Tòa thành đất sớm và quy mô nhất Đông Nam Á

Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, có thể khẳng định, thành Cổ Loa được đắp vào thế kỷ III - II TCN dưới thời An Dương Vương, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn, là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất ở Đông Nam Á, do cư dân thời kỳ này đã triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn để đắp thành, đào hào.


Khai quật Cổ Loa. Ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp.

Thành Cổ Loa đã được nhiều bộ sử cổ Trung Quốc và Việt Nam ghi chép. Về cơ bản, các nguồn sử liệu thành văn đều cho rằng, sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi vào năm 208 TCN, An Dương Vương đã thay thế Hùng Vương và chuyển từ Việt Trì về Cổ Loa lập nước Âu Lạc, sau đó định đô, đắp thành kiên cố phòng vệ và xây dựng đất nước. Nước Âu Lạc tồn tại trong vòng 30 năm, từ 208 TCN đến năm 179 TCN, Triệu Đà nhân cơ hội phát quân đánh chiếm Âu Lạc. Từ đó, Âu Lạc bị nhà Triệu thống trị. Tuy nhiên, trong các bộ cổ sử đó nhiều sự kiện không thống nhất về địa điểm, nội dung, thời gian mở đầu và kết thúc, nên rất khó tra cứu, đối sánh để tìm ra cái chung thống nhất.

 

Những phát hiện mới về Cổ Loa sau đợt khai quật gần đây 2007 – 2014 của chúng tôi cùng các nghiên cứu trước đây, đã cho thấy rõ nét quá trình xây dựng ba vòng thành Cổ Loa, cũng như các lát cắt về đời sống văn hóa thời kỳ Cổ Loa.

Một diễn trình lịch sử liên tục

Nghiên cứu khảo cổ học Cổ Loa cho đến nay đã giúp chúng ta đã có đủ tư liệu để hệ thống và xây dựng một phổ hệ phát triển văn hoá khảo cổ từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn trong bối cảnh phát triển của văn minh Sông Hồng.

Cổ Loa và khu vực xung quanh có phân bố di tích dày đặc, ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Cụ thể: Giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên (4.000 các ngày nay – BP), gồm các di tích: Đồng Vông, Bãi Mèn (lớp dưới), Đình Tràng (lớp văn hoá thứ tư). Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu (3.500 BP), gồm các di tích: Tiên Hội, Xuân Kiều, Bãi Mèn (lớp giữa), Đình Tràng (lớp văn hoá thứ ba). Giai đoạn văn hoá Gò Mun(3.000BP), có lớp văn hoá thứ hai ở Đình Tràng. Giai đoạn văn hoá Đông Sơn (2.800 BP) (hay giai đoạn văn hoá Cổ Loa), gồm các di tích: Bãi Mèn (lớp văn hoá trên cùng), Đường Mây, Đình Tràng (lớp văn hoá thứ nhất với tính chất cư trú – mộ táng), Cầu Vực, Mả Tre, Xóm Hương, Xóm Nhồi, di tích đúc mũi tên đồng Đền Thượng, Xóm Thượng, Bãi Miễu và di tích ba vòng thành Cổ Loa. Thời kỳ sau giai đoạn văn hoá Đông Sơn, ở khu di tích Cổ Loa, đã phát hiện, khai quật và nghiên cứu một loạt di tích, chủ yếu là mộ gạch, khẩu giếng bằng đất nung thời Đông Hán (Thế kỷ 1-3 AD), mộ gạch thế kỷ VII – IX, hệ các di tích thờ tự An Dương Vương và Mỵ Châu thế kỷ XVIII – XIX, hệ thống các lò nung gốm, gạch và ngói thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XX.


Các giai đoạn đắp thành – địa tầng vách tây ở vòng Thành Ngoại. Ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp.

Thành Cổ Loa đã được khai quật 5 lần ở cả 3 vòng thành. Thành Ngoại được cắt 02 lần tại xóm Mít, năm 1970 và tại xóm Thượng năm 2012. Thành Trung được khai quật tại xóm Thượng, năm 2007-2008. Thành Nội được khai quật 02 lần: 01 hố ở Đền Thượng, năm 2005 và 03 hố tại xóm Hương, 01 hố ở xóm Lan Trì năm 2014.Cấu tạo các lớp đất đắp ở thành Trung và thành Ngoại khá giống nhau, với 4 lớp đất đắp trải qua 3 giai đoạn: trước An Dương Vương, An Dương Vương và sau An Dương Vương. Trong 5 lần cắt 3 vòng thành Cổ Loa, bốn di tích quan trọng đã được phát hiện.

Thứ nhất là phát hiện lớp văn hóa Đông Sơn nằm dưới thành do An Dương Vương đắp, trong hố khai quật thành Trung năm 2007-2008. Trong lớp văn hóa Đông Sơn ở đây, cùng với đồ gốm, hiện vật sắt, đã phát hiện được di tích phòng thủ có quy mô nhỏ hơn và khác phương vị với thành Cổ Loa của An Dương Vương. Di tích có cấu trúc (từ ngoài vào trong) là: Hào -Tường thành – Hào – Vọng gác + tường chắn. Trong nền của vọng gác còn phát hiện được di tích bếp lửa, hiện vật sắt và gốm Đông Sơn.

Phát hiện thứ hai là nền gia cố bằng đất gốc trước khi đắp thành trong hố khai quật thành Ngoại năm 2012.

Phát hiện thứ ba trong hố khai quật thành Ngoại năm 2012 tại xóm Thượng. Theo các chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản, có một số hiện tượng lạ trong cấu trúc của đất đắp thành có thể là dấu vết của hiện tượng động đất. Vấn đề này đang tiếp tục được nghiên cứu. Nếu hiện tượng động đất được xác nhận, cũng đồng thời xác nhận cốt lõi của truyền thuyết thần Kim Quy/ Thanh Giang xứ được Huyền Thiên Trấn Vũ sai xuống giúp An Dương Vương khắc phục hiện tượng “thành cứ xây xong lại đổ”.

 

Phát hiện thứ tư gần đây nhất (2014) trong hố cắt thành Nội và ụ hỏa hồi tại thôn Hương đã phát hiện được di tích gốc của thành Nội và ụ hỏa hồi trong cùng bình diện xuất lộ, nằm dưới mặt thành Nội hiện nay khoảng trên 2m. Đây là phát hiện quan trọng khẳng định An Dương Vương đã đắp cả 3 vòng thành và hệ thống ụ hỏa hồi trong hệ thống thành Nội cũng được An Dương Vương đắp cùng với thành Nội.

Một công trình phòng thủ sớm nhất trong lịch sử Việt Nam

Các giai đoạn đắp thành

Căn cứ vào cấu tạo và sự khác biệt trong cấu trúc, kết cấu các lớp đất đắp thành trong các hố khai quật thành Ngoại, thành Trung và thành Nội, chúng tôi phân thành 04 lớp tương đương với 03 lần đắp thành dưới thời An Dương Vương: Đợt 1: Gia cố nền (thành Ngoại) và đắp đất bằng cách đổ tự nhiên trùm lên trên nền gia cố (thành Ngoại) và trùm lên di tích Phòng thủ (thành Trung); Đợt hai: Mở rộng thành sang hai bên; Đợt ba: Đắp theo từng lượt có san và đầm nện chặt.

Lớp trên cùng có gốm Cổ Loa.

Ngoài ra, trên lớp gốm Cổ Loa là các đợt đắp, tu bổ thành Cổ Loa sau thời An Dương Vương (nhiều hiện vật thời Lê, Nguyễn Huệ cho thấy điều này).


Các giai đoạn đắp thành Trung và công trình phòng thủ sớm. Ảnh: Lại Văn Tới.

Hệ thống lại các tư liệu khảo cổ học thu được từ các cuộc khai quật từ năm 1970 cho đến nay, kết hợp với nguồn sử liệu thành văn, chúng tôi khẳng định: cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) đã xây dựng hào, lũy ở Cổ Loa. Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật của nhà Hán. Người Việt xây dựng cả ba vòng thành này, bằng kỹ thuật của người Việt trước khi người Hán tới, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật xây thành của người Hán. Ví dụ, khi phân tích các lớp đất ở thành Trung, chúng tôi thấy có kỹ thuật cắt đất nhưng hoàn toàn không giống với kỹ thuật cắt đất đắp thành ở Trung Quốc cổ (Phương pháp cắt đất thường được dùng để xây dựng tường thành và nền móng cho các tòa nhà tại văn hoá Long Sơn (khoảng 3.000 – 1.800 năm trước Công nguyên) và các di chỉ thuộc văn hóa Thương (khoảng 1.600 – 1.046 năm trước Công nguyên) ). Phương pháp cắt đất ở các di chỉ thuộc nhà Hán có xu hướng mỏng và có độ dày thống nhất, khoảng 12 – 14cm, trong khi các lớp đất cắt của giai đoạn 2 ở Cổ Loa rất dày, thô và thiếu tính đồng nhất. Từ cơ sở này, chúng tôi cho rằng, quá trình đắp thành giai đoạn 2 của Thành Trung được thực hiện hoàn toàn bởi người Việt chứ không phải bởi người Hán. Đồng thời, kỹ thuật đắp Thành Nội, ụ hỏa hồi trong Thành Nội có các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau nhưng đều có tính thống nhất, tạo thành mặt phẳng, chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất như kỹ thuật đắp Thành Trung. Kỹ thuật đắp lũy Thành Ngoại khác với kỹ thuật đắp giai đoạn 2 của Thành Trung (kết quả phân tích niên đại vào năm 2007 – 2008 là 399 – 206 trước công nguyên – BC).

Cư dân thời này đã có truyền thống xây dựng lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên có sẵn để đắp thành, đào hào. Đất để đắp thành lũy được khai thác từ hào nằm bên ngoài thành. Địa tầng thành cho thấy, thành có cột địa tầng đảo ngược so với hào. Sông được dùng làm hào tự nhiên cho Thành Ngoại và cung cấp nước cho cả hệ thống hào của tòa thành. Nhiều gò, đống, doi đất cao được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của tòa thành.

Kiến trúc “quân thành” của một nhà nước mạnh và tập trung hóa

Sự phân bố của các di tích văn hóa Cổ Loa kết hợp với sự hiện diện của ba vòng thành cho phép chúng ta phác dựng cấu trúc thành Cổ Loa, với thiết kế chi tiết và quy định chức năng cho từng khu vực, từng vòng thành.

Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.650m. Thành cao trung bình, so với mặt đất hiện nay khoảng 5m, mặt thành rộng 6 – 12m, chân rộng 20 – 30m. Thành Nội chỉ có một cửa thành mở về phía Nam trông thẳng vào Ngự triều di quy, tương truyền đó là nơi thiết triều của Vua Thục.

Thành Trung là một vòng thành khép kín, không có hình dáng cân xứng, bao bọc phía ngoài thành Nội. Thành Trung dài 6.500m. Một đặc điểm đáng lưu ý của cửa Nam đó là được bố trí thành cửa chung của thành Trung và Thành Ngoại do hai vòng thành nối liền nhau tạo thành, cửa Đông là cửa đường thủy (nhân dân gọi là cửa Cống Song) mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội.

Thành Ngoại là một đường cong khép kín không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 7.780m. Những đoạn thành còn lại cao trung bình 3 – 4m, chỗ cao nhất gọi là gò Cột Cờ ở phía Nam cao khoảng 8m. Chân thành rộng khoảng 12 – 20m. Ngoài cửa Nam là cửa chung với thành Trung, Thành Ngoại còn có ba cửa: Cửa Bắc (nhân dân quen gọi là cửa Khâu), cửa Đông và cửa Tây – Nam, trong đó cửa Đông là cửa sông nối liền với Hoàng Giang.

Ngoài chức năng là nơi vua định đô, Cổ Loa còn có chức năng là quân thành. Với hệ thống ba vòng lũy và hào nước, thành Cổ Loa vừa là căn cứ bộ binh, vừa là căn cứ thủy binh mà Đầm Cả là một cảng thuyền lớn.Tính chất trung tâm quyền lực được thể hiện rõ khi mà trong thành đã tìm thấy trống đồng to đẹp – trống Cổ Loa I, xưởng đúc mũi tên đồng Đền Thượng ở trung tâm tòa thành đất kỳ vĩ đã cho thấy rõ vị thế kinh đô của thành Cổ Loa thời nước Âu Lạc.

Cùng với 3 vòng thành đất Cổ Loa còn hiện diện đến ngày nay, khảo cổ học đã phát hiện trong hố khai quật cắt thành Trung tại Xóm Thượng một đoạn tường đất nằm dưới lớp thành do An Dương Vương đắp. Cùng với các bộ phận khác, như: hào trước-sau (trong-ngoài), nền và tường đất của vọng gác (hay chòi canh) tạo thành một cấu trúc liên hoàn dạng làng phòng thủ hay pháo đài. Ở bình diện xuất lộ di tích phòng thủ này đã phát hiện các di tích, di vật thuộc văn hoá Đông Sơn, như: gốm thô màu nâu sẫm, dao sắt, bếp lửa… Niên đại này phù hợp với mẫu than nằm cùng mảnh gốm thô Đông Sơn cho niên đại 179 ± 30 trước Công nguyên BC.

Các dãy lũy đất phòng thủ hay bảo vệ bên ngoài của vòng thành Ngoại Cổ Loa đã phát hiện được ở nhiều nơi: Bãi Miễu (1978), Đình Tràng (2010) và dãy gò ở xã Dục Nội có kỹ thuật đắp giống các vòng thành Cổ Loa. Ở phía Nam thành Ngoại, cạnh Hoàng Giang, tại di chỉ Bãi Mèn, đã phát hiện những nền đất đắp, di tích hình lòng chảo…có thể có kết cấu dạng đồn trú bảo vệ Nam Môn. Những công trình này là những phòng tuyến tiền tiêu từ xa, khiến cho Cổ Loa trở thành công trình phòng thủ có quy mô to lớn, kiên cố và vững chắc nhất vào thời cổ đại trong lịch sử nước ta.

Toàn bộ quy mô và kích cỡ của Cổ Loa và những công trình phòng thủ hoành tráng đã cho thấy rằng sự tập trung chính trị ở cấp độ cao nhằm quy hoạch xây dựng. Đồng thời, các cộng đồng ở khu vực này có thể đã quen với các công trình công cộng được xây dựng trước khi xây dựng thành Cổ Loa, những công trình như thế có quy mô nhỏ (như mương, đê điều, đường đi…) và diễn ra trong thời gian nông nhàn. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ Sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa, và để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa để huy động nguồn lực cần thiết cho xây thành Hơn nữa, những yêu cầu cao về lao động cũng là chỉ báo cho thấy mật độ dân số cao ở thời kỳ này. Bằng chứng khai quật khảo cổ học cũng cho thấy, cư dân ở đây đã cư trú ổn định và tập trung thành những trung tâm lớn trong ba khu vực: Ở phía Nam thành Cổ Loa với di tích Bãi Mèn là trung tâm cùng với các di tích Đồng Vông (thuộc văn hóa Phùng Nguyên), Tiên Hội (thuộc văn hóa Đồng Đậu) và Cầu Vực (thuộc văn hóa Đông Sơn). Ở phía Bắc thành Cổ Loa với Di chỉ Đình Tràng trải qua quá trình phát triển lâu dài và liên tục từ các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn đến Đông Sơn cùng với di chỉ Đình Chiền (thuộc văn  hóa Phùng Nguyên và trống đồng loại I thu nhỏ Hà Phong (xã Liên Hà); Ở khu vực trung tâm thành Cổ Loa với di tích Mả Tre là trung tâm cùng với xưởng đúc mũi tên đồng Đền Thượng và các di tích Đông Sơn khác như Đường Mây, Xóm Thượng, Xón Nhồi, Xóm Hương.  

Sự phân hóa xã hội trong cộng đồng cư dân Đông Sơn ở Cổ Loa thể hiện ở hai hiện tượng: những ngôi mộ có số lượng hiện vật không nhiều lắm, chủ yếu là vũ khí, công cụ sản xuất, cho thấy chủ nhân của ngôi mộ chưa hoàn tòan tách khỏi sản xuất. Hiện tượng thứ hai là những nơi chôn giấu tài sản có thể của các thủ lĩnh giàu có và giữ vai trò, địa vị cao trong xã hội, như sưu tập trên 200 hiện vật Đông Sơn trong trống đồng Cổ Loa, kho cất giữ 1 vạn mũi tên đồng ở Cầu Vực, sưu tập trên 50 hiện vật Đông Sơn ở Xóm Nhồi…

Các nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử có thể khẳng định, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất Đông Nam Á, do An Dương Vương đắp vào thế kỷ III – II TCN. Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
——-
* PGS.TS, Viện Nghiên cứu Kinh thành.
** TS. Viện Khảo cổ học
*** PGS.TS. Khoa Nhân học, Đại học Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ

 

 

 

 

Tác giả