Cần đầu tư cho các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc

Trong cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2017 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam diễn ra vào ngày 21/12/2017 tại Hà Nội, giáo sư Phạm Duy Hiển - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NLNTVN), cho rằng, trong thời gian tới, “ngoài các bài báo quốc tế, [Viện NLNTVN] cần phải đặt mục tiêu có bằng được các công nghệ để góp phần giải quyết những vấn đề của Việt Nam”.

Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành đo và lập bản đồ phân bố liều trong sản phẩm chiếu xạ. Nguồn: VietQ 

Theo báo cáo tổng kết của Viện NLNTVN, hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng năm 2017 của các đơn vị trong Viện đều đạt kết quả cao hơn năm 2016.

Với chủ đề “Khoa học đi cùng doanh nghiệp”, năm 2017 ghi nhận sự năng động trong mở rộng hợp tác, đưa nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào sản xuất, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp về sản xuất đồng vị phóng xạ, điều chế dược chất phóng xạ, chiếu xạ sản phẩm xuất khẩu, dịch vụ phân tích, dịch vụ kiểm tra không phá hủy trong công nghiệp… Tổng doanh thu các hoạt động này đạt trên 231 tỷ đồng. Trong số các đơn vị có doanh thu từ dịch vụ cao của Viện NLNTVN, Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma) được đánh giá là tích cực mở rộng việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khi cùng doanh nghiệp triển khai kế hoạch lắp đặt máy gia tốc điều chế dược chất phóng xạ tại TPHCM và cùng Sở KH&CN Đồng Nai thiết kế dây chuyền chiếu xạ mới tại tỉnh Đồng Nai để phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Không chỉ thúc đẩy các hoạt động ứng dụng và triển khai, Viện NLNTVN còn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Trong năm 2017, số lượng công bố quốc tế của Viện cũng tăng lên so với năm trước khi có tổng số 45 công trình, trong đó 36 công trình trên các tạp chí ISI có hệ số ảnh hưởng cao như Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C…, với đóng góp đáng kể thuộc về hai đơn vị giàu truyền thống nghiên cứu như Viện KH&KT hạt nhân, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt… Bên cạnh đó, ngay cả đơn vị nhỏ như Vinagamma cũng tăng số lượng công bố và các công trình nghiên cứu đó đều gắn liền với công việc ứng dụng của Trung tâm.

Dù tăng tiến về số lượng công bố nhưng Viện NLNTVN cũng còn một số tồn tại trong hoạt động nghiên cứu, đó là số công trình có tác giả chính là cán bộ của Viện còn chưa nhiều và chưa có công trình đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc giải pháp hữu ích. Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đề cập đến vấn đề này, “ngoài các bài báo quốc tế, [Viện NLNTVN] cần phải đặt mục tiêu có bằng được các công nghệ để góp phần giải quyết những vấn đề của Việt Nam. Trong nhiều năm mới, chúng ta dứt khoát phải làm được điều đó”. Để làm tốt cả hai khâu công bố quốc tế và có công nghệ, ông nêu giải pháp là Viện NLNTVN phải đầu tư có chiều sâu cho những nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc, ví dụ như TS. Lê Xuân Chung (Viện KH&KT hạt nhân) – người có 7 công bố trên tạp chí ISI có hệ số ảnh hưởng cao và  được trao giải đặc biệt của Viện năm 2017, để “khoảng 10 năm tới, Viện có được 10 đến 15 người có chỗ đứng trên mặt tiền quốc tế”.

Đồng tình với đề xuất của giáo sư Phạm Duy Hiển, giáo sư Đào Tiến Khoa nêu, cần có những chính sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ như lập quỹ học bổng, cấp kinh phí cho họ tham gia các hội nghị quốc tế, khóa tập huấn quan trọng, bởi “làm khoa học thật sự phải có hợp tác quốc tế. Nếu chúng ta muốn có các nhà nghiên cứu đạt đẳng cấp quốc tế cũng cần phải có được sự đầu tư ở tầm quốc tế”, giáo sư Đào Tiến Khoa nhấn mạnh.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)