Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói chuyện về cộng đồng “hạt giống đỏ” miền Nam
Cuối tuần này, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh sẽ có buổi nói chuyện về chủ đề “Học sinh miền Nam trong lịch sử Việt Nam”, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thường kỳ nhằm đưa khoa học và nghệ thuật đến gần công chúng do tạp chí Tia Sáng tổ chức.
Tập thể thầy và trò lớp 2 trường Học sinh miền Nam số 18 (1956)
Trong hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt giai đoạn 1954-1975, khoảng 32 nghìn thanh thiếu niên miền Nam đã được đưa ra đào tạo ở miền Bắc để góp sức giải phóng miền Nam và tiếp quản miền Nam sau giải phóng. Cộng đồng “hạt giống đỏ” này được chính quyền ưu đãi và quan tâm đặc biệt , nhưng đồng thời họ cũng phải đối mặt với những nguy hiểm như bị kẻ thù trong nước đầu độc và bị không quân nước ngoài truy sát.
Được nuôi dạy toàn diện hoàn toàn bằng kinh phí nhà nước trong môi trường nội trú, có thời điểm cứ 6,3 Học sinh miền Nam thì có một người lo việc nuôi dạy – một tỷ lệ rất cao trong hoàn cảnh kinh tế và giáo dục của miền Bắc lúc đó.
Nhưng cũng có thời điểm, bộ máy nuôi dạy Học sinh miền Nam bị căng ra quá tải do phải tiếp nhận một lượng học sinh ồ ạt, đến nỗi Bộ Giáo dục phải chính thức đề nghị xin tạm hoãn việc đưa học sinh trong Nam ra trong một thời gian để có thời gian chuẩn bị trường lớp, nhân sự. Đó là vào đầu năm 1974, khi đội ngũ cán bộ quản trị và đời sống bị nhìn nhận là yếu cả về tinh thần trách nhiệm, tư cách đạo đức, và nghiệp vụ nuôi dưỡng; việc cung cấp, vận chuyển, tiếp phẩm thì thất thường và có biểu hiện tham ô.
Bị môi trường sinh hoạt đặc biệt chi phối mạnh mẽ, Học sinh miền Nam nói chung có đời sống tinh thần và tâm lý phức tạp, dẫn tới tập quán ứng xử và cơ chế hành vi nhiều khi trái với thói thường hay phi chính thống. Tinh thần tự do và phong thái vô thần – dấu ấn của cuộc sống tập thể có mức độ bình đẳng giữa các cá nhân khá cao – có thể là mô tả chung nhất về những “hạt giống đỏ” miền Nam, theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. Cũng chính nét tính cách này đã khiến cuộc trở về gia đình của họ sau ngày đất nước thống nhất trở nên “khó khăn và thất bại”: họ bị mâu thuẫn, xung đột với người thân bởi lối sống phóng túng.
Trong buổi nói chuyện do tạp chí Tia Sáng tổ chức, với tư cách là một Học sinh miền Nam, chủ biên quyển Học sinh miền Nam – Tư liệu và Kỷ niệm vừa được NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh sẽ trình bày khái quát và toàn diện về những đặc điểm xã hội-lịch sử thể hiện qua hoàn cảnh, tính cách, số phận của cộng đồng này.
Ông sẽ đặc biệt nhấn mạnh đặc điểm tâm lý của Học sinh miền Nam, điều còn ít được chỉ ra trong các công trình, bài viết về chủ đề này, cũng như phần vỹ thanh liên quan đến số phận của nhiều Học sinh miền Nam sau khi đất nước thống nhất – không chỉ gian nan trong cuộc trở về với gia đình, ngoài xã hội, họ cũng không trở thành những người mà họ được dự kiến phải trở thành bởi cách thức sử dụng cán bộ vẫn theo lối cũ kỹ, đòi hỏi “có thời gian thử thách”.
Những sự kiện mà các công trình, bài viết trước nay về Học sinh miền Nam còn né tránh, như sự kiện xảy ra năm 1968 dẫn đến quyết định các trường Học sinh miền Nam được thành lập từ sau đó chủ yếu được tổ chức theo tiêu chí vùng miền – học sinh miền Trung học riêng, học sinh miền Nam học riêng – cũng sẽ được diễn giả đề cập một cách chi tiết.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) sinh năm 1955, ra Bắc năm 1964, vào học ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, tốt nghiệp năm 1977. Ông chuyên nghiên cứu về văn học sử và văn hóa sử Việt Nam, đồng thời là một trong mười nhà nghiên cứu Việt Nam được Đại học Đài Bắc đưa vào chương trình nghiên cứu Các nhà Trung Quốc học thế giới. Ngoài ra, ông còn là dịch giả nhiều bộ sách về văn học, lịch sử, triết học, y học Trung Quốc. Đã xuất bản gần 100 đầu sách nghiên cứu và dịch thuật.
Thông tin chi tiết:
Thời gian: 14:30 Thứ Bảy, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Địa điểm: Cà phê Trung Nguyên – 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vào cửa tự do