Chia tay người tiên phong Đổi mới

Ông Nguyễn Văn Chính, vẫn được mọi người gọi một cách thân thiết và trìu mến là Chín Cần, đã ra đi. Theo nhận định của GS Đặng Phong, thông qua việc thực hiện thành công mô hình bỏ bao cấp, bỏ tem phiếu, áp dụng chế độ một giá ở Long An vào những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, ông đã trở thành một trong những người đi tiên phong thời kỳ Đổi mới.

Ông Chín Cần (1924-2016). Ảnh: motthegioi.vn

Sinh thời, ông Chín Cần là một người dám nghĩ, dám làm. Trong cuốn sách “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, GS Đặng Phong đã đề cập đến Long An, một trong những mô hình đi đầu trong Đổi mới, và linh hồn của mô hình này người bí thư tỉnh ủy Long An lúc đó – ông Chín Cần – đã “đặt lại vấn đề một cách táo bạo”: Phải tìm những biện pháp kinh tế chứ không phải hành chính để làm chủ lưu thông, phải nắm cho được hàng và tiền bằng cách cải tiến phương thức mua – bán và bằng giá mua – bán hợp lý. Đây chính là yếu tố cốt lõi để Long An áp dụng chế độ một giá thành công. Ông từng thẳng thắn nói lên quan điểm của mình với lãnh đạo trung ương: “Cơ chế gì tôi không biết, tôi chỉ cần biết tôi phải mua thế nào mà nông dân bán cho tôi, và tôi bán ra thì không lỗ. Các anh giao nhiệm vụ thì tôi cố gắng làm và chấp hành, các anh không cho mua của đồng bào nữa thì chúng tôi cũng chấp hành thôi, nhưng thâm tâm tôi phản đối ý kiến đó…”.

Chính vì quan điểm “làm rồi rút kinh nghiệm, tổng kết để củng cố phương án cho hoàn thiện… làm thử để xem xét kỹ thêm tình hình thị trường giá cả”, ông Chín Cần và các cán bộ tâm huyết ở Long An đã xây dựng, triển khai mô hình Long An thành công và tạo sức lan tỏa trong xã hội. GS Đặng Phong nhận xét, qua báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 năm 1984 bàn về đổi mới cơ chế, kinh nghiệm của Long An được nhiều người coi như “lối ra cho nền kinh tế”. Đây cũng là một trong những cơ sở để một năm sau đó, Hội nghị Trung ương 8 ra Nghị quyết về việc cải cách giá và bù giá vào lương trên phạm vi cả nước.

Có người sau đó đã hỏi ông Chín Cần vì sao lại dám “liều” đi tiên phong, ông trả lời: “Tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Tôi sợ lắm chứ. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, thì tôi sợ nhất là nếu cứ để cho tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất, nên tôi phải nghĩ cách tránh.”

Với cái tâm vì dân và tinh thần táo bạo dám đương đầu với thử thách, ông Chín Cần đã trở thành một người đi tiên phong trong Đổi mới như thế. Sau này, khi đã đảm trách nhiều chức vụ cao cấp, ông vẫn là người lãnh đạo gần dân, vì dân, như PGS. TS Phan Xuân Biên (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhận định trong bài “Ông Chín Cần đổi mới vì dân” (Báo Thanh Niên).

Ông Nguyễn Văn Chính (tên khai sinh là Cao Văn Chánh) sinh ngày 1-3-1924, quê quán xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ông là nguyên ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX; nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An; Khu ủy viên Khu 8, bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN&PTNT); phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó thủ tướng Chính phủ) kiêm chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ); phó trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương; chủ tịch Hội Nông dân VN; huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Kháng chiến hạng Nhì, huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông đã từ trần hồi 16 giờ ngày 29-10-2016 (tức ngày 29-9 năm Bính Thân) tại BV Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.

———————————————————————————

Tài liệu tham khảo:

1. Long An – mũi đột phá vào kinh tế thị trường (Đặng Phong – Ngọc Thanh)

2. “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Đặng Phong)

3. http://thanhnien.vn/thoi-su/ong-chin-can-doi-moi-vi-dan-760707.html

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)