Đầu tư nghiên cứu các virus nguy hiểm: Nên hay không?

Không chỉ ở các quốc gia nghèo mà ngay cả Mỹ - quốc gia dành nhiều ngân sách cho KH&CN bậc nhất thế giới, vẫn không ngừng tranh cãi về vấn đề: nên hay không nên đầu tư cho các nghiên cứu về các virus nguy hiểm?


Nghiên cứu để cho các mầm bệnh trở nên nguy hiểm hơn có thể giúp các nhà khoa học sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Nguồn: Nature.

Gần hai tháng trước cơn bùng phát dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra, chủ đề gây tranh cãi này đã xuất hiện một cách lặng lẽ trên New York Times với thông tin về Predict, một chương trình nghiên cứu do Chính phủ Mĩ rót kinh phí để nhận diện các virus gây bệnh trên động vật nhưng có thể lây nhiễm cho người và dẫn đến một dịch bệnh mới, vừa bị quyết định dừng lại sau một thập kỷ hoạt động. Dennis Carroll, cựu giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) – cơ quan điều hành Predict – đã từ chức sau khi chương trình bị đóng lại. Ông giải thích, một số quan chức liên bang cảm thấy USAID đầu tư cho khoa học tiên tiến như dò tìm các mầm bệnh lạ, các virus nguy hiểm là không phù hợp.

Các nhóm chuyên gia của Predict đã nghiên cứu nhiều dịch bệnh bí ẩn ở nhiều quốc gia, trong đó có vụ 3.000 con chim hoang dã sống ở một hồ Mông Cổ chết, ngăn chặn bệnh dịch nguy hiểm ở một vườn thú Campuchia vì nguồn thức ăn – những con gà nhiễm cúm, hay nhận diện những virus từ dơi mà đội bóng đá thiếu nhi Thái Lan có thể bị phơi nhiễm khi bị mắc kẹt trong hang động ở Thái Lan.&nb

Do đó, việc kết thúc chương trình “chắc chắn là một mất mát”, Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một NGO về sức khỏe toàn cầu và nhận được kinh phí tài trợ của chương trình, nhận xét. “Predict là một cách tiếp cận để ‘đón đầu’ các bệnh dịch, thay vì ngồi chờ chúng xuất hiện và sau đó phát tán. Đấy mới chính là giá đắt”. Câu nói này của ông hàm ý đến việc trong 10 năm hoạt động, Predict chỉ tiêu tốn của Mĩ 207 triệu USD nhưng đem lại những khám phá có thể dẫn đến nhiều cách mới trong ngăn chặn những lan truyền dịch bệnh trên người do virus gây ra, trong khi “Mĩ phải dành 5 tỷ USD để chống lại dịch Ebola ở Tây Phi. So với đó, những chi phí đầu tư này còn ít hơn nhiều”.

Tuy nhiên, vấn đề có đơn thuần chỉ là chuyện tiền bạc? 

Chủ đề tranh cãi nhiều năm

Trên thực tế, việc có nên đầu tư tiếp cho các nghiên cứu về các virus nguy hiểm là vấn đề trở đi trở lại trong cộng đồng khoa học Mĩ và các nhà hoạch định chính sách. Vào ngày 17/10/2014, Chính phủ Mĩ loan báo tạm dừng đầu tư cho nghiên cứu mới với mục tiêu khiến các virus hiện hành trở nên độc hại hơn hoặc có thể được lan truyền nhanh hơn vì nhiều lời phàn nàn về những mối nguy có thể khơi mào thành đại dịch. Sau đó vài hôm, Viện nghiên cứu Y tế Mĩ (NIH) đã loan báo lệnh tạm hoãn đầu tư cho 21 dự án nghiên cứu, bao gồm cúm mùa và phát triển vaccine. 

Thông tin này khiến một số người hài lòng. “Tôi nghĩ đây thực sự là tin tốt,” Marc Lipsitch, một nhà dịch tễ học tại trường Y tế công cộng Harvard tại Boston, Massachusetts, từng kêu gọi nhiều năm về việc giám sát các nghiên cứu như thế. “Tôi cho rằng chúng ta cần phải cân nhắc trước khi hành động.” Tuy nhiên Arturo Casadevall, một nhà vi trùng học tại trường Y khoa Albert Einstein ở New York, gọi đây là một “hành động thiếu cân nhắc” vì “thực sự không có bằng chứng cho thấy các thực nghiệm đó lại gây nguy hiểm bởi rất nhiều thực nghiệm diễn ra trong các phòng thí nghiệm được bảo vệ một cách chặt chẽ.”

Ba năm sau đó, chính quyền liên bang lại đưa ra thông báo về một chính sách mới với một quy trình đánh giá rủi ro và lợi ích tiềm ẩn liên quan đến các nghiên cứu về dịch bệnh nguy hiểm này. Trong thông báo của NIH, chính sách mới được ấn định để “tăng cường tìm hiểu về các mầm bệnh có tiềm năng gây dịch” tuy nhiên bất kỳ quyết định tài trợ cho các dự án về gia tăng độc lực cho virus hoặc khiến nó lây nhiễm nhanh hơn bằng kỹ thuật di truyền cần phải được các chuyên gia cấp cao của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mĩ đánh giá. 

Nhiều nhà khoa học đánh giá cao quyết định này đối với tương lai của nghiên cứu. Virus tiến hóa một cách liên tục. Ví dụ, một mẫu cúm A H5N1 đã được tìm thấy chứa một đột biến mới, và mẫu thứ hai chứa một đột biến hoàn toàn khác biệt, về nguyên tắc một đột biến kép H5N1 có thể xuất hiện trong tự nhiên. Những người đề xướng thí nghiệm lập luận, bằng việc tạo ra nhiều đột biến kép trong phòng thí nghiệm, các nhà vi trùng học có thể tìm hiểu là liệu nhiều đột biến kép có thể tồn tại và nếu có thì độc lực như thế nào, khi đó liệu nó có thể lây nhiễm từ người sang người hay không. Hoặc các nhà vi trùng học có thể tạo ra các đột biến chưa từng có trong tự nhiên, và một lần nữa nêu ra một manh mối là liệu những vật đột biến như thế có thể sống sót, chúng độc như thế nào, cần bao nhiêu đột biến để tạo ra một loại H5N1 nguy hiểm. TS. Samuel Stanley, hiệu trưởng trường ĐH Stony Brook và chủ tịch Hội đồng cố vấn khoa học quốc gia về An ninh sinh học Mĩ cho rằng, “Tự nhiên là ‘kẻ khủng bố sinh học’ tột bậc và chúng ta cần phải đi trước nó một bước” bằng việc thực hiện nghiên cứu “để giúp chúng ta nhận thức tốt và nhận diện được các chủng virus mới”.

Rất nhiều nghiên cứu như thế này “đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta nhận diện, thấu hiểu và phát triển các chiến lược và biện pháp hiệu quả chống lại những mầm bệnh đang tiến hóa một cách nhanh chóng và ẩn chứa mối nguy hiểm cho y tế công cộng,” TS. Francis Collins, giám đốc NIH viết trong thông báo về việc tháo rào cản cho nghiên cứu virus nguy hiểm, và cho biết thêm ông tự tin là các nghiên cứu có thể được thực hiện theo cách “an toàn, an ninh và có trách nhiệm.”


2019 – nCoV. Nguồn: TS Linda Stannard/UCT/Science.

Các quyết định về tài trợ của NIH sẽ được đặt trên cơ sở là liệu nghiên cứu đó có thực sự là khoa học và liệu mầm bệnh mà các nhà khoa học đề xuất tạo ra là “một nguồn đáng tin cậy về một dịch lớn trên người có khả năng xảy ra trong tương lai” hay không. Nó có thể bao gồm cả những nghiên cứu về những biến đổi di truyền cho phép virus Ebola được lan truyền thông qua các hạt lơ lửng trong không khí, những gì đóng vai trò thiết yếu trong lan truyền dịch bệnh mà các nhân viên y tế công cộng cần phải biết, theo nhà dịch tễ học Michael Osterholm tại trường ĐH Minnesota.

Những quyết định đó cũng cần phải dựa trên những nguy hiểm tiềm năng “khi so sánh với những lợi ích tiềm năng mà xã hội cho là hợp lý”. Và các nhà khoa học đề xuất nghiên cứu với mục tiêu làm cho virus nguy hiểm hơn cần chứng minh được với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mĩ tính khả thi, các cách thức hiệu quả để có được những thông tin mới.

“Con người là tác nhân lan truyền virus hiệu quả hơn cả sol khí” vì có thể vượt qua cả những lớp ngăn vật lý của một phòng thí nghiệm, giáo sư Marc Lipsitch nói. Từng tính toán độ rủi ro trong lây nhiễm virus từ một phòng thí nghiệm, ông cho biết điều này lớn hơn những gì chúng ta biết và “rủi ro sau sự tình cờ đều là kết quả từ những lỗi lầm của con người.” Có lẽ, ông muốn hàm ý đến hai phòng thí nghiệm được NIH tài trợ đã làm phát tán virus cúm A H5N1 mà họ đang nghiên cứu ra ngoài môi trường năm 2011 khiến các con chồn sương bị lây nhiễm. 

Tuy vậy ông vẫn đánh giá chính sách mới là một bước tiến nhỏ khi thiết lập được một quy trình chính thức để đánh giá liệu các đề xuất gây tranh cãi có nên nhận được tài trợ của chính phủ hay không. Nhưng do virus biến đổi gene có nguy cơ tạo ra đại dịch một cách ngẫu nhiên nên gần như chúng ta khó có thể làm gì để cải thiện sự chuẩn bị cho đại dịch. 

Cần minh bạch hóa nghiên cứu về virus nguy hiểm

Trong những ngày bệnh dịch do 2019-nCOV bùng phát, một phiên họp giữa Hội đồng cố vấn khoa học quốc gia về An ninh sinh học Mĩ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mĩ đã diễn ra trong vòng hai ngày với nội dung về vấn đề là liệu có phải công khai công việc phản biện kín của một hội đồng liên bang chuyên đánh giá các rủi ro và lợi ích của những thực nghiệm do NIH tài trợ hay không. Các thành viên đều cho rằng, họ sẵn sàng mở để có một số thay đổi trong quá trình xét duyệt và lưu ý là tình trạng nguy hiểm hiện nay do một virus mới ở Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một chu trình phê duyệt nghiên cứu suôn sẻ. “Nếu chính sách đầu tư cho các nghiên cứu về virus nguy hiểm cần được củng cố thì chúng tôi cũng sẽ làm theo,” Christian Hassell, cố vấn khoa học chính của Văn phòng trợ lý đặc trách sẵn sàng và hồi đáp (Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mĩ) cho biết.

Việc tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu về virus là việc nên làm nhưng nhiều nhà nghiên cứu dịch bệnh Mỹ cho rằng cần thúc đẩy sự minh bạch trong xét duyệt để công chúng hiểu tại sao chính phủ lại tài trợ cho nghiên cứu liên quan đến các mầm bệnh chết chóc hoặc dễ lây lan, Thomas Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại trường Y tế công cộng Bloomberg của ĐH Johns Hopkins, nói. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng Chính phủ Mĩ nên sẵng sàng mở hơn và công khai hơn với công chúng lời giải thích khi nào chấp thuận đầu tư cho những nghiên cứu như vậy, nêu rõ những ai quyết định tài trợ cho nghiên cứu đó và có hẳn một thông báo chính thức khi nào nghiên cứu đó bắt đầu. Luciana Borio, cựu giám đốc bảo vệ sinh học tại Hội đồng An ninh Nhà Trắng gợi ý với NIH một mô hình mà Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mĩ áp dụng là công khai thông tin về các nhà bình duyệt và nguyên nhân dẫn đến các quyết định của họ.

Carrie Wolinetz, Phó giám đốc phụ trách chính sách khoa học của NIH, cho biết, NIH cũng đã thực hiện được một số yêu cầu công khai như thông báo các đề xuất về nghiên cứu virus nguy hiểm lên trang web giống như những đề xuất khác do NIH tài trợ. Bà cũng thừa nhận là “có đủ chỗ cho thảo luận về việc công khai và thời điểm công khai” về các nghiên cứu này là cần thiết.

Tuy nhiên cũng có  những ý kiến cho rằng, sự minh bạch lớn hơn có thể gây khó khăn cho việc thông qua những nghiên cứu cần thiết. Christian Hassell, người đồng thời là chủ tịch ủy ban đánh giá rủi ro của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mĩ, phần trần “ủy ban đánh giá không phải là một nhóm cố định mà là một nhóm  gồm “nhiều nhà nghiên cứu sung sức đang làm việc tại tổ chức khác nhau. Ông lo ngại việc công khai tên tuổi có thể làm “nguội” nhuệ khí của họ. Tuy nhiên, Bộ sẽ mở với những quá trình phê duyệt các dự án hợp tác công tư PPP, từ việc công khai hơn các quyết định của mình để đưa các nhà khoa học không thuộc các tổ chức của chính phủ vào ủy ban, ngay cả việc một số bước công khai như vậy cần phải có sự cho phép của Quốc hội. “Chúng tôi cam kết tăng cường sự minh bạch”, Hassell nói.

Mặt khác, Kenneth Bernard, một thành viên Hội đồng cố vấn khoa học quốc gia về An ninh sinh học Mĩ và là cựu cố vấn an ninh sinh học của Tổng thống Mĩ George W. Bush, cho rằng việc đưa ra quá nhiều thông tin có thể khiến quốc gia khác có một ấn tượng xấu về bản chất tự nhiên của các nghiên cứu mà Mĩ ủng hộ. “Việc chống lại các mối hiểm nguy sinh học bằng việc phát triển các biện pháp đối phó có nhiều điểm giống như chương trình phát triển vũ khí sinh học”, ông lưu ý.

Bernard cũng cho biết thêm là việc công khai bình duyệt các đề xuất với một lượng lớn người như quan điểm của nhiều nhà khoa học có thể gây rủi ro cho nhiều dự án. “Nếu anh mở một quá trình bình duyệt cho một bình duyệt công khai, thì 100% cơ hội sẽ không được chấp thuận nếu đó là một thảo luận đủ nghiêm túc cho một vấn đề nghiêm túc là mầm bệnh dịch tiềm năng”, Bernard nói, “Khoa học không thể tiến hành theo cách như vậy được.” □

Anh Vũ tổng hợp từ NYT, Scientific American, Science, Nature

Tác giả