Hai khuôn mặt của khoa học châu Âu

Horizon Europe, một chương trình đầu tư cho R&D nhằm tăng cường sức mạnh khoa học và sự gắn kết giữa các quốc gia châu Âu, đang có xu hướng gây chia rẽ lục địa này và tạo ra sự cách biệt giữa các cường quốc phía Tây với các quốc gia nghèo phía Đông.


Dan Nica – một thành viên người Romania của Nghị viện châu Âu (trái) nêu sự bất bình đẳng giữa khoa học Tây Âu và Đông Âu. Nguồn: sciencebusiness.net

Vào cuối tháng 3/2019, một cuộc họp xuyên đêm của Hội đồng nghiên cứu châu Âu diễn ra tại Brussels, quanh các câu hỏi: với châu Âu, một nhà khoa học ở Romania hay Slovakia ‘đáng giá’ bao nhiêu? Các quốc gia Đông Âu có được hưởng lợi thật sự từ chương trình Horizon? Liệu có công bằng trong các dự án đầu tư cho khoa học? Kết thúc phiên họp, những vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ, dù đây đã là phiên họp thứ sáu nhằm chuẩn bị cho một khung chương trình mới Horizon Europe bắt đầu vào năm 2021, được Nghị viện châu Âu đề xuất 120 tỷ euro, nghĩa là gần gấp đôi kinh phí của chương trình cũ. 

 
Về cơ bản, các thành viên từ những quốc gia Đông Âu đều cảm thấy khó chấp nhận sự bất bình đẳng giữa các nhà khoa học khi cùng tham gia các chương trình và dự án do EU tài trợ: trung bình, mỗi nhà nghiên cứu Đông Âu thường được trả lương 3.240 euro/tháng trong khi các đồng nghiệp Tây Âu và Bắc Âu được trả cao hơn hẳn, 5.260 euro/tháng. Một vài người lên tiếng, như vậy là không công bằng. “Tôi nghĩ, không thể phủ nhận nguyên tắc công bằng trong việc chi trả cho những người cùng thực hiện những phần việc tương đương nhau”, Dan Nica – một thành viên người Romania của Nghị viện châu Âu nêu. “Ví dụ có một nhóm nghiên cứu gồm 5 người cùng trình độ thực hiện một dự án, trong đó 3 người từ nước giàu có và 2 người còn lại ở nước nghèo. Vậy có thể biện hộ như thế nào về việc 3 người được trả lương gấp đôi hai người còn lại?”. Ông cho biết thêm, “đây không phải là vấn đề tiền bạc mà là vấn đề danh dự”.
 
Mặt khác, khi Dan Nica đề xuất nên cắt lại 25% kinh phí các dự án có các nhà khoa học khối Đông Âu tham gia để thúc đẩy hỗ trợ nền khoa học quốc gia đó thì nhiều thành viên của Hội đồng nghiên cứu châu Âu phản đổi: mặc dù khoảng cách về khoa học và đổi mới sáng tạo là điều không nên tồn tại nhưng không thể dùng tiền từ một chương trình đầu tư cho khoa học để xử lý một vấn đề quốc gia bởi đây là nội dung của một chương trình khác – chương trình đầu tư phát triển vùng. “Vậy mục tiêu của việc đầu tư cho R&D là gì?”, Janez Potočnik – một chuyên gia kinh tế Slovenia và cựu thành viên của Hội đồng nghiên cứu châu Âu nêu câu hỏi và trích dẫn nguyên tắc của Horizon, “đó chính là thúc đẩy khoa học và tăng cường tính cạnh tranh của khoa học châu Âu”. 
 
Ông Robert-Jan Smits, cựu Tổng giám đốc Hội đồng nghiên cứu châu Âu và hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TU Eindhoven (Hà Lan), cũng thừa nhận, “có nhiều thái cực trong cuộc tranh cãi này. Nó cho thấy nhiều chia rẽ giữa các quốc gia và cho thấy một lần nữa có sự rạn nứt trong lòng châu Âu. Thật không may mắn!”  
 
Châu Âu và hai tốc độ phát triển 
 
Đằng sau những vấn đề mâu thuẫn này là một thực trạng đã tồn tại nhiều năm: khoảng cách về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (R&I gap) của 15  quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, vốn có nền tảng kinh tế và khoa học vững vàng, với 13 quốc gia Đông Âu mới trải qua quá trình chuyển đổi về thể chế và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế – xã hội. Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu lần lượt vào năm 2004 và 2007, 13 quốc gia phía Đông chưa có được sự hòa nhập đáng kể nào với EU: nếu tính riêng về khoa học thì việc đầu tư cho R&D của họ vẫn ở mức dưới 1% GDP.  
 
Rõ ràng, những người chiếm ưu thế trong các chương trình đầu tư cho khoa học của châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan hay nhóm quốc gia Bắc Âu đương nhiên thấy vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và tăng cường tính cạnh tranh của châu Âu. Theo một báo cáo tổng kết của Hội đồng nghiên cứu châu Âu năm 2018, những cơ sở nghiên cứu chiếm ưu thế là Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), Fraunhofer (Đức), và các trường đại học như Cambridge, Oxford (Anh). Những nơi này có khả năng hình thành các liên doanh nghiên cứu và về tổng thể có khả năng chọn lựa được những đối tác nặng ký tham gia dự án của mình. Và thông thường là không có đối tác từ phía Đông. 
 
Không khó để thấy năng lực nghiên cứu của những quốc gia này đã được tích lũy hàng thập kỷ do chính sách đầu tư cho R&D “nặng đô” của đất nước và điều đó hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu của chương trình Khung – nguyên tắc cho các chương trình đầu tư cho R&D của châu Âu, và “đương nhiên, những viện nghiên cứu xuất sắc nhất của họ sẽ có lợi thế”, ông Potočnik chỉ ra vấn đề.
Trái ngược với đó, nhiều quốc gia Đông Âu như Slovakia, Romania, Ba Lan hay Hungary không chỉ có chính sách phát triển khoa học một cách cầm chừng, thậm chí bị cắt giảm ngân sách đầu tư cho khoa học mà còn phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi các nhà nghiên cứu rời đất nước sang phương Tây. Không có chút lợi thế nào, họ cũng là những người ít được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư của châu Âu: dù chiếm 17% dân số nhưng 13 quốc gia này chỉ nhận được 4,8% tổng kinh phí đầu tư từ các chương trình châu Âu. Thậm chí, một châu Âu hậu Brexit cũng khiến họ phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm kinh phí từ các chương trình đầu tư cho nông nghiệp mà họ vẫn nhận được từ Anh. Rạn nứt Đông – Tây lại thêm sâu sắc. Nói như một quan chức châu Âu là người thuộc khối Đông Âu, “một phần của châu Âu thì hết sức phát triển, phần còn lại thì yếu kém. Đây thực sự là một châu Âu với hai tốc độ phát triển”.  
 
Nghị viện châu Âu đã nhận ra vấn đề này. Tháng 6/2017, Nhóm đánh giá Công nghệ châu Âu (ETAG) đã thực hiện báo cáo “Vượt qua những khoảng cách đổi mới sáng tạo trong 13 quốc gia thành viên EU” (Overcoming innovation gaps  in the EU-13 Member States) và công bố vào tháng 3/2018. Theo đánh giá của nghiên cứu, một số quốc gia như Cyprus, Malta, Romania… có nhiều bất lợi khi tham gia các chương trình đầu tư của châu Âu: thiếu năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ở trình độ cao, số lượng các nhà nghiên cứu trên 100.000 người dân mới chỉ bằng một nửa so với các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu. Số lượng nhà nghiên cứu ở mức thấp có thể là một trong số các nguyên nhân khiến họ không chỉ ít đề xuất xin tài trợ, ít khả năng cạnh tranh trong các chương trình đầu tư của châu Âu mà còn ít kết nối với những cộng đồng nghiên cứu khác. Đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao các mạng lưới của Đông Âu lại thường lỏng lẻo, thiếu linh hoạt và ít ảnh hưởng với các mạng lưới Tây Âu và Bắc Âu. 
 
Trong quá trình tham gia các dự án lớn của châu Âu, các quốc gia như Czech, Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia… bộc lộ thêm một số nhược điểm như thiếu những nhà khoa học có năng lực quản lý dự án tốt, đặc biệt là các dự án có sự tham gia của cả lĩnh vực công và tư trong khi các dự án của châu Âu thường có kinh phí thực hiện lớn, quy mô lớn, phức tạp với sự tham gia của nhiều bên. Giải pháp cho vấn đề này là phải mời chuyên gia ngoài khối Đông Âu quản lý dự án – vốn mất nhiều kinh phí, hoặc các nhà khoa học có kinh nghiệm của đất nước phải tự kiêm nhiệm cả việc quản lý dự án, dù thiếu kỹ năng quản lý và tổ chức – dễ khiến mọi chuyện trở nên rối bời, thậm chí đổ bể. 
 
Bên cạnh đó, phải làm việc trong những cơ sở nghiên cứu thiếu trang thiết bị, môi trường nghiên cứu thiếu minh bạch và hệ thống R&D tản mát, thiếu tập trung vào những hướng nghiên cứu như của đối tác Tây Âu và Bắc Âu nên bản thân các nhà nghiên cứu và nhóm nghiên cứu của họ không có khả năng cạnh tranh. Hội đồng khoa học châu Âu vẫn thường phải hỗ trợ họ trong các đề xuất tài trợ, tư vấn cho họ cách tham gia các chương trình tài trợ hoặc thậm chí tập huấn họ để có phương pháp quản lý dự án hiệu quả. 
 
Một yếu tố quan trọng không kém mà Nhóm đánh giá Công nghệ châu Âu thấy được thông qua phỏng vấn hàng chục nhà nghiên cứu Đông Âu là việc “thiếu những vận động hành lang cho khoa học và điều đó có thể dẫn đến cái nhìn thiên kiến đối với những đề xuất dự án gửi từ Đông Âu và các nhà quản lý Brussels quan tâm nhiều hơn tới các đề xuất từ Tây Âu và Bắc Âu”. Việc thiếu đại diện trong các hội đồng cũng như trong các phiên thảo luận cũng làm giảm đi khả năng thành công của khoa học Đông Âu. Thậm chí, họ còn nhận thấy các chương trình nghiên cứu của châu Âu dường như chỉ cho phép “những thành viên thân thiết” từ Tây Âu tham gia. 
 
Những giải pháp dài hạn
 
Khoa học châu Âu đang trong bối cảnh chia rẽ mà chưa có giải pháp nào thỏa đáng. Người ta hi vọng mọi khúc mắc có thể giải quyết được ổn thỏa vào mùa đông tới, khi Hội đồng nghiên cứu châu Âu mới được thành lập sau khi Nghị viện châu Âu được bầu lại. Mặc dù được nêu gay gắt trong phiên họp tháng 3 nhưng ai cũng hiểu rằng vấn đề lương bổng có thể sẽ không quá quan trọng bằng việc minh bạch hóa quá trình phê duyệt các dự án, thắt chặt sự liên kết giữa Horizon Europe với các chương trình đầu tư cho khoa học, đầu tư phát triển vùng của châu Âu. 
 
Có thể, những giải pháp mà Nhóm đánh giá Công nghệ châu Âu nêu trong báo cáo sẽ được Hội đồng nghiên cứu châu Âu tham khảo, đó là tạo dựng và khai thác những ngân sách đầu tư cho khoa học xuất sắc; cải thiện việc quản trị những hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia; cải thiện việc sử dụng và khai thác chương trình khung của các dự án R&D; tăng cường hiệu quả của các điểm tương tác quốc gia (National Contact Points NCPs) – những tổ chức độc lập có chức năng khác nhau như bộ, viện hàn lâm, viện nghiên cứu… có thể cung cấp thông tin tới Hội đồng nghiên cứu châu Âu; mở rộng các chương trình đầu tư cho các tổ chức khoa học xuất sắc và mở rộng các quốc gia tham gia những chương trình của châu Âu.
 
Khi các giải pháp vẫn còn đang được cân nhắc thì Hội đồng nghiên cứu châu Âu đã bắt đầu thử nghiệm Alliance4Life, một mô hình nghiên cứu kiểu mẫu dành cho các quốc gia Đông và Trung Âu bắt nguồn từ sáng kiến do Trung tâm nghiên cứu về khoa học sự sống, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano châu Âu (CEITEC) đặt tại Czech đề xuất. Chỉ gói gọn trong vòng 2 năm (2018-2019) nhưng Alliance4Life hướng vào giải quyết những vấn đề lớn của vùng: tạo một nền tảng đào tạo, nghiên cứu về khoa học sự sống để thúc đẩy sự gắn kết giữa các trường, viện nghiên cứu Đông – Trung Âu; tạo nền tảng quản lý khoa học minh bạch và tiên tiến với những hoạt động đánh giá dự án, đánh giá tài trợ; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và xây dựng, phổ biến các vấn đề đạo đức sinh học. 
 
Để tránh lặp lại thất bại của nhiều dự án từng triển khai trước đây tại khu vực này, Alliance4Life không hoạt động một cách đơn lẻ mà sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nghiên cứu châu Âu để kết nối với các dự án khác của châu Âu, đặc biệt Horizon 2020, kết nối với các viện nghiên cứu ở Tây và Bắc Âu, đồng thời mời chính quyền và các cơ quan quản lý khoa học tại các quốc gia Đông và Trung Âu nhập cuộc thông qua các cuộc thảo luận bàn tròn về cải cách chính sách khoa học. 
 
TS. Jiří Nantl, Giám đốc CEITEC cho biết, ý tưởng về Alliance4Life được hình thành từ quan sát của anh: các viện nghiên cứu Đông Âu không chỉ kém trong việc kết nối với các đồng nghiệp phương Tây mà còn gần như không hợp tác với nhau, “ví dụ chúng tôi biết rất ít các viện nghiên cứu của Slovakia, dù chúng tôi từng cùng trên một lãnh thổ trong vòng 30 năm”. Việc tạo dựng sự hợp tác nội vùng – giữa 10 viện nghiên cứu về khoa học sự sống Đông Âu cũng quan trọng không kém với việc gắn kết và mở rộng mạng lưới của Alliance4Life tới Tây Âu bởi theo TS. Jiří Nantl, khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp thì việc liên kết để trao đổi thông tin và cùng giải quyết vấn đề lớn cũng có thể đem lại kết quả tốt.
 
Tuy chưa đến thời điểm kết thúc dự án Alliance4Life để đánh giá hiệu quả của mô hình và sự lan tỏa tinh thần khoa học trong vùng Đông Âu và Trung Âu nhưng theo quan điểm của TS. Mary Anne O’Connell – một nhà nghiên cứu Ireland làm việc tại CEITEC, “có rất nhiều vấn đề cần được rút ra bởi không phải mọi thứ được lên kế hoạch đều có thể thực hiện được ở Đông Âu”. Dĩ nhiên, Alliance4Life sẽ tổng kết và nêu các đề xuất để Hội đồng châu Âu có thể xây dựng một mô hình chuẩn và nhân rộng mô hình này trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác. Ông Kurt Vandenberghe, thành viên Hội đồng cho rằng, một tác động khác của Alliance4Life là góp phần định hình chương trình đầu tư tiếp theo Horizon 2021-2027. 
 
Nhìn nhận tác động hai chiều của Alliance4Life, TS. Jiří Nantl nói: “Thông qua Alliance4Life, đầu tư của châu Âu đã thực sự làm thay đổi môi trường nghiên cứu và hình thành các chính sách, chương trình nghiên cứu của chúng tôi nhưng ngược lại, Alliance4Life cũng làm thay đổi cái nhìn của châu Âu về chúng tôi”. 
 
Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: 

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)