CNEST: Những lợi ích về khoa học và kinh tế xã hội

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN cho rằng, không chỉ đóng vai trò thay thế lò phản ứng Đà Lạt khi lò hết thời hạn vận hành, Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 15 MWatt sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng mới, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Ông Dmitry Vysotsky, giám đốc về các hướng lò nghiên cứu, công ty “Rosatom overseas” (phải), trả lời tại hội thảo.

Hội thảo về Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CNEST): Các khía cạnh KT-XH và KH-KT do Bộ KH&CN và Rosatom phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 10/2/2017. Tới dự có Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc.

Lợi ích của CNEST

Tại hội thảo, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov đã nhắc đến câu chuyện 33 năm trước, đội ngũ chuyên gia Nga và Việt Nam cùng hợp tác nâng cấp lò phản ứng, lắp đặt một số trang thiết bị chuyên dụng… Nhờ vậy, lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt bắt đầu hoạt động trở lại, dẫn đến kết quả là nhiều nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đã được thực hiện tại lò phản ứng Đà Lạt, đem lại nhiều đóng góp vào đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam. Việt Nam cũng trở thành quốc gia có những công trình nghiên cứu về năng lượng nguyên tử. Ông nhấn mạnh, để có đem lại những hiệu quả lớn hơn và việc vận hành lò phản ứng an toàn hơn, Việt Nam cần có những cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu tốt hơn cũng như đem lại những ứng dụng ở tầm cao hơn trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Đánh giá về vai trò của CNEST, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN cho rằng, không chỉ đóng vai trò thay thế lò phản ứng Đà Lạt khi lò hết thời hạn vận hành, CNEST với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 15 MWatt sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng mới, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Các chuyên gia của Rosatom có mặt tại hội thảo – Dmitry Vysotsky, giám đốc về các hướng lò nghiên cứu, công ty “Rosatom overseas”; Ruslan Kuatbetov, trưởng phòng phát triển sản phẩm lò nghiên cứu công ty “Rosatom overseas”; Mikhail Kalugin, Viện Kurchatov; Sergey Musaelyan, giám đốc các lò nghiên cứu cỡ nhỏ và trung bình Rosatom; Sergey Evdonin, quản lý dự án tập đoàn United Innovation Corporation đã nêu những điểm quan trọng trong dự án CNEST mà Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tư vấn, thiết kế, xây dựng, lắp đặt… Đóng vai trò nổi bật trong dự án CNEST là lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu có công suất 15 MWatt với năm kênh ngang và 20 hot cells (buồng nóng). Từ lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được những hướng nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực NLNT; nghiên cứu về khoa học vật liệu, công nghệ sinh học v.v; sản suất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN; sản xuất các nguồn phóng xạ và chiếu xạ Silic…; ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, hỗ trợ xuất khẩu, chống biến đổi khí hậu…

Như vậy khi sở hữu lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu của CNEST, Việt Nam có thể mở ra nhiều hướng phát triển mới trong việc liên kết liên ngành trong nghiên cứu, ứng dụng với những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước thông qua các hoạt động chiếu xạ nông sản xuất khẩu, kiểm tra, dò tìm các khuyết tật trong các công trình công nghiệp lớn, sản xuất silic pha tạp để chế tạo vật liệu bán dẫn… Những hoạt động liên kết này có sức tác động rất lớn đến sự phát triển của cả vùng, địa phương. Các chuyên gia Rosatom đã lấy ví dụ về lò phản ứng nghiên cứu đặt trong khuôn viên trường đại học Sao Paulo, trường đại học công lớn nhất Braxin, trong 51 năm tồn tại của mình đã góp phần không nhỏ vào việc làm nên sự thịnh vượng của thành phố này.

Để có thể tận dụng được những lợi thế mà CNEST hứa hẹn đem lại cho Việt Nam, các chuyên gia Rosatom lưu ý, Việt Nam cần cân nhắc việc lựa chọn địa điểm sao cho đạt được các tiêu chí thuận lợi giao thông, gần các trường đại học, viện nghiên cứu, gần các khu vực đô thị… để có thể vận chuyển sản phẩm hàng hóa an toàn, nhanh chóng đồng thời thu hút được các nhà nghiên cứu trẻ tới làm việc.

Đảm bảo về công nghệ

Một trong tám lò phản ứng nghiên cứu đặt tại Moscow của Viện Kurchatov. Ảnh: wikipedia.

Mặc dù đã được các chuyên gia Rosatom thuyết phục về mặt công nghệ với 100 lò phản ứng nghiên cứu đã và đang hoạt động tốt tại Nga (chiếm 20% số lượng lò phản ứng nghiên cứu thế giới) cùng 20 lò phản ứng nghiên cứu khác đang hoạt động tại nước ngoài, nhiều đại biểu Việt Nam vẫn băn khoăn về độ an toàn của lò phản ứng nêu trong dự án CNEST. Trả lời câu hỏi của Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và môi trường quốc hội Lê Hồng Tịnh, ông Dmitry Vysotsky và Mikhail Kalugin đều cho rằng, rất nhiều lò phản ứng nghiên cứu do Rosatom cung cấp công nghệ đều hoạt động rất tốt, trong đó ngay Viện nghiên cứu Kurchatov cũng sở hữu vài lò và địa điểm đặt lò đều ở thủ đô Moscow. Những lò phản ứng nghiên cứu này đều phải đạt các tiêu chí về an toàn rất chặt chẽ từ thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành. Ông Dmitry Vysotsky cũng lưu ý sự khác biệt về công suất giữa lò nghiên cứu và năng lượng khiến lò nghiên cứu an toàn hơn và cho biết thêm, vòng đời lò nghiên cứu rất dài và có thể tiến hành nâng cấp, gia hạn. Sau khi hết thời hạn vận hành, nhiều lò nghiên cứu đã trở thành bảo tàng khoa học.

Một trong những lo lắng khác của các đại biểu Việt Nam là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng. Ông Vysotsky cho biết, do dự án ĐHN Ninh Thuận đã bị dừng nên một số hạng mục phục vụ cho dự án này sẽ bị loại bỏ, điều đó sẽ giúp giá thành của CNEST giảm xuống dưới con số ước tính 500 triệu đô la như ban đầu. Về chi phí vận hành, bảo dưỡng hàng năm, tuy chưa có con số cụ thể nhưng theo cách tính của ông, các hoạt động sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ, dịch vụ đánh giá không phá hủy… sẽ góp phần trang trải không dưới 60% số này. Tuy nhiên về lâu dài, CNEST sẽ đem lại những lợi ích hết sức to lớn cho ngành khoa học Việt Nam cũng như nhiều ngành, nhiều lĩnh  vực khác trong xã hội.

Theo các chuyên gia Việt Nam có mặt tại hội thảo, do lò phản ứng Đà Lạt công suất nhỏ (500 kWatt) nên việc sản xuất dược chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ hàng năm chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu khám chữa bệnh trong nước, 70% còn lại Việt Nam phải đi nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, trong đó nhiều nhất là từ Indonesia. Tuy nhiên, việc sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ này cũng sẽ chấm dứt vào 10 năm tới, khi vòng đời của lò nghiên cứu Đà Lạt kết thúc.

Tác giả