Bản kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc “thống trị” thế giới

Năm 2015, Bắc Kinh công bố dự án “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Đây là một sáng kiến chiến lược đầy tham vọng nhằm biến Trung Quốc (TQ) thành siêu cường chế tạo cạnh tranh được với Mỹ.


Nguồn ảnh: Getty Image

Sau khi công bố, “Chế tạo tại TQ 2025” đã trở thành chủ đề khiến cho các doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới lo ngại, bởi lẽ như nhà bình luận người Australia N. O’Connor nói “Kế hoạch này rất táo bạo vì nó nhằm tới việc đưa TQ thống trị toàn thế giới”. Nó được cho là một trong những tác nhân gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung, và dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia này. Báo Mỹ gần đây đưa tin dường như TQ đang soạn thảo một kế hoạch mới thay cho “Chế tạo tại TQ 2025”, hoãn một số mục tiêu nhằm giảm căng thẳng thương mại.

Tại sao Trung Quốc tham vọng nâng tầm ngành công nghiệp chế tạo? 

Hiện nay không ít người TQ rất phấn khởi về việc ngành dịch vụ đã vượt qua ngành chế tạo, trở thành ngành sản xuất lớn thứ hai của nền kinh tế quốc dân, thậm chí cho rằng TQ có thể vượt qua giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, tiến thẳng lên cơ cấu kinh tế lấy ngành dịch vụ là chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin TQ Miao Wei cho rằng, quan điểm nói trên là xa rời thực tế. Nhìn vào tiến trình 300 năm công nghiệp hóa thế giới, có thể thấy công nghiệp hóa là nội dung cốt lõi của hiện đại hóa, một giai đoạn lịch sử không thể vượt qua để thực hiện hiện đại hóa. Ngành chế tạo là trụ cột quan trọng nhất của đổi mới kỹ thuật. Các cường quốc kinh tế Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Pháp đều đi lên từ cường quốc chế tạo. Nếu ngành chế tạo không phát triển mạnh thì ngành dịch vụ sẽ thiếu sự nâng đỡ mạnh mẽ; không có nền kinh tế thực thể vững chắc thì ngành dịch vụ sẽ thành cây không có gốc và đất nước sẽ rất khó thực hiện hiện đại hóa. 

Các chuyên gia TQ đánh giá trình độ các quốc gia trên thế giới trong công nghiệp chế tạo được chia thành bốn mức độ. Trong đó Mỹ ở vị trí đứng đầu, là trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn cầu; tiếp theo là các quốc gia có trình độ công nghệ cao, gồm EU và Nhật; nhóm thứ ba là các quốc gia chế tạo ở mức độ thấp, chủ yếu gồm một số nước mới nổi; nhóm cuối cùng là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm OPEC, châu Phi, Mỹ Latinh… 

Bộ trưởng Miao Wei cho rằng TQ hiện ở nhóm thứ ba và cục diện phân nhóm trên đây khó có thể có thay đổi căn bản trong một thời gian ngắn.

Mặt khác, hiện nay TQ đang đứng trước sức ép từ hai chiều. Một mặt các nước phát triển đang liên tiếp soạn thảo chiến lược “Tái công nghiệp hóa”. Mặt khác các nước đang phát triển lợi dụng ưu thế cạnh tranh với giá thành thấp đang tích cực thu hút các ngành sản xuất cần nhiều sức lao động và giá trị phụ gia thấp, một số công ty đa quốc gia đầu tư mở xưởng tại các nước mới nổi, có công ty đang xem xét việc chuyển công xưởng của họ từ TQ sang các nước mới nổi; tình thế ngành chế tạo toàn cầu sẽ có biến đổi lớn. Điều đó khiến TQ vừa đứng trước cơ hội lớn vừa đứng trước thách thức lớn.

10 năm mới chỉ là bước đầu tiên

Lấy cảm hứng từ Chiến lược Industrie 4.0 của Đức, “Chế tạo tại TQ 2025” xác định 10 lĩnh vực trọng điểm lớn về phát triển ngành sản xuất: công nghệ tin học thế hệ mới; máy công cụ điều khiển số cấp cao và robot; thiết bị hàng không vũ trụ; thiết bị công trình biển và tàu biển công nghệ cao; trang thiết bị giao thông quỹ đạo tiên tiến; ô tô tiết kiệm năng lượng và dùng nguồn năng lượng mới; thiết bị điện lực; trang thiết bị nông nghiệp; vật liệu mới; y dược sinh học và thiết bị y tế tính năng cao.

Bản kế hoạch 10 năm này được chuẩn bị rất kỹ. Đích thân ông Miao Wei, đã nhiều lần báo cáo, viết bài thuyết minh về “Chế tạo tại TQ 2025”. “Chế tạo tại TQ 2025” đưa ra phương án giải quyết các khiếm khuyết của ngành chế tạo TQ, đó là củng cố ưu thế phát triển hiện có, lấy ĐMST làm động lực, chuyển đổi thông minh, củng cố cơ sở, giành đột phá trong các ngành quan trọng. Khi nói về vấn đề lấy ĐMST làm động lực phát triển, Bộ trưởng Miao Wei đã giới thiệu về Trung tâm ĐMST trong ngành chế tạo như sau: Giữa thành quả khoa học kỹ thuật với triển khai sản xuất tồn tại một tầng đứt gãy gọi là “vực chết”; để vượt qua “vực chết” này các nước phát triển đều gấp rút xây dựng các trung tâm ĐMST của ngành chế tạo, nhằm chuyển dịch công nghệ trong phòng thí nghiệm sang công nghệ làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo kế hoạch, đến năm 2020 TQ sẽ xây dựng khoảng 15 trung tâm ĐMST cấp quốc gia của ngành chế tạo. 

TQ đã tổ chức nghiên cứu triển khai các dự án chế tạo thông minh, nghiên cứu xác định mục tiêu dự án và lộ trình làm chủ công nghệ và sản phẩm chế tạo thông minh, xây dựng nhà máy thông minh/số hóa. Từ năm 2014, TQ đã bắt đầu thực hiện các dự án công nghiệp nền tảng mạnh, hỗ trợ cung cấp cho ngành hàng không vũ trụ các loại vật liệu nền tảng quan trọng, linh kiện thiết bị dẫn điện. Tiếp theo, TQ sẽ đột phá một số trọng điểm, thực thi các dự án ĐMST về trang thiết bị cấp cao, tổ chức sản xuất máy bay cỡ lớn, động cơ dùng trong công nghiệp hàng không và tua-bin khí đốt, máy công cụ điều khiển số cấp cao…      
Để tổ chức thực hiện dự án “Chế tạo tại TQ 2025”, TQ đã lập Tổ Lãnh đạo xây dựng cường quốc chế tạo nhà nước, do Phó Thủ tướng Mã Khải đứng đầu; Ủy ban Tư vấn chiến lược xây dựng cường quốc chế tạo nhà nước (National Manufacturing Strategy Advisory Committee) do Phó Chủ tịch Quốc hội Lộ Dũng Tường đứng đầu, thành viên gồm vài chục nhà khoa học, CEO các công ty lớn… Ủy ban này đã công bố rất nhiều văn bản, thành tựu nghiên cứu, Sách Xanh… hướng dẫn chi tiết việc thực hiện dự án “Chế tạo tại TQ 2025”.

“Chế tạo tại TQ 2025” có thể được coi là cương lĩnh hành động 10 năm đầu tiên thực thi chiến lược cường quốc chế tạo, một chặng đường đầy thử thách mà TQ coi là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự cố gắng trong ít nhất 30 năm. Trong đó, bước thứ nhất cố gắng dùng 10 năm tiến lên hàng ngũ cường quốc chế tạo. Bước thứ hai, đến năm 2035, ngành chế tạo toàn bộ phát triển tới mức hạng trung bình trong số các cường quốc chế tạo. Bước thứ ba, thời điểm khi Nhà nước TQ kỷ niệm 100 năm thành lập (năm 2049), địa vị nước lớn ngành chế tạo của TQ càng được củng cố hơn, kỳ vọng sẽ tiến lên vị trí hàng đầu.□   
(Tổng hợp các tin tức liên quan lấy từ một số phát ngôn của ông Miao Wei và báo TQ).

Người TQ hy vọng đến ngày nước CHND Trung Hoa 100 tuổi (2049) có thể xây dựng nước họ thành một cường quốc chế tạo dẫn dắt ngành chế tạo thế giới, tạo cơ sở vững chắc thực hiện giấc mơ phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Hiện nay TQ đã là nước lớn trong ngành chế tạo nhưng chưa phải cường quốc ngành chế tạo, vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước tiên tiến. Ví dụ về ngành chế tạo trang thiết bị, chủ yếu TQ còn kém ở các mặt: Thứ nhất, năng lực ĐMST tự chủ còn yếu, trình độ nghiên cứu thiết kế phần lớn trang thiết bị còn khá thấp, biện pháp kiểm tra thí nghiệm còn thiếu, đổi mới công nghệ còn ở giai đoạn bắt chước, chưa đột phá “hộp đen” công nghệ bậc thấp. Thứ hai, còn thiếu năng lực phối hợp cơ sở, các linh kiện và vật liệu cốt yếu còn dựa nhiều vào nhập khẩu, năng lực kỹ thuật cơ sở vẫn còn yếu, nghiêm trọng kiềm chế năng lực tập thành hệ thống và toàn bộ. Ví dụ TQ có công nghệ hạt nhân “Hualong 1”, tuy phần lớn thiết bị đã nội địa hóa nhưng 15% linh kiện quan trọng vẫn phải nhập khẩu. Thứ ba, tính tin cậy chất lượng sản phẩm của một số lĩnh vực cần nâng cao. Thứ tư, kết cấu sản xuất chưa hợp lý, năng lực sản xuất đầu thấp dư thừa mà năng lực sản xuất đầu cao thì còn thiếu.

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)