã được khai hóa và những tộc người không được khai hóa’. Bản thân bên trong những tộc người văn minh thì ‘những người văn minh và đi khai hóa còn được xếp ở thứ hạng cao hơn những người chỉ được khai hóa’. Tộc người thứ hai phải xếp dưới sự giám hộ của tộc người thứ nhất.

‘Khi đó, tộc người mạnh không chỉ bảo vệ và giải thoát cho tộc người kém, đem lại giàu có và sung túc, mà còn cố gắng khai sáng, gọt giũa, hoàn thiện và tu dưỡng tộc người kia’.

Như vậy, khái niệm về một sứ mệnh khai hóa chế ngự và thuần hóa thiên nhiên của người văn minh ăn sâu vào triết lý đạo đức ở nửa đầu thế kỷ 19. Năm 1841, Victor Hugo đã hào hứng biết bao trước cuộc chinh phục Algérie của tướng Bugeaud, với biệt danh (mỉa mai) sau này là ‘người hùng hun khói’- chuyện làm chết ngạt kẻ thù bằng khói : Văn minh đang đẩy lùi mông muội. Một dân tộc khai sáng sẽ tìm đến một dân tộc khác đang chìm trong bóng đêm. Chúng ta là những người Hy Lạp của thế giới; chính chúng ta sẽ thắp sáng thế giới. Sứ mệnh của chúng ta đang hoàn thành, ta chỉ còn biết mừng ca.

Triết thuyết văn minh chống lại mông muội được tung hô như vậy vì mục đích khai hóa.

 

Những học giả `lãnh sứ mệnh’

 

Vào nửa sau thế kỷ 19, lập luận đạo đức càng được củng cố bởi chủ nghĩa duy lý. Địa lý, sinh học, sinh lý học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học và xã hội học đều được đem ra phụng sự cho sứ mệnh khai hóa. Đầu thế kỷ 19, sự phân loại chủng tộc được dựa vào ngành ngôn ngữ học thì đến nửa sau thế kỷ 19, các học giả Pháp chuyển hướng phân loại dựa vào sinh học. Trường Nhân loại học Paris, dưới sự dẫn dắt của Paul Broca, đưa ra định nghĩa về ‘hệ hình chủng tộc’, chia loài người thành các cấp bậc giống nòi. Khái niệm này là sự kết nối giữa thuyết tiến hóa của những nhà triết học Khai sáng – sự tiến bộ sẽ đưa người mông muội trở thành người văn minh, với thuyết biến hình của Lamarck và Darwin – phân loại các sinh vật theo trục tiến hóa. Khái niệm giống nòi thượng đẳng và hạ đẳng được cổ súy qua vô vàn các công trình pha trộn giữa giai thoại sử học, quan sát dân tộc học và đo lường nhân trắc học. Thử đơn cử nhận xét về loài người của Gustave Le Bon, bác sỹ, nhà nhân chủng học, tâm lý học và xã hội học, đại diện tinh túy của trí tuệ Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Một bài báo khoa học của ông nghiên cứu mối liên hệ giữa kích thước của não và trí thông minh thế này: ở trên cao là những giống nòi thượng đẳng như các nhà bác học hay dân tư sản Paris, và dưới thấp là giống nòi hạ đẳng như người giúp việc, nông dân, và phụ nữ cũng nằm trong số này! Nhóm hạ đẳng này ‘đại diện cho những hình thái thấp kém nhất trong sự tiến hóa của nhân loại, nó gần với trẻ con và người hoang dã hơn là với người văn minh’ !


Thi hào Victor Hugo đã hào hứng biết bao trước cuộc chinh phục Algérie của tướng Bugeaud, với biệt danh (mỉa mai) sau này là ‘người hùng hun khói’. Tranh tướng Thomas Robert Bugeaud. Nguồn: wikipedia. 

Từ những năm 1870, những nhà khoa học, Gustave Le Bon, nhà lý luận thuộc địa Jules Harmand hay nhà toán học Léopold de Saussure giữ nguyên quan điểm cố định luận về nòi giống loài người nhưng có tiết chế bớt bởi thuyết Tân Lamarck. Họ cho rằng nhờ cải thiện điều kiện sống (vệ sinh, y tế, sức khỏe sinh sản…), nhờ giáo dục và nhờ việc định hình các thói quen cần thiết để thụ đắc các đặc tính lành mạnh thì chúng ta có thể cải thiện được các giống người.

Thuyết Tân Lamarck đã tìm thấy tính ứng dụng cũng như tác dụng của mình trong sứ mệnh khai hóa, vì sứ mệnh này kết hợp giữa tiến bộ vật chất và tinh thần và mang mục đích ‘cải thiện’ giống nòi hạ đẳng. Paul Bert, Thống sứ Trung kỳ và Bắc kỳ (1886) và Lanessan, Toàn quyền Đông Dương (1891-1894), tiến hành thực hiện sứ mạng khai hóa với mục đích cải tổ xã hội.

Khái niệm ‘sứ mệnh khai hóa’ tìm được đất phát triển thông qua các hiệp hội học giả từ những năm 1870 trở đi (Conklin 1997: 11-13). Thành viên các hiệp hội là những nhà khoa học, giảng viên, nhà báo, nhà chính trị, quan chức cao cấp, quân nhân, nhà ngoại giao, nhà thám hiểm, thương nhân. Rất nhiều các hiệp hội như vậy, được thành lập ngay tại các xứ thuộc địa, trở thành ‘nơi tiếp vận và mắt xích trong bộ máy hành chính thuộc địa hơn là những tổ chức học giả uyên bác độc lập’.

 

Bổn phận khai hóa

 

Sứ mệnh khai hóa ở cuối thế kỷ 19 được coi như là một trong những nền tảng trụ cột của công cuộc thực dân Pháp. Đối với người Pháp thời đó, lập luận khai hóa này cũng giúp cho người Pháp phản bác lại sự mâu thuẫn giữa nguyên tắc bình đẳng, tự do bắt nguồn từ Cách mạng Pháp với sự phục tùng của các dân tộc bị trị.

Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, người đề xướng công cuộc thực dân ‘khai hóa’ , viết năm 1931 rằng đối lập với ‘giáo lý khắt khe mặc định sự hạ đẳng vĩnh viễn của một vài giống nòi’, sứ mạng khai hóa của Pháp nặn đắp nên, một cách kiên trì, diện mạo của một giống người mới’ trong thứ đất sét vô dạng của vô vàn những nhân tố nguyên thủy’. Sứ mạng này giúp nền Cộng hòa Pháp thoát khỏi cuộc tranh luận cũ kỹ về cuộc xâm chiếm thuộc địa và sự hung bạo của nó.

Trong khi giáo dục đại diện khía cạnh tinh thần của sứ mệnh khai hóa thì y tế (vệ sinh, tiêm chủng…), xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, đường sắt, thủy lợi…) và an ninh (chống trộm cắp, sự bành trướng của những nước láng giềng) là khía cạnh vật chất. Khi đến Bắc kỳ vào năm 1886 nhậm chức Thống sứ Bắc và Trung kỳ, Paul Bert tuyên bố đến dân bị trị: Giống như người Trung Hoa trước kia đã cải thiện hiện trạng xã hội của các người bằng cách đem văn minh đến, khai tâm các người qua vị trí nước lập pháp, thì người Pháp cũng vậy, người Pháp hôm nay đến nhà các người để cải thiện nền nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế, và còn để nâng cao dân trí thông qua giáo dưỡng.

Chúng ta có thể dẫn chứng ra vô khối những ví dụ của thể loại diễn văn này, chúng mô tả làm thế nào mà ‘hình ảnh truyền thống của nước Pháp nhân nghĩa’đang nỗ lực thực hiện để đem lạisự hài hòa giữa mục tiêu tinh thần và sự kiếm tìm phồn thịnh vật chất’. Số lượng trường lớp và học sinh tăng lên được đưa lên hàng đầu như khẩu hiệu tuyên truyền.

Tuy nhiên, giáo dục chỉ là công cụ phục vụ cho những mục đích chính trị và kinh tế của công cuộc thuộc địa. Đối với những quan chức thuộc địa, từ nhà Việt Nam học, người sáng lập Tham hiện Hậu bổ Sài Gòn Éliacin Luro đến Paul Bert đều cho rằng ‘Trường học là công cụ hữu hiệu nhất, chắc chắn nhất nằm trong tay kẻ đi chinh phục’.

Sau công cuộc chinh phục lãnh thổ là đến cuộc ‘chinh phục tinh thần’ mà Georges Hardy, nhà lý luận về giáo dục thuộc địa, hiệu trưởng Trường Thuộc địa (1926-1937), đã định nghĩa như thế này vào năm 1917: Chúng ta cũng muốn nắm giữ đến tận con tim của người bản xứ và xóa bỏ mọi hiểu nhầm giữa họ và ta […] Đề cao xứ sở của họ, giúp họ gắn bó với sự nghiệp của chúng ta, đó là mục đích của cuộc chinh phục tinh thần. Cuộc chinh phục này lâu hơn và sáng láng hơn cuộc trước, nhưng cũng phong phú và đáng ngợi ca. Công cụ để thực hiện không thể là gì khác ngoài trường học.

 

Hiểu kỹ để trị tốt

 

Những thực tế trên lãnh thổ Đông Dương khiến cho nhà cầm quyền thuộc địa phải hiện thực hóa và cụ thể hóa sứ mạng khai hóa trên phương diện giáo dục bằng hai mô hình đồng hóa và hợp tác trong công cuộc chinh phục con tim dân bản xứ. Đồng hóa tức là Pháp hóa con dân bị trị để đưa họ đến gần với văn minh. Ví dụ, dân Nam kỳ ‘hiền lành, ôn hòa và dễ dàng cai trị’ thì dễ đồng hóa và sớm trở thành những người Pháp thứ thiệt ! Nhưng một hiểm họa và ám ảnh rình rập người Pháp, đó là đến thời điểm nào đó, dân bản xứ, sau một quá trình ‘tiến hóa’ sẽ đòi hỏi bình đẳng với kẻ đi chinh phục. Hợp tác thực chất là một ‘khế ước’, theo Jules Harmand, giữa kẻ thống trị và bị trị. Thay vì san phẳng truyền thống, văn hóa hay ngôn ngữ bản địa, kẻ chinh phục phải tôn trọng nền văn minh lâu đời ‘độc đáo và khá phát triểncủa các dân tộc Đông Dương, và chỉ nên giáo dục họ đủ để họ thoát ra khỏi tình trạng ‘trì trệ’. Kẻ bị trị phải chấp nhận sự thống trị thực dân, bù vào, họ được hưởng những lợi ích (trật tự xã hội, tiến bộ kỹ nghệ, an ninh, giáo dục, y tế…). Vì thế, vẫn nên hiểu sự hợp tác phải hoàn toàn nằm trong khuôn khổ đô hộ.

Paul Giran với cuốn “Tâm lý dân tộc An Nam” của mình đại diện cho chính sách hợp tác của nhà cầm quyền thuộc địa. Ngoài ra, vị quan chức này cùng với những đồng sự như Louis Brunot hay Robert Delavignette là những người khai mở ngành “tâm lý học thuộc địa”. Một “ngành nghiên cứu” dao động giữa kiến thức giảng đường với khoa học của giới không chuyên (amateur), giữa diễn ngôn chính trị và văn chương, giữa tâm lý học, địa lý, xã hội học và dân tộc học.

Hiển nhiên là sứ mệnh khai hóa này mâu thuẫn trực tiếp với lợi ích thống trị, vì lẽ, về bản chất nó mâu thuẫn với chính Tuyên ngôn Nhân quyền và nó cũng phản ánh tính hai mặt của tư tưởng Khai sáng. Các nhà Khai sáng tin tưởng rằng con người sẽ tự tìm ra cho mình sự giải thoát và đấng cứu tinh thay vì ngồi chờ đợi Chúa và Thiên hựu. Họ đề cao lẽ phải và tuyên ngôn các lý tưởng cao đẹp như bình đẳng, bác ái nhưng hành động thực hiện không tương ứng với tuyên ngôn. Quân đội của Napoléon Đệ nhất xâm chiếm Tây Ban Nha, Ai Cập, Ý hay Áo bằng chiến tranh, bạo lực, trấn áp nhưng vẫn giương cao ngọn cờ phần phật những lý tưởng Khai sáng và tuyên ngôn Cách mạng Pháp 1789. Nhưng công luận và trí thức Pháp chỉ thất vọng về mặt trái của Khai sáng khoảng 30 đến 40 năm sau khi những sự kiện này diễn ra..

Thời đại chúng ta sống, cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, đang chứng kiến một thứ thuyết cứu thế kiểu mới, như triết gia và nhà phê bình văn học Tzvetan Todorov phát biểu chống lại cuộc chiến ở Libye: ‘Từ 20 năm trở lại đây, chúng ta bị cuốn vào một đòn bẩy cứu thế với niềm tin rằng chúng ta có thể mang lại dân chủ và nhân quyền bằng vũ lực!’

‘Để giết người thì nhân danh nhân quyền cũng như nhân danh Chúa đều dễ như nhau!’

Không lẽ lịch sử là một vòng xoáy trôn ốc kiểu này?

‘Sứ mệnh khai hóa’ được thai nghén từ rất nhiều nguồn tư tưởng tôn giáo, chính trị và học thuật, được chắp bút hay tuyên bố bởi một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học và chính trị gia. Tuy nhiên, có những nhân vật, như Jules Harmand không tin vào sứ mệnh khai hóa, bằng những lý lẽ thẳng thừng: ‘Tốt hơn hết là hãy cố mà điều chỉnh các hành động của chúng ta sao cho phù hợp với hoàn cảnh thống trị, sự thống trị bằng chinh phục này bản thân nó đã không dân chủ, và đừng có lạm dụng những trò đạo đức giả nhỏ mọn và cả những trò ‘bịp bợm về văn minh’ vì nó chẳng đánh lừa được ai sất. Hãy cố mà tìm cách biện minh cho sự thống trị vì lợi ích chung của cả kẻ thống trị và bị trị’.

Tác giả