Sứ mệnh của khoa học xã hội và nhân văn

Ngành KHXH&NV cần tự ý thức được trách nhiệm của mình, đó là hướng đến nghiên cứu đề xuất các mô hình quản trị cụ thể cho đất nước.

Các nhà khoa học dự hội thảo Việt Nam học năm 2016. Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức định kỳ 4 năm một lần và là diễn đàn khoa học lớn, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Việt Nam. Trong ảnh, GS Phạm Quang Minh (trái) đang trao đổi với GS Carlyle Alan Thayer, nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á.

Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở Việt Nam được khởi đầu với việc người Pháp xây dựng trường Đại học Đông Dương, ngôi trường đại học đầu tiên, nơi đặt nền móng cho các ngành cơ bản như triết học, lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học. Lúc đó chúng ta có một thế hệ vàng các nhà KHXH&NV, từ Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu… Họ đã tạo ra được dấu ấn cho một nền KHXH&NV của một quốc gia còn non trẻ, và đào tạo ra các thế hệ kế tục. 

Trong giai đoạn đất nước chiến tranh và xảy ra sự đối đầu ý thức hệ trên quy mô thế giới, ngành KHXH&NV đã gặp nhiều khó khăn. Các nhà khoa học ít được giao lưu, tiếp cận tài liệu từ bên ngoài. Các công trình nghiên cứu và hoạt động giao lưu, trao đổi khi đó đều là những cố gắng vượt bậc. Trong thời kỳ đó, các nhà nghiên cứu trong nhóm các nước XHCN chủ yếu chỉ tiếp xúc với nhau, trong khi các nhà nghiên cứu từ các nước phương Tây cũng ít hiểu về các nước XHCN. Trên thực tế, đến tận năm 1986, nền KHXH của chúng ta vẫn chỉ có hai nguồn ảnh hưởng, một là của Pháp trước đây, hai là của Liên Xô. Vì vậy khó tránh khỏi sự hạn chế, khô cứng, thiếu đa dạng, ít đối thoại hay tranh luận. Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đã tác động tới nghiên cứu KHXH trên toàn cầu, sự tương tác, giao lưu giữa các nhà khoa học trên thế giới được tăng cường mạnh mẽ. Chúng ta cũng đã được tiếp thu những phương pháp, lý thuyết mới, và có những thay đổi khởi sắc. 

Tuy nhiên, sẽ là ngộ nhận nếu ai đó cho rằng mô hình phát triển của xã hội phương Tây đạt tới đỉnh cao, hay phương Đông chỉ có đi học phương Tây. Trong KHXH không có cái gọi là lạc hậu hơn, chúng ta nghiên cứu KHXH là để thấy được sự đa dạng của xã hội, những mô hình khác nhau, những cách phát triển khác nhau. Một xã hội phải có sự tiếp diễn, trên nền tảng văn hóa, mà ở đó người ta xây dựng một mô hình, chủ thuyết phù hợp. Phương Đông có những khác biệt nên không thể lấy châu Âu làm hình mẫu. Gần đây mới xuất hiện thuật ngữ glocalization vừa toàn cầu hóa lại vừa địa phương hóa, tức là có những mẫu hình không phản ánh đầy đủ thể chế thị trường kiểu phương Tây trong tiến trình toàn cầu hóa. Các bên vẫn tham gia vào toàn cầu hóa, nhưng từng bên đều có thể có yếu tố bản địa mạnh mẽ, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải chú ý vào tính đặc thù và đa dạng của xã hội. 

Bởi vậy, KHXH của chúng ta vẫn có một sứ mệnh, một chân trời rộng mở phát triển. Ngay các nhà KHXH phương Tây cũng nói rằng bây giờ phải có những mẫu hình, hoặc những lý thuyết phi châu Âu. Nhưng để tham gia và công cuộc nghiên cứu đó đòi hỏi những người được đào tạo bài bản, vừa thấu hiểu những đặc thù bản địa của Việt Nam, vừa am hiểu các mô hình và xu hướng phát triển chung, có khả năng công bố và tham gia giao lưu tích cực trong môi trường học thuật quốc tế. 

Hiện nay đang có tình trạng những người học trong nước thì hiểu Việt Nam nhưng lại không có được lý thuyết và cách tiếp cận ở phương Tây, còn những người học ở phương Tây về thì lại không hiểu nội tại của Việt Nam. Cả hai phía đều cần thời gian để học hỏi, tìm hiểu thêm. Trong khi đó, ngôn ngữ vẫn đang là một rào cản với chúng ta. Nếu như ở Nhật Bản, hệ thống lý thuyết phương Tây được dịch rất đầy đủ, thì ở ta việc dịch thuật còn ở mức “lõm bõm” và chắp vá.

Một trở ngại lớn nữa cho KHXH&NV của Việt Nam mà sẽ cần rất nhiều thời gian để thay đổi, khắc phục, đó là hệ thống giáo dục còn thiếu tính khai phóng và cởi mở tự do. Học sinh bị ép phải học vẹt một cách giáo điều, một chiều, khiến khả năng tư duy độc lập không phát triển, trong khi điều quan trọng nhất của nghiên cứu khoa học là phải có tư duy phê phán.  

Cuối cùng, ngành KHXH &NV cần tự ý thức được trách nhiệm của mình, đó là hướng đến nghiên cứu đề xuất các mô hình quản trị cụ thể cho đất nước, giúp tinh giản hóa bộ máy nhà nước cồng kềnh, thúc đẩy sự phát triển theo hướng lành mạnh các thị trường, phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội. Nếu chúng ta không đưa ra được mô hình, phương pháp, cách thức phát triển cụ thể cho xã hội mà chỉ dừng lại ở giải thích hay minh họa cho các lý thuyết và nghị quyết, thì sẽ không thể có đột phá để tạo ra sự lưu thông trên dòng chảy tư tưởng.□

Tác giả