Thế hệ trí thức thời đại Minh Mệnh

Mỗi thời đại tạo ra thế hệ trí thức của riêng mình. Tầm nhìn, phẩm chất và vai trò của họ được đo bằng đóng góp cho sự phát triển của xã hội và các giá trị nhân văn.

Ảnh: Lăng mộ vua Khải Định. Nguồn: Shutterstock.

Đánh giá tầm vóc thời đại chính là việc đánh giá tầm cỡ, bản lĩnh, trí tuệ, khả năng sáng tạo của người trí thức và độ dấn thân của họ, nhằm mang tri thức của mình phục vụ cho sự phát triển xã hội. Vì thế, sứ mệnh cốt lõi của mỗi thế hệ trí thức là xác định và giải quyết vấn đề của thời đại mình. Việc không nhận thức được câu hỏi cốt lõi của thời đại, né tránh hay thất bại trong việc trả lời câu hỏi này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của thế hệ trí thức đó đối với thời đại của mình. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và hậu thế.

Bài viết này đề cập đến thế hệ trí thức xuất hiện dưới thời kỳ Minh Mệnh (1820-1841), cách họ xác định câu hỏi của thời đại mình và nỗ lực trả lời nó trong thực tiễn. Cũng như cách thức họ trưởng thành và phát triển với tinh thần “đổi mới sáng tạo” trong thời đại mình. Thành công cốt lõi của nhóm trí thức tiên phong trong những năm 1820-1841 là việc tham gia vào tổ chức lại hệ thống chính trị trung ương, xác lập thống nhất lãnh thổ và hành chính ở Việt Nam. Họ xứng đáng được gọi là “trí thức thời đại Minh Mệnh”, với các đại diện như Phan Huy Chú, Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền, Thân Văn Quyền, Phan Bá Đạt, Phan Huy Thực, Nguyễn Khoa Minh, Vũ Xuân Cẩn, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quýnh… Họ định hình nền chính trị, xác lập tri thức thời đại và dấn thân nhằm duy trì trật tự và sự vận hành chính trị, thế hệ tinh hoa đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ XIX là nòng cốt của một dự án xây dựng nước Việt Nam hiện đại và để lại dấu ấn cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Tuổi đời rất trẻ và lương bổng thấp

Xuất thân của họ rất đa dạng, từ những người có cha làm quan cho Tây Sơn như Trương Đăng Quế, những người thi đỗ hương cống trong khoa cuối thời Gia Long (1819) và các tiến sĩ, phó bảng thời Minh Mệnh. Họ là sản phẩm của một hệ thống đào tạo chặt chẽ, nghiêm ngặt. Khoa thi đình đầu tiên năm 1822, có 164 người tham dự, lấy đỗ 8 tiến sĩ. Họ tham gia vào một nền hành chính có sự cạnh tranh rất cao và tìm cách thăng tiến chủ yếu thông qua thể hiện năng lực của bản thân. Tất cả đều phải trải qua thử thách từ các vị trí bậc trung như tri huyện, tri phủ, làm việc tại Hàn Lâm Viện, các bộ hay trở thành thầy dạy cho các hoàng tử trong nhiều năm trước khi được Minh Mệnh cất nhắc lên các chức vụ cao hơn.


Bảng 1: Thống kê Tiến sĩ và phó bảng theo vùng trong ba thập kỷ (1820, 1830, 1840).

Cơ cấu theo vùng miền của các tiến sĩ thời kỳ Minh Mệnh cho thấy phần lớn những người “khoa cử” trong giai đoạn 1820-1841 xuất thân từ miền Bắc và miền Trung. Số liệu:  Nola Cooke 1995.

Sau khi thi đỗ, các viên tiến sĩ sẽ được thử thách trong thời gian 2-8 năm, làm tri phủ ở các địa phương hay viên chức bậc trung tại các bộ. Hà Tông Quyền đỗ tiến sĩ 1822 (lúc 24 tuổi). Được cử đi làm tri phủ Tân Bình, tham hiệp Quảng Trị trước khi rút về làm việc tại các bộ và sau đó là Nội các. Sau sáu năm, đến 1828, Hà Quyền lên Hữu Thị lang Lễ bộ kiêm lĩnh Thái thường tự; năm 32 tuổi làm thự Hữu tham tri Công bộ (hàm 2B). Phan Bá Đạt đỗ tiến sĩ năm 1822 (lúc 29 tuổi), lên hàm 2B (tòng nhị phẩm) với chức Tham tri Hình bộ (38 tuổi) và Tả phó đô ngự sử (39 tuổi). Trong khi Trương Đăng Quế mất 8 năm đi dạy dỗ các hoàng tử (trong đó có nhà vua Thiệu Trị tương lai). Đến năm 1828, ông được bổ nhiệm làm quản lí Văn thư phòng, Tả thị lang Công bộ (1830), thự Thượng thư Binh bộ (1833). Như vậy trong vòng 14 năm, Trương Đăng Quế từ một hương cống lên đến hàm thượng thư (2A). Sự thăng tiến này chắc chắn xuất phát từ thành tích của ông trong việc đào tạo các hoàng tử và giúp ông lên chức thượng thư lúc 40 tuổi.

Vào năm 1839, các quan chức cấp cao như Đăng Quế, Duy Phiên, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Đặng Văn Thiêm, Lê Đăng Doanh dâng tấu nói rằng lương bổng của quan lại cấp cao thì đủ chi tiêu, nhưng từ ngũ phẩm trở xuống thì còn thiếu thốn, vì thế, xin được cắt giảm lương bổng của quan chức cấp cao để san xẻ cho quan chức cấp dưới. Minh Mệnh cho thực thi theo lời tấu. (ĐNTL, II, q. 207).

Theo đó, một trong gần 300 viên tri huyện của Đại Nam, một năm nhận được 820 kg gạo. Thượng cấp của ông ta là quan tri phủ nhận được 984 kg, trong khi quan Tham tri (hàm thứ trưởng), một năm nhận được 4,9 tấn gạo. Nếu một gia đình bình thường gồm 4 người với mức tiêu thụ tối thiểu 1 kg gạo một người/ ngày thì con số này trong 1 năm là khoảng 1,5 tấn. Điều này cho thấy kể cả các viên tri phủ và huyện trở xuống thì hệ thống lương bổng này khá eo hẹp.

Bảng 2: Đồ thị lương của quan lại triều Nguyễn trước năm 1839.
Chú giải:
Đơn vị: quan tiền/ phương gạo trên 1 năm.
1 phương: 38,11 l. 1 l gạo tương đương khoảng 0.86 kg (Emmanuel Poisson, 2004).
Hệ thống hàm quan chức có sự khác biệt giữa 1804, 1827, 1831.
1A: chánh nhất phẩm; 1B: tòng nhất phẩm; 8A: chánh bát phẩm…
Nguồn: Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ.

Nếu so sánh bảng lương này với tiền hồi môn của trưởng công chúa là 30,000 và tiền cấp hàng năm cho hoàng tử tước công: 2.500 quan và 1.500 phương gạo (1818), hay tiền sắm lễ cưới cho con gái trưởng của hoàng tử tước công là 5,000 quan (1827), thì quả thực thu nhập hằng năm của quan lại là rất khiêm tốn. Mặc dù có thêm bổng và tiền dưỡng liêm, tuy nhiên thực tế cũng không giúp cải thiện điều kiện kinh tế của họ. Hoàng Quýnh, một người thân cận của Minh Mệnh từ lúc còn đang là hoàng tử, khi làm Tả thị lang bộ Lại (hàm 3A), được đưa vào làm Bố Chính Gia Định (1836), ông tâu nói: “Thần làm quan ở ngoài, nhà nghèo, con nhỏ, không trông vào đâu để có ăn. Vậy xin lưu số gạo lương ở nhà để nhà lĩnh dùng”. Minh Mệnh phê rằng: “Thưởng cho tiền 100 quan, gạo 100 phương, để cho con cái ăn. Trẫm vốn biết ngươi nghèo, cũng không trừ vào lương bổng của ngươi. Tính ngươi hấp tấp. Từ nay cần nên cẩn thận cho khỏi lỗi” (ĐNTL, II, q. 172).

Quá trình thử thách nghiêm ngặt

Các viên chức trong triều đình Minh Mệnh được thăng cấp lên hàm 3B đến 2A trong thời gian tương đối nhanh, khoảng 9 -15 năm và trở thành nòng cốt của triều đình khoảng từ 30 đến 40 tuổi. Hà Quyền trong vòng 10 năm được thăng từ 7A lên 2B (9 bậc). Trương Đăng Quế, từ 1819 đến 1833 tăng 12 bậc và Phan Bá Đạt thăng từ 7A lên 2B giữa 1822 -1831.

Tuy nhiên quá trình cất nhắc và thăng chức này được giám sát chặt chẽ. Bản thân Minh Mệnh chú ý chặt chẽ đến học vấn, năng lực, và khả năng làm việc thực chất của viên chức. Khi bổ nhiệm Hà Quyền đi nhậm chức ở Quảng Trị, Minh Mệnh nói rằng: “Quyền, cùng Lê Quang đều là Tiến sĩ có tiếng giỏi, trẫm muốn dùng đã lâu, vì Quyền ốm mà chưa dùng. Nay tạm lấy chức tư mục thử xem đấy thôi” (DNTL, II.q. 42). Khi bổ nhiệm Vũ Xuân Cẩn, Minh Mệnh dụ rằng: “Ngươi ở Bình Định 8 năm, chính sự mau chóng, trẫm vẫn để ý chọn. Mới rồi triệu về muốn bổ cho ở kinh. Nhưng dinh Quảng Trị đã điêu hao lắm, phiền ngươi vì trẫm vỗ về” (ĐNTL, II, q.4). Những người này không chỉ phải chứng minh năng lực với nhà vua mà còn phải cho thấy sự vượt trội và khéo léo của họ trong hệ thống quan trường nhiều cạnh tranh.

Vai trò của Minh Mệnh còn ở chỗ ông xây dựng một hệ thống giám sát quan lại cực kỳ chặt chẽ. Ông sử dụng một số viên chức thân tín, từng theo mình khi còn là hoàng tử (như Hoàng Quýnh, Lê Đăng Doanh) nhưng không đưa lên quá cao và thường xuyên cảnh cáo họ không được ỷ lại vào quan hệ cũ với vua mà làm càn. Điều này khác với các vua nhà Thanh (Khang Hy, Ung Chính, Càn Long) – những người mà Minh Mệnh đã “nghiên cứu” kỹ lưỡng – đều dựa vào hệ thống quan chức thân cận để kiểm soát triều chính. Ví dụ Ung Chính dựa vào những người từng là hầu cận cũ như Điền Văn Kính, Lý Vệ, Niên Canh Nghiêu. Còn Minh Mệnh chủ yếu dựa vào sự giám sát lẫn nhau của hệ thống quan lại để quản lí vương triều. Ông đặc biệt ghét tham nhũng và bè phái. Nhà vua cũng thích các viên chức dám dấn thân và có khả năng làm việc. Khi Hà Quyền xin đi tiễu phỉ ở Quảng Trị (vì đó là khu vực mà ông từng làm quan, thông thuộc địa hình), Minh Mệnh đã rất “hào hứng” và coi đó là tấm gương cho các quan văn khác. Ông cũng từng “thách thức” khả năng thực tiễn của một vị tiến sĩ khác là Phan Thanh Giản khi yêu cầu ông này đi tổ chức khai mỏ.

Đóng góp cho vương triều và Đại Nam

Có thể nói các trí thức thời đại Minh Mệnh chính là những người thực hiện giấc mơ “đế chế” của Minh Mệnh, giúp định hình nên thể chế chính trị và sự thống nhất lãnh thổ của nước ta.
Ảnh: Bản đồ Đại Nam thời Minh mệnh, năm 1835. Nguồn: Alexander B. Woodside 1988.

Đây là thế hệ trí thức được đào tạo bài bản đầu tiên của thế kỷ XIX, cũng là thế hệ trí thức thời hậu chiến (sau 1802), chính vì thế, họ có vai trò đặc biệt trong việc định hình nên nền chính trị, thiết chế, cấu trúc xã hội và văn hóa ở Việt Nam đầu thế kỷ.

Họ làm việc với tinh thần nghiêm túc, dưới sự dẫn dắt của một ông vua cương nghị, mạnh mẽ, có ý chí thực thi một dự án nhà nước tập quyền quy mô lớn sẽ làm thay đổi diện mạo của Việt Nam, và như ông từng hy vọng, giúp tạo ra thể chế cho muôn đời sau. Giống như sự chuyển giao chính quyền đầu nhà Lê ở thế kỷ XV, nhà Nguyễn đã thành công trong việc chuyển đổi từ hình thái chiến tranh sang hòa bình và quan liêu hóa hệ thống hành chính trong vòng 30 năm. Đây là đóng góp lớn của vương triều mà ở trung tâm của quá trình này chính là lớp trí thức mới được hình thành.

Họ chính là người thực hiện giấc mơ “đế chế” của Minh Mệnh. Ông lên cầm quyền trong bối cảnh đặc biệt của tranh giành ngai vàng. Ông là con thứ, trong khi nhiều đại thần và người phương Tây phục vụ ở Huế lúc đó muốn đưa cháu đích tôn của Gia Long lên nối ngôi. Việc tranh giành này là diễn biến chính trị quan trọng ở Việt Nam và sẽ ảnh hưởng lớn đến việc định vị vai trò của lớp trí thức. Họ là “công cụ” trong tay Minh Mệnh để từng bước thay thế dần lớp tướng lĩnh quân sự công thần như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Huỳnh Công Lý… những người khuynh đảo nền chính trị và quân sự cuối thời Gia Long và đầu thời Minh Mệnh.

Nếu chúng ta coi mô hình, thiết chế, luật pháp của nhà Minh, Thanh là “khuôn mẫu” phức tạp và tiên tiến nhất trong hệ thống hành chính Đông Á đương thời thì rõ ràng là các nhà trí thức Việt Nam trong những năm 1820-1830 đã có thành tựu lớn trong việc tiếp cận “đỉnh cao tri thức” thời đại và đưa nó vào vận hành một cách vững chắc ở Việt Nam.

Thế hệ trí thức này là những người dấn thân thực sự không chỉ vì sự nghiệp của cá nhân họ mà còn mong muốn đóng góp cho vương triều, vương quốc và người dân mà họ phụng sự. Nhiều văn quan đã xông pha chốn trận mạc để bảo vệ bờ cõi và ổn định trật tự xã hội cũng như giúp phòng chống thiên tai, khai hoang… như Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Cương, Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương… Cùng với những chuyến ra nước ngoài thường xuyên như của Nguyễn Tri Phương, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Hà Quyền… những người này cũng có một tri thức sâu sắc về thế giới bên ngoài, đặc biệt là về phương Tây, mà nhiều sử gia cho rằng tri thức của họ về thế giới phương Tây thậm chí còn thực tế hơn cả của các trí thức nhà Thanh đương thời.

Tất cả quá trình này phải đề cập đến vai trò của Minh Mệnh, người nhạc trưởng và giữ nhịp cho toàn bộ dự án chính trị trong thời đại của ông, kéo dài hai thập kỷ. Hai mươi năm giúp định hình nên thể chế chính trị và sự thống nhất lãnh thổ của nước Việt Nam. Dù trải qua thách thức với các trận dịch lớn (như năm 1820) làm chết hàng trăm nghìn người, sự gia tăng thiên tai ở châu thổ Sông Hồng (xem Tia Sáng số 24, ngày 20/12/2017), chống lại cuộc xâm lược của Bangkok (1833-1834), và nhiều cuộc nổi dậy trong nước, hệ thống quan liêu được tổ chức chặt chẽ trong những năm cuối 1820 và đầu 1830 đã giúp duy trì sự ổn định của hệ thống chính trị, tổ chức nhà nước, lãnh thổ, quân sự và kinh tế. Thành tựu của nó đối với sự phát triển của Đại Nam là không thể phủ nhận. Vào năm 1813, thống kê kho tàng trong cả nước cho thấy lượng dự trữ là 1.203.532 quan tiền, số bạc là 180.222 lạng, số thóc là 6.847.687 phương. Đến năm 1835, con số dự trữ bạc đã gia tăng đáng kể, cho phép Huế xây một hầm chứa 800.000 lượng. Sang 1836, dự trữ ngân khố được Minh Mệnh thông báo là 4 triệu hộc thóc và 14 triệu quan tiền (ĐNTL, II, q. 169).

Dĩ nhiên, không phải tất cả trí thức của thời đại họ đều lỗi lạc và hệ thống mà họ tạo ra là hoàn hảo. Việc xây dựng một chính thể tập quyền mạnh đã thúc đẩy xung đột với các địa phương, và gây bất ổn tại nhiều khu vực. Nỗ lực can thiệp vào Cambodia cũng tạo ra xung đột kéo dài với người Thái. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là họ đã nhận thức được câu hỏi của thời đại mình nhằm xây dựng một nước Việt Nam thống nhất thời hậu chiến và quyết tâm thực hiện thành công dự án đó. Họ đã thực hiện được điều mà lịch sử giao phó. Điều đáng tiếc nhất là một vài người trong số họ cùng với tầng lớp tinh hoa xuất hiện trong những năm 1840-1850 đã không thành công trong sứ mệnh lịch sử tiếp theo nhằm đưa Việt Nam ra khỏi làn sóng thực dân hóa của phương Tây, cũng như thất bại trong việc cải cách hệ thống chính trị theo hướng hiện đại.

Cuối cùng, lịch sử không chỉ có vai trò của vua chúa hay những người anh hùng mà cộng sự của họ là một hệ thống đông đảo giới tri thức tinh hoa giúp định hình nên cấu trúc chính trị và nền tảng tri thức của xã hội. Chúng ta đánh giá thành công hay thất bại của mỗi thế hệ không phải theo chuẩn mực của hiện tại mà dựa trên việc họ đã trả lời thách thức của thời đại của mình, trong khuôn khổ tư duy cũng như điều kiện mà họ có. Các trí thức thời đại Minh Mệnh đã thành công trong việc xác lập một nước Việt Nam thống nhất thời hậu chiến, củng cố sự xác lập lãnh thổ và quan hệ kinh tế, chính trị với tư cách là một quốc gia có ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Thiết chế mà họ xác lập sẽ được duy trì gần như trong suốt thế kỷ XIX. Thành công này, đáng tiếc là đã không được phát huy trong hai thập kỷ sau đó, khi Việt Nam đương đầu với những câu hỏi mới của thời đại, yêu cầu một thế hệ trí thức mới với các tri thức mới từ góc độ địa chính trị toàn cầu, kỹ thuật, quân sự và quản trị kinh tế mới. Hệ thống hành chính mất đi tính năng động và quan liêu hóa cùng với một nhà cầm quyền yếu ớt đã thất bại trong việc trả lời câu hỏi này.

Tầng lớp tinh hoa được đào tạo qua khoa cử đầu thế kỷ XIX là nòng cốt của xây dựng một hệ thống nhà nước phức tạp bậc nhất ở Đông Á với việc cải tổ lại hệ thống Lục Bộ từ mô hình phân tán Lê-Trịnh, xây dựng lại hệ thống thông tin liên lạc trong cả nước với hệ thống Thông chính và Bưu chính, xác lập trường học và hệ thống giáo dục khoa cử, xây dựng cơ quan văn thư phòng và Nội các nhằm thống nhất các đầu mối của quyền lực Trung ương, cải tổ lại hệ thống văn bản hành chính, con dấu, luật lệ, lưu trữ, đồng thời xác lập sự thống nhất nền quản trị quốc gia với lãnh thổ chia làm các tỉnh và xây dựng cơ cấu quản lí trực tiếp đối với vùng núi và vùng biên. Di sản này đến này nay vẫn là một phần giá trị thiêng liêng mà người Việt đang bảo vệ và phát huy.

———
Tham khảo
Alexander B. Woodside. Vietnam and the Chinese model. C.A: MA, Harvard University Press, 1988.
Đại Nam Thực Lục (ĐNTL): bản Hán: Tokyo, 1977, bản dịch, Hà Nội: Giáo dục, 2004.
Đại Nam liệt truyện: bản Hán, Tokyo: 1977, bản dịch, Huế: Thuận Hóa, 1993.
Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam: Une bureaucratie à l’épreuve (1820–1918). Paris: maisonneuve & Larose, 2004.
Nola Cooke. “The Composition of the Nineteenth-Century Political Elite of Pre-Colonial Nguyen Vietnam (1802–1883),” Modern Asian Studies 29, no. 4 (1995): 741–64.

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)