TS Trần Chí Thành được trao tượng Viện sỹ Igor Kurchatov cho những đóng góp trong khoa học hạt nhân
Với những đóng góp cho khoa học hạt nhân, TS.Trần Chí Thành, nhà nghiên cứu về an toàn hạt nhân, đã được ROSATOM trao bức tượng Viện sỹ Igor Kurchatov nhân dịp kỷ niệm 65 năm vận hành Obninsk, nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới
Bà Anna Zykova, đại diện của ROSATOM Đông Nam Á, trao tặng tượng của Viện sỹ Igor Kurchatov cho TS. Trần Chí Thành.
Ngày 24/6, tại Hà Nội, đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) đã trao bức tượng Viện sỹ Igor Kurchatov cho TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) nhằm ghi nhận những đóng góp của anh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tham dự sự kiện có ông Sergey Tanakov, Tham tán Sứ quán Nga tại Việt Nam, và ông Andrey Stankevich, đại diện Rosatom, tại Hà Nội.
Từ lâu, những người làm việc trong ngành hạt nhân Việt Nam và nước ngoài đều hết sức ngưỡng mộ Igor Kurchatov, một trong những người đặt nền móng cho nền khoa học hạt nhân Liên Xô trước đây và Nga sau này. Là học trò xuất sắc của viện sĩ Abram Ioffe, Igor Kurchatov đã được thầy mình tiến cử vào vị trí nòng cốt của chương trình phát triển khoa học hạt nhân khi chưa đầy 40 tuổi. Cùng với nhiều tên tuổi khác của vật lý Xô viết thời đó như Andrei Sakharov, Anatoly Petrovich Alexandrov…, ông đã đem đến nhiều thành công cho đất nước, ví dụ như thiết kế và lắp đặt máy gia tốc hạt đầu tiên của Liên Xô, thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân Obninsk, hoàn thiện và hạ thủy Lenin, tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Nga… Để ghi nhớ công lao của ông, vào năm 1960, “Phòng thí nghiệm số 2 của Viện Hàn lâm Khoa học Nga”, nơi Kurrchatov làm việc nhiều năm đã mang tên ông, Viện nghiên cứu Năng lượng hạt nhân I.V. Kurchatov. Sinh thời, ông từng nói: “Tôi hạnh phúc vì đã được sinh ra ở nước Nga và đã cống hiến toàn bộ cuộc sống của mình cho nền khoa học nguyên tử của Liên Xô! Tôi tin tưởng sâu sắc và chắc chắn rằng nhân dân chúng ta, chính phủ của chúng ta sẽ trao thành tựu của nền khoa học này cho nhân loại”.
Với TS. Trần Chí Thành, từ khi còn theo học công nghệ hạt nhân tại trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI), một trong những trường hàng đầu trong lĩnh vực này của Nga, anh đã hết sức ngưỡng mộ Kurchatov vì tài năng và những gì ông đã cống hiến cho đất nước mình. Câu nói nổi tiếng của Kurchatov “Hạt nhân không phải là một chiến binh mà là một người thợ”, vốn được khắc ở Dubna, đã gợi ý rất nhiều cho anh trong quá trình nghiên cứu và làm việc sau này ở Thụy Điển và Việt Nam. Đây cũng là lý do để anh chọn hướng nghiên cứu về an toàn hạt nhân và có nhiều công bố cũng như tham gia vào các nhóm tính toán an toàn hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân ở Thụy Điển trước khi về nước.
Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, dù ở cương vị nào, anh cũng cố gắng mở rộng mối quan hệ hợp tác, đặc biệt với ROSATOM, để thúc đẩy và triển khai nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam. Việc thực hiện các dự án như vậy không chỉ góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ nghiên cứu mà còn mở rộng hơn những ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Ghi nhận những đóng góp đó, bà Anna Zykova đánh giá, “Là một chuyên gia công nghệ hạt nhân được đào tạo ở Liên Xô trước đây và ngày nay là Liên bang Nga, TS Trần Chí Thành luôn cố gắng vì sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng TS.Trần Chí Thành là một ứng cử viên xứng đáng”.
Phát biểu tại sự kiện, TS.Trần Chí Thành cho biết, Việt Nam đã quan tâm tới nghiên cứu hạt nhân và điện hạt nhân từ sớm. Năm 1956, trong chuyến thăm sang Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy điện nguyên tử Obninsk. GS. Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng đầu tiên của VINATOM, cũng đã quan tâm tới việc phát triển điện hạt nhân ngay từ khi Viện thành lập. “Trong 20 năm gần đây, Việt Nam đã cố gắng để thực hiện chương trình điện hạt nhân, mặc dù hiện nay đang tạm dừng vì một số lý do khách quan. Quan điểm riêng của cá nhân tôi là Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điện hạt nhân vẫn sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề năng lượng trong tương lai, phát triển kinh tế”, anh nói.
Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang tích cực cùng ROSATOM triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân. “Tôi tin rằng dự án này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, đưa ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam lên tầm cao mới, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, và làm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”, TS.Trần Chí Thành cho biết.
Theo KHPT