Khoa học Nga tỉnh giấc (Kỳ II)

Việc Chính phủ quan tâm nhiều tới khoa học ứng dụng đã làm nhiều nhà khoa học lo ngại khoa học cơ bản sẽ không được đối xử công bằng. Tình cảnh của nghiên cứu cơ bản của Nga đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi 200 nhà nghiên cứu của Nga gửi thư cho Tổng thống Medvedev cảnh báo ông về điều kiện thê thảm và tương lai đen tối của nghiên cứu cơ bản của Nga.

Thu hẹp khoảng cách

Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của Putin vào năm 2004, Fursenko được chỉ định tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục, Chính phủ Nga bắt đầu thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và kinh tế. Hệ thống cũ các viện ứng dụng cũ đã từng phục vụ cho quân đội và những ngành công nghiệp then chốt đã sụp đổ. Không có một cơ chế mới để chuyển những kết quả khoa học trở thành những sản phẩm hữu dụng hoặc các quá trình trong sản xuất công nghiệp. “Bên công nghiệp không quan tâm: họ hài lòng với cái họ có. Những sáng kiến thúc đẩy sự tương tác giữa các bên là rất quan trọng”, Khokhlov nói.

Vào năm 2007, chính phủ tài trợ lớn cho công nghệ nano. Họ thành lập Tổng công ty Rusnano với số tiền tài trợ lên tới 6 tỷ USD và mục đích là tạo ra 30 tỷ USD bên công nghiệp vào năm 2015. Rusnano cung cấp phần lớn số tiền này cho các công ty như một khoản tiền tài trợ cho việc thương mại các sản phẩm nano nhưng các viện nghiên cứu thì vẫn than phiền chỉ nhận được phần nhỏ của miếng bánh.

Viện Kurchatov, Moscow, phòng thí nghiệm hàng đầu về năng lượng nguyên tử của Nga chuyển trung tâm phóng xạ synchrotron thành trung tâm phóng xạ synchrotron và công nghệ nano. JINR thành lập trung tâm quốc tế về công nghệ nano với 33 triệu USD từ Rusnano. Vào tháng 7, RAS và Rusnano thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ với khoảng 1 triệu USD từ Rusnano.

Mặc dù làn sóng đầu tư cho nano lên cao, một vài nhà khoa học vẫn nghi ngờ về cơn sốt công nghệ nano của Chính phủ. Rusnano không thực sự tài trợ cho nghiên cứu. Đó chỉ là bước thương mại hoá.

Những nghi ngại dấy lên xung quanh dự án Skolkovo-thành phố công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon ở ngoại ô Moscow. Khởi động cách đây 6 tháng, dự án nhằm xây dựng một thành phố cho 12.000 nhà nghiên cứu và giới doanh nhân, tập trung vào những ưu tiên của Chính phủ như năng lượng, viễn thông, y sinh và năng lượng nguyên tử. Viện Kurchatov và ĐH Moscow tham gia vào dự án cùng với một loạt các công ty nước ngoài trong đó có công ty Boeing.

“Dự án Skolkovo thật kỳ lạ. Có nhiều trung tâm khoa học ở Nga, tại sao lại phải đầu tư tiền vào nơi mới này? Các phòng ốc của chúng tôi đang trống rỗng”, Vyacheslav Strelkov, Viện Kurchatov nói. Dự án cũng làm JINR lo lắng. JINR từng được cho phép thành lập công viên khoa học nơi các công ty công nghệ có thể đặt cơ sở và tương tác với nhau. Nhưng hiện giờ vẫn chưa có gì vì các công ty vẫn chờ xem Skolkovo sẽ tiến triển như thế nào.

Trở về bản chất

Việc Chính phủ quan tâm nhiều tới khoa học ứng dụng đã làm nhiều nhà khoa học lo ngại khoa học cơ bản sẽ không được đối xử công bằng. “Họ đơn giản là không hiểu làm cách nào khoa học cơ bản tạo ra những đổi mới và tin rằng tất cả nghiên cứu cơ bản phải ra được một cái gì đó hữu dụng”, Georgii Georgiev, Viện gene thuộc RAS nói. Tình cảnh của nghiên cứu cơ bản của Nga đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi 200 nhà nghiên cứu của Nga gửi thư cho Tổng thống Medvedev cảnh báo ông về điều kiện thê thảm và tương lai đen tối của nghiên cứu cơ bản của Nga. Những người cảnh báo kêu gọi tăng tài trợ, gắn kết khoa học Nga vào cộng đồng thế giới, minh bạch tài chính, các tiêu chuẩn quốc tế trong xét duyệt đi liền với những khoản tài trợ có tính cạnh tranh.

Những lời cảnh báo càng trở nên bức thiết khi vào năm nay Thomson Reuters đưa ra bản báo cáo về công bố quốc tế của các nhà khoa học Nga từ khi liên bang Xô viết sụp đổ. Nga đạt được 29.000 công bố quốc tế vào năm 1994 nhưng chỉ đạt 22.000 công bố vào năm 2006 – thời kỳ mà các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc tăng số lượng công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2004-2008, công bố quốc tế của Nga chiếm 2.6% của thế giới, trong khi Trung Quốc là 8.4%, Canada 4.7% và Úc 3.0%.

“Đây là câu hỏi nhạy cảm với chúng tôi. Đó là vấn đề về văn hoá”, Fursenko nói. Một số nhà khoa học Nga chỉ công bố trên các tạp chí tiếng Nga như để thể hiện niềm tự hào dân tộc. Fursenko cho rằng, báo cáo của Thomson Reuters gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng khoa học Nga giữa những người công bố trên các tạp chí quốc tế và những người công bố trên tạp chí trong nước và nghĩ rằng họ ở mức thấp hơn – hoặc đơn giản là không quan tâm tới điều này.

Thực vậy, nhiều người tại RAS dị ứng với các tạp chí quốc tế và những người dựa vào đây để đánh giá hiệu quả nghiên cứu. “Khoa học thường thay đổi, rất khó để đánh giá. Việc tạo ra các chỉ số trích dẫn, chỉ số ảnh hưởng là một dự án thương mại từ những người có thể kiếm hàng tỉ USD… Có rất nhiều tiền và lợi ích đằng sau đó… Đó là lý do vì sao chúng ta phải tạo nên hệ thống đánh giá của chúng ta và không áp đặt hệ thống ngoại lai”, Mikhail Kovalchuk, Giám đốc Viện Kurchatov nói tại một cuộc họp báo vào tháng 9.

Chính phủ bắt đầu đề cập tới tình hình nghiên cứu cơ bản bằng cách thúc đẩy nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học hơn là tại RAS. Dưới chính quyền Liên Xô, các trường đại học chỉ là những cơ sở giảng dạy và họ thiếu cơ sở vật chất để nghiên cứu. Năm vừa qua, Chính phủ đã khởi động một số dự án thúc đẩy khoa học tại các trường đại học bao gồm cả cuộc canh tranh cho danh hiệu Đại học nghiên cứu quốc gia (hiện nay gồm có 40 trường đại học), cạnh tranh tài trợ cho cơ sở vật chất và tạo ra quỹ tài trợ cho các dự án do các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học thực hiện cho bên công nghiệp.

Một trong những nỗ lực lớn đó là chương trình tài trợ lớn (megagrants) để thu hút những nhà nghiên cứu hàng đầu tới các trường đại học của Nga. Hơn 500 nhà nghiên cứu nộp đơn cho chương trình. Trong số 40 người nhận được tài trợ, có 20 nhà khoa học Nga, 15 sống ở nước ngoài. Đợt 2 của chương trình sẽ được tiến hành vào cuối năm nay. “Có vẻ cuộc cạnh tranh lành mạnh”, Alexey Kondrashov, ĐH Michigan, Ann Arbor – một trong những người giành được tài trợ nói. “Tôi chỉ biết 8 trong số 40 người được tài trợ, họ đều là những nhà khoa học nghiêm túc. Do vậy, có thể hi vọng hiệu ứng tốt sẽ xảy ra.”

(Còn nữa)
Ngọc Tú
lược dịch (Science, Vol 330, 11/2010)

Tác giả