VKIST: Mục tiêu trở thành thương hiệu nghiên cứu công nghiệp

Ông Dongwha Kum, Viện trưởng VKIST cho biết, ngay từ khi xây dựng đề án thành lập, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã được định hướng chỉ tập trung vào phát triển những công nghệ mà khối công nghiệp cần.


Ông Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST, cũng là viện trưởng của KIST từ năm 2006-2008. Trong ảnh: ÔngKum Dongwha tại Bảo tàng KIST. Nguồn: VKIST

Tuy nhiên, việc nghiên cứu công nghiệp không hẳn chỉ là nghiên cứu ứng dụng mà vẫn có thể hướng đến khám phá những tri thức mới, viết bài báo khoa học và nghiên cứu công nghệ để đăng ký sáng chế.

Làm những việc nơi khác chưa làm

Vì sao công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là hai lĩnh vực chính mà VKIST tập trung, thưa ông?

Thực tế thì tôi không tự lựa chọn hai lĩnh vực này. Ngay từ khi chính phủ các bạn yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc giúp xây dựng một viện nghiên cứu, họ đã quyết định nó sẽ tập trung vào công nghệ sinh học và công nghệ thông tin rồi.

Tôi nghĩ lý do cho lựa chọn này khá rõ ràng. Đây là hai lĩnh vực đang rất năng động và nhiều quốc gia tin tưởng rằng đó là lĩnh vực của tương lai, lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, khi nói đến công nghệ sinh học, chúng tôi chỉ nghĩ đến dược phẩm và thiết bị y tế. Nhưng ở đây, Việt Nam đưa ra một ý tưởng khác. Đó là công nghệ chế biến sau thu hoạch, thuốc và thảo dược. Nguyên nhân cho sự lựa chọn này là bởi vì nền nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang là nước có sản lượng xuất khẩu rất lớn các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, gạo, hạt điều, tuy nhiên giá trị của các sản phẩm này chưa cao. Do vậy, Việt Nam cần tập trung vào các công nghệ sau chế biến để các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn. Còn về thuốc và thảo dược, các bạn có một vùng đất trải dài từ Bắc đến Nam với hệ thực vật đa dạng và nền y học cổ truyền lâu đời mà rất nhiều người cho rằng chưa được khai thác hết tiềm năng.
Lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khối công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, Việt Nam không sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao mà mới dừng lại ở khâu lắp ráp. Vì vậy, cũng dễ hiểu là các bạn muốn vươn lên tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn trong lĩnh vực này, đó cũng là định hướng của Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay.

Một lý do khác, có thể là vì đây là dự án liên kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc nên các lĩnh vực lựa chọn còn dựa trên thế mạnh của Hàn Quốc nữa.

Cách đây hơn một năm, VKIST đã thực hiện Báo cáo Khảo sát công nghiệp. Các ông có những khám phá gì từ đó?

Khi thực hiện khảo sát, chúng tôi ưu tiên trao đổi với những người thuộc khối doanh nghiệp, thay vì những nhà hoạch định chính sách và giáo sư đại học.

Những điều chúng tôi tìm hiểu được cũng khá phổ biến và thường gặp ở những quốc gia đang phát triển, đó là các công ty chủ yếu nhập các thiết bị máy móc, nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm, dẫn đến Việt Nam vẫn là một quốc gia công nghiệp hóa ở mức thấp.

Kết quả khảo sát giúp ích gì cho các ông trong việc vận hành VKIST?

Có ba điều. Một là khẳng định lại những gì chúng tôi nghe trước đó về Việt Nam, về trình độ của những người đang làm trong nhà máy, trên công trường.

Thứ hai, những người tham gia khảo sát gợi ý chúng tôi làm những gì mà các trường đại học và viện nghiên cứu khác không làm hoặc không làm được, như là tạo ra một nền tảng, một môi trường nghiên cứu liên kết nhiều bên; hay làm những gì gần với bước ứng dụng thực tế, chẳng hạn như trong lĩnh vực thuốc và thảo dược, chúng tôi được khuyên nên tập trung vào quá trình chiết xuất thảo dược.

Khảo sát cũng chỉ ra, chúng tôi nên lựa chọn những lĩnh vực mà chính phủ có thể tạo ra thị trường hoặc có quyền kiểm soát thị trường nội bộ (inside market), chẳng hạn như khi Việt Nam tiến tới mạng 5G hoặc lưới điện thông minh, có rất nhiều thành phần và thiết bị mà chúng tôi có thể tham gia nghiên cứu.


Trụ sở của VKIST, theo dự kiến sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2020. Tuy nhiên việc lắp đặt các thiết bị và xây dựng đội ngũ nghiên cứu đã được triển khai từ bây giờ. Nguồn: KIST và dongascience.

Nghiên cứu công nghiệp không hạn chế công bố quốc tế

VKIST có thể được coi là một viện nghiên cứu “trọng điểm” trong nghiên cứu định hướng ứng dụng. Trước đó, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng nhưng kết quả còn khá hạn chế. VKIST có những đổi mới sáng tạo nào trong việc thiết kế, đánh giá, triển khai những nghiên cứu ứng dụng để đưa các kết quả từ phòng thí nghiệm ra thị trường trong vòng 5 năm như dự kiến của ông?

Đúng là việc chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ứng dụng không hề đơn giản, đặc biệt là đối với những cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia có ít kinh nghiệm. Gợi ý của tôi không có gì mới. Chúng tôi sẽ bắt đầu với những gì khối công nghiệp đòi hỏi. Sau đó, dựa trên việc xem xét các cơ sở nghiên cứu khác đã phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp đến đâu, tập trung vào lĩnh vực nào, chúng tôi sẽ định vị được mình. Tôi nói 5 năm chỉ là để so sánh (với nghiên cứu cơ bản) chứ thực tế nhiều công nghệ có thể chỉ cần phát triển trong sáu tháng, một năm nhưng cũng có khi phải mất nhiều
hơn 5 năm.

Tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là cho mọi người thấy ví dụ về việc nghiên cứu công nghiệp là như thế nào. Tôi muốn dùng cụm từ “nghiên cứu công nghiệp” thay cho cụm từ “nghiên cứu định hướng ứng dụng”. Bởi vì, khối công nghiệp không hẳn chỉ cần mỗi ứng dụng mà họ cần cả những kiến thức về khoa học cơ bản nữa. Chúng tôi vẫn có thể hướng đến khám phá những tri thức mới, viết bài báo khoa học, nghiên cứu công nghệ để đăng ký sáng chế.

Nhiệm vụ ban đầu của VKIST là tạo ra mối liên hệ gần gũi với khối doanh nghiệp, cố gắng hiểu họ, làm bạn với họ. Ước mong của tôi là VKIST sẽ được biết đến rộng rãi như một tổ chức nghiên cứu công nghiệp và những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học nghĩ đến chúng tôi khi gặp vấn đề trong sản xuất. Đó là “thương hiệu” mà tôi muốn xây dựng cho VKIST.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đưa ra một gợi ý quan trọng là chúng tôi nên làm việc với những công ty có năng lực R&D, những công ty thực sự muốn cải tiến công nghệ chứ không phải chỉ phát triển dựa trên giá nhân công thấp hay có nguồn đầu tư dồi dào. Chọn lựa làm việc cùng ai là một điều cần thiết vì chúng tôi không có vai trò nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho toàn Việt Nam. Bây giờ, chúng tôi còn quá non trẻ và ngay cả 10 năm nữa thì chúng tôi vẫn cứ non trẻ đối với nhiệm vụ ấy.

Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào một số vấn đề cụ thể, doanh nghiệp cụ thể. Đồng thời, chúng tôi sẽ tạo ra đãi ngộ xứng đáng đối với những nhà khoa học và kỹ sư để họ hài lòng với nghề nghiệp của mình.

Đâu là thách thức đối với ông trong việc tổ chức nghiên cứu công nghiệp ở Việt Nam?

Các bạn đầu tư cho các nghiên cứu công nghiệp chỉ ngang với việc đầu tư để viết một bài báo. Với tôi, đó là một thách thức lớn để tạo ra những ứng dụng thực tế, vì chúng tôi cần nhiều hơn thế. Chúng tôi luôn cần những know-how mà không có sách vở nào nói cho cả. Vì vậy, chúng tôi phải tìm và hợp tác được với những người thực sự muốn phát triển knowhow của riêng mình.

Một điều khác nữa đó là nếu muốn làm việc với khối công nghiệp, chúng tôi không chỉ cần những người hiểu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này mà còn cần những người có tư duy rất khác. Có thể, rất khó để những giáo sư, tiến sĩ bắt tay vào những việc cụ thể trong nhà máy, những việc “bẩn tay chân” (dirty work). Tôi chưa có câu trả lời cho việc làm thế nào để thuyết phục họ cả.

Tuy nhiên, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng ngay cả khi triển khai các nghiên cứu công nghiệp, nếu làm tốt, vẫn luôn có cách để công bố quốc tế. Tôi không bao giờ muốn hạ thấp việc viết bài báo hay đăng ký sáng chế nhưng tôi muốn họ làm ngược lại. Làm việc tốt cái đã rồi sẽ có công bố. Đó là cách làm khác nhưng phục vụ cho những việc thiết thân của đất nước hơn. Tôi có thể lấy mình làm ví dụ, rồi thiết lập một nhóm những người có quan điểm giống mình và làm việc chăm chỉ hết sức.

Cần được đầu tư nhiều hơn cho trang thiết bị

Để tạo dựng nền tảng cho hoạt động của VKIST, những công việc nào được ông ưu tiên?

Đây là một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, kéo dài trong vòng bốn năm. Một tổ chức trong vòng bốn năm thì chưa đủ trưởng thành để có thể tự phát triển và hiểu rõ mình sẽ làm gì. Bản thân trụ sở đang xây dựng cũng chưa được đầu tư tới ngưỡng (critical mass) mà chúng tôi cần để có thể có được sức cạnh tranh ở Việt Nam. Mà nếu đặt mục tiêu cạnh tranh ở Việt Nam sau một thời gian cũng không có mấy ý nghĩa mà phải tính đến việc cạnh tranh ở thị trường châu Á, sau đó là trên toàn thế giới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế.

Tiếp theo, chúng tôi cần có một hệ thống vận hành tốt. Tốt nghĩa là nó thân thiện với những nhà nghiên cứu và đủ năng lực để kiếm tài trợ nghiên cứu và nhờ vậy có thể trả công cho các nhà khoa học. Phần vốn ODA từ hai chính phủ như hiện nay thì chưa đủ để tạo thành một môi trường nghiên cứu tốt.

Năm 1965, Chính phủ Mỹ hỗ trợ KIST 5 triệu USD trong vòng 5 năm nhưng Chính phủ Hàn Quốc còn cho thêm 2,5 lần số tiền đó. Bởi vậy nhiều tòa nhà và thiết bị mới được xây dựng thêm. Nếu chỉ có 5 triệu USD ban đầu sẽ khó có thể biến KIST thành một điển hình được. VKIST phải tìm thêm đầu tư, đặc biệt là cho trang thiết bị vì vốn ODA hiện nay chỉ tập trung vào việc xây dựng nhà cửa là chính.

Về vấn đề này, tôi mong ước rằng Chính phủ Việt Nam nên tăng cường hỗ trợ cho VKIST để thực hiện được sứ mệnh của mình. Và tất nhiên, nếu chúng tôi có đủ năng lực để giành được sự tin tưởng từ khối công nghiệp, tôi tin tưởng là chính phủ sẽ làm như vậy.

Trong trường hợp của KIST ở Hàn Quốc hình như diễn ra điều ngược lại – chính phủ hỗ trợ trước rồi sau đó KIST mới vươn ra khối doanh nghiệp?

Như tôi đã nhiều lần đề cập, Việt Nam ở thời điểm này tốt hơn rất nhiều so với Hàn Quốc tại thời điểm KIST ra đời. Chính phủ Hàn Quốc phải hỗ trợ khối công nghiệp phát triển vì vào thời điểm đó [năm 1965], chúng tôi chưa có một lĩnh vực công nghiệp nào đáng kể cả. Chính phủ quyết định tập trung vào lĩnh vực đóng tàu, luyện kim, lọc hóa dầu, nhận tiền đầu tư từ nước ngoài, đổ vào các công ty nội địa và biến chúng thành các Cheabol như ngày nay.

Đó là lí do KIST ban đầu chỉ có các hợp đồng với chính phủ và các công ty được chính phủ đầu tư. Nhưng môi trường ở Việt Nam hiện nay tốt hơn Hàn Quốc trước đây với nhiều doanh nghiệp và một nền tảng công nghiệp nhất định. Điều này là một thuận lợi để các viện nghiên cứu có thể có được những hợp đồng từ khối công nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hảo Linh thực hiện

(Theo Khoa học & Phát triển

http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/vkist-muc-tieu-tro-thanh-thuong-hieu-nghien-cuu-cong-nghiep/20180206095131752p1c785.htm )

Tác giả