Trung Quốc hạ các quy định về y học cổ truyền

Các nhà khoa học lo ngại việc loại bỏ bước thử nghiệm lâm sàng đối với các dược liệu cổ truyền có thể làm tăng nguy cơ rủi ro với sức khỏe.

Hỗ trợ cho y học cổ truyền (YHCT) luôn được ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Đông y là “viên ngọc quý” trong di sản khoa học quốc gia và hứa hẹn mang đến nhiều liều pháp điều trị cũng như giữ thế cân bằng với Tây y. Giờ đây, Trung Quốc đang thực hiện các bước tiến đáng kể để thúc đẩy YHCT ngay cả khi các nhà nghiên cứu bày tỏ các quan ngại về các liệu pháp điều trị này.

Từ đầu năm nay, nhiều dược liệu truyền thống của Trung Quốc đã không cần vượt qua các thử nghiệm về an toàn và hiệu quả trên người. Dự thảo được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc (China Food and Drug Admistration – CFDA) công bố vào tháng Mười, ghi rằng các loại thuốc cổ truyền có thể bỏ qua các thử nghiệm tốn kém và mất thời gian trong trường hợp nhà sản xuất sử dụng các thành phần tương tự các công thức cổ truyền Trung Quốc. Cục quản lý Nhà nước về Y học Cổ truyền Trung Hoa và CFDA sẽ soạn thảo các phương thuốc được chấp nhận.

Chính phủ Trung Quốc còn tuyên truyền tích cực về thuốc Đông y (TCMs) như một giải pháp thay thế thuốc Tây y đắt tiền. Hoan nghênh chính sách mới, các bác sĩ y học cổ truyền cho rằng nó sẽ tạo điều kiện để quá trình sản xuất thuốc của các công ty dược phẩm thuận lợi hơn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa bệnh hơn. Lixing Lao, giám đốc trường Y học Trung Hoa (ĐH Hong Kong) nhận xét, dù các phương thuốc cổ truyền không cần trải qua thử nghiệm lâm sàng nhưng CFDA vẫn cần tiếp tục yêu cầu các loại thuốc Đông y phải phải vượt qua thử nghiệm tiền lâm sàng và nghiên cứu độc tính trên động vật hoặc tế bào.

Quan ngại về an toàn

Các nhà khoa học cho rằng quan ngại về an toàn vẫn đang lan rộng khắp ngành công nghiệp [dược phẩm] và việc giảm các bước thử nghiệm lâm sàng có thể làm gia tăng rủi ro  sức khỏe cho bệnh nhân. Vào ngày 23/9 vừa qua, CFDA đã yêu cầu thu hồi trên diện rộng hai loại thuốc Đông y dạng tiêm sau khi có khoảng mười người bị ốm và sốt sau khi dùng thuốc.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 18/10, các nhà nghiên cứu ở Singapore và Đài Loan đã công bố một nghiên cứu trên Science Translational Medicine, trong đó liên hệ bệnh ung thư gan với axít aristolochic– dược chất được chiết xuất từ một số cây họ Mộc hương, được sử dụng phổ biến trong Đông y. Steven Rozen, tác giả chính của công bố, là một nhà nghiên cứu về hệ gene ung thư tại Duke-NUS Medical School ở Singapore, tin rằng axít aristolochic tác động tới các đột biến gây ung thư nhưng vẫn khó xác định những gì dẫn đến việc tạo ra các khối u (Ở Việt Nam, cũng có một số trường hợp tương tự, ví dụ như năm 2010, Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ đã phát hiện ra hàm lượng axít aristolochic 1 – tác nhân có độc tính cao, theo nguyên trạng (mg/g) của 21 mẫu Phòng kỷ lưu hành trên thị trường dao động từ 0,001 – 1,363 mg/g. Chất này có nguy cơ cao gây ung thư hoặc làm suy thận) 1.

Axít aristolochic cũng liên quan đến ung thư đường tiết liệu và có thể gây tổn thương thận dẫn tới tử vong. Rozen nói rằng loại acid này vẫn được sử dụng phổ biến bất chấp cảnh báo từ Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ rằng nó có liên quan đến bệnh thận. Ông nói: “Đây là thời điểm tốt để đánh giá lại các quy định [về aristolochic acid].”

Lao thấy mọi người sử dụng thuốc chứa axít aristolochic mỗi ngày và nói chung có thể không gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu dùng “một cách vừa phải và chỉ dùng để điều trị” thay vì dùng thường xuyên như một loại thực phẩm chức năng. Nhìn chung, Lao không quan tâm đến các vấn đề an toàn của thuốc Đông y vì “không giống như với Tây y, các phương thuốc thảo dược đã được sử dụng trong hàng trăm, hàng ngàn năm qua.”

Tuy nhiên, Li Qingchen, một bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Cáp Nhĩ Tân và được biết đến như người hay phê phán thuốc Đông y, nói rằng các vụ thu hồi thuốc gần đây cho thấy các phương án đánh giá an toàn hiện tại đã không còn thích hợp. Ông nói rằng các bác sĩ cần thông báo tới cộng đồng về các nguy hiểm liên quan đến thuốc cổ truyền nhưng phần lớn đều không sẵn sàng chống lại chúng. Ông nói rất ít bác sĩ dám công khai chỉ trích Đông y bởi chính sách thúc đẩy Đông y của Chính phủ và “vấn đề leo thang tới cấp độ chính trị và các cuộc thảo luận cởi mở bị hạn chế”.

Đơn giản quy trình đào tạo ngành YHCT

Vào ngày 23/10, một bài viết trên một trang tin y tế kêu gọi sự chú ý đến nguy cơ từ axít aristolochic đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng xã hội WeChat. Trong vòng ba ngày, bài viết thu hút 700.000 lượt đọc.

Ở Trung Quốc, cuộc tranh luận về thuốc Đông y đã lặng tiếng từ trước. Năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc đã đề xuất cấm hoạt động chiết xuất mật gấu đen châu Á – một dược chất phổ biến khác của thuốc Đông y. Báo cáo của Trung tâm này đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của thuốc Đông y và khuyến nghị sử dụng các thuốc tổng hợp. Báo cáo này sau đó đã bị gỡ khỏi website của Trung tâm khi Hiệp hội YHCT Trung Hoa cho đây là thiên kiến và yêu cầu một lời xin lỗi.

Cùng với việc giảm các quy định về thuốc cổ truyền, chính phủ Trung Quốc cũng đơn giản hóa quy trình đào tạo bác sĩ YHCT và mở các bệnh viện sử dụng phương pháp tiếp cận này. Kể từ tháng 7/2017, sinh viên ngành YHCT không còn cần vượt qua các kỳ thi y học cấp quốc gia về Tây y nữa, thay vào đó, họ có thể trải qua thời gian thực tập và phải kiểm tra kỹ năng về Đông y. Muốn mở phòng khám, họ cũng không cần CFDA đồng ý nữa mà chỉ cần đăng ký với chính quyền.Mục tiêu cuối cùng của chính phủ Trung Quốc là để mọi viện nghiên cứu về sức khỏe đều có khả năng điều trị bằng thuốc Đông y ở mức cơ bản vào năm 2020. Quốc vụ viện – cơ quan hành chính cao nhất của Trung Quốc, đã vạch ra lộ trình tăng số lượng bác sĩ YHCT lên mức 4 bác sĩ/10.000 người dân, tăng ít nhất 3 kỹ thuật viên YHCT/10.000 người và thúc đẩy thị phần dược phẩm Đông y từ 26% lên mức 30% vào cuối thập kỷ này.

Thanh Trúc dịch

Nguồn: https://www.nature.com/news/china-to-roll-back-regulations-for-traditional-medicine-despite-safety-concerns-1.23038

———
1. Đọc thêm: http://suckhoedoisong.vn/ve-thong-tin-duoc-lieu-phong-ky-chua-acid-aristolochic-co-bang-chung-gay-ung-thu-va-suy-than-n36410.html

Tác giả