Tạp chí KHXH&NV: Không thể bình duyệt dễ dãi nếu muốn đạt chuẩn quốc tế

Nếu Tạp chí muốn đạt chuẩn quốc tế thì cần phải thực hiện một quy trình phản biện chặt chẽ và tiếp tục duy trì để đảm bảo nâng cao chất lượng.

“Cho đến nay, vẫn chưa có tạp chí nào trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) của Việt Nam lọt vào danh mục những tạp chí quốc tế uy tín. Vì vậy, Tạp chí KHXH&NV cần phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, thực sự trở thành một diễn đàn trao đổi học thuật, giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới và chất lượng cao của các nền khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước”, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Tổng biên tập Tạp chí KHXH&NV nói trong Đại hội thành lập Chi hội Nhà báo KHXH&NV ngày 14/11.

Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn.

Để đạt được mục tiêu đó, theo các nhà khoa học có mặt tại Đại hội, Tạp chí cần kiên định duy trì sự “khó tính” trong quy trình bình duyệt của mình. “Nếu Tạp chí muốn đạt chuẩn quốc tế thì cần phải thực hiện một quy trình phản biện chặt chẽ và tiếp tục duy trì để đảm bảo nâng cao chất lượng”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, khoa Quốc tế học, trường ĐH KHXH&NV, nói. Mặc dù là “người mới” so với nhiều tạp chí khác trong lĩnh vực KHXH&NV Việt Nam nhưng bốn năm sau khi ra đời, Tạp chí KHXH&NV đã thiết lập được một uy tín nhất định và được giới nghiên cứu trong nước đánh giá “không dễ chen chân” để đăng bài như nhận xét của GS.TS Vũ Dương Ninh. Tạp chí có tỉ lệ từ chối đăng bài cao (lên tới 50 – 60%), có thể thấy rõ nét điều đó trong hai năm gần đây: năm 2018 Tạp chí nhận 119 bài, đăng 29 bài còn từ chối 40 bài; năm 2017 Tạp chí nhận 141 bài, đăng 64 bài, từ chối 50 bài.

Tuy nhiên, tạo dựng “thương hiệu” bằng chất lượng bình duyệt thôi vẫn không đủ, Tạp chí cần đề cập đến các vấn đề chung của các ngành KHXH&NV cũng như có được các tuyến bài hoặc những số chuyên đề dày dặn về những vấn đề đang được giới học thuật quan tâm. Có như vậy, Tạp chí mới đủ sức hút giới nghiên cứu trong nước và quốc tế tham gia thảo luận học thuật, từ đó mới có thêm nhiều nhà nghiên cứu biết đến tên tuổi. Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất: “Chúng ta có thể nhóm các lĩnh vực lại, mỗi lĩnh vực lại chọn ra các chủ đề để làm chuyên đề. Một năm đăng vài số chuyên đề sẽ giúp thu hút sự tranh luận và độc giả dễ theo dõi hơn.”

Để làm được điều đó, các cán bộ làm ở Tạp chí phải thực sự là những người năng động, có khả năng phát hiện vấn đề và đủ sức “va chạm” với giới học thuật. Một cách làm mà các tạp chí quốc tế thường áp dụng là “đại diện của họ rất chăm chỉ đi dự các hội thảo để phát hiện những nghiên cứu thú vị và xuất bản trên tạp chí của họ”, PGS. TS Nguyễn Thị Như Trang, Khoa Xã hội học nói. Đồng tình với ý kiến này, PGS TS Nguyễn Hồng Cổn, Khoa Ngôn ngữ học, đề nghị Tạp chí nên tận dụng các tiến sĩ trẻ từ nước ngoài trở về hoặc các nhà khoa học người Việt đang ở nước ngoài đã có kinh nghiệm công bố và uy tín quốc tế, mời họ tham gia ban biên tập để cùng xây dựng các chủ đề. Đây không phải là điều bất khả thi, bởi trong lộ trình quốc tế hóa của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thì 8 năm qua (2010 – 2018), số lượng công bố ISI/Scopus đã tăng, từ chỗ chỉ có 7 bài báo đã tăng lên 79 bài.

Ngoài ra còn có giải pháp nữa là tạp chí có thể liên kết với các viện, trường trong và ngoài nước để tổ chức các hội thảo, tọa đàm mở rộng các chủ đề thảo luận, đồng thời liên kết với các tạp chí KHXH&NV uy tín của các nước tiên tiến để xây dựng các chuyên đề. Đây cũng là cách Tạp chí đang thực hiện. PGS. TS Phạm Quang Minh cho biết, Tạp chí đang mở rộng hợp tác quốc tế đang thử nghiệm số đặc biệt đầu tiên từ kết quả hội thảo “Global Hồ Chí Minh” diễn ra ở Đại học Columbia, Mỹ. Ngoài ra, Journal of Vietnamese Studies của Đại học Berkeley đã đặt vấn đề hợp tác với mong muốn có được nhiều bài viết chất lượng trong nghiên cứu Việt Nam học từ Việt Nam. 

Để quảng bá Tạp chí ở trong nước, các cử tọa cũng đề xuất phương án Tạp chí KHXH&NV gia nhập hệ thống tạp chí Khoa học Việt Nam Trực tuyến (VJOL) để nhằm mở rộng kênh thông tin quảng bá, vì đây là hệ thống lớn có nhiều tạp chí và độc giả dễ dàng tìm đọc bài trực tuyến.

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)