Tầm nhìn đa tầng về lịch sử Đại Việt thời Lý-Trần

Suốt hơn ba mươi năm nay, tôi say mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là giai đoạn Lý-Trần. Nhưng tài liệu nghiên cứu về thời Lý-Trần không thể nói là phong phú. Cho nên, một mặt tôi đã cố gắng đọc lại thật kỹ nguyên văn của các tài liệu quen thuộc (Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược…) song song với việc khai thác tài liệu mới (tài liệu khảo cổ và văn khắc cũng như tài liệu nước ngoài, nhất là của Trung Quốc), mặt khác, tôi đã tìm mọi cách học tập và áp dụng những lý luận và tầm nhìn mới như khu vực học và sử học toàn cầu. Dưới đây tôi xin nêu lên một số vấn đề đáng chú ý về lịch sử thời Lý-Trần khi phân tích dưới quan điểm Sử học toàn cầu (như đã giới thiệu trong kỳ trước [Tia Sáng, số 6 năm 2019]).


Trần Nhân Tông và con trưởng Trần Anh Tông trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ Xuất sơn Đồ. Năm 1293, Anh Tông được truyền ngôi Hoàng đế để Nhân Tông lên làm Thái Thượng hoàng. Chế độ hai vua (thượng hoàng và hoàng đế) ở nhà Trần và nhà Đinh, cũng như việc mẹ con cùng thi hành chủ quyền tối cao của nhà Lý đều có ý nghĩa ‘phân tán sự rủi ro’ của cơ chế mandala vốn thiếu tính ổn định. Nguồn: wikipedia.

Kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn

 

Lịch sử khai phá các vùng đồng bằng và quá trình phát triển của xã hội nông thôn trong giai đoạn Lý-Trần rõ ràng là một đề tài rất cần phân tích theo tầm nhìn khu vực và địa phương với lý thuyết về xã hội tiểu nông kiểu Đông Á. Trên đồng bằng sông Hồng, dân số đã tăng lên ngay từ thời Lý, chủ yếu ở các trung tâm nông nghiệp cổ ở vùng trung du và châu thổ cổ (old delta) và sự khai phá các vùng đầm lầy (back swamp) – châu thổ mới (young delta) – cồn cát duyên hải được triều đình và hoàng tộc nhà Trần đẩy mạnh từ thế kỷ XIII (Sakurai Yumio 1987b). Bất chấp sự can thiệp của nhà nước chuyên chế thời Lê Sơ và sự phát triển của thế lực địa chủ-cường hào sau thế kỷ XVI, cộng đồng làng xã tiểu nông phát triển rất mạnh trong giai đoạn sơ kỳ cận đại. Đó là hiện tượng giống Nhật Bản, mặc dù ở miền Bắc Việt Nam hiện tượng ‘chia đều cái nghèo’ (shared poverty) có vẻ xuất hiện phổ biến hơn.

Vấn đề chế độ ruộng đất cũng là đề tài đáng xem xét lại với tầm nhìn khu vực và địa phương. Khi tìm hiểu chế độ ruộng công, chúng ta cần xem lại tài liệu một cách chính xác. Không tài liệu nào chứng minh rằng có ruộng đất thuộc quyền sở hữu làng xã trước khi nhà Lê cấp ruộng đất cho các làng trong phạm vi toàn quốc nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế-xã hội đã bị phá hủy nặng nề sau cuộc xâm lược của nhà Minh và chiến tranh giải phóng đất nước kéo dài trong hai thập kỷ (Sakurai Yumio 1987a). Trong hơn 40 bản văn khắc thời Lý-Trần ghi về ruộng đất, không thấy từ công điền, trong khi quan điền có xuất hiện nhưng nhiều khả năng biểu thị ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý. Mà thêm vào đó, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến thuật ngữ dân điền.

Ở Trung Quốc sau thời Đường, công điềnquan điền đều chỉ ruộng đất do nhà nước trực tiếp sở hữu – còn phàm ruộng đất do tư nhân làm chủ thì gọi là dân điền1. Dù Cao Ly (Triều Tiên) và Nhật Bản (thời Heian-Kamakura) tiếp thu các thuật ngữ thời Đường, dân điền lại được coi là ruộng công vì quyền lợi của nông dân còn yếu ớt trước nhà nước. Tại đó, sự phân biệt giữa ‘công’ và ‘tư’ không phản ánh quyền sở hữu mà phản ánh quyền hưởng hoa lợi (tô) của ruộng đất.

Công điền thời Lý-Trần rất có thể cũng bao gồm cả dân điền (nhà nước thu tô) vì quyền lợi yếu ớt của nông dân cày cấy (không khác mấy so với địa vị nô tỳ: như quy định số lượng thóc nộp vào năm 1242 – mỗi 1 mẫu thu 100 thăng – bằng số thóc nộp của hoành nô). Trong khi đó ruộng đất tư nhân có quyền hưởng tô được gọi là tư điền: Vì thế mà An Nam chí lược chép rằng “nông thương [của tư nhân] không thu lương thuế.”

 

Quá trình hình thành vương triều phụ hệ

 

Sự hình thành của vương triều phụ hệ ở Đại Việt trước thời Trần cũng là đề tài tôi từng phân tích với tầm nhìn toàn cầu và khu vực. Chính quyền Đại Việt thế kỷ X mang tính chất mandala2 được xây dựng trên cấu trúc gia đình song hệ, ở đó sự kế thừa ngôi báu theo phụ hệ không được bảo đảm. Nhưng nguy cơ can thiệp của Trung Quốc mỗi khi xảy ra kế ngôi một cách không hòa bình (như trường hợp vụ ám sát cha con Đinh Bộ Lĩnh) đã khiến truyền thống kế ngôi theo phụ hệ dần hình thành một cách nhân tạo. Quá trình này bắt đầu từ đời Lý trước khi diễn ra biến đổi xã hội theo chiều hướng phụ hệ-gia trưởng (tương tự Nhật Bản trong thế kỷ VII-XI). Nói chung, xu hướng biến đổi toàn xã hội như thế này chỉ phổ biến ở các xã hội Đông Á trong thiên niên kỷ thứ hai, và muộn hơn ở các xã hội Đông Nam Á không tiếp thu văn minh Trung Hoa.

Trong thời Lý, ba vị vua đầu tiên là người đàn ông lớn tuổi có đủ năng lực và uy tín, nhưng từ đời Nhân Tông trở về sau, liên tục xuất hiện hiện tượng vua còn nhỏ được hoàng thái hậu nhiếp chính (không nhất thiết phải là vợ chính của vua trước, nhưng nắm được chính quyền với tư cách là mẹ đẻ của vua trẻ). Cùng thời kỳ đó, các hoàng thái hậu Bắc Tống cũng có sức mạnh chính trị lớn. Đáng chú ý là trường hợp hoàng thái hậu vẫn có sức mạnh chính trị lớn sau khi vua đã lớn như Linh Nhân Thái hậu (Ỷ Lan Phu nhân) thời Nhân Tông, Cảm Thánh Thái hậu thời Anh Tông, và Đàm Thái hậu thời Huệ Tông. Có lẽ nhằm mục đích bảo vệ mình và con, các bà hoàng thái hậu hay liên kết với người đứng đầu cấm quân, như Linh Nhân Thái hậu với Lý Thường Kiệt và Cảm Thánh Thái hậu với Đỗ Anh Vũ. Hành động đó có vẻ giống sự liên kết của Dương Thái hậu (vợ của Đinh Bộ Lĩnh) với Lê Hoàn, nhưng các hoàng thái hậu thời Lý quyết không lấy chồng mới (khác trường hợp Dương Thái hậu đã lấy Lê Hoàn) nên không gây ra sự thay đổi vương triều. Kết quả là hình thức kế thừa trực hệ của ngôi báu được duy trì lâu dài và tránh được can thiệp Trung Quốc.

Nhà Trần lại nổi tiếng về chế độ hôn nhân đồng tộc trong dòng họ phụ hệ để tránh sự khống chế ngôi báu của ngoại tộc, bất chấp sự tranh giành quyền lực trong dòng họ dễ xảy ra. Nhật Bản vào thế kỷ VII và thế kỷ XI, và Cao Ly vào thế kỷ XI cũng thực hiện hôn nhân đồng tộc để củng cố vương quyền. Chế độ thượng hoàng cũng góp phần vào việc củng cố phương thức kế thừa trực hệ và dòng họ phụ hệ – tương tự như Nhật Bản vào thế kỷ XI-XIV và Nam Tống vào thế kỷ XII. Cũng như trường hợp các nước đó, vai trò phụ nữ họ Trần (nhất là của hoàng thái hậu, quốc mẫu là mẹ hoàng hậu, trưởng công chúa là chị của hoàng đế) trong chính trị, kinh tế, tôn giáo v.v. cũng không thể coi thường. Chế độ hai vua (thượng hoàng và hoàng đế) ở nhà Trần và nhà Đinh, cũng như sự mẹ con cùng thi hành chủ quyền tối cao của nhà Lý đều có ý nghĩa ‘phân tán sự rủi ro’ của cơ chế mandala vốn thiếu tính ổn định. Hiện tượng này là tương tự trường hợp các vương triều Đông Nam Á khác (Majapahit trong thế kỷ XIV-XV, Siam và Campuchia trong giai đoạn sơ kỳ cận đại…).

 

Nguy cơ toàn diện trong thế kỷ XIV

 

Như điểm lại trên, nước Đại Việt từ thế kỷ X đến thời Lý-Trần từng bước phát triển và ổn định trong mọi mặt. Nói theo thuật ngữ của học giả Mỹ Lieberman mà tôi đã giới thiệu số trước thì nước Đại Việt giai đoạn đó đã thành công trong xây dựng ‘chính quyền hiến chương’. Nhưng đến thế kỷ XIV, đã xuất hiện thay đổi cơ bản trong xã hội Đại Việt và bối cảnh quốc tế của nó. Chính quyền hiến chương của Đại Việt bị giải thể trong bế tắc và nguy cơ toàn diện. Tính chất của biến đổi và nguy cơ này, cũng như chiều hướng cải cách sau đó cũng đáng xem xét với tầm nhìn đa tầng.

Thiên tai liên tục như hạn hán năm 1315, 1324, 1326, 1343, 1348, 1355, 1358…; lũ lụt năm 1310, 1319, 1320, 1333, 1336, 1338, 1348, 1351, 1352, 1355, 1359, 1360…; nạn đói năm 1310, 1333, 1354… rõ ràng phản ánh sự thay đổi khí hậu trong phạm vi toàn cầu, tức là sự bắt đầu của thời kỳ Tiểu Băng hà3, sau mấy thế kỷ có khí hậu ấm áp (khí hậu ấm áp Trung Đại).

Trong hoàn cảnh đó, xã hội nông thôn đã thay đổi như thế nào? Chúng ta có thể suy đoán điều đó (với cả tầm nhìn địa phương) qua tài liệu văn khắc. Về thời Lý trở về trước, phần lớn văn khắc được quý tộc và chùa Phật cho khắc ít nói về ruộng đất. Nhưng thời Trần có 37 văn khắc (trong đó 34 chiếc được khắc vào thế kỷ XIV) ghi về ruộng đất và các thứ tài sản khác, phần lớn như tài sản được cúng tiến cho nhà chùa. Bên cạnh sự cúng tiến quy mô lớn được ghi chép trong Thanh Mai viên thông tháp bi (khắc năm 1362) của sư Pháp Loa, nhiều văn khắc ghi chép sự cúng tiến quy mô nhỏ (hay gồm mảnh ruộng dưới 1 diện tức mẫu). Chủ cúng tiến gồm không ít đàn bà (không nhất thiết là đàn bà góa chồng).

Chủ cúng tiến hay có danh hiệu thư gia hoặc thư nhi (công việc như thư ký) và thị vệ nhân (lính bảo vệ cung điện), hoặc đội trưởng của những người đó là hỏa đầu. Có đàn bà có danh hiệu dưỡng mẫu (công việc chăm sóc con cháu quý tộc?). Phải chăng đó là những người thuộc tầng lớp trên trong làng xã? Những người rõ ràng có địa vị thấp như sở dịch nhân cũng xuất hiện như là người cúng tiến – nhiều khả năng họ lợi dụng sự phục vụ của mình với nhà nước để lấy cả tư điền lẫn dân điền mình cày cấy làm tài sản riêng để có thể cúng tiến cho nhà chùa. Quyền lợi cầu phúc qua cúng tiến không còn được lớp quý tộc độc chiếm nữa. Đó là bằng chứng trong tôn giáo về sự nâng cao địa vị xã hội của dân làng. Biểu hiện khác của địa vị xã hội nâng cao này chính là phong trào chống lại vương hầu của lớp nô tì-đầy tớ sau những năm 1330, sự kiện được ghi chép trong chính sử. Trước sự tiến lên của dân làng, nhà nước cuối thế kỷ XIV phải công nhận dân điền là tư điền, và trên đó nhà nước chỉ thu tô rất nhẹ (mỗi mẫu 3 thăng). Sau sự thay đổi phạm trù này, nguồn tài chính nhà nước phải dựa vào công điền (một phần nhà nước trực tiếp quản lý)  và tiền sưu dịch khá nặng (thuế đinh đời sau), trong khi bản thân tư điền chỉ bị đánh thuế sau thế kỷ XVIII.

Địa vị được nâng cao của toàn thể dân làng xã chắc phản ánh sự phát triển của sức sản xuất nhờ có khí hậu thuận lợi và sự nghiệp khai phá các vùng đồng bằng trong các thế kỷ trước, nhưng phát triển đó kèm theo sự tăng trưởng dân số nhanh chóng. Quy mô nhỏ hẹp của ruộng đất được cúng tiến nhiều khả năng phản ánh chiều hướng thu hẹp của quy mô canh tác-sở hữu. Vì một khi khí hậu trở nên bất lợi, thiên tai liên tục thì rối loạn xã hội (gồm cả tranh chấp ruộng đất) là điều tất yếu. Sự cúng tiến có thể là biện pháp cuối cùng của người dân để hạn chế rủi ro và bảo vệ quyền cày cấy của mình bằng cách đặt dưới sự bảo hộ của nhà chùa.


Hai đại biểu của tư tưởng Nho giáo tại Đại Việt và Triều Tiên trong thế kỷ XIV: Chu Văn An và An Hyang (An Hướng). Cuối thời Trần, cũng như Triều Tiên cuối Cao Ly – đầu Choson là thời kỳ diễn ra quá trình suy thoái của Phật Giáo, cùng với các cải cách của lớp nho sĩ trên cơ sở tầng lớp tiểu nông đang lên – với cải cách Hồ Quý Ly hay cải cách của phái Sinjinsadaebu (Tân tiến sĩ đại phu) là ví dụ. Nguồn: wikipedia.

Môi trường chính trị khu vực trong thế kỷ XIV cũng gây khó khăn cho nước Đại Việt. Ở phía Bắc, nhà Minh gia tăng sức ép hòng xây dựng lại bá quyền toàn cầu do đế chế Mông Cổ thiết lập trước đó (dù dựa trên các hình thức Trung Hoa). Biên giới phía Nam chịu sự tấn công liên tục của Chiêm Thành (Champa) trong những năm 1370-80. Tính chất ‘tranh giành thiên hạ’ của cuộc chiến Đại Việt – Champa cũng được phản ánh trong chính sử: Khi vua Champa Chế Bồng Nga đánh vào năm 1390, người Nghệ An (Nghệ Tĩnh ngày nay) có thái độ thần phục với hai phía, trong khi người Tân Bình và Thuận Hóa (Bình-Trị-Thiên ngày nay) phần lớn theo Chiêm4. Vị trí địa-chính trị của từng địa phương một cũng cần được tìm hiểu cụ thể bằng tầm nhìn địa phương. Chẳng hạn, vị trí giao điểm giao thông Nam-Bắc (Đại Việt-Champa) và giao thông Đông-Tây (biển Đông-vùng Trường Sơn giáp Lào) của Nghệ An đã ảnh hưởng đến thái độ chính trị-quân sự của nó như thế nào?

Những chuyển biến cơ bản của lịch sử Đại Việt trong giai đoạn Lý-Trần rõ ràng là một bộ phận không thể thiếu được của lịch sử toàn cầu – và vẫn còn nhiều vấn đề đáng nghiên cứu kỹ.

Mặt khác, tầm nhìn mạng lưới tộc người cũng cần thiết khi phân tích hoạt động của các cộng đồng người phân bố trong phạm vi nhiều nước như người Chăm, Thái-Lào, Hoa v.v. trong thời kỳ biến đổi ấy.

Khủng hoảng chính trị và đường lối cải cách thời cuối Trần cũng cần phân tích với tầm nhìn khu vực. Hoàng tộc nhà Trần vốn dựa vào sức lao động lệ thuộc và uy tín Phật giáo từ những năm 1330 đã mất dần sức mạnh chính trị và quân sự. Chế độ hôn nhân đồng tộc và thượng hoàng-hoàng thái hậu đã mất hiệu quả sau khi Trần Minh Tông (năm 1357) và vợ là hoàng thái hậu Hiền Từ (1369) mất. Những rối loạn sau đó đã đưa Hồ Quý Ly là đại diện ngoại tộc lên cầm quyền sau đời Nghệ Tông (lên ngôi năm 1370). Cũng thời kỳ đó là sự xuất hiện của lớp nho sĩ trên cơ sở lớp tiểu nông đang lên. Các nho sĩ và Hồ Quý Ly đã tiến hành cải cách mọi mặt, và ý thức đất nước-thần thoại-lịch sử phù hợp với xã hội mới cũng được các nho sĩ (như Phạm Sư Mạnh và Hồ Tông Thốc) tạo ra. Những cải cách đó bị thất bại dưới cuộc xâm lược của nhà Minh, nhưng đã tạo ra tiền đề cho các cải cách thời Lê Sơ. Quá trình suy thoái của Phật Giáo và cải cách của nho sĩ cũng xảy ra ở Triều Tiên từ cuối thời Cao Ly (Koreo) đến đầu triều Lý (Yi/ Choson).

 

Kết luận và đề xuất

 

Những chuyển biến cơ bản của lịch sử Đại Việt trong giai đoạn Lý-Trần rõ ràng là một bộ phận không thể thiếu được của lịch sử toàn cầu – và vẫn còn nhiều vấn đề đáng nghiên cứu kỹ. Rõ ràng nét đặc sắc của Việt Nam không được hình thành từ chân không, tính sáng tạo của dân tộc Việt Nam không được phát huy trên giấy trắng. Với tầm nhìn đa tầng của phương pháp lịch sử toàn cầu, chúng ta có thể làm sáng tỏ hơn cái độc đáo của lịch sử Đại Việt thời Lý-Trần.

Để tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về lịch sử thời Lý-Trần và góp phần xứng đáng vào nghiên cứu lịch sử toàn cầu, tác giả có hai đề xuất. Thứ nhất, các nhà nghiên cứu hãy tăng cường sự trao đổi và cung cấp thông tin cho giới khoa học thế giới. Thứ hai, cần xây dựng nền ‘Hán học Mới’ không mang tính chất ‘Đại Hán’ nhằm phục vụ cho sự phát triển hơn nữa của bản thân sử học Việt Nam và cả sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực Đông Á. Với đóng góp toàn cầu và khu vực như thế, tác giả chắc rằng giới sử học Việt Nam sẽ có thể phát huy tiểm năng của mình một cách toàn diện.

—–

Tài liệu tham khảo

Momoki Shiro (2011). Chusei Daietsu kokka no seiritsu to henyo (Sự thành lập và biến đổi của quốc gai Đại Việt trong giai đoạn Trung Đại), NXB ĐH Osaka.

Momoki Shiro (2019). “Cách tiếp cận mới của phương pháp sử học toàn cầu và một số vấn đề lý luận sử học”, Tia Sáng, số 06, 20/3/2019. Tr. 39-42.

Sakurai Yumio (1987) a. Betonamu sonraku no keisei (Sự hình thành của làng xã Việt Nam), Tokyo: Sobunsha.

Sakurai Yumio (1987) b. “Betonamu Koga deruta no kaitakushi”, Watabe Tadayo (chủ biên), Ine no Ajia-shi 2 (Lịch sử khai phá đồng bằng sông Hồng), trong cuốn Lịch sử châu Á lúa nước tập 2, Tokyo: Heibonsha. Tr. 235-276.

——–

Chú thích:

1Sau này dân điền được đổi thành tư điền để tránh tên húy Đường Thái Tông (Lý Thế Dân).

2 Mandala là mô hình quyền lực chính trị phân tán tồn tại trong lịch sử Đông Nam Á (O. W. Wolters 1999). Vì các cơ chế hành chính và luật pháp chưa phát triển, sự hưng thịnh và suy vong của nhà nước phụ thuộc vào uy tín cá nhân cao thấp của vua trong các lĩnh vực quân sự, tôn giáo, kinh tế…

3 Sakurai Yumio (1989) còn chỉ ra ảnh hưởng của kỹ thuật đắp đê thô sơ có lẽ khiến nạn lụt dễ xảy ra hơ.?

4 Toàn thư cũng chép rằng vào năm 1390, khi được dâng đầu Chế Bồng Nga, Trần Nghệ Tông nói rằng: “Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, như vậy là thiên hạ đã định rồi.”

Tác giả